Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Hỡi các công bộc của dân hãy một lần trung thực, dân ta rất nhân từ.

4 khuất tất cần phải làm rõ
Theo Dân Việt, liên quan đến vụ cưỡng chế đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, vẫn còn 4 khuất tất cần được làm rõ trước ngày Thủ tướng chủ trì cuộc họp giải quyết những vấn đề nổi cộm.
Vẫn còn 4 khuất tất trong vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng cần phải làm rõ.

1. Theo Luật Đất đai 1987, Luật Đất đai 1993 và tương tự như vậy là Luật Đất đai 2003 cũng đều cho phép điều chỉnh nhóm đất này theo các quy định riêng của Chính phủ. Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 64/1993 và các NĐ sửa đổi, bổ sung sau đó như NĐ 85/1999 và NĐ 04/2000 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Như vậy, việc ông Đoàn Văn Vươn được giao 40,3ha đất (trong 2 lần 1993 và 1997) là hoàn toàn hợp pháp theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Thành ủy Hải Phòng vẫn đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang Bộ Tài Nguyên - Môi trường mà không dám kết luận là khuất tất thứ nhất.

Khuất tất ở đây còn được hiểu là việc cưỡng chế khu đầm của ông Vươn không phải huyện Tiên Lãng tự ý làm, mà đã đã có báo cáo với lãnh đạo thành phố Hải Phòng và được chính quyền thành phố Hải Phòng "bật đèn xanh"… cho cưỡng chế.

2. Sau nhiều năm cải tạo, be bờ, đắp đập và khai thác nuôi trồng thủy sản, ông Đoàn Văn Vươn cùng các chủ đầm khác đã biến khu vực bãi bồi ven biển xã Vinh Quang từ đất thuộc nhóm chưa sử dụng trở thành đất nông nghiệp nuôi trồng thủy sản.

Đến lúc này, phải khẳng định khu đầm nhà ông Vươn và các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp, không thuộc nhóm đất chưa sử dụng nữa. Nhưng UBND huyện Tiên Lãng vẫn muốn mang các quy định đối với nhóm đất chưa sử dụng để điều chỉnh đối với khu đầm vùng Vinh Quang là không phù hợp pháp luật...

Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, chính quyền huyện Tiên Lãng cho rằng thu hồi để giao cho chính quyền xã Vinh Quang quản lý (mà Chủ tịch xã Vinh Quang lại là em trai ông Chủ tịch huyện) do đó việc chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang sau khi thu hồi khu đầm của ông Vươn và các chủ đầm khác tại đây, để mang ra đấu thầu, lợi thế nào, thuộc về ai chắc không cần phải nói ra, ai cũng biết..

Thế nhưng, Thành ủy Hải Phòng vẫn chỉ kết luận một cách chung chung: "Chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai". Đó là khuất tất thứ 2.

3. Sau khi Đoàn cưỡng chế thực hiện cưỡng chế xong đã giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý. Cơ quan này đã cho lực lượng công an xã đóng chốt 24/24 giờ tại trụ sở cũ của Tổng đội Thanh niên xung phong, ngay tại vị trí trên con đường độc đạo vào khu đầm của Đoàn Văn Vươn. Không một người lạ mặt nào có thể vào khu đầm này.

Theo báo cáo của PV Báo NTNN, 2 ngày sau vụ cưỡng chế, một số nhà báo (trong đó có PV của NTNN) có mặt tại khu vực trên đê quốc gia, cách nhà anh Vươn hơn 500 mét, còn bị đe dọa "đánh chết", không được tác nghiệp. Và theo tố cáo của nhân chứng, thì việc phá và san phẳng nhà ông Quý trên phần đất nhà ông Vươn là do lãnh đạo huyện và xã thuê.

Thế nhưng, hơn một tháng trôi qua, không một lãnh đạo nào của Hải Phòng chỉ đạo điều tra, thậm chí Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng còn cho rằng, huyện nói do dân bức xúc nên tự phá. Còn trước đó thì ông Hiền - Chủ tịch huyện lại nói, do nhà đó là nơi trú ẩn của tội phạm nên phá.

Thông tin trái chiều đã nói lên những hành vi sai phạm đang bị bưng bít thông tin. Mặc dù dư luận bức xúc, nhưng cơ quan công an vẫn im hơi, lặng tiếng. Giám đốc Công an Hải Phòng còn tự hào: Đó là một trận đánh đẹp, có thể viết thành sách (?!). Và chỉ sau khi Thành ủy Hải phòng chỉ đạo ngày 7.2, hôm qua (8.2) cơ quan công an mới khởi tố vụ án. Vậy đằng sau việc chậm trễ khởi tố vụ án này là gì? Đó là khuất tất thứ 3 chưa được làm rõ.

4. Mặc dù gia đình ông Vươn đã có đơn xin thuê đất (PV Báo NTNN đang có trong tay tài liệu này) nhưng không được chấp nhận, chứ không phải như lãnh đạo huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng báo cáo là nhà ông Vươn chỉ muốn được giao đất chứ không muốn thuê đất. Khi đơn từ không được giải quyết, Đoàn Văn Vươn đã phải cậy nhờ tới tòa án.

Tòa án huyện bác đơn kiện, họ đã kiên trì cậy nhờ đến TAND TP. Tòa án thành phố ra biên bản hòa giải thành. Tại biên bản này, Đại diện UBND huyện hứa nếu ông Vươn rút đơn thì huyện sẽ cho thuê đất, nhưng khi người dân rút đơn kháng cáo, Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng ra ngay quyết định bản án sơ thẩm có hiệu lực.

Và cũng ngay lập tức UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi và cưỡng chế. Người dân tố cáo đã bị lừa, mất lòng tin khiến họ vô cùng bức xúc, cùng quẫn, đẩy họ đến manh động và vi phạm pháp luật. Thế nhưng, đến nay TAND Hải Phòng vẫn chưa có động thái gì. Mặc dù TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã thừa nhận biên bản hòa giải đó là không có hiệu lực, gây hiểu nhầm cho người dân. Đó là khuất tất thứ 4.
Nguồn:http://giaoduc.net.vn

Không có nhận xét nào: