Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Sức khỏe nền kinh tế khi....

Liên tiếp nhiều "ông lớn" thua lỗ bạc tỷ
Vụ việc Công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII), bị phát hiện thua lỗ nặng hàng nghìn tỷ đồng mới đây đã khiến nhiều người phải “rùng mình”. Như vậy, chỉ trong vòng một năm qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn bị phát hiện thua lỗ nặng.
ALCII khiến 30 tổ chức tài chính liên lụy
Kết thúc đợt kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của Agribank, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hàng loạt sai phạm. Trong đó chỉ riêng công ty con của Agribank là ALCII đã để thua lỗ tới 3.000 tỷ đồng trong năm 2009. Đơn vị này còn có khả năng lỗ tiềm ẩn đối với khoản tiền đầu tư tài sản cho thuê trị giá gần 4.600 tỷ đồng bị quá hạn, phải gia hạn nhiều lần (trong đó Kiểm toán Nhà nước tạm nêu ra số lỗ tiểm ẩn khoảng 1.266 tỷ đồng).

Công ty ALCII là doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Agribank, chức năng chủ yếu là cho thuê tài chính, thực hiện bảo lãnh trong những trường hợp có liên quan đến lĩnh vực cho thuê tài chính, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị, đổi mới máy móc, công nghệ…
Việc nhiều DN nhà nước đua nhau lỗ nặng không còn chỉ là vấn đề quản lý yếu kém của DN, mà còn cho thấy sự vô lương tâm của những kẻ lãnh đạo và sử dụng đồng tiền đóng thuế của dân.

Trong hoạt động huy động vốn, ALCII đã vi phạm các quy định huy động tiền gửi ngắn hạn. Trong hai năm 2008 - 2009, công ty này huy động 6 hợp đồng tiền gửi dưới 12 tháng với số tiền trên 510 tỷ đồng nhằm đáp ứng khả năng thanh toán cho các khoản cam kết đầu tư, cho thuê của công ty. Bên cạnh đó, công ty trả lãi cho khách hàng không đúng thỏa thuận theo hợp đồng, gây thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng. Công ty huy động 26 hợp đồng trị giá hơn 1.300 tỷ đồng với mức lãi suất trên 17,5% một năm, vượt trần lãi suất quy định của Agribank.

Thực tế, ALCII hoạt động thua lỗ nhiều năm liền trước đó và đến năm 2007 đã bị phát hiện, tuy nhiên, công ty mẹ là Agribank lại đứng ra bảo lãnh và bơm vốn cho đơn vị này.
EVN lỗ nặng và nợ chồng chất
Mới đây, nhân việc kiến nghị tăng giá điện, EVN tiếp tục kêu đang chịu lỗ nặng và lấy lý do là bởi giá điện bán ra vẫn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Thực ra không phải đến năm nay EVN mới kêu bị thua lỗ, trước đó tổng kết năm 2010, EVN đã chính thức công khai tuyên bố tập đoàn lỗ hơn 8.000 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận hết sức quan tâm bởi lẽ hiện nay EVN đang là nhà độc quyền cung cấp điện tại thị trường Việt Nam, không hề có một đối thủ cạnh tranh nào khác, việc thua lỗ trong kinh doanh khó lòng có thể chấp nhận. 
Đầu tháng 4/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thông báo, EVN đang nợ PVN khoảng 5.000 tỷ đồng. Số nợ đọng này chủ yếu là do EVN mua điện từ Tổng công ty Điện lực dầu khí (thuộc Tập đoàn PVN) và vẫn chưa thanh toán hết. Chưa kể, vừa mới đây, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã “loan báo” về việc EVN đang nợ tiền mua điện và tiền mua than. Tính đến 31/3, EVN còn nợ TKV hơn 1.600 tỷ đồng. Như vậy, EVN hiện không chỉ lỗ nặng mà còn mang nợ chồng chất.
Rồi vài ngày trước, việc Tập đoàn FPT quyết định rút lại kế hoạch đầu tư vào EVN với mục tiêu ban đầu là mua lại 60% cổ phần của EVN (tuy nhiên Chính phủ chỉ duyệt cho phép EVN bán 49% cổ phần), đã một lần nữa đẩy EVN lâm sâu vào bế tắc. Bởi trước đó, tập đoàn này rất hy vọng rằng với số vốn đầu tư của FPT, EVN sẽ vực dậy được lĩnh vực viễn thông vốn đang chịu nhiều thua lỗ nhất. Ngay cả số tiền đặt cọc 12% (tương đương hơn 700 tỷ đồng), giới chuyên gia và người trong cuộc đều cho rằng, FPT sẽ sớm thu hồi lại, vì nhiều điều khoản trong hợp đồng đã thay đổi. 
Nguyên nhân thua lỗ của EVN từng được giới chuyên gia mổ xẻ và nguyên nhân chính là do việc quản lý điều hành quá yếu kém, chiến lược đầu tư kinh doanh phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Cụ thể, đó là việc đầu tư ngoài ngành tràn lan, đặc biệt tập đoàn này đã mạo hiểm dốc tiền vào viễn thông khi lĩnh vực kinh doanh này lúc đó đã trong tình trạng bão hòa. Đầu tư vào lĩnh vực viễn thông với một số vốn không nhỏ, trong khi không đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác cả về cơ sở vật chất lẫn dịch vụ như Viettel, VinaPhone, MobiFone, đã khiến EVN rơi vào thế “đâm lao đành theo lao”, đã lỗ ngàng càng lỗ nặng. 
Gần đây, có tin Tập đoàn VTC sẽ nhảy vào “thế chân” FPT khi mua cổ phần của EVN với mức 12%. Tuy nhiên, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Lê Khả Dân, Phó tổng giám đốc VTC, khẳng định: “VTC chưa phát ngôn chính thức về vấn đề này”. Qua đó cho thấy, cơ hội dành cho EVN vực khỏi thua lỗ và khủng hoảng không thực sự nhiều.
Mỗi ngày Petrolimex mất hơn 7.000 tỷ đồng

Trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên tiếp chịu thua lỗ từ năm 2010 đến nay thì tình hình đầu tư kinh doanh của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Ptrolimex) trong mấy tháng đầu năm 2011 cũng không khả quan hơn. Từ giữa tháng 2, trong cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Tổng giám đốc Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo công bố, với mức giá xăng bán ra trên thị trường thời điểm đó so với giá nhập khẩu (thời điểm tháng 2) thì mỗi ngày Petrolimex phải chịu lỗ hơn 7.000 tỷ đồng. 
Tổng kết quý I mới đây, Petrolimex cho biết, thống kê nhanh của đơn vị cho thấy, tính đến ngày 31/3, tổng công ty này đã lỗ 2.650 tỷ đồng từ việc bán xăng dầu. Nếu như EVN thua lỗ được cho là do sai lầm về chiến lược đầu tư kinh doanh thì với Ptrolimex nguyên nhân thua lỗ do đâu, liệu có phải là chỉ do xăng dầu bán ra trong nước bị kìm giá như phía Petrolimex nói? Vậy việc Chính phủ lập Quỹ Bình ổn giá xăng và từ trước tới nay, giá xăng vẫn luôn luôn được điều chỉnh tăng theo cơ chế thị trường (cụ thể chỉ trong một tháng trước, xăng tăng giá 2 lần) không có ý nghĩa gì? Câu trả lời có lẽ còn đợi phía cơ quan chức năng, kiểm toán vào cuộc.

Những ngày cuối tháng 7, tháng 8/2010, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải nhiều bài vở phê phán việc quản lý và hoạt động của tập đoàn Vinashin, khi tập đoàn này để khoản thua lỗ và nợ nần lên tới 80.000 tỷ đồng, một con số khiến cả nước phải kinh hoàng. Nguyên nhân kinh doanh thua lỗ là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tuy nhiên, cũng như vụ ACLII của Agribank, giới chuyên gia và nhiều người cho rằng, đây không chỉ là vấn đề quản lý yếu kém, trình độ có hạn, mà còn là sự biến tấu của đồng tiền của nhà nước một cách không minh bạch.

Tập đoàn này từ ngày 1/7 đã trở thành Công ty TNHH Một thành viên với số vốn điều lệ 14.655 tỷ đồng. 12 công ty con của Vinashin cũng sẽ được chuyển sang các Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ngoài những doanh nghiệp Nhà nước lớn kể trên, rất nhiều doanh nghiệp hoặc công ty con của các doanh nghiệp Nhà nước khác cũng đã và đang rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Theo số liệu Kiểm toán Nhà nước công bố vào cuối năm 2010, kết quả kiểm toán 183 trong số 242 doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc 20 tổng công ty nhà nước cho thấy, chỉ 88% (161/183) doanh nghiệp có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế của 20 tổng công ty nhà nước này đạt hơn 16.600 tỷ đồng.
Các tổng công ty bị thua lỗ khá lớn có thể “điểm mặt” như Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng lỗ lũy kế tính đến 31/12/2008 là 39 tỷ đồng, Tổng Công ty Công trình giao thông 6 lỗ gần 68 tỷ đồng, lỗ lũy kế 149 tỷ đồng, Tổng Công ty Cà phê tuy báo cáo lãi 199 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 525 tỷ đồng.
Ngoài ra, thời điểm đó, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều tổng công ty tồn tại các khoản nợ lớn khó đòi như Tổng Công ty Lương thực miền Nam có khoản nợ khó đòi 56 tỷ đồng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội: 51,2 tỷ đồng, Công ty Thương mại và Xuất khẩu Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel): 79 tỷ đồng…
 (Theo Đất Việt)

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Tránh nghĩ rằng vụ Vinashin chìm xuồng

TT - "Vụ Lã Thị Kim Oanh, bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng bị xử lý. Vụ PMU 18, bộ trưởng Đào Đình Bình cũng bị kỷ luật. Nhưng vụ Vinashin này lớn hơn nhiều, tại sao không ai bị kỷ luật?".
Ngày 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) mở đầu phiên họp thứ 39 với việc thảo luận đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII.
Vinashin đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Trong ảnh: công nhân thi công đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Hải Phòng  - Ảnh: LÂM HẢI
Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với phát biểu bế mạc kỳ họp của Chủ tịch QH cũng như đánh giá của Văn phòng QH rằng đây là kỳ họp thành công tốt đẹp với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, kết thúc bốn năm nhiệm kỳ QH khóa XII có nhiều đổi mới, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri. Tuy vậy, cả Chủ tịch QH, hai phó chủ tịch QH và nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ QH cùng nêu hai vấn đề nổi cộm sau kỳ họp được cử tri quan tâm: một là nội dung báo cáo của Chính phủ liên quan đến vụ Vinashin, hai là tình hình lạm phát.
“Tại sao không ai bị kỷ luật?”
“Về vụ Vinashin, cử tri nói với tôi so sánh rằng cách đây mấy năm có vụ cháy rừng ở Cà Mau, chủ tịch UBND tỉnh này bị kỷ luật vì quản lý yếu kém. Vụ Lã Thị Kim Oanh, bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng bị xử lý. Vụ PMU 18, bộ trưởng Đào Đình Bình cũng bị kỷ luật. Nhưng vụ Vinashin này lớn hơn nhiều, tại sao không ai bị kỷ luật? Thâm tâm tôi cũng thấy như vậy là chưa thuyết phục” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Quang Bình nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết: “Tôi đi nhiều tỉnh, anh em nói là không đồng tình với báo cáo của Chính phủ trước QH, kể cả các anh ở thường vụ tỉnh ủy gặp tôi cũng nói họ không thấy thuyết phục”.
Ngày 21-7, Quốc hội khóa XIII khai mạc kỳ họp thứ nhất
Theo tờ trình của Văn phòng QH, kỳ họp thứ nhất của QH khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 21-7 và kết thúc ngày 16-8.
Tại kỳ họp này, QH sẽ dành phần lớn thời gian để quyết định về tổ chức, nhân sự: bầu chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, thành viên Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH; bầu chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh. Trước khi xem xét phê chuẩn các thành viên Chính phủ, QH sẽ quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa mới.
Cũng nói về Vinashin, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nêu lại ý kiến cử tri: “Tại sao lại nói Bộ Chính trị, trung ương kết luận là không kỷ luật trong khi đang điều tra, thanh tra. Như thế thì mâu thuẫn, đang điều tra đã biết đúng đến đâu, sai đến đâu mà bảo là không kỷ luật?”.
Cũng cho rằng “báo cáo của Chính phủ còn chủ quan, nói như là truyền thông điệp đến QH rằng cái này Đảng quyết rồi nên thôi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân tích: “Ở đây cần phân biệt giữa trách nhiệm chính trị trước Đảng với trách nhiệm thực hiện, thi hành pháp luật trước QH. Trước Đảng có thể là các đồng chí không bị kỷ luật, nhưng trước QH các đồng chí phải kiểm điểm xem mình đã thực hiện pháp luật như thế nào, trong vấn đề này có gì thiếu sót hay thiếu hiểu biết về pháp luật hay không?”.
Trình bày trước Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đúng như đại biểu nêu, có một vài vấn đề mà dư luận, nhân dân chưa thỏa mãn thì sẽ được rút kinh nghiệm trong quá trình xử lý tiếp theo. Ví dụ như vụ Vinashin, tới đây sẽ công bố kết quả thanh tra, rồi đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật. Sau đó vi phạm liên quan đến ai thì sẽ xem xét kỷ luật tiếp, chứ không có cách nào khác”.
Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận: “Về vụ việc Vinashin, đúng là nhiều đại biểu QH, kể cả phát biểu trên hội trường, đã nói là chưa đồng tình. Đi tiếp xúc cử tri chỗ nào người ta cũng nói là chưa đồng tình. Tôi nhớ là trước đó Bộ Chính trị kết luận nhấn mạnh vào bốn nội dung: một là phải cơ cấu lại Vinashin tránh để sụp đổ; hai là thanh tra, điều tra vụ việc để xử lý vi phạm; ba là Ủy ban Kiểm tra T.Ư chủ trì kiểm điểm trách nhiệm; thứ tư là tuyên truyền đúng bản chất sự việc, tạo sự khách quan, đồng thuận xã hội... Đến nay công tác điều tra, thanh tra vẫn chưa xong, cho nên tôi phải nói rõ lại như vậy để tránh việc dư luận nghĩ rằng để nó chìm xuồng, hoặc hiểu là nói thế rồi cho qua” .
Lo ngại lạm phát
Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, đại biểu QH và cử tri đang quan tâm hai vấn đề: một là giá cả tăng cao; hai là việc quản lý vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu công và tham nhũng. “Các năm trước tháng 4 lạm phát thấp nhất, năm nay lại cao nhất. Trong báo cáo mình cứ nói là bạn bè quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, nhưng về tiếp xúc cử tri người ta nói là điều hành thế nào mà giá cả tăng cao quá” - Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho hay: “Công nhân người ta rất băn khoăn. Đi ra chợ thì đều gặp các bà, các chị lo lắng về giá cả tăng cao, đời sống rất khó khăn, đồng lương không đảm bảo. Đúng là có nguyên nhân từ khách quan, nhưng có vấn đề điều hành của Chính phủ khi đồng loạt cho tăng giá nhiều thứ quá. Giải pháp nâng cao đời sống công nhân phải thế nào?”.
Chia sẻ với các ý kiến trên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Đúng là tình hình lạm phát cao ở các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc và đặc biệt là VN. Nhưng với những biện pháp đã đề ra, hi vọng những tháng cuối năm lạm phát sẽ giảm. Tuy nhiên tháng 5 thì chưa hi vọng nhiều. Vấn đề quan trọng nhất là hỗ trợ người lao động, đảm bảo đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm các giải pháp đề ra như cắt giảm đầu tư công, thắt chặt lạm phát... Trong tình trạng đó có thể có sự đổ bể trong một số doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất.
Cũng tại phiên họp này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH cho rằng không nên đánh giá việc QH chưa thông qua dự án Luật thủ đô như là chuyện gì bất thường mà là điều bình thường trong hoạt động lập pháp. “Dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, chưa đảm bảo yêu cầu nên QH chưa thông qua. Chứ cứ nói việc này chứng tỏ bản lĩnh, dấu ấn đặc biệt của QH thì không phải. Chẳng lẽ QH không thông qua Luật thủ đô là có bản lĩnh, còn việc thông qua các luật khác là không có bản lĩnh” - Tổng bí thư, Chủ tịch QH phân tích.
Tỉ lệ ứng cử viên nữ, trẻ, ngoài Đảng thấp hơn khóa trước
Chiều 25-4, Hội đồng bầu cử báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về tiến độ triển khai công tác bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo báo cáo, sau hiệp thương lần thứ ba, có 832 ứng cử viên vào danh sách chính thức bầu cử đại biểu QH. Nhưng vừa có một ứng cử viên ở Hà Nội và một ứng cử viên ở Bạc Liêu xin rút nên danh sách này còn 830 người.
“So với cuộc bầu cử QH khóa XII, chỉ có cơ cấu tái cử đạt tỉ lệ cao hơn. Các cơ cấu khác là phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi có tỉ lệ thấp hơn” - tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết. Kết quả thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy một số tỉnh, thành có tỉ lệ ứng cử viên là nữ, ngoài Đảng, trẻ, người dân tộc thiểu số rất thấp.
LÊ KIÊN

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

GIỎI LẮM, LÀO ƠI


Ngô Minh


Ngô Minh trong Vườn tượng Phật ở Viên Chăn

Cả tháng nay, báo chí Việt Nam lùm sùm về đập thủy điện Xayaburi ở hạ lưu sông Mê Công mà nước Lào đang rục rịch xây dựng . Chính phủ Lào phản ứng trước mọi nghi vấn và chỉ trích về con đập . Nước Lào trong mấy năm nay sống chủ yếu bằng “tiền bán  điện”  do các Nhà máy thủy điện sản xuất.  Hiện nay Lào có  tổng cộng 70 dự án thủy điện, trong đó 10 dự án đã khởi công. Như vậy , nước Lào không coi “Tình hữu nghị đặt biệt Việt –Lào” là cái cớ bắt buộc để dừng dự án. Cũng như Trung Quốc đã không coi “16 chữ vàng”, “môi hở răng lạnh” là sự ràng  buộc để  thu lại cái “lưỡi bò” vô cùng tham lam trên bên Đông của mình. Từ lâu người Lào đã làm theo cách của mình, còn người Việt thì vẫn ngây thơ tin về về tình hữu nghị, tin vào cũng chung hệ tư tưởng, cùng là nước Xã hội chủ nghĩa, tin vào “16 chữ vàng”…

         Thời bao cấp ở xứ ta đi ra  nước ngoài khó lắm. Nên mới có  bài  thơ dân gian nói  chuyện “thụt vào thụt ra”rất phổ biến thời ấy:

                         Trăm năm trong cõi người ta

                         Ai ai cũng muốn thụt ra thụt vào

                         Lạc hậu như cái nước Lào

                         Người ta cũng cứ thụt vào thụt ra

                         Lạ thay cái nước Nam ta

                         Dân không hề được  thụt ra thụt vào

          Quả thực, người Việt mỗi khi nghĩ đến nước Lào cũng đều cho là lạc hậu, là nước kém phát triển so với  nước mình. Thế mà “Lạc hậu như cái như cái nước Lào/ Người ta vẫn cứ thụt vào thụt ra”, nghĩa là trong việc xuất ngoại từ lâu Lào đã tự do hơn Việt Nam. Trong một tuần đi  thăm  và ăn Tết Bunpimay tháng 4/2011 tại Viên Chăn và các tỉnh  ở Lào, tôi đã mục sở thị nhiều sự việc người Lào, nước Lào rất văn minh.

            Điều dễ nhận thấy nhất là xe chở đoàn nhà văn Huế đi từ Cửa khẩu Lao Bảo đến Viên Chăn xa 700 cây số mà tuyệt nhiên tôi không thấy bỗng dáng một anh cảnh sát giao thông Lào nào. Ở Thủ đô Viên Chăn mấy ngày tôi cũng không thấy cảnh sát đứng đường như ở Việt Nam. Tại cuộc gặp gỡ giữa Hội Nhà văn Lào và Đoàn nhà văn Huế, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã phát  biểu chân thực:  “Đây là lần đầu tiên tôi đến  đất nước Lào của các bạn. Ấn tượng đầu tiên của tôi là suốt  hai ngày nay tôi không gặp anh công an nào trên đường. Chứng tỏ  đất nước các bạn rất bình yên và văn minh”. Không có công an trên đường chứng tỏ xã hội rất trật tự. Không có công an nên không hề có “bắn tốc độ” hay “làm tiền” xe ca, xe tải một cách trắng trợn như ở  khắp các con đường Việt Nam. Nhờ vậy mà chúng tôi làm xong thủ tục ở Lao Bảo lúc 10 giờ sáng, xe chạy 750 cây số đến Viên Chăn 6 giờ chiều, chỉ 8 giờ đồng hồ.

          Ở Cửa Khẩu Lao Bảo tôi đổi tiền KIP Lào để sang Viên Chăn tiêu. 1.000.000 (một triệu) đồng Việt Nam  ngày 12/4/2011 đổi được 350.000 kíp. Như vậy một đồng tiền Việt giá trị chỉ bằng  một phần ba đồng Kip. Năm 2004, tôi làm báo Thương mại sang Kron, Lào đổi một Kip được 1,4 đồng Việt. Thế mà  chỉ 7 năm sau, đồng tiền Việt đã mất giá gần 100 % so với tiền Kíp. Có đi mới biết đồng tiền của mình nó èo uột như thế nào. Tháng 3-2004, trong lúc  cả thế giới đồng tiền nào  cũng lên giá so với  đô-la Mỹ, còn đồng Việt trong Ngân hàng lại quyết định xuống  giá từ hơn 19.000 ngàn ăn một  SD xuống hơn 21 ngàn / 1USD .Đồng tiền  mất giá, điện, xăng dầu tăng giá, nghĩa là con ngựa bất kham là lạm phát đã thoát ra khỏi chuồng. Mần răng mà chống lạm phát ? Lào ơi, giỏi thiệt.

          Ngày Tết Bunpimay ở Lào, tất cả người Lào đều  phải đến viếng 9 cái chùa mới “đủ tiêu chuẩn” để cầu may mắn. Nhà văn Trần Công Tấn người Triệu Phong, Quảng Trị hiện ở TP Hồ Chí Minh là người có thẻ bài thành viên trong Hoàng Gia Lào. Cứ đến lễ lạc Hoàng Gia là anh được mời sang. Vì anh là con nuôi của Hoàng thân Xuphanuvong. Anh Tấn quen rất nhiều  lãnh đạo nước Lào, cả thủ tướng Lào. Anh Tấn kể : Khi vào chùa ông Tổng bí thư , Thủ tướng Chính phủ , giàu hay nghèo đều là quỳ trước Phật. Trước Phật tất cả đều bình đằng. Tổng Bí thư  tự lái xe riêng mà đi chùa. Thủ tướng tự lái xe riêng mà đi chùa. Không biết lái ô tô thì nhờ con cháu lái. Chứ không có chuyện lái xe nhà nước trực cả ngày Tết để lái xe chở  quan lớn đi làm việc riêng . Càng không có chuyện quan lớn về tỉnh  lễ chùa cũng cả đoàn xe  công an còi hụ đẹp đường. Chuyện đó ở ta  e khó ! Giỏi lắm, Lào ơi !

          Ấn tượng nhất là người dân Lào chấp hành luật giao thông rất nghiêm. 5 giờ kém 15 sáng, tôi đi bộ  từ khách sạn Mina trên đường Lanexang đến Khải Hoàn môn hơn cây số, đèn đỏ đèn xanh ở các ngã tư vẫn hoạt động. Có chiếc ô tô đi làm sớm, đến  gặp đèn  đỏ, dù  bốn phía  trước sau chẳng có xe nào, người lại xe vẫn cho xe đỗ , chờ đèn xanh mới vượt ngã tư. Chứ như ở Việt Nam đang đỏ vẫn vượt, đèn còn vàng,  chưa xanh vẫn vượt. Nước Lào không bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vì đa phần xe cộ lưu thông trên đường là ô tô (Thành phố Viên Chăn có 400.000 dân, đã có 60.000 chiếc ô tô). Thế nhưng vẫn có rất nhiều người đi xe máy trên đường phố đội mũ bảo  hiểm. Đó  là ý thức tham gia giao thông từ trong máu thịt. Nước Lào họ giáo dục công dân răng mà giỏi rứa hè ?

          Ở Lào có tới hàng trăm ngàn người gốc Việt Nam,chủ yếu ở các thành thị, họ đến Lào  nhiều nhất là vào năm Thân , năm Dậu (đầu những năm 1940). Họ phải chạy khỏi  quê hương để tránh nạn đói dang hoành hành. Họ là bộ đội tình  nguyện Việt Nam tại Lào, rồi lấy vợ Lào, thành người Lào.v.v… Người Lào Lùm (người Lào sống ở thành phố Viên Chăn và các tỉnh đồng bằng phía nam) rất giống người Việt . Rất khó  phân biệt. Một người Việt làm  ăn ở Lào đã  20 năm tên là Trà này bày cho chúng tôi cách phân biệt người Việt với người Lào như sau : Vào siêu thị hay chợ thấy người nào bán mà nói thách giá trên trời thì đó là người gốc Việt; người nào mua hàng mà  trả giá một cách kiên nhẫn hàng giờ đích thị là người Việt. Người Lào chân thực, thật thà mua bán ít nói thách, ít trả  giá. Ở phố quán nào  bán hàng khuya tới 10, 11 giờ đêm đích thị là quán người Việt. Vì người Lào chỉ  bán hàng đến 8 giờ tối là nghỉ đi nhảy lăm vông. Ở quán  nhậu nào mà có người hô “zô..zô…zô…” đích thị là người Việt, 10 người ăn cắp trên phố  có 7 người Việt.v.v..

             Về tổ chức nhân sự bộ máy đảng,  nhà nước, nước Lào cũng văn minh hơn Việt Nam từ  mấy chục năm trước. Ở Việt Nam Tổng Bí thư đảng riêng, Chủ tịch nước riêng. Còn ở Lào từ những năm 80 của thế kỷ trước,  ông Cay Xon Phômvihản vừa Chủ tịch Đảng, vừa Thủ tưởng Chính phủ. Ở nước Lào ở Trung ương hiện nay, Tổng bí thư Đảng là Chủ tịch nước, ở các tỉnh Bí thư tỉnh ủy là chủ tịch tỉnh, bí thư huyện ủy là chủ tịch huyện. Nên mỗi lần cán bộ Lào sang thăm Việt Nam, một ông làm việc với hai ba ông Việt Nam, nghĩa là một ông Lào “buộc “ hai (có khi ba bốn) ông Việt phải tiếp tử tế. Sang trọng lắm chứ. Oai phong lắm chứ.  Nước Lào có có 18 tỉnh và thành phố(cả Viên Chăn), mỗi tỉnh có nhiều huyện. Cơ cấu nhân sự Đảng, nhà nước như thế giảm được biên chế, công việc chạy hơn, tính chủ động cao hơn và nhât là tiết kiệm được rất nhiều ngân sách , vì lương và lộc của mộ máy lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện là rất cao . Nếu nước ta mà học tập Lào về  việc này thì hàng năm tiết kiệm được ba bốn trăm tỷ đồng tiền thuế của dân vì nước ta có tới 64 tỉnh, 500 huyện.

            Mấy  chuyện  sơ sịa như thế cũng đủ thấy nước Lào giỏi như thế nào. Họ tiếp nhận tất cả sự  hỗ trợ của các nước, nhưng không theo nước nào cả !

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Việt Nam : xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi vào tuần tới

Trọng Thành
Ngày 26/4/2011, tòa án Việt Nam sẽ xét xử phúc thẩm nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi. Cách đây 4 tháng, trong một phiên tòa sơ thẩm diễn ra rất chóng vánh vào ngày 26/1/2011 tại Lạng Sơn, ông Vi Đức Hồi đã bị kết án 8 năm tù vì tội tuyên truyền chống Nhà nước. Bản án kể trên được xem là quá nghiệt ngã, so với một số vụ xử các nhà ly khai thời gian gần đây. 


Để tìm hiểu rõ hơn về vụ án, RFI Việt ngữ phỏng vấn luật sư Trần Lâm, là người đã bào chữa cho ông Vi Đức Hồi trong phiên xử sơ thẩm, và tiếp tục bảo vệ thân chủ trong phiên tòa sắp tới. Luật sư Trần Lâm nguyên là Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên trưởng ban tuyên giáo cấp tỉnh và hiệu trưởng trường Đảng trong nhiều chục năm. Ông Trần Lâm đã từng bào chữa trong một số vụ án chính trị.
RFI : Xin chào luật sư Trần Lâm. Thưa luật sư, vừa rồi có tin ông Vi Đức Hồi sẽ ra tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án, mà trong đó luật sư là người sẽ tiếp tục bào chữa. Vậy thì nhân dịp này, RFI xin được hỏi luật sư các ý kiến của luật sư về phiên tòa này, cụ thể trước hết là, luật sư đánh giá như thế nào về các thủ tục đã được thực hiện từ trước đến nay ?
Trần Lâm : Có những yếu tố sau đây ảnh hưởng đến việc tuân thủ các thủ tục.
Thứ nhất là những người xét xử phải có đủ khả năng để phân tích, mổ xẻ vụ án ấy cho thật khoa học, mà điều này đã không có được, vì thực tế là, có rất ít các vụ loại này.
Việc thứ hai là, có một sự khống chế rất là ghê gớm, tức là án không phải xét xử tại «pháp đình», mà án lại được xử tại « cung đình ». Có cái danh từ « án bỏ túi », tức là những người lãnh đạo quyết định : xử « nặng ». Nặng là thế nào, nghiêm là thế nào ? Thì người xử cứ làm mọi cách để làm sao nó xong phiên toà, và tuyên được cái mệnh lệnh, cái số năm tù mà người ta đã quy định, thế là hoàn thành trách nhiệm rồi.
Cái thứ ba là : thế nào là thủ tục ? Thủ tục thì phải có người dân, phải có báo chí, phải có phe đối lập. Tức là phải có giám sát. Nếu có giám sát, thì mọi việc mới làm theo đúng luật, đúng quy trình, quy phạm.
Ở đây, gọi là xử hở, nhưng thực ra lại là kín, thì ai dám làm khác, mà có thể xử đúng thủ tục được.
Nguyên gốc cơ bản là thế nào ? Suy cho đến tận cùng, hiện nay ở Việt Nam, nói về vấn đề xét xử là nói theo chế độ đa nguyên, đa đảng của châu Âu. Tức là, công khai mà nói, tôi xử theo A, B, C, D, mục nọ, mục kia, như vậy là theo trình tự của Châu Âu. Nhưng mà khi xử là theo ý mình (tức ý người lãnh đạo). Nếu mà thấy nó nguy hại lắm, mình khó chịu, thì có khi nặng hơn. Thế còn, nếu cái chuyện này, mình thấy nó thoải mái, mình thấy thế này cũng đáng thương, thì nó lại nhẹ đi.
Xem như thế, rõ ràng không có cái chuẩn mực. Bằng ấy yếu tố thì anh xem, làm sao nó có thể chuẩn mực được. Nhưng nói đi, cũng phải nói lại. Bây giờ cũng có thay đổi chút ít, nhưng thay đổi để đạt được cái chuẩn của nó, hay đạt được cái chuẩn ở mức độ thấp cũng không có.
Anh em người ta có xử bao nhiêu đâu. Mười năm, hai mươi năm chưa chắc họ đã xử một vụ án như thế. Tôi biết có các thẩm phán, có khi ba bốn năm, mới có một vụ chính trị, thì ông bảo làm sao mà giỏi được ?! Thêm vào đó, đã làm xét xử, thì phạm sai lầm nhiều chứ. Bản thân nghề tòa án, người ta đã nói rằng, là cái nghề luôn luôn sai.
RFI Bây giờ xin phép luật sư được quay trở lại về vụ án này. Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra. Nhưng các thông tin rất ít. Vậy luật sư có thể cho biết cụ thể ở phiên tòa sơ thẩm, ngoài chuyện ông Vi Đức Hồi bị kết án tám năm tù ra, thì có các phán quyết nào, và việc kết tội diễn ra ra sao ?
Trần Lâm : Nói về bản án sơ thẩm, nói cho cùng, có sự ngộ nhận của bị cáo, và sự ngộ nhận của luật sư, đấy là cái sai lầm của chúng tôi. Thứ nhất, chúng tôi cho cái vụ này là vì vấn đề an ninh cho nên phải xử cho nó nghiêm, nhất là ở tỉnh Lạng Sơn, là một tỉnh nhỏ, và anh Hồi lại (nguyên) là một cán bộ Đảng, lại là loại cán bộ tín nhiệm, rồi lại gần biên giới. Vì vậy, chúng tôi nhận định rằng, sẽ xử nhẹ nhàng thôi. Thế và, chính bản thân tôi là luật sư, tôi cũng chủ quan, tôi cho rằng, anh ấy không mất lòng ai cả, anh ấy nói rất nhẹ nhàng. Thế mà ai ngờ, cái mức án quá cao. Đấy là cái thứ nhất phải xem lại.
Cái thứ hai là chính vì chủ quan như thế, nên cái vụ án xử cũng mau lẹ, nó cũng « ổn thỏa » và cũng rất là « vui vẻ », bởi vì nghĩ rằng, có cái gì mà phải gay gắt. Bây giờ, người ta đã đưa ra tòa rồi, thì phải có án, chứ đưa ra để tha (bổng) à ? Không bao giờ có chuyện như vậy cả. Bởi cái án ấy có phải theo luật đâu. Mà cái này là theo chủ trương của Đảng, mà theo chủ trương của Đảng, thì cái này phải có ý kiến, nếu không thì nó loạn. Như vậy thì, nhất định người ta sẽ kết án. Cái sai thứ hai (của chúng tôi) là đã không tranh luận ráo riết, không gay gắt để cho rõ ràng ra đen trắng, phải trái, đúng sai, mà người xử, cũng như người bào chữa, cũng như bị cáo, đã làm một phiên tòa êm ả, đẹp đẽ, như chuyện ở trong nội bộ bàn soạn. Thế nhưng mà, khi biết được là tám năm tù, (chúng tôi) bổ chửng, chứ lúc đó ngồi tranh luận giữa Tòa, với Viện, với Luật sư và Bị cáo, thì đều nói rằng, kể là có làm việc đó, thì cũng là thiếu sót, nhưng mà nó chả là cái gì ghê gớm cả, nhưng thế mà cuối cùng, nó lại thành nghiêm trọng.
Ngay trong bản án bây giờ cũng có nhiều cái sai lắm. Ví dụ, một trong các cái sai đó là, ghi rằng luật sư cũng thừa nhận là có tội. Không phải ! Luật sư lại đi thừa nhận là có tội thì còn làm ăn cái gì nữa.
RFI : Thưa luật sư, thế luật sư có được tiếp xúc với thân chủ không ?
Trần Lâm : Tôi ngồi với ông ấy hàng mấy buổi. Đến ngày mai, ngày kia, tôi lên Lạng Sơn. Lần này, tôi sẽ đề nghị gặp hai buổi, Chủ nhật và thứ Hai. Đến ngày thứ Ba thì xử. Không, tiếp xúc vui vẻ lắm, các đồng chí ở trại chu đáo, tươm tất lắm. Anh em ở trên ấy chất phác lắm, ông ạ.
RFI Thế khi tiếp xúc lần gần đây, luật sư thấy sức khỏe và tinh thần của ông Vi Đức Hồi ra sao ?
Trần Lâm : Anh Hồi là một người có thể lực tốt. Nhưng mà vừa rồi, bị một tai biến nho nhỏ ở đâu trong xương. Chị ấy đã đi mua thuốc gửi cho anh ấy rồi. Cái đó không phải là nặng lắm. Lần trước, tôi gặp, tôi thấy anh ấy khỏe mạnh. Nhưng có một điểm, tôi cần phải nói, anh Hồi là một người rất cân bằng, rất là nhu thuận. Nói năng, suy nghĩ, cái gì cũng mức độ.
Anh ấy không bị tự mình làm cho mình cứ như là điên lên, anh ấy nói với tôi rằng, thôi kể ra ở cái tỉnh nhỏ này, có việc như tôi đâu. Nay có việc như tôi, thì tôi thấy rằng, Đảng và Nhà nước người ta khó chịu thì cũng « phải » thôi. Đấy, anh ấy cân bằng như thế ! Nhưng mà « phải » thì cũng phải tí tẹo thôi chứ, sao lại xử đến tám năm. Tám năm thế này, thì so với các anh em, thì sao mà tôi lại nặng như thế ?!
RFI Đấy có phải là lời thân chủ Vi Đức Hồi của luật sư nói như thế không ?
Trần Lâm : Đúng thế, đấy là cái lời của anh Hồi. Tôi xin đảm bảo là anh Hồi nói với tôi như thế. Và anh Hồi nói với tôi như thế này : « Tôi chỉ hai, ba năm là đúng ! ». Anh ấy nói đến mức như thế. Vậy là một con người, người ta đã làm một việc như thế, xong rồi người ta nghĩ rằng, thôi mình ở tù một chút ít cũng được, cũng đúng. Đấy, họ nhân nhượng lắm. Thái độ của người ta rất là đúng, rất là nhân nhượng.
Tôi nghe dư luận, từ trước đến giờ, đối xử với các anh em, quan hệ rất đẹp đẽ. Đấy, con người anh ấy như vậy, nói chung là rất đĩnh đạc.
RFI Thế bây giờ để nói đến phiên tòa sắp diễn ra, về các luận cứ bào chữa cho ông Vi Đức Hồi, luật sư có thể cho biết rõ những điểm chính được không ạ ?
Trần Lâm : Mỗi một tội, nó có dấu hiệu của cái tội ấy, thì (người xét xử) phải đi sâu vào mặt ấy. Ở trên thế giới người ta không công nhận vụ án gọi là « tuyên truyền chống Nhà nước ». Người ta chỉ công nhận việc gì chống mà gây ra thiệt hại cụ thể thì mới là tội. Mà về tự do ngôn luận, trên thế giới người ta không đồng ý tội danh này.
Nhưng ở Việt Nam, vẫn dùng cái đó. Tại sao như vậy ? Trong quan điểm của phe xã hội chủ nghĩa, có nguyên tắc « cấu thành hình thức », tức là không cần phải có thiệt hại. Vì quan điểm của người ta rất rõ ràng : nếu để diễn biến như mồm anh nói, cần phải đa đảng, cần phải thế nọ, thế kia, mà việc đó nó đã thành hình rồi, thì cái chính thể có còn không ? Chính thể lúc đó không còn nữa. « Cấu thành hình thức » là chưa cần thiệt hại, mà có khả năng xảy ra thiệt hại, thì phải ngăn trước, ngừa sau. Hai cái quan điểm luật pháp có sự khác nhau là như vậy.
Lại còn một điều nữa là, làm như thế nào thì cái « cấu thành hình thức » kia khiến một người có thể bị buộc tội. Thực tế là (ở đây trong trường hợp ông Vi Đức Hồi) người ta không mô tả được. Thành ra (sự kết án này) nó trở nên trừu tượng, « tôi » nhận thức đó là nguy hiểm, thì (tôi cho) nó là nguy hiểm, thế thì « nguy » quá rồi.
Lại còn có thêm chuyện này nữa. Người này nói thì không việc gì, nhưng người khác nói lại bị.
Hiện nay nó đang có sự lúng túng như thế. Ví dụ như anh ấy nói chuyện đa nguyên, đa đảng. Tôi đã đọc rồi, thực ra chả hơn gì ông Cù Huy Hà Vũ, chả hơn gì các cụ lão thành, chả hơn gì các ông đảng viên gọi là « nhạt đảng », « chán đảng ». Họ còn nói ghê hơn. Có ông to ông ấy còn bảo, « thay đổi thể chế », thì ông bảo làm sao. Thay đổi thể chế còn ghê hơn cái «Nể dâm» (một truyện ngắn do ông Vi Đức Hồi sáng tác), còn ghê hơn cả cái đa đảng, đa nguyên.
Lần này, tôi dứt khoát là, « ông » kết (án), thì cũng đúng thôi, nhưng nó không hợp thời, không đúng với thời đại. Thời đại bây giờ người ta ầm ầm chứ, mà « ông » lại mang những cái chuyện cũ kỹ ra, mà « ông » coi là ghê gớm, thì người ta thấy rằng « ông » nhắm mắt, bịt tai trước tình hình chung.
RFI Xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Lâm

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Ai sợ hãi? «Ông quan tòa» hay giáo sư Ngô Bảo Châu?

Ai sợ hãi? «Ông quan tòa» hay giáo sư Ngô Bảo Châu?

http://danluan.org/files/timg/cnr8/lttimg_nid8424.jpg
Nguyễn Tường An
-
Bài viết «Về sự sợ hãi» đã góp phần vẽ lên một bức chân dung sống động của giáo sư Ngô Bảo Châu: một con người xuất chúng về mặt khoa học, nhưng hết sức ngây thơ về mặt chính trị: giáo sư ngỡ rằng Đảng tặng mình căn hộ trị giá sáu trăm nghìn đô-la và chức giám đốc viện Toán cao cấp kinh phí bảy trăm tỷ đồng là vì Đảng thực sự trọng dụng nhân tài! Đương nhiên, giáo sư đã tá hỏa trước phản ứng – thất vọng, phẫn nộ, coi thường – của không ít người. Vì thế, nhân vụ Cù Huy Hà Vũ (được dư luận đánh giá là quan trọng nhất trong sinh họat chính trị xã hội Việt Nam trong vòng 5 năm nay), giáo sư cũng muốn làm một hành động gì đó để đánh bóng lại cái tên tuổi của mình đã phần nào bị hoen xỉn. Nhưng viết thế nào để vừa khen Cù Huy Hà Vũ (ra vẻ mình cũng là trí thức am hiểu và chính trực) nhưng cũng không được mất lòng đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (là người vừa tặng nhà tặng chức cho mình)?
Và kết quả là bài viết «Về sự sợ hãi».
Hai câu đầu: «Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt» là viết cho Đảng đọc. Giáo sư muốn khẳng định ngay với nhà cầm quyền Việt Nam rằng mình không «cùng hội cùng thuyền» với Cù Huy Hà Vũ.
Người ta chưng hửng: là một nhà khoa học lớn, nhưng giáo sư viết hoàn toàn cảm tính, không một dòng lập luận. Ơ, giáo sư viết cho các đồng chí Ban văn hóa tư tưởng đọc cơ mà!
Mấy câu tiếp theo: «… ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình…», giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn viết trong nỗi lo kiểm duyệt. Một người bình thường sẽ viết: «ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với nhà cầm quyền Việt Nam». Nhưng bị ám ảnh bởi cái máy soi của Ban văn hóa tư tưởng, nên câu chữ của giáo sư trở nên u u mê mê. «Đối mặt với số phận của mình» là gì vậy, thưa giáo sư?
Đoạn sau cũng theo cùng một logic như thế. Giáo sư đóng kịch «Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải», rồi thình lình đi đến một bổ đề cơ bản: tất cả sai lầm là do «ông quan tòa»! Khán giả ngã bổ chửng. Kẻ ngớ ngẩn nhất Việt Nam cũng phải biết đây là một vụ án ở tầm quốc gia: lần đầu tiên một công dân Việt Nam dám kiện cả bộ máy cầm quyền. «Ông quan tòa» chỉ là đầy tớ của các «đầy tớ nhân dân» thôi, giáo sư ạ.
Thiết nghĩ, cái giọng u u mê mê đó của giáo sư Ngô Bảo Châu là tất nhiên thôi, vì mục tiêu giáo sư đặt ra, có Thánh cũng chẳng làm được. Ai lại có thể vừa khen Cù Huy Hà Vũ lại vừa không làm phật lòng Đảng?
Vậy nên giáo sư Ngô Bảo Châu thông minh, khéo léo đến mấy cũng bị lộ tẩy. Đi hai hàng giỏi mấy cũng khó tránh khỏi tai nạn. Và người «sợ hãi» đầu tiên là chính giáo sư Ngô Bảo Châu! Ngay trên blog riêng của mình ở mãi tận xứ Chicago, giáo sư vẫn run lẩy bẩy!
Đương nhiên, không ai có quyền bắt giáo sư phải hô khẩu hiệu ủng hộ Cù Huy Hà Vũ, nhưng người ta có quyền đòi hỏi giáo sư sự thành thật.
Tôi biết nhiều trí thức chưa đủ dũng cảm để lên tiếng trước vụ Cù Huy Hà Vũ. Nhưng thà im lặng còn hơn bóp méo sự thật. La moitié de la vérité ce n’est pas la vérité – Một nửa sự thât không còn là sự thật.
Ngược lại, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng có quyền nói «những lý lẽ» Cù Huy Hà Vũ đưa ra «không thấy có tính thuyết phục đặc biệt», nhưng ít nhất giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nên phân tích cụ thể: «Những lý lẽ» là gì? Vì sao giáo sư không thấy thuyết phục? Điều này rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho người vắng mặt, hơn nữa một người đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ, một người không thể tự bảo vệ mình.
Paris 8 tháng 4 năm 2011.
Categories

“Dân chúng oán giận ghê gớm”

Thủ tướng Trung Quốc: “Dân chúng oán giận ghê gớm”
SGTT.VN - Sáng 5.3, trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc), Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã trình bày báo cáo của chính phủ nước này, trong đó chú trọng vào kế hoạch 5 năm lần thứ 12 giai đoạn 2011-2015 của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận tình trạng "oán giận ghê gớm" trong dân chúng liên quan tới một loạt vấn đề kinh tế, xã hội. Ảnh: China Daily
Theo Reuters, trong báo cáo được coi như "Thông điệp Liên bang" của Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh chống lạm phát sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, đồng thời cảnh báo tác động của những chính sách tiền tệ lỏng lẻo tại các nền kinh tế phát triển.
Ông nói: "Giá cả leo thang khá nhanh gần đây làm tăng dự báo về mức lạm phát. Vấn đề này khiến người dân lo ngại, ảnh hưởng tới lợi ích chung và sự ổn định xã hội. Do vậy, giải quyết vấn đề này là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong việc kiểm soát kinh tế vĩ mô nhằm giữ cho giá cả nhìn chung ổn định".
Cũng trong báo cáo này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thừa nhận tình trạng "oán giận ghê gớm" trong dân chúng liên quan tới một loạt vấn đề, từ tỷ lệ lạm phát leo thang, giá nhà đất và lương thực quá cao, tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng cho tới vấn đề chiếm đất đai...
Ông Ôn Gia Bảo cam kết giải quyết những vấn đề này, đồng thời cam kết tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế, nhà ở cho người dân và đề ra sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nguyên nhân làm bùng lên nỗi oán giận của dân chúng ở nước này.

Trung Quốc đã hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 còn 8% so mức 10,3% năm 2010, và kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) có mức tăng trưởng GDP hàng năm chỉ 7%.
Trong báo cáo, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã dành nhiều trang nói về "tăng cường xây dựng xã hội và cải thiện dân sinh", yêu cầu các cấp chính quyền thiết thực giải quyết những vấn đề về quyền lợi mà dân chúng quan tâm nhất.
"Kinh tế càng phát triển, càng phải coi trọng tăng cường xây dựng xã hội và bảo đảm cải thiện dân sinh", Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói.
Năm nay Trung Quốc sẽ khởi công xây dựng 10 triệu căn hộ chính sách. Ảnh: Tân hoa xã
Thời gian qua, giá nhà cao là "mối nhức nhối" của người dân Trung Quốc. Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, năm nay sẽ khởi công xây dựng 10 triệu căn hộ chính sách, tăng gần gấp đôi so với 5,8 triệu căn hộ trong năm ngoái. Ngoài ra, còn tăng thêm cơ chế chất vấn đối với chính quyền địa phương trong các biện pháp cụ thể về kiểm soát thị trường bất động sản.
Xây dựng một xã hội công bằng là mục tiêu chính của nhiệm kỳ thủ tướng của ông Ôn Gia Bảo, nhưng trên thực tế trong 8 năm ông cầm quyền, mức chênh lệch về thu nhập ngày càng tăng và ông Ôn Gia Bảo đang cố đặt nền tảng thu hẹp mức chênh lệch này trước cuộc cải tổ ban lãnh đạo ở Trung Quốc vào cuối năm 2012.
Shen Jiangguang, nhà kinh tế của công ty chứng khoán Mizuho, nhận định: "Như Đặng Tiểu Bình tuyên bố bước đầu tiên là làm cho một bộ phận dân chúng trở nên giàu có và bước tiếp theo là làm cho toàn thể người dân giàu có. Ban lãnh đạo Trung Quốc đã làm tốt bước đầu tiên, nhưng chậm trễ trong việc tiến hành bước thứ hai".
T.H

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH NÓI VỀ DƯ LUẬN PHIÊN TÒA

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tiếp Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Chiều nay, sau giờ làm việc, tôi đi bách bộ trên bờ hồ Kim Liên thư giãn gân cốt sau nhiều ngày nằm dài trong bệnh viện. Bất chợt, tôi gặp Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh cũng đang khoan thai bách bộ trên con đường ven hồ ngược chiều với tôi.

Sau lời chào và hỏi thăm sức khỏe của Cụ, tôi có thưa với Cụ rằng Cụ có theo dõi vụ xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không ?

Cụ nói:

TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH NÓI VỀ DƯ LUẬN PHIÊN TÒA


- Tôi nghĩ người ta đã bắt thì nhất định sẽ xử. Tôi không quan tâm! Nhưng mà, nhân đi ăn phở và đi uống bia, tôi được nghe những người đi dự về họ kể; phóng viên và người uống bia với nhau họ tả lại...thì tôi thấy từ ngày Cách mạng Tháng Tám đến nay chưa từng có một phiên tòa nào có cảnh tượng như thế!

Dư luận họ cho rằng, không phải ông Chánh án phiên tòa xử, mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xử đấy.

Hôm nay nghe các đài tôi thấy báo chí, bản tin điện tử của rất nhiều nước chỉ trích Việt Nam ta mạnh quá! Tôi buồn quá và cảm thấy xấu hổ!
Xin cảm ơn Cụ đã cho cháu biết về những câu chuyện mà Cụ đã nghe được
                                                                                                                        Nguyễn xuân Diện
Tái bút: Sau khi trò chuyện ở ngoài bờ hồ, cụ mời tôi vào nhà, tự tay viết ra đúng như những lời cụ đã nói, ký tên bên dưới rồi đưa cho tôi. Cụ nói: Đây, nếu có ai hỏi, hoặc cho là anh bịa ra lời tôi, anh cứ đưa mảnh giấy này ra
                                                                                                            

GS Ngô Bảo Châu bình luận vụ xử Hà Vũ

Bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu
Bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields cho Giáo sư Ngô Bảo Châu

Về sự sợ hãi

Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.
Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.