Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Quân đội để đánh giặc giữ nước.

NGUYÊN CHỦ TỊCH NƯỚC LÊ ĐỨC ANH:
“Quân đội phải bảo vệ dân, giúp dân… chứ không phải đi tham gia cưỡng chế”
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một trong những người lên tiếng đầu tiên phê phán chính quyền huyện Tiên Lãng trong việc cưỡng chế, thu hồi khu vực đầm nuôi thuỷ sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Từ vụ Đoàn Văn Vươn

Qua theo dõi diễn biến vụ việc cho đến nay, Đại tướng tỏ ý không hài lòng khi nhiều lãnh đạo chính quyền huyện Tiên Lãng chưa nhận thức được việc làm sai trái của mình. Ngày 7.2, ông đã trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị.

Thưa Đại tướng, Đại tướng nhận định thế nào về quyết định của Thành uỷ Hải Phòng đã cho tạm đình chỉ chức vụ một số cán bộ có sai phạm và yêu cầu kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện uỷ và nhiều cá nhân liên quan trong việc thực hiện cưỡng chế?

Đại tướng, nguyên Chủ tịch nơớc Lê Đức Anh: “Quân đội phải bảo vệ dân, giúp dân… chứ không phải đi tham gia cưỡng chế”. Ảnh: VNN

Đây là các quyết định đúng đắn mà đông đảo nhân dân và cả cá nhân tôi trông đợi. Dù chưa trực tiếp đi xuống hiện trường nhưng tôi đã theo dõi, nắm bắt, tìm hiểu vụ việc ngay từ đầu và biết chắc rằng, chính quyền huyện Tiên Lãng đã làm sai với mức độ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản của công dân và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước. Tôi mong là, sau quyết định này, Chính phủ, các bộ ngành, UBND và Thành uỷ TP Hải Phòng tiếp tục xem xét, xử lý đến nơi, đến chốn các tập thể, cá nhân có sai phạm không chỉ ở huyện Tiên Lãng, ở xã Vinh Quang mà cả ở cấp chính quyền thành phố để sớm đem lại niềm tin của nhân dân. Tôi cũng cho rằng, nếu chính quyền đã làm sai thì sau đây cũng phải tổ chức sửa sai, đền bù thiệt hại về vật chất và cả tinh thần cho gia đình công dân Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý.

Theo Đại tướng, thì việc thu hồi đất ở đây có biểu hiện không minh bạch gì?

Tôi nghĩ là có vấn đề lợi ích cá nhân trong đó. Ban đầu thì trả lời báo chí, có người trong chính quyền huyện thì bảo là làm sân bay. Sau thì lại thấy chính ông chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng bảo để giao cho những người di cư đến. Đó là trả lời vòng vo. Tại sao không giao cho chính người đang khai thác làm khi người ta đã bỏ bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt để khai phá, hình thành lên?

Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng, thành uỷ Hải Phòng làm rõ ba nội dung trong đó cả việc đúng sai, ai chủ trương trong việc tổ chức cưỡng chế, thu hồi lại đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đại tướng có quan điểm gì về việc tổ chức cưỡng chế này, nhất là việc tham gia cưỡng chế có sự tham gia của cả lực lượng quân sự?

Tham gia lực lượng cưỡng chế có cả công an, bộ đội...

Cưỡng chế anh này để giao cho anh khác như vậy là hoàn toàn sai trái. Còn sự tham gia của lực lượng quân đội ở đây cũng sai. Bộ đội của ta là của dân, do dân, vì dân mà lại đi tham gia cưỡng chế. Lẽ ra trong trường hợp này, bộ chỉ huy quân sự huyện phải báo cáo với bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng. Thế mà khi xảy ra sự việc, bộ chỉ huy quân sự thành phố không biết thì là anh quan liêu. Anh là chỉ huy mà anh còn không biết cấp dưới, người của anh làm gì thì khi giặc đến thì anh làm thế nào? Bộ đội, thì nhiệm vụ trước tiên, hàng đầu của anh là chống giặc ngoại xâm, thứ hai mới là giúp dân và thứ ba là tham gia sản xuất. Đây anh lại không bảo vệ cho dân làm ăn lại tham gia cưỡng chế dân. Đây là một sai lầm mà trong lịch sử đất nước ta chưa từng có.

Quyết liệt chỉnh đốn Đảng

Thưa Đại tướng, qua một vụ việc như thế này, nếu như Trung ương, Chính phủ không quyết liệt chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ ở chính quyền cơ sở nó có nhanh chóng dẫn đến sự đổ vỡ, mất lòng tin của người dân vào Đảng, bộ máy Nhà nước?

Tôi nghĩ là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiểu hết, các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị đều trúng hết. Nhưng vấn đề ở chỗ phải làm, phải gương mẫu để ở dưới cơ sở, cán bộ cấp xã trưởng, thôn trưởng cũng gương mẫu, làm đúng. Người dân sẽ giám sát rất kỹ. Lãnh đạo có gương mẫu thì cấp dưới, người dân mới tin. Khi tổng kết cuộc vận động học và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nói làm tốt, có chuyển biến mạnh nhưng đấy, thực tế Hải Phòng gần Trung ương mà làm như thế.Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, cán bộ, công chức là công bộc của dân. Cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì hại cho dân phải tránh nhưng thực tế có làm được như vậy không?

Ở những trường hợp như thế này, như vụ cưỡng chế, thu hồi đất với nhà ông Đoàn Văn Vươn thì họ đã làm trái, không thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch. Chúng ta thấy ở đây hiện tượng bao che cho nhau. Cho nên, nếu làm quyết liệt, có thể truy tố cả những cá nhân chủ trương, thực hiện phá nhà của công dân Đoàn Văn Vươn vì đây có thể nói là tội phạm, tội phá hoại tài sản của công dân. Tôi cho rằng, nếu chính quyền huyện thật sự biết nhận sai, nhận khuyết điểm sớm vụ này còn được nhẹ tội.

Đáng chú ý là trong vụ việc này, ngay cả Mặt trận tổ quốc ở huyện Tiên Lãng và cả Mặt trận tổ quốc cấp xã cũng cho rằng chính quyền huyện làm đúng, trong khi đây là cơ quan giám sát của dân?

Không chỉ có Mặt trận tổ quốc mà các đại biểu Quốc hội của Hải Phòng từ Tiên Lãng đến thành phố đã ở đâu? Vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp cơ sở, của thành uỷ Hải Phòng ở đâu trong trường hợp này? Nếu Đảng cũng làm sai thì còn đâu là Đảng nữa. Tất cả đều học tập, nắm bắt nội dung nghị quyết của Đảng hết nhưng hãy xem việc làm thế nào? Có nhiều ý kiến đã đánh giá là Thủ tướng vào cuộc, chỉ đạo kịp thời việc này… nhưng tôi chưa có ý kiến gì, hãy để xem Thủ tướng làm như thế nào.

Thưa Đại tướng, Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành nghị quyết Trung ương 4, trong đó nêu rõ việc đảng viên phải nâng cao tinh thần phê và tự phê. Ở các cấp chính quyền cơ sở, như ở huyện Tiên Lãng, có lẽ yêu cầu phê và tự phê với đảng viên là chưa đủ mà cần phải tăng cường kiểm tra, chỉnh đốn tổ chức Đảng ở cơ sở đó?

Tôi cho là nghị quyết rất đúng nhưng vấn đề là trong việc tổ chức thực hiện thì Bộ Chính trị, Tổng bí thư phải chỉ huy quyết liệt thực hiện. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh gian khổ giữa tư tưởng vì nước, vì dân với tư tưởng cá nhân, tư tưởng chỉ biết lo cho cá nhân. Phải thực sự quyết liệt. Chủ nghĩa cá nhân bây giờ ngày càng lấn lướt hơn cho nên càng phải nghiêm minh hơn, với chính bản thân và với cấp dưới. Lâu nay ta cũng đã nói phê và tự phê nhưng nói rồi, đâu lại vào đấy. Phải tăng cường kiểm tra, xử lý kỷ luật hơn. Thời tôi còn đương chức, khi đi kiểm tra cơ sở, nếu thấy cấp dưới thiếu trung thực, làm sai thì cho nghỉ bằng cách cách chức hoặc hạ cấp; khai trừ khỏi Đảng căn cứ theo các quy định, trình tự xử lý của cấp uỷ.

Theo đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, có thể truy tố cả những cá nhân chủ trương, thực hiện phá nhà của công dân Đoàn Văn Vươn vì đây có thể nói là tội phạm, tội phá hoại tài sản của công dân.

Sửa đổi luật

Từ vụ việc này, theo Đại tướng, phải sửa đổi các quy định của luật Đất đai, thậm chí cả quy định về quyền sở hữu đất đai trong Hiến pháp như thế nào để bảo vệ quyền sở hữu chính đáng của người dân?

Nhà nước cũng đã có những quy định rõ ràng về các quyền về đất đai của người dân. Tuy nhiên, khi Nhà nước cần xây dựng các công trình quan trọng như đường sá, sân bay, bến cảng… thì Nhà nước phải thu hồi. Nhưng dù như vậy, cũng cần phải thông báo trước cho người dân ít nhất một năm. Sau đó phải kiểm kê, định giá tài sản đầy đủ để đền bù cho họ thoả đáng, rõ ràng.

Theo tôi nên sớm phải nghiên cứu để sửa đổi luật, thậm chí sửa cả quy định trong Hiến pháp nếu cần, cho cụ thể, rõ ràng hơn. Chứ hiện nay, cứ thu hồi rồi để bỏ không là không được, mà có thu hồi rồi thì phải làm sao sử dụng cho có hiệu quả cho xã hội, cho đất nước. Người dân chắc chắn không hài lòng với kiểu thu hồi rồi bỏ không hoặc thu hồi, đền bù với giá rẻ rồi làm dự án, bán hàng chục, hàng trăm triệu/m2. Ngay cả những nơi, những diện tích đất của các khu kinh tế, của doanh nghiệp mà đang bỏ hoang thì nên thu hồi, hoặc giao lại cho người dân sử dụng.

Tôi muốn nhấn mạnh, lưu ý hơn đến những trường hợp người dân đã khai hoang, lấn biển, chí thú làm ăn như công dân Đoàn Văn Vươn thì dù đất giao có hết hạn sử dụng đi chăng nữa thì cũng nên tiếp tục giao cho họ để họ làm ăn. Họ làm và nộp thuế cho Nhà nước. Thu hồi để làm sân bay, bến cảng thì được nhưng phải đền bù thoả đáng nhưng ở trường hợp này, theo tôi, nếu có thu hồi làm sân bay thì đó cũng không phải là thẩm quyền của UBND huyện Tiên Lãng.

Còn quy định trong Hiến pháp thì nói sở hữu toàn dân về đất đai, từ trước đã nói là không sai. Nói sở hữu toàn dân nhưng phải có người quản lý thì quy ra là của Nhà nước hết. Nhưng thực tế, mỗi người dân phải được quản lý lâu dài đất đai của mình, phải có trách nhiệm nên họ có quyền sử dụng, quyền bàn giao cho thế hệ sau, có tính kế thừa, rồi có các quyền chuyển nhượng. Nhà nước chỉ điều hành các quyền đó chứ không phải muốn cho ai thì cho, muốn thu của ai thì thu.
Cho nên, nếu sửa đổi quy định về sở hữu đất đai trong Hiến pháp thì tôi nghĩ là sửa cho cụ thể hơn. Tôi có nghe quý 3 năm nay, Chính phủ tiến hành nghiên cứu, xem xét sửa luật Đất đai thì tôi mong là sửa thế nào để đảm bảo các quyền đó của người dân chứ không phải dân có quyền đó rồi mà muốn lấy thế nào thì lấy; đảm bảo khi cần thiết phải lấy đất làm các công trình quan trọng thì cũng phải đảm bảo đền bù cho người dân thoả đáng.Cám ơn Đại tướng.

Theo Mạnh Quân (SGTT) thực hiện

Không có nhận xét nào: