Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Không ai nhận trách nhiệm vụ Vinalines, tự phê không thành công


Nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Cần kết luận rõ ai thuộc 'một bộ phận không nhỏ' - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nêu.

So với các nghị quyết đã có trước đây đề cập vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi cho rằng, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được toàn Đảng, toàn dân đón nhận, hoan nghênh và trông chờ nhiều hơn cả.
Mọi người hồ hởi, phấn khởi đón nhận, hoan nghênh, nhưng cái chính là mong đợi và trông chờ vào kết quả thực hiện Nghị quyết. 
Sau Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, qua các báo cáo về kết quả bước đầu thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi thấy rất đáng mừng là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành khá công phu, từ các bước chuẩn bị, lấy ý kiến đóng góp cho đến việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tiến hành nhiều ngày liền.
Điều này thể hiện sự thận trọng và quyết tâm cao, biến những mục tiêu đặt ra trong nghị quyết thành hiện thực. Tôi tin rằng, Nghị quyết này sẽ được thực hiện tốt và có hiệu quả, đem lại niềm phấn khởi, tin tưởng cho toàn Đảng, toàn dân. Nhưng cũng cần suy nghĩ thêm như thế nào là có kết quả.
Ai thuộc 'một bộ phận không nhỏ'
Theo tôi, kết quả ở đây không chỉ là kết quả của kiểm điểm, tự phê bình và phê bình dài ngày hay ngắn ngày, mà là phải đi tới kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "Một bộ phận không nhỏ... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc" như Nghị quyết đã nêu. Nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng là Nghị quyết nói là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nhưng khi kiểm điểm thì chẳng có ai nhận là suy thoái cả. Vậy thì trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy thuộc về ai? 
Ông Nguyễn Đình Hương: Phải kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "một bộ phận không nhỏ...". Ảnh: LAD

Đợt kiểm điểm vừa rồi làm khá kỹ lưỡng, có lẽ chưa có cuộc tự phê bình và phê bình nào trước đây làm được như thế. Hầu như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt lên bàn nghị sự tất cả mọi vấn đề. Nhưng qua tự phê bình và phê bình chưa thấy ai chịu trách nhiệm về một số vụ việc nổi cộm như Vinashin, Vinalines.
Tôi nhớ trước đây, có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, gây bất bình trong Đảng, trong nhân dân như vụ Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh hay đường dây 500 kV... chưa cần tổ chức tự phê bình và phê bình mà đã xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo cấp cao có liên quan những sai phạm đó. Phải nói là kỷ luật Đảng hồi đó rất nghiêm.
Hơn 50 năm trước, khi xảy ra việc vỡ đê Mai Lâm ở Hà Nội gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, Bác Hồ đã ngay tức khắc cách chức ông bộ trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó. 
Bây giờ, nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Do đó, cần phải tiếp tục làm rõ, làm cho ra kết quả cụ thể, con người cụ thể. Nếu kiểm điểm mà không ra kết quả cụ thể hay chỉ để rút kinh nghiệm thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.
Đợt kiểm điểm vừa rồi làm rất công phu tuy kết quả chưa rõ, nhưng tôi vẫn tin tưởng là sẽ có kết quả tốt đẹp. Những nhân tố tích cực sẽ chiến thắng áp đảo những phần tử tiêu cực để chứng tỏ Đảng ta đề ra Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng là sáng suốt.
Đừng làm kiểu 'người nhà với nhau'
Hiện tại, các tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc TƯ bắt đầu tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo kế hoạch đã định. Ở cấp này, theo tôi có mấy việc cần lưu ý như sau: Trước hết, cần tập trung làm rõ và khắc phục cho bằng được những khuyết điểm, yếu kém và bất cập trong công tác bố trí cán bộ, nhất là cán bộ ở tầm cấp chiến lược. Thời gian qua, chúng ta đã có những bài học lớn, sâu sắc về lĩnh vực này.
Thứ hai là, cần phân biệt và thấy rõ sự khác biệt giữa đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm. Tự phê bình và phê bình hằng năm là bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề xảy ra trong năm từ chính trị, kinh tế, xã hội đến giáo dục...
Còn đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình này là chỉ tập trung vào công tác xây dựng Đảng mà cụ thể là những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và những vấn đề được nêu trong Nghị quyết. Nếu không nhận thức rõ vấn đề này thì sẽ làm lệch, làm không đúng, không trúng trọng tâm như Nghị quyết đặt vấn đề. Ở các địa phương, các bộ, ngành nên tập trung vào những vấn đề liên quan suy thoái phẩm chất chính trị, về quản lý đất đai, đấu thầu, thực hiện các dự án và tập trung vào công tác bố trí cán bộ với những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tập hợp phe cánh...
Không nên đề cập quá nhiều vấn đề làm loãng hoặc là nhằm né tránh những vấn đề cốt yếu, quan trọng cần được làm rõ. Mặt khác, phải thấy rõ một vấn đề là giữa kiểm điểm tập thể với kiểm điểm cá nhân thì kiểm điểm tập thể là dễ nhất trí, còn kiểm điểm cá nhân là rất khó. 
Vì thế, cần chú trọng làm thật tốt khâu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân thì mới giải quyết được tận gốc những vấn đề đặt ra trong nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết mới có hiệu quả thiết thực, đạt ý nghĩa quan trọng như Nghị quyết đã đề ra.
Thêm một vấn đề cần lưu ý nữa là, trong khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thường hay nể nang theo kiểu "người nhà với nhau" hoặc là tránh né vì lo ngại "đấu tranh thì tránh đâu", rồi sợ mất lòng... Ở các tỉnh, thành phố còn có đặc thù là cuối nhiệm kỳ sẽ có một số người đến tuổi không tái cử cho nên có tâm lý là sắp nghỉ rồi thì tham gia góp ý kiến, phê bình cũng chỉ nên nhẹ nhàng thôi.
Ngược lại, đối với cán bộ thời gian phục vụ còn dài thì lo ngại bị ảnh hưởng cho nên mức độ tự phê bình và phê bình sẽ không cao. 
Thêm một điểm cần chú ý nữa là trong khi thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân, cần hết sức tránh để xảy ra hiện tượng lấy dư luận làm căn cứ để áp đặt, phê bình người khác gây nên những căng thẳng không đáng có trong khi kiểm điểm. 
Mọi thông tin đều phải được điều tra, xem xét và kiểm chứng rõ ràng thì mới đề cập. Có như vậy mới bảo đảm tự phê bình và phê bình đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, về xây dựng Đảng.

Nguyễn Đình Hương (theo Nhân Dân)

Không có nhận xét nào: