(leanhxuan)
Vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại tiên lãng, Hải Phòng:
Hải Phòng phải xin lỗi nhân dân cả nước
(Dân Việt) - Nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng nhấn mạnh: Hải Phòng phải xin lỗi nhân dân cả nước vì đã để nhân dân mất lòng tin vào chính quyền cơ sở.
Thưa ông, qua vụ việc tại Tiên Lãng và mới nhất là việc Thành uỷ Hải Phòng ra quyết định đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ có liên quan, ông đánh giá thế nào về động thái này?
- Động thái của Hải Phòng thể hiện rằng Hải Phòng sớm nhận ra vấn đề cần sửa chữa theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực ra việc này không cần Chính phủ nhúng tay vào mà nếu Hải Phòng chủ động, tích cực thì cũng sẽ làm được như thế.
Về vụ việc ở Tiên Lãng, tôi không phán xét đúng sai, việc xử lý như vậy đã đủ hay chưa đủ vì đó là của các cơ quan chức năng, của các cấp có thẩm quyển. Kết luận cụ thể thế nào hạ hồi phân giải.
Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đã làm dư luận bức xúc. |
Nhưng ở đây, tôi xin khẳng định, để vụ việc xảy ra, lỗi đầu tiên phải thuộc về cơ quan công quyền địa phương (ở đây là huyện Tiên Lãng và cả TP Hải Phòng). Và đã có lỗi thì phải xin lỗi, xin lỗi nhân dân cả nước chứ không phải xin lỗi ông Đoàn Văn Vươn, vì ông Vươn đã có những sai phạm phải xử lý trước pháp luật… Lỗi thể hiện ở chỗ họ đã làm mất lòng tin của nhân dân với chính quyền cơ sở. Nhưng quan trọng hơn là đã không làm sáng rõ được quan điểm của Đảng ta về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Ngược lại, các cơ quan công quyền cấp TƯ cũng phải “cám ơn” Hải Phòng vì nhân có vụ việc này mà chúng ta có dịp xem xét lại, tìm hiểu lại các cơ chế, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan tới đất đai, tìm ra đúng sai chỗ nào để điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn của đất nước trong tiến trình đổi mới.
Hay cũng có thể nói, đây là một bài học “tái ông thất mã” điển hình!
Ông cũng nói rằng trước bất cứ vấn đề gì, dù khó khăn phức tạp mấy mà cán bộ có tâm, chịu khó suy nghĩ, trăn trở thì sẽ tìm ra giải pháp phù hợp để xử lý?
- Đúng vậy, vụ việc này thể hiện rằng nhiều cán bộ chính quyền còn lười suy nghĩ để tìm ra giải pháp. Bác Hồ đã dạy - cán bộ là công bộc của dân, suốt đời vì dân, trung thành với dân… - việc xử lý vấn đề bức xúc trong đời sống XH giữa nhân dân và nhà nước hay giữa các tổ chức chính trị XH với nhân dân hoặc giữa nhân dân với nhân dân thì phải đảm bảo sao cho vừa ích nước vừa lợi nhà. Nếu cán bộ mà không làm được như thế phải xem xét tư cách, cách hành xử của chính bản thân mình. Sự việc vừa qua không chỉ là bài học riêng của Hải Phòng mà còn cho rất nhiều địa phương khác bởi những vụ việc tương tự vẫn còn ở nhiều nơi trong cả nước.
Tôi cũng muốn nói thêm, trong XH chúng ta, có một số nhóm dân cư cần phải đặc biệt quan tâm, đó là: Nhóm lao động trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp (nông dân); nhóm lao động trực tiếp trong các cơ sở công nghiệp; binh sỹ, hạ sỹ quan quân đội, công an vũ trang ở vùng biên giới hải đảo… đó là những nhóm dân cư nghèo khó nhất trong XH hiện nay. Với tầng lớp nghèo khó nhất mà anh xử sự như vừa qua thì không còn đáng là công bộc của dân nữa!
Qua vụ việc này, theo ông cần rà soát lại những bất cập nào trong chính sách, chủ trương về sử dụng đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp?
- Khi giao đất cho Đoàn Văn Vươn thì chưa có Luật Đất đai. Khi thời hạn giao chưa hết thì đã có Luật đất đai, như vậy phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp thì phải tính toán rất kỹ. Ví như phải xem xét toàn bộ công lao của người dân, biến công lao đó thành một giá trị cụ thể để khi cho thuê đất có tính cả giá trị đó. Hoặc khi cho thuê đất lại nhưng phải tính giá trị đất đó như vùng đất thời chưa được khai hoang phục hoá thì mới hợp lý, vì người ta đã bỏ bao nhiêu công sức, tiền của vào đó để biến vùng đất hoang thành trù phú như vậy giờ. Chứ nếu tính đất đó với giá trị đã có để cho thuê với giá cao là không được.
Quan điểm của ông khi giải quyết những vụ tranh chấp kiểu này như thế nào, thưa ông?
- Phải coi trọng tính hoà giải trong xử lý xung đột giữa người dân với người dân, người dân với chính quyền. Phải đảm bảo hài hòa lợi ích của hai bên và có tính tới yếu tố đảm bảo ổn định chính trị, xã hội và sự phát triển của đất nước.
Cũng cần phải hiểu bản thân sự hoà giải không phải là sự cân bằng giữa hai bên mà sẽ có bên thiệt, bên không, nhưng trên cơ sở thấu tình đạt lý thì vẫn được. Có khi người dân sẽ bị thiệt một chút, nhưng nếu anh để họ thấy cái thiệt đó là vì lợi ích quốc gia thì họ sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân, như ngày xưa họ đã từng hi sinh cho đất nước trong thời chiến.
Bài học nào cần rút ra từ vụ việc tại Tiên Lãng, thưa ông?
- Đó chính là phải phát huy tối đa quyền dân chủ của nhân dân. Ở đâu cơ sở Đảng, tổ chức Đảng yếu kém thì ở đó lòng dân không yên, ở đó có khiếu kiện, có phản ứng tiêu cực của dân với chính quyền. Cũng may là hiện giờ dân vẫn còn lòng tin vào Đảng, vẫn còn tìm đến các cơ quan công quyền để mong có được công lý.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét