Nghệ sĩ Kim Chi: "Chúng mình cưới nhau và em sẽ đi với anh"
nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-02-05-nghe-si-kim-chi-ky-uc-chien-truong-trong-lua-dan
Năm 1963, khi Hồng Sến nói cho người yêu biết anh nhận được lệnh đi B. Kim Chi đã đưa ra quyết định mạnh mẽ và dứt khoát: "Chúng mình cưới nhau và em sẽ đi với anh!"
Em sẽ đi với anh!
Tôi đến thăm nghệ sĩ Kim Chi trong căn hộ mới gần Hồ Tây vào một sáng ửng bạc trong làn gió mỏng manh. Qua cửa sổ nhìn những tia nắng chậm di chuyển trong sớm mai, tựa như cây cầu thời gian mờ ảo nối lại và gọi về biết bao kỷ niệm nhớ nhung da diết. Nhớ Cửu Long giang với những cơn gió trên bờ sông hun hút thổi dài đã nuôi dưỡng trong bà từ tấm bé một tâm hồn giàu tình cảm và nhân hậu đến lạ. Bằng lời nói dịu dàng âm sắc Nam Bộ, cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa mà giản dị cứ cuốn hút tôi.
Tôi đến thăm nghệ sĩ Kim Chi trong căn hộ mới gần Hồ Tây vào một sáng ửng bạc trong làn gió mỏng manh. Qua cửa sổ nhìn những tia nắng chậm di chuyển trong sớm mai, tựa như cây cầu thời gian mờ ảo nối lại và gọi về biết bao kỷ niệm nhớ nhung da diết. Nhớ Cửu Long giang với những cơn gió trên bờ sông hun hút thổi dài đã nuôi dưỡng trong bà từ tấm bé một tâm hồn giàu tình cảm và nhân hậu đến lạ. Bằng lời nói dịu dàng âm sắc Nam Bộ, cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa mà giản dị cứ cuốn hút tôi.
Kim Chi sinh tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, 5 tuổi đã theo ba vô bưng biền kháng chiến. 11 tuổi, tổ chức đưa cô cùng hai anh trai lên tàu tập kết ra Bắc. Năm 1959, cô trúng tuyển vào học khóa I trường Điện ảnh. Trong thời gian học ở Trường Điện ảnh Hà Nội, Kim Chi quen biết với Hồng Sến, sau này ông trở thành đạo diễn nổi tiếng, đã từng quay bộ phim "Nước về Bắc Hưng Hải" đoạt Huy chương vàng Liên hoan phim Quốc tế đầu tiên tại Matxcova.
Bà Kim Chi hiện nay (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Hai người con của Nam Bộ đã trở thành một đôi uyên ương lý tưởng. Kim Chi tốt nghiệp lớp diễn viên diện ảnh khóa I năm 1962 và được phân công về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Một ngày thu năm 1963, Hồng Sến đưa Kim Chi đi chơi ở vườn Bách Thảo. Giọng trầm lặng, buồn buồn, anh nói cho người yêu biết anh nhận được lệnh đi B. "Anh được đi B à?" Kim Chi bình thản hỏi lại. Hồng Sến vẫn giọng đều đều: "Anh đi không biết bao giờ quay ra được. Chiến tranh còn kéo dài và rất ác liệt... hay là từ nay chúng mình để cho nhau được tự do...".
Kim Chi ứa nước mắt. Nhưng chỉ vài giây sau cô đã đưa ra quyết định mạnh mẽ và dứt khoát: "Chúng mình cưới nhau và em sẽ đi với anh!" Bây giờ là lúc Hồng Sến phải ngạc nhiên: "Đi với anh? Vào trong đó em làm gì được? Không có phim cho em đóng. Chiến tranh, không biết sống chết lúc nào..."
"Không đóng phim em sẽ múa, sẽ hát, sẽ biểu diễn sân khấu cho bộ đội và nhân dân miền Nam. Em cũng muốn quay trở về quê hương mình sau từng ấy năm xa cách. Em cũng muốn về thăm lại anh trai và má... Hơn nữa em rất muốn về để được viếng mộ ba..."
Đám cưới của đôi bạn trẻ được quyết định tổ chức nhanh chóng và giản dị cùng sự chứng kiến của bạn bè. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nồng cháy với người bạn đời và nỗi lòng sâu nặng với quê hương, Kim Chi làm đơn xin tình nguyện vào chiến trường.
Hùm xám miền Tây
Ngược dòng thời gian, người ta dễ dàng hiểu được quyết định mạnh mẽ của Kim Chi. Vào chiến trường, nghĩa là về với quê hương, nơi Kim Chi sẽ gặp lại gia đình và viếng mộ ba.
Ba của Kim Chi, một chiến sĩ kiên cường mà ngay cả súng đạn chẳng khuất phục nổi hay vinh hoa phú quý cũng không mua chuộc được ông. Thực dân Pháp khiếp sợ phải tôn vinh ba Kim Chi, ông Nguyễn Duy Cúc, người lãnh đạo kháng chiến những ngày đầu tại tỉnh Kiên Giang là "Con hùm xám miền Tây Nam Bộ".
Sau đó ông là Tỉnh ủy viên phụ trách ngành Tòa án kháng chiến tỉnh Long Châu Hà (Long An - Châu Đốc - Hà Tiên). Chúng treo giải thưởng kẻ nào cắt được đầu Nguyễn Duy Cúc sẽ được thưởng 1.000 đồng, còn kẻ nào bắt sống ông sẽ được thưởng 3.000 đồng tiền Đông Dương. Kim Chi lên 10 tuổi, ba vĩnh viễn không bao giờ trở về khi ngày chiến thắng thực dân Pháp đã gần kề.
Bà Kim Chi với anh hùng Nguyễn Thị Định, Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tròn 10 năm ngày ba vĩnh viễn nằm lại núi Ba Thê, Kim Chi vẫn không thôi nguôi nhớ về ba, nhớ về dòng nước U Minh đỏ như nước trà pha đậm. Nơi đó, các chú đã cất cho bốn ba con Kim Chi một căn nhà nhỏ lợp lá dừa nước nằm dưới những tán cây tràm cổ thụ lúc nào cũng mát rười rượi.
Tuổi 20 tim dào dạt máu
Nhưng đơn xin tình nguyện đi vào Nam của Kim Chi không được chấp nhận. Cô nhờ nhà thơ Bảo Định Giang đưa lên tận Ban Tuyên huấn Trung ương gặp chú Lành - nhà thơ Tố Hữu là Trưởng ban: "Tại sao chú cũng đã từng qua tuổi 20, chú lại có bài thơ Tuổi hai mươi: Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu/ Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão. Vậy mà chú lại ngăn không cho cháu ra trận?".
Cuối cùng, với tấm lòng thiết tha và lý lẽ sắc sảo của mình, Kim Chi làm chú Lành cảm động. Nhà thơ Tố Hữu đồng ý để Kim Chi đi cùng đoàn điện ảnh vào Nam. Vậy là Kim Chi trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường Sơn đi B vào đầu năm 1964.
... Núi mỗi ngày mỗi cao, đường mỗi ngày một khó đi. Cái hùng vĩ của Trường Sơn như muốn thử thách bản lĩnh và ý chí của Kim Chi khi bà tự nguyện đặt lên vai mình một trách nhiệm của tuổi trẻ. Hồng Sến bị sốt rét ác tính phải nằm lại ở Mã Đà. Kim Chi chăm sóc chồng suốt một tháng ròng. Mạo hiểm nhưng không hề liều lĩnh. Kim Chi tự nhủ. Gánh nặng tự đặt lên vai mình rồi sẽ vượt qua, chủ yếu là con người ta có đủ lòng tin và can đảm để đi tiếp những khó khăn đang đợi chờ trước mặt hay không?
Suốt một tháng được bàn tay chăm sóc của Kim Chi, Hồng Sến cắt cơn sốt, hai vợ chồng trẻ lại tiếp tục hành trình đuổi theo đoàn điện ảnh. Sau 4 tháng vượt núi băng rừng, trèo qua đèo cao vực thẳm, đội trên đầu mưa bom bão đạn, đoàn điện ảnh gồm: Mai Lộc, Vũ Sơn, An Sơn, Nguyễn Văn Của... vào đến căn cứ.
Gương mặt thanh tú với đôi mắt mê hồn và nụ cười thánh thiện mà biết bao người ước muốn thường xuất hiện trên bìa lịch mỗi độ Tết đến xuân về nay rời xa ống kính máy quay và ánh đèn sân khấu để ra mắt trực tiếp đồng bào và chiến sĩ trong rừng sâu, trong mưa đạn, thậm chí ngay cả trong các ấp chiến lược. Những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ là kỷ niệm khó quên đối với nghệ sĩ Kim Chi. Bà luôn có mặt ở mọi nơi, dù là bom đạn khốc liệt để đem đến những vai diễn, đem lời ca tiếng hát động viên tinh thần các chiến sĩ.
Là một diễn viên đa năng vừa dẫn chương trình, vừa tham gia diễn xuất trong 20 vở kịch tiêu biểu như: Trận đấu thầm lặng, Diễn viên không chuyên nghiệp, Chứng chỉ sức khoẻ, Cái ghế, Múi thép, Người con gái đất đỏ... Kim Chi lúc này mang bí danh là Hồng Anh đã có những vai diễn khắc sâu trong ký ức của biết bao nhà trí thức lớn của đất nước như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, cô Ba Nguyễn Thị Định... cũng như biết bao cán bộ Trung ương Cục miền Nam, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam.
Kim Chi (Trái) cùng đội văn công giải phóng, Ảnh nhân vật cung cấp |
Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa - Bộ trưởng Y tế Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã khóc khi xem"Chứng chỉ sức khoẻ". Bà như được sống lại với chính quãng đời mình đã trải qua. Kim Chi còn tham gia lãnh đạo công tác Đoàn Thanh niên, công tác hội Phụ nữ... Chiến tranh kết thúc hơn 30 năm, nay có người đang giữ trọng trách quốc gia, có người đã trở về với đời thường nhưng tình cảm họ dành cho Kim Chi - Hồng Anh vẫn luôn nồng ấm.
Thực tế chiến trường gian khổ, nhiều lúc máy bay B52 dội bom trải thảm xuống cứ. Những lúc đó ai cũng sẵn sàng hy sinh. Nhưng bom đạn lại "chê" không đụng đến "người đẹp rừng xanh".
Có hôm bà bị sốt rét phải đưa vào nằm viện điều trị nhưng đoàn văn công giải phóng lại có buổi biểu diễn. Vai chính hôm đó không thể có ai thay thế Hồng Anh được. Bà rời giường bệnh xuất viện trong khi còn đang sốt, anh em phải dìu đến nơi để lên sân khấu diễn. Lạ thay, khi nhập vai, bà quên hẳn cơn sốt đang hành hạ. Chỉ đến khi diễn xong, bà lại sốt đùng đùng, anh em lại phải dìu mấy tiếng đồng hồ mới về đến cứ.
Ba mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, một phóng viên nước ngoài được Cục Đối ngoại văn hóa - Bộ Văn hóa Thông tin giới thiệu phỏng vấn Kim Chi. Bà và anh chị em văn công giải phóng cùng thời được gọi chung một cái tên "cánh hoa rừng miền Đông" từng chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mỹ.
"Thưa bà, tại sao một người đẹp như bà lại đi vào rừng chịu đựng gian khổ suốt cuộc kháng chiến?".
Kim Chi nở nụ cười thân thiện đáp lời: "Bởi vì những chiến sĩ của chúng tôi đang chiến đấu để giành lại thống nhất của dân tộc tôi, họ cần có nguồn động viên về tinh thần".
"Vậy ai sẽ động viên lại tinh thần cho bà?". Theo rung động và nhịp đập của trái tim đã mách bảo bà từ thời thanh nữ, Kim Chi ôn tồn trả lời câu hỏi hóc búa của vị ký giả đặt ra: "Thì chính họ đó anh, những người lính, những đồng đội của chúng tôi, là nguồn động viên tinh thần lại cho tôi".
Nghệ sĩ Kim Chi khẽ lật giở từng tấm ảnh kỷ niệm chiến trường. Với bà, mỗi tấm ảnh là từng dòng ký ức thời gian được hé mở. Lúc này, từng kỷ niệm về cuộc trường chinh với đôi bàn chân vượt qua bao núi cao rừng thẳm, gương mặt sáng như trăng rằm đã hứng chịu biết bao nắng gió của Trường Sơn ngút với ngàn, hiển hiện rõ trong tâm trí bà, hơn 40 năm mà như mới xảy ra ngày hôm qua vậy.
1540. Nghệ sĩ Kim Chi ‘Từ chối lời khen của Thủ tướng Dũng’
Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2013/01/10/1540-nghe-si-kim-chi-tu-choi-loi-khen-cua-thu-tuong-dung/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét