Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Nếu ông Thanh làm được như ông nói thì ông là người xã hội này đang cần.


Ông Thanh dọa 'hốt liền, không nói nhiều'

Cập nhật: 11:07 GMT - thứ năm, 10 tháng 1, 2013
Trưởng Ban nội chính Nguyễn Bá Thanh trong cuộc họp ngày 10/1
Phát biểu trong cuộc họp do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 10/1, ông Nguyễn Bá Thanh, tân Trưởng ban Nội chính Trung ương tuyên bố sẽ 'thẳng tay' với tham nhũng.
Hội nghị "Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố", được ông Thanh tiết lộ lý do tổ chức là vì "thời gian của tôi còn với thành phố ( Đà Nẵng ) rất ít" và muốn "phát biểu mấy lời vì chắc không còn có dịp nào để phát biểu nữa".
Điều này cho thấy ông Thanh sẽ sớm chấm dứt vị trí Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng để tập trung vào vai trò mới trong Ban nội chính Trung ương mà ông được ủy nhiệm ngày 28/12 năm ngoái.

'Hốt liền, không nói nhiều'

Đề cập đến vấn đề tham nhũng, một trong những vấn nạn đang gây ảnh hưởng trực tiếp lên nền kinh tế mà Ban nội chính của ông có nhiệm vụ giải quyết, ông Thanh cho biết:
"Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều," ông nói, đồng thời dường như tiết lộ khéo là đã xác định một vài mục tiêu nhất định khi nhận xét "một số ông giờ đang ngồi run".
Lấy ví dụ từ việc cán bộ ngân hàng giúp doanh nghiệp nâng khống giá đất để được vay vốn nhiều hơn, ông Thanh tuyên bố sẽ 'bắt ngay những cán bộ ngân hàng "trời ơi" đó" và "bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng chung chi gì hết."
"Mấy cái ông đó lãnh đạo kiểu gì? Ông có phải học sinh mẫu giáo đâu, ổng quá trời lãi nhưng vẫn cố tình làm như thế để kiếm chác. Đó là ăn mà còn phá nữa nhưng chả ai nói gì," ông nói.
"Ổng nâng lên để rồi người vay cho lại mấy tỉ liền, nên ổng nhắm mắt định giá khống. Nên bây giờ mới xảy ra nợ xấu ngân hàng, cả nước lên tới mấy chục tỉ đô la chứ có ít đâu."
"Không có ú ớ gì nữa, không có vô tình gì nữa hết."
Ông Thanh lại bình luận về những vụ bê bối trong ngành hàng hải.
"Rước cái tàu cũ rích của người ta đáng giá có một đồng, ông về hô lên 5-7 đồng, xử ra mua rồi bên bán cho ổng mấy đồng nữa. Chừ ôm đống sắt vụn bán cũng không có người mua. Thiệt thảm thương. Để rồi ông thì vô tù, ông chạy ra nước ngoài cũng bị bắt cổ về"
"Làm ăn như thế đấy, vừa ăn rồi lại vừa phá nữa, phá tàn canh."
Sau khi dẫn chứng ra hàng loạt những thiệt hại kinh tế do nạn tham nhũng gây ra, vị Trưởng Ban nội chính tỏ ra bức xúc về tình hình đời sống người dân:
"Bữa ni trời rét lạnh như thế này, ở một số vùng xa xôi, người dân phải đi chân trần chứ không có dép mà mang. Làm kiểu đó thì dép mô mà mang nữa."
"Làm kinh tế phải đóng góp vô, phải ra đồng tiền bát gạo để chăm lo cho những người dân như thế, chứ làm mà "vừa ăn vừa phá" kiểu này thì chết. Nát cả nền kinh tế ra."

Thách thức của Ban nội chính

Trong một phỏng vấn với BBC Việt Ngữ ngày 7/1, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Trung ương, tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhận xét rằng việc bổ nhiệm ông Thanh vị trí Trưởng Ban nội chính chứng tỏ sự tín nhiệm của cấp lãnh đạo và cho rằng ông Thanh sẽ "không ngại va chạm".
"Tôi nghĩ đã làm chính trị mà sợ va chạm thì thôi không nên làm nữa. Trên đời chỉ có hai người không phải va chạm gì đó là người đã chết rồi và người mới đẻ ra." Ông Doanh nói
"Ông Thanh không phải người như thế."

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Một nghệ sĩ lão thành cách mạng không muốn nhận lời khen của thủ tướng.


Nghệ sĩ Kim Chi: "Chúng mình cưới nhau và em sẽ đi với anh"

nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-02-05-nghe-si-kim-chi-ky-uc-chien-truong-trong-lua-dan
Năm 1963, khi Hồng Sến nói cho người yêu biết anh nhận được lệnh đi B. Kim Chi đã đưa ra quyết định mạnh mẽ và dứt khoát: "Chúng mình cưới nhau và em sẽ đi với anh!"

Em sẽ đi với anh!

Tôi đến thăm nghệ sĩ Kim Chi trong căn hộ mới gần Hồ Tây vào một sáng ửng bạc trong làn gió mỏng manh. Qua cửa sổ nhìn những tia nắng chậm di chuyển trong sớm mai, tựa như cây cầu thời gian mờ ảo nối lại và gọi về biết bao kỷ niệm nhớ nhung da diết.  Nhớ Cửu Long giang với những cơn gió trên bờ sông hun hút thổi dài đã nuôi dưỡng trong bà từ tấm bé một tâm hồn giàu tình cảm và nhân hậu đến lạ. Bằng lời nói dịu dàng âm sắc Nam Bộ, cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa mà giản dị cứ cuốn hút tôi.

Kim Chi sinh tại thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, 5 tuổi đã theo ba vô bưng biền kháng chiến. 11 tuổi, tổ chức đưa cô cùng hai anh trai lên tàu tập kết ra Bắc. Năm 1959, cô trúng tuyển vào học khóa I trường Điện ảnh. Trong thời gian học ở Trường Điện ảnh Hà Nội, Kim Chi quen biết với Hồng Sến, sau này ông trở thành đạo diễn nổi tiếng, đã từng quay bộ phim "Nước về Bắc Hưng Hải" đoạt Huy chương vàng Liên hoan phim Quốc tế đầu tiên tại Matxcova.
Bà Kim Chi hiện nay
(Ảnh nhân vật cung cấp)

Hai người con của Nam Bộ đã trở thành một đôi uyên ương lý tưởng. Kim Chi tốt nghiệp lớp diễn viên diện ảnh khóa I năm 1962 và được phân công về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Một ngày thu năm 1963, Hồng Sến đưa Kim Chi đi chơi ở vườn Bách Thảo. Giọng trầm lặng, buồn buồn, anh nói cho người yêu biết anh nhận được lệnh đi B. "Anh được đi B à?" Kim Chi bình thản hỏi lại. Hồng Sến vẫn giọng đều đều: "Anh đi không biết bao giờ quay ra được. Chiến tranh còn kéo dài và rất ác liệt... hay là từ nay chúng mình để cho nhau được tự do...".
Kim Chi ứa nước mắt. Nhưng chỉ vài giây sau cô đã đưa ra quyết định mạnh mẽ và dứt khoát: "Chúng mình cưới nhau và em sẽ đi với anh!" Bây giờ là lúc Hồng Sến phải ngạc nhiên: "Đi với anh? Vào trong đó em làm gì được? Không có phim cho em đóng. Chiến tranh, không biết sống chết lúc nào..."
"Không đóng phim em sẽ múa, sẽ hát, sẽ biểu diễn sân khấu cho bộ đội và nhân dân miền Nam. Em cũng muốn quay trở về quê hương mình sau từng ấy năm xa cách. Em cũng muốn về thăm lại anh trai và má... Hơn nữa em rất muốn về để được viếng mộ ba..."
Đám cưới của đôi bạn trẻ được quyết định tổ chức nhanh chóng và giản dị cùng sự chứng kiến của bạn bè. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu nồng cháy với người bạn đời và nỗi lòng sâu nặng với quê hương, Kim Chi làm đơn xin tình nguyện vào chiến trường.
Hùm xám miền Tây
Ngược dòng thời gian, người ta dễ dàng hiểu được quyết định mạnh mẽ của Kim Chi. Vào chiến trường, nghĩa là về với quê hương, nơi Kim Chi sẽ gặp lại gia đình và viếng mộ ba.
Ba của Kim Chi, một chiến sĩ kiên cường mà ngay cả súng đạn chẳng khuất phục nổi hay vinh hoa phú quý cũng không mua chuộc được ông. Thực dân Pháp khiếp sợ phải tôn vinh ba Kim Chi, ông Nguyễn Duy Cúc, người lãnh đạo kháng chiến những ngày đầu tại tỉnh Kiên Giang là "Con hùm xám miền Tây Nam Bộ".
Sau đó ông là Tỉnh ủy viên phụ trách ngành Tòa án kháng chiến tỉnh Long Châu Hà (Long An - Châu Đốc - Hà Tiên). Chúng treo giải thưởng kẻ nào cắt được đầu Nguyễn Duy Cúc sẽ được thưởng 1.000 đồng, còn kẻ nào bắt sống ông sẽ được thưởng 3.000 đồng tiền Đông Dương. Kim Chi lên 10 tuổi, ba vĩnh viễn không bao giờ trở về khi ngày chiến thắng thực dân Pháp đã gần kề.
Bà Kim Chi với anh hùng Nguyễn Thị Định, Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tròn 10 năm ngày ba vĩnh viễn nằm lại núi Ba Thê, Kim Chi vẫn không thôi nguôi nhớ về ba, nhớ về dòng nước U Minh đỏ như nước trà pha đậm. Nơi đó, các chú đã cất cho bốn ba con Kim Chi một căn nhà nhỏ lợp lá dừa nước nằm dưới những tán cây tràm cổ thụ lúc nào cũng mát rười rượi.
Tuổi 20 tim dào dạt máu
Nhưng đơn xin tình nguyện đi vào Nam của Kim Chi không được chấp nhận. Cô nhờ nhà thơ Bảo Định Giang đưa lên tận Ban Tuyên huấn Trung ương gặp chú Lành - nhà thơ Tố Hữu  là Trưởng ban: "Tại sao chú cũng đã từng qua tuổi 20, chú lại có bài thơ Tuổi hai mươi: Hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu/ Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão. Vậy mà chú  lại ngăn không cho cháu ra trận?".
Cuối cùng, với tấm lòng thiết tha và lý lẽ sắc sảo của mình, Kim Chi  làm chú Lành cảm động. Nhà thơ Tố Hữu đồng ý để Kim Chi đi cùng đoàn điện ảnh vào Nam. Vậy là Kim Chi trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường Sơn đi B vào đầu năm 1964.
... Núi mỗi ngày mỗi cao, đường mỗi ngày một khó đi. Cái hùng vĩ của Trường Sơn như muốn thử thách bản lĩnh và ý chí của Kim Chi khi bà tự nguyện đặt lên vai mình một trách nhiệm của tuổi trẻ. Hồng Sến bị sốt rét ác tính phải nằm lại ở Mã Đà. Kim Chi chăm sóc chồng suốt một tháng ròng. Mạo hiểm nhưng không hề liều lĩnh. Kim Chi tự nhủ. Gánh nặng tự đặt lên vai mình rồi sẽ vượt qua, chủ yếu là con người ta có đủ lòng tin và can đảm để đi tiếp những khó khăn đang đợi chờ trước mặt hay không?
Suốt một tháng được bàn tay chăm sóc của Kim Chi, Hồng Sến cắt cơn sốt, hai vợ chồng trẻ lại tiếp tục hành trình đuổi theo đoàn điện ảnh. Sau 4 tháng vượt núi băng rừng, trèo qua đèo cao vực thẳm, đội trên đầu mưa bom bão đạn, đoàn điện ảnh gồm: Mai Lộc, Vũ Sơn, An Sơn, Nguyễn Văn Của... vào đến căn cứ.
Gương mặt thanh tú với đôi mắt mê hồn và nụ cười thánh thiện mà biết bao người ước muốn thường xuất hiện trên bìa lịch mỗi độ Tết đến xuân về nay rời xa ống kính máy quay và ánh đèn sân khấu để ra mắt trực tiếp đồng bào và chiến sĩ trong rừng sâu, trong mưa đạn, thậm chí ngay cả trong các ấp chiến lược. Những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ là kỷ niệm khó quên đối với nghệ sĩ Kim Chi. Bà luôn có mặt ở mọi nơi, dù là bom đạn khốc liệt để đem đến những vai diễn, đem lời ca tiếng hát động viên tinh thần các chiến sĩ.
Là một diễn viên đa năng vừa dẫn chương trình, vừa tham gia diễn xuất trong 20 vở kịch tiêu biểu như: Trận đấu thầm lặng, Diễn viên không chuyên nghiệp, Chứng chỉ sức khoẻ, Cái ghế,  Múi thép, Người con gái đất đỏ... Kim Chi lúc này mang bí danh là Hồng Anh đã có những vai diễn khắc sâu trong ký ức của biết bao nhà trí thức lớn của đất nước như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, cô Ba Nguyễn Thị Định... cũng như biết bao cán bộ Trung ương Cục miền Nam, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam.
Kim Chi (Trái) cùng đội văn công giải phóng, Ảnh nhân vật cung cấp
Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa - Bộ trưởng Y tế Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đã khóc khi xem"Chứng chỉ sức khoẻ". Bà như được sống lại với chính quãng đời mình đã trải qua. Kim Chi còn tham gia lãnh đạo công tác Đoàn Thanh niên, công tác hội Phụ nữ... Chiến tranh kết thúc hơn 30 năm, nay có người đang giữ trọng trách quốc gia, có người đã trở về với đời thường nhưng tình cảm họ dành cho Kim Chi - Hồng Anh vẫn luôn nồng ấm.
Thực tế chiến trường gian khổ, nhiều lúc máy bay B52 dội bom trải thảm xuống cứ. Những lúc đó ai cũng sẵn sàng hy sinh. Nhưng bom đạn lại "chê" không đụng đến "người đẹp rừng xanh".
Có hôm bà bị sốt rét phải đưa vào nằm viện điều trị nhưng đoàn văn công giải phóng lại có buổi biểu diễn. Vai chính hôm đó không thể có ai thay thế Hồng Anh được. Bà rời giường bệnh xuất viện trong khi còn đang sốt, anh em phải dìu đến nơi để lên sân khấu diễn. Lạ thay, khi nhập vai, bà quên hẳn cơn sốt đang hành hạ. Chỉ đến khi diễn xong, bà lại sốt đùng đùng, anh em lại phải dìu mấy tiếng đồng hồ mới về đến cứ.
Ba mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, một phóng viên nước ngoài được Cục Đối ngoại văn hóa - Bộ Văn hóa Thông tin giới thiệu phỏng vấn Kim Chi. Bà và anh chị em văn công giải phóng cùng thời được gọi chung một cái tên "cánh hoa rừng miền Đông" từng chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mỹ.
"Thưa bà, tại sao một người đẹp như bà lại đi vào rừng chịu đựng gian khổ suốt cuộc kháng chiến?".
Kim Chi nở nụ cười thân thiện đáp lời: "Bởi vì những chiến sĩ của chúng tôi đang chiến đấu để giành lại thống nhất của dân tộc tôi, họ cần có nguồn động viên về tinh thần".
"Vậy ai sẽ động viên lại tinh thần cho bà?". Theo rung động và nhịp đập của trái tim đã mách bảo bà từ thời thanh nữ, Kim Chi ôn tồn trả lời câu hỏi hóc búa của vị ký giả đặt ra: "Thì chính họ đó anh, những người lính, những đồng đội của chúng tôi, là nguồn động viên tinh thần lại cho tôi".
Nghệ sĩ Kim Chi khẽ lật giở từng tấm ảnh kỷ niệm chiến trường. Với bà, mỗi tấm ảnh là từng dòng ký ức thời gian được hé mở. Lúc này, từng kỷ niệm về cuộc trường chinh với đôi bàn chân vượt qua bao núi cao rừng thẳm, gương mặt sáng như trăng rằm đã hứng chịu biết bao nắng gió của Trường Sơn ngút với ngàn, hiển hiện rõ trong tâm trí bà, hơn 40 năm mà như mới xảy ra ngày hôm qua vậy.

1540. Nghệ sĩ Kim Chi ‘Từ chối lời khen của Thủ tướng Dũng’

Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2013/01/10/1540-nghe-si-kim-chi-tu-choi-loi-khen-cua-thu-tuong-dung/
1
Nghệ sỹ Kim Chi (trái) và các văn công
Nghệ sỹ Kim Chi, người từng tham gia nhiều phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, vừa từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng Việt Nam vì cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng “đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”.
Bà nói với BBC Tiếng Việt, “để được thủ tướng khen thì tôi không muốn điều đó”.
Trước đó, bà Kim Chi được Hội Điện ảnh Việt Nam gợi ý làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng, tuy nhiên bà đã gửi một lá thư cảm ơn tới Hội, đồng thời ghi rõ lý do từ chối.
“Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.
“…Được các đồng nghiệp có tâm, có tài khen ngợi mới thật là điều vinh dự,” bà viết trong lá thư gửi Hội Điện ảnh.

‘Làm khổ dân là có tội’2

Diễn viên điện ảnh Kim Chi nói thủ tướng đã làm bà mất lòng tin, và là công dân thì “có quyền thích hay không thích, mà không thích thì không nhận”.
Giải thích về những điều thủ tướng làm khiến bà không hài lòng, bà nói, “thế giới và mọi nơi đều phản đối một số việc và cách thủ tướng điều hành”.
“Đối với tôi, ai làm lãnh đạo mà làm cho đất nước giàu, nhân dân sung sướng thì tôi quý trọng, còn ai không làm được điều đó thì tôi không thích, không quý trọng, khen tôi tôi thấy không sung sướng.”
Khi được hỏi liệu bà có sợ bị ảnh hưởng tới bản thân khi đưa ra lá thư này, nghệ sỹ nói, thậm chí cả khi người ta tạo ra những tai nạn để bà “chết” đi nữa, thì điều đó cũng không đáng sợ vì “tôi sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.
“Cuộc đời này bao giờ sống cho ngay thẳng cũng rất khó khăn, sống cho tử tế, cho thật với lòng mình thì không phải ai cũng ủng hộ.”
“Tôi có thể không tin cá nhân ông thủ tướng nhưng mà tôi tin cái chung, còn nhiều cái điều tốt đẹp.”
Bà Kim Chi nói có biết được nhiều trường hợp bị bắt, bị tù khi “nói tiếng nói khác”, “nhưng đó là những tiếng nói bảo vệ chính nghĩa”, mà đã là nghệ sỹ dù làm gì cũng nên hướng về điều thiện.
“Là người có chức, có quyền thì lại càng phải sống ngay thẳng, mẫu mực, chứ làm khổ dân là người có tội.”

Nghệ sỹ ‘cộng sản’

Diễn viên của Biệt Động Sài Gòn nói từng đi chiến trường 10 năm, “không sợ chết với bom đạn” thì bây giờ coi mọi cái “nhẹ như lông hồng”.
Sau khi học xong lớp điện ảnh khóa đầu tiên ở miền Bắc, bà Kim Chi làm đơn xin vào chiến trường ngay vì lúc đó cuộc chiến đấu đang tới lúc căng thẳng, lúc đó bà nghĩ rằng những nơi rừng núi Trường Sơn cần tiếng hát, cần văn nghệ “để tin cách mạng còn sống”.
“Tôi cũng nói thẳng, tôi là nghệ sỹ cộng sản chính hiệu, và cho tới bây giờ, trái tim tôi là tim của một người cộng sản mong cái đất nước này sẽ hòa nhập được với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa.”
3Bày tỏ tư tưởng về sự nổi tiếng trong nghiệp diễn xuất, bà Kim Chi cho rằng, sự nổi tiếng cũng là “phù du hết”, “tôi thế này là may mắn lắm rồi, đồng đội tôi có người còn đi mãi không về.”
“…Có người mà cho tới giờ hài cốt còn chẳng được đưa về, điều này làm tôi khắc khoải đau buồn lắm. Người ta cũng như mình, tuổi trẻ tất cả người ta đã hiến dâng mà không được gì.”
“Tuổi trẻ của chúng tôi thì mang cả xương máu của mình ra để mà giành lại đất nước, cho tới giờ tôi vẫn tự hào là tôi sống đẹp.”
“Còn lớp trẻ bây giờ, một số em làm những việc mà không còn kể tới cả lòng tự trọng nữa, thì tôi thấy rất là dại, dại lắm.”
“Nhưng truyền thông cũng phải có trách nhiệm,” diễn viên điện ảnh Kim Chi cho rằng, một phần là vì truyền thông thấy những chuyện không hay mà cũng đưa lên, nên “họ lầm tưởng đó là cách để nổi tiếng”.
Về lá thư gửi tới hội Điện ảnh Việt Nam từ chối làm hồ sơ nhận bằng khen của thủ tướng, nghệ sỹ Kim Chi nói không hề muốn đưa lên mạng hay nhằm kích động bất kỳ ai, mà do một người bạn thân của gia đình ngỏ ý muốn xin để đưa lên Facebook, và bà cũng không ái ngại chuyện đó.
Nghệ sỹ Kim Chi gần đây tham gia bộ phim nhiều tập Những đứa con của Biệt động Sài Gòn và còn được biết đến là vợ của đạo diễn Hồng Sến, nổi tiếng với những bộ phim như Nước về Bắc Hưng Hải, Mùa Gió Chướng, Cánh Đồng Hoang.
Thư  từ chối Thủ tướng khen của đạo diễn NTKChi

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Trông chờ ở công lý!


Vụ Tiên Lãng: Khó xử ông Vươn tội giết người

TT - Ngày 29-12, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) - bị can trong vụ án (đang được tại ngoại) - cho biết vừa có đơn kiến nghị gửi Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại vụ án.


Bà Nguyễn Thị Thương (phải) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền) đọc bản kết luận điều tra - Ảnh: Thân Hoàng
Theo đó, bà Thương và bà Hiền cho rằng kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng chưa khách quan, nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ. Bà Hiền nói: "Việc mua xăng, rải rơm tại đầm là công việc hằng ngày của chúng tôi để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan điều tra kết luận chúng tôi làm công việc này là chuẩn bị tổ chức chống người thi hành công vụ là chưa thỏa đáng".
Bà Hiền cũng cho rằng ngày 13-2 TAND tối cao đã ra kháng nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng về việc ông Vươn kiện các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm. Sau đó TAND TP Hải Phòng đã kiểm điểm những thẩm phán để xảy ra sai sót trong vụ việc. Tuy nhiên trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra vẫn căn cứ vào bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ phúc thẩm này để khẳng định các quyết định thu hồi, cưỡng chế đất của UBND huyện có tính pháp lý là chưa thuyết phục.
Cùng ngày, luật sư Nguyễn Việt Hùng - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Vươn - cho biết đang hoàn tất kiến nghị gửi Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đề nghị trả hồ sơ điều tra lại, điều tra bổ sung vụ án. Luật sư Hùng nói: "Kết luận điều tra chưa lột tả hết diễn biến sự việc. Tiến trình lực lượng cưỡng chế đi vào khu đầm cũng chưa được làm rõ bởi lực lượng cưỡng chế đã phá rào đi qua nhà ông Quý (nằm ngoài diện tích cưỡng chế) nhưng không thông báo là xâm phạm vào chỗ ở của công dân. Ngay cả khi khẳng định lực lượng cưỡng chế thực thi công vụ nhưng cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào các bản án của TAND huyện, TP nhưng lại không căn cứ vào kháng nghị hủy bản án của TAND tối cao là chưa thuyết phục" - ông Hùng nói.
ông Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao):
Khó xử ông Vươn tội giết người
Giả thiết việc tổ chức cưỡng chế của cơ quan chức năng là hoàn toàn đúng pháp luật thì hành vi chống trả của anh em ông Đoàn Văn Vươn có phải là hành vi giết người cũng cần phải bàn.
Cơ quan điều tra đã kết luận ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ phạm tội giết người theo điểm d khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự. Như vậy, đây là giết người thuộc trường hợp chưa đạt, vì trong vụ án này không có ai bị chết, mà chỉ có sáu người bị thương với tỉ lệ thương tật từ người nhẹ nhất là 1%, nặng nhất là 43%.
Theo quy định tại điều 18 Bộ luật hình sự, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Trong trường hợp cụ thể này, ông Vươn, ông Sịnh, ông Quý và ông Vệ chỉ có thể bị cáo buộc phạm tội giết người nếu ngay từ đầu họ có ý định giết người (cố ý trực tiếp). Ý định này phải được thể hiện bằng những hành vi khách quan như: bàn bạc với nhau sẽ "giết" ai đó hoặc bất cứ ai thi hành việc cưỡng chế. Còn nếu chỉ có ý định "chống đối" việc cưỡng chế bằng các thủ đoạn, phương pháp có khả năng làm chết người, muốn ra sao thì ra, miễn thực hiện được mục đích là ngăn cản, chống lại lực lượng cưỡng chế thì họ chỉ phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp (cố ý không xác định). Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử từ trước đến nay đều khẳng định phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp thì "hậu quả đến đâu xử đến đó". Nếu hậu quả chết người thì xử tội giết người, hậu quả gây thương tích thì xử gây thương tích...
Theo kết luận điều tra thì ông Vươn tập hợp anh em là để bàn bạc, lên kế hoạch chống việc cưỡng chế. Như vậy, ngay từ đầu ông Vươn và những người trong gia đình ông Vươn không bàn bạc việc giết người. Diễn biến sự việc cũng phản ánh đúng ý thức chủ quan của anh em ông Đoàn Văn Vươn.
Đây là vụ án phức tạp, dư luận rất quan tâm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần cân nhắc thận trọng để xử làm sao cho người dân thêm tin tưởng vào công lý.

THÂN HOÀNG

Vụ Đoàn Văn Vươn 'sẽ không có công lý'?

Cập nhật: 14:52 GMT - thứ ba, 8 tháng 1, 2013
Lực lượng cưỡng chế hôm 5/1/2012
Ông Vươn bị buộc tội giết người sau vụ cưỡng chế
Người đứng đầu Liên chi hội nuôi trồng thủy sản mà ông Đoàn Văn Vươn là thành viên nói sẽ 'không có công lý' cho ông Vươn và gia đình trong quá trình xét xử ở Hải Phòng. 
Ông Vũ Văn Luân đã phát biểu như vậy với BBC trong phỏng vấn hôm 8/1.
Ông Vươn và ba người khác trong gia đình bị khởi tố tộiBấmgiết người hôm 28/12 trong khi hai người khác bị truy tố tội chống người thi hành công vụ.
Trong diễn biến mới nhất, trang tin Dân Trí hôm 8/1 nói cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong khi bốn cựu quan chức Tiên Lãng khác bị truy tố tội "hủy hoại tài sản".
Ông Luân nói chính Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành và Trưởng công an thành phố Đỗ Hữu Ca là những người chịu trách nhiệm cuối cùng và do vậy gia đình ông Đoàn Văn Vươn và kể cả một số cựu quan chức Tiên Lãng khó tìm được công lý tại Hải Phòng.

Vì đâu phải làm thế?

Là người theo dõi các diễn biến vụ cưỡng chế đầm thủy sản của nhà ông Đoàn Văn Vươn từ đầu thập niên 1990, nói Hải Phòng đã đồng ý để chính quyền Tiên Lãng cưỡng chế khu đầm còn ông Đỗ Hữu Ca chịu trách nhiệm về an ninh của cả thành phố.
Bản thân ông Ca cũng đã từng tuyên bố "người dân" đã phá nhà, mà ông chỉ gọi là "chòi trông cá", của gia đình ông Vươn cho dù nay Viện kiểm sát Hải Phòng đã đề nghị khởi tố bốn cựu quan chức Tiên Lãng về vụ phá nhà này.
"Theo kết luận điều tra thì ông Vươn tập hợp anh em là để bàn bạc, lên kế hoạch chống việc cưỡng chế. Như vậy, ngay từ đầu ông Vươn và những người trong gia đình ông Vươn không bàn bạc việc giết người."
Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao
Liên quan tới cáo buộc giết người dành cho ông Vươn và ba người trong gia đình cũng như cáo buộc chống người thi hành công vụ cho vợ của ông Vươn và em dâu của ông, vị thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng nói:
"Luận tội ông Vươn về tội giết người là không đúng và bà Thương, bà Hiền chống người thi hành công vụ là trái rồi.
"Ở đây tôi chỉ muốn nói về động cơ. Trong kết luận số 03, số 96 và bản cáo trạng đều không nói về vấn đề động cơ, nguyên nhân.
"Nguyên nhân gì mà ông Vươn phải làm thế.
"Ví dụ như tội giết người...động cơ giết người là gì, đã giết ai chưa, hiện nay cũng chưa ai chết cả.
"Nếu như Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng không ban hành quyết định cưỡng chế trái pháp luật...không tổ chức một đội quân rầm rộ...quân hùng tướng mạnh, công an, quân đội, chó săn và lực lượng hàng trăm người để cướp bóc nhà ông Vươn thì chắc chắn ông Vươn không bao giờ dám làm cái đó."
Ông Luân nói ông Vươn chỉ "phòng vệ chính đáng theo điều 15 của Bộ luật hình sự".
Những vấn đề mà ông Luân đặt ra trùng với ý kiến của nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao Đinh Văn Quế.
Ông Quế nói với báo BấmTuổi Trẻ sau khi có tin về cáo buộc giết người cho bốn người trong gia đình ông Vươn.
"Giả thiết việc tổ chức cưỡng chế của cơ quan chức năng là hoàn toàn đúng pháp luật thì hành vi chống trả của anh em ông Đoàn Văn Vươn có phải là hành vi giết người cũng cần phải bàn.
"Cơ quan điều tra đã kết luận ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ phạm tội giết người theo điểm d khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự.
"Như vậy, đây là giết người thuộc trường hợp chưa đạt, vì trong vụ án này không có ai bị chết, mà chỉ có sáu người bị thương với tỉ lệ thương tật từ người nhẹ nhất là 1%, nặng nhất là 43%.
"Theo quy định tại điều 18 Bộ luật hình sự, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
"Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành cũng từng phản đối cưỡng chế khi còn là chủ tịch nhưng đã thay đổi quan điểm sau khi trở thành ủy viên trung ương"
Ông Vũ Văn Luân
Vị cựu chánh tòa hình sự nói các ông Vươn, Sịnh, Quý và Vệ không bàn tới chuyện giết người và như vậy khó có thể bị quy vào tội này:
"Theo kết luận điều tra thì ông Vươn tập hợp anh em là để bàn bạc, lên kế hoạch chống việc cưỡng chế. Như vậy, ngay từ đầu ông Vươn và những người trong gia đình ông Vươn không bàn bạc việc giết người. Diễn biến sự việc cũng phản ánh đúng ý thức chủ quan của anh em ông Đoàn Văn Vươn."

Giẫm đạp công lý

Thư ký Chi hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng Vũ Văn Luân nói chính quyền địa phương đã 'giẫm đạp công lý' khi họ tiến hành cưỡng chế hôm 5/1/2012 với sự hậu thuẫn của chính quyền và công an thành phố Hải Phòng.
Ông Luân nói chi hội và gia đình ông Vươn đã khiếu nại tới mọi ngành, mọi cấp có liên quan ở Hải Phòng và cũng đã kêu gọi chính quyền trung ương can thiệp nhưng vụ cưỡng chế vẫn diễn ra cho dù Bộ Công an đã lên tiếng phản đối.
Ông Luân cũng nói Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cũng từng phản đối cưỡng chế khi còn là chủ tịch nhưng đã thay đổi quan điểm sau khi trở thành ủy viên trung ương và lên chức bí thư.
Vị Thư ký chi hội nói về khả năng tìm được công lý trong vụ Đoàn Văn Vươn:
"Tôi nhận định công lý sẽ không có ở Hải Phòng trong vụ này.
"Chắc chắn nó là như thế và sẽ không bao giờ [chính quyền Hải Phòng] giải quyết theo những ý muốn khách quan mà nhân dân, dư luận trong và ngoài nước mong đợi về một bản án hết sức nhân văn.
"Chắc chắn cái việc phúc thẩm là sẽ có và chúng tôi đang theo dõi, xem xét là Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ công an sẽ vào cuộc vấn đề này như thế nào," ông Luân nói.

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Nói ở mức này chưa thể gọi là nói, có chăng chỉ mới "dặng hắng" mà thôi.


Việt - Trung: 'Những điều không thể không nói'

Làm cho nhân dân hai nước hiểu được, hiểu đúng mối quan hệ lịch sử này là một việc làm cần thiết, thậm chí rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Có thể khẳng định, quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc là một mối quan hệ đặc biệt. Nó đặc biệt ở sự gần gụi, tương đồng. Không chỉ tương đồng về chế độ chính trị, về phương thức tổ chức xã hội và phát triển kinh tế trong thời kỳ hiện đại mà trước hết ở sự gần gụi láng giềng, ở sự gần gụi văn hóa, lịch sử. Ít  nhất mối quan hệ này đã tồn tại từ khi lịch sử thành văn được ghi lại, hơn hai ngàn năm trước.
Một ví dụ là ngay từ thời Tần Thủy Hoàng đã lưu truyền câu truyện về tướng Lý Ông Trọng, một người to lớn dị thường và có tài thao lược của đất Giao Chỉ, làm đến chức Tư lệ hiệu úy của nước Tần, giúp Hoàng đế dẹp loạn miền Tây Vực khiến quân Hung nô còn khiếp oai ngay cả khi ông đã nằm xuống.
Làm cho nhân dân hai nước hiểu được, hiểu đúng mối quan hệ lịch sử này là một việc làm cần thiết, thậm chí rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà những sự tranh chấp về lợi ích lãnh thổ có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và phủ mây đen lên mối quan hệ ấy.
Trong tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh loạt bài viết dưới mái chung:"Những điều không thể không nói ra" mà Tạp chí "Tri thức thế giới" của Trung Quốc đăng tải vào dịp này năm ngoái. Đó là các bài: "Lịch sử và sự thật: Diễn biến quan hệ Trung - Việt trước năm 1949" (Tôn Hồng Niên, Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu lịch sử biên cương, Viện KHXH Trung Quốc) - "Quan hệ Trung - Việt từ 1949 đến nay" ( Vu Hướng Đông, Giám đốc Học viện Chủ nghĩa Mác, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu) - "Những biến thiên trăm năm qua trong chiến lược ngoại giao với các nước lớn của Việt Nam" (Tôn Hồng Niên, Vương Thâm, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu) - "Viện trợ Trung Quốc cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ"(Lục Đức An, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Trịnh Châu) và"Vấn đề biên giới trên đất liền và trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng Đông Nam Á" (Trương Minh Lượng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Tế Nam).
Tất cả được đăng trong số 14, ra tháng 7 năm 2011. Như cách đặt vấn đề và như chúng tôi có thể hiểu, các tác giả muốn vẽ lên một bức tranh chân thực về những gì diễn ra trước hết trong quan hệ Việt - Trung, và sau nữa là trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, qua đó góp phần điều chỉnh nhận thức của người này người khác, ở phía bên này hoặc bên kia.Ý định ấy là tốt và cần thiết. Lời lẽ trong các bài viết cũng tương đối vừa phải, trừ vài ngoại lệ.
Tuy nhiên, hoặc do quan điểm, nhận thức, hoặc do nguồn tư liệu dựa vào thiếu khách quan, nhiều nội dung trong loạt bài này đã không phản ánh sự thật, làm hỏng mục đích mà người viết có thể muốn đặt ra.
Vì một số lý do, trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chưa có ý định trao đổi toàn bộ và triệt để các vấn đề mà "Những điều không thể không nói ra"đã đề cập. Chúng ta còn có nhiều dịp và nhiều cách để cùng nhau tìm đến sự thật.
*   *
1.  Lịch sử thành văn của nước Việt - nghĩa là những điều được ghi lại trên giấy trắng mực đen - xuất hiện khá muộn, hàng ngàn năm sau công nguyên. Hai lý do chủ yếu: chữ viết xuất hiện muộn và cả một thiên niên kỷ mất độc lập được gọi là "thời kỳ Bắc thuộc" - một ngàn năm Bắc thuộc. Lịch sử Việt Nam trong những năm tháng này còn là một phần lịch sử Trung Hoa, điều dù muốn hay không cũng phải thừa nhận. Và dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, với Việt Nam một ngàn năm ấy là một ngàn năm không bình yên, nói một cách khiêm tốn.
Liệu có cần thiết phải nhắc lại những chuyện " sát phu, hiếp phụ", "bỏ xác cho hổ đói lên rừng bắt chim chả, chặt ngà voi; chịu để giao long ăn thịt xuống biển mò ngọc trai, kiếm đồi mồi" cung phụng các quan cai trị? Rồi một ngàn năm độc lập, những cuộc xâm lược từ phương Bắc đã để lại những gì tưởng chỉ cần nhắc đến một câu của thi hào Nguyễn Trãi thế kỷ thứ XV, "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / Vùi con đỏ dưới hầm tai họa", viết trong " Đại cáo bình Ngô".
Những cuộc xâm lược của Tống, Nguyên, Minh, Thanh trong kỷ nguyên độc lập của Việt Nam đều hết sức khốc liệt, đâu có phải quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ này"trên tổng thể là hòa bình, hữu nghị". Tác giả của "Diễn biến quan hệ Việt - Trung trước năm 1949"chỉ thừa nhận một cuộc xâm lược đến từ phía Bắc, đó là cuộc xâm lược của nhà Nguyên trong thời kỳ này (và lịch sử chính thống của Trung Quốc cũng chỉ thừa nhận như vậy) còn thì"phần nhiều những cuộc xung đột và chiến tranh giữa hai nước là do giới phong kiến Việt Nam quấy nhiễu biên giới Trung Quốc gây ra".
Cần phải nói rõ những điều này. Một, chỉ một lần duy nhất nhà nước phong kiến Việt Nam có cuộc Bắc phạt và cũng chỉ với một mục đích duy nhất là phá cuộc chuẩn bị xâm lược Việt Nam của nhà Tống. Đó là vào ngay thời kỳ đầu sau Bắc thuộc, năm 1075, nhà Lý (Việt Nam) phát hiện nhà Tống (Trung Quốc) lập các tiền đồn tích trữ  binh lương ở Quảng Tây nhằm chuẩn bị tiến đánh "Giao Châu" (nước Việt) nên đã xuất quân, đánh xong lập tức rút ngay về phòng ngự mà vẫn không tránh khỏi cuộc tiến quân ồ ạt sau đó của nhà Tống.
"Hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới". Tác giả: Nhan Sáng/ Ảnh đoạt giải cuộc thi Khoảnh khắc vàng
Hai, có lẽ chỉ dựa vào chính sử do các triều đại phong kiến Trung Quốc để lại mà các tác giả của "Những điều không thể không nói ra" không thừa nhận có các cuộc xâm lược Việt Nam của Tống, Minh, Thanh. Bởi vì "chính sử" luôn tìm cách mô tả đấy là những cuộc hành binh khôi phục trật tự, lập lại ngôi vương chính danh được các triều đình phong kiến Trung Quốc thừa nhận (nhưng là những phế để, phế triều đã bị sóng triều lịch sử Việt Nam gom về bến rác).
Sự thực như thế nào? Lấy ví dụ cuộc tiến quân dưới danh nghĩa "phù Trần, diệt Hồ" của nhà Minh đầu thế kỷ XV. "Phù Trần diệt Hồ" ở chỗ nào khi diệt xong cha con Hồ Quý Ly rồi liền bắt các kỳ hào, bô lão ký vào một tờ biểu dâng lên rằng: "Nay họ Trần không còn ai nữa, vả đất An Nam vốn là Giao Châu ngày trước, xin được đặt lại quận huyện như cũ" (theo "Minh sử").
Nhưng có một thực tế là con cháu nhà Trần vẫn nổi lên ầm ầm chống lại quân Minh, lập nên một triều đại được lịch sử gọi là "kỷ Hậu Trần" thì người Minh lại gọi là "giặc" và phái binh đàn áp! Một thời kỳ "Bắc thuộc mới" kéo dài 20 năm với chính sách đồng hóa quyết liệt (tất cả sử sách nước Nam đều bị thu hết về Kim Lăng), với sưu cao thuế nặng, bắt phu khai mỏ vàng mỏ bạc rồi "chim chả, ngà voi" tận thu tận diệt khiến dân tình vô cùng khổ sở. Phải một cuộc kháng chiến gian khổ máu xương dằng dặc 10 năm của Lê Lợi - Nguyễn Trãi cuối cùng mới đưa được "cuộc phù Trần" về bên kia biên giới.
Làm sao có thể nói trong kỷ nguyên độc lập của Việt Nam ở thiên niên kỷ thứ hai, "giới thống trị Trung Quốc bấy giờ hoàn toàn không chủ động can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam" được? Và ngay trong thời kỳ được coi là giao kết hòa hiếu giữa hai nước trong quan hệ "tông phiên" thì các triều đình phong kiến Việt Nam vẫn luôn bị sách nhiễu, áp lực.
Chỉ riêng việc đòi hỏi cung phụng, cống nạp - nhất là những sản vật quý hiếm - cũng trở thành gánh nặng tài chính cho nước Việt, gánh nặng khổ ải cho thứ dân, không thể nói là "không đáng kể", "tổng giá trị (của các đồ cống nạp)luôn thấp hơn đồ "hồi tặng" (từ phía triều đình Trung Quốc)" được.
Năm 1950, khi đích thân tiếp và tiễn đoàn cố vấn quân sự của nước Trung Hoa nhân dân sang giúp Việt Nam kháng Pháp, Chủ tịch Mao Trạch Đông căn dặn: "Các đồng chí phải nói với nhân dân Việt Nam rằng tổ tiên chúng ta đã có lỗi với Việt Nam, chúng ta xin tạ tội và nguyện một lòng một dạ ra sức giúp Việt Nam đánh bại thực dân Pháp" (trích Hồi ký xuất bản bằng tiếng Hán của các Cố vấn Trương Quang Hoa, Vũ Hóa Thẩm, Đặng Kim Ba).
Thủ tướng Chu Ân Lai trong lần đầu tiên sang thăm Việt Nam năm 1955, việc đầu tiên mà ông làm là đến thắp hương Đền thờ Hai Bà Trưng, những nữ tướng Việt Nam kiệt xuất trong thế kỷ thứ nhất cầm quân nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán và đã anh dũng hy sinh. Thiết nghĩ không cần phải dẫn thêm những ý kiến phát biểu của các nhà lãnh đạo khác như Diệp Kiếm Anh, Vi Quốc Thanh... xung quanh vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định, mối quan hệ tổng thể giữa hai nước láng giềng Việt Nam và Trung Quốc suốt mấy ngàn năm lịch sử không phải là một bức tranh tối màu, nhất là quan hệ dân gian. Trong sự phát triển và trưởng thành của mình, người Việt, nước Việt đã tiếp thu và học tập được nhiều từ nền văn hóa - văn minh Trung Hoa. Đấy cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến sự gần gụi, hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Đấy cũng là thực tế hiển nhiên không thể phủ định. Không thể có chuyện giới nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong trăn trở tìm về nguồn cội lại bỏ qua những giá trị xác định để thay bằng những lập luận"khoác lác""hư cấu"? Càng không thể tưởng tượng ra rằng nó có mục đích "đưa vào nội dung giáo dục quốc dân" để làm băng hoại quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.
2.    Nửa sau của thế kỷ trước (thế kỷ XX), Việt Nam đã phải liên tục chiến đấu chống lại hai cuộc chiến tranh không cân sức: Kháng Pháp và kháng Mỹ. Cùng với nhân dân toàn thế giới, Trung Quốc đã có sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, có hiệu quả về cả vật chất lẫn tinh thần cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Vào thời kỳ cao điểm, khi Mỹ trực tiếp đổ quân vào tham chiến - có lúc lên đến hơn nửa triệu - nhiều chính phủ và tổ chức nhân dân trên thế giới đã tuyên bố sẵn sàng gửi quân chí nguyện đến giúp đỡ Việt Nam, nếu được phía Việt Nam chấp nhận.
Với tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính và cũng xét tới các hệ lụy, Chính phủ Việt Nam không chủ trương nhận quân tình nguyện chiến đấu, đặc biệt là bộ binh, và đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình đến thiện chí năm châu. Những quân nhân nước ngoài có mặt ở phía Bắc Việt Nam lúc ấy bao gồm một số lượng hạn chế các cố vấn và chuyên gia quân sự Liên Xô trong các binh chủng kỹ thuật (tên lửa phòng không, không quân ...), một vài biên đội không quân của CHDCND Triều Tiên mà lãnh đạo nước này mong muốn được đưa sang để thực tập chiến đấu.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhiều lần bày tỏ thiện chí sẵn sàng gửi quân tình nguyện đến Việt Nam trong các tuyên bố công khai cũng như trong những lần gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo Việt Nam. Kết quả là đã dẫn tới các ký kết giữa hai nước về việc đưa bộ đội hậu cần (công binh) của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vào giúp việc khắc phục giao thông bị phá hoại bởi cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở Miền Bắc.
Trung Quốc cũng đề nghị đưa vào cả bộ đội pháo cao xạ để bảo vệ lực lượng công binh tác nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến lực lượng này. Người yêu cầu các nhà lãnh đạo Quân đội Việt Nam không đưa bộ đội Trung Quốc đến những vùng quá khó khăn ác liệt vì bạn chưa quen.
Thời kỳ đó, không quân Mỹ chia chiến trường Bắc Việt Nam thành ba vùng tác chiến: Vùng đánh phá tự do suốt ngày đêm từ Thanh Hóa trở vào vĩ tuyến 17, là vùng ác liệt nhất. Vùng thứ hai, vùng đánh phá có trọng điểm bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các vị trí chiến lược phía nam đường số 5. Vùng thứ ba, đánh phá có chọn lọc, là các tuyến giao thông phía bắc đường số 5.
Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ đội Trung Quốc đã được bố trí tác nghiệp trong vùng từ phía bắc đường số 5 đến biên giới Việt - Trung. Các lực lượng chí nguyện Quân Giải phòng Trung Quốc đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm, quên mình vì nghĩa lớn, đồng cam cộng khổ với nhân dân Việt Nam, không chỉ góp phần khắc phục đường sá bị phá hoại, giúp Việt Nam làm mới nhiều con đường, nhiều công trình mà còn tham gia chiến đấu, trực tiếp bắn rơi hơn 100 máy bay Mỹ. Tổng cộng đã có hơn 310.000 lượt bộ đội Trung Quốc có mặt trên chiến trường miền Bắc Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1968 (nói chung, 6 tháng thay quân một lần) trong đó hơn 1000 chiến sĩ hy sinh (hơn 4000, bao gồm cả các chiến sĩ bị thương).
Theo đề nghị của phía Trung Quốc, các liệt sĩ Trung Quốc đã được chôn cất tại trên 40 nghĩa trang ở Việt Nam và hiện nay vẫn được chính quyền và nhân dân các địa phương coi sóc, tu tạo.
3. Phía Trung Quốc từng xuất bản một cuốn sách công bố 7 lần xuất quân ra nước ngoài của Quân Giải phóng Nhân dân từ sau ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, trong đó quá nửa là xuất quân sang Việt Nam. Điều đau lòng là, hầu hết những lần xuất quân đến Việt Nam ấy đều được mô tả là để"đánh trả", "trừng phạt" cái quốc gia mà Trung Quốc từng coi là anh em (đến bây giờ có lẽ vẫn là "anh em" vì lãnh đạo hai bên nói chung vẫn ôm hôn nhau theo kiểu "các nước anh em" thường làm).
Chúng tôi sẽ không đề cập đến ở đây bản chất các cuộc "đánh trả" và"trừng phạt" ấy - xin trở lại một dịp khác, nếu cần thiết - mà chỉ xin trao đổi những gì liên quan được nêu ra từ các bài viết trong "Những điều không thể không nói ra".
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, trừ cuộc "tiến quân" trong giai đoạn 1965 -1968 nhằm chi viện nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mà tôi vừa đề cập, tất cả các cuộc tiến quân khác (1974: đánh chiếm Hoàng Sa - Trung Quốc gọi là Tây Sa; 1979: Chiến tranh biên giới Việt - Trung; 1983 - 1984: đánh chiếm các điểm cao chiến lược ở tỉnh Hà Giang - Trung Quốc gọi là Lão Sơn (và xung quanh); 1988: đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa - Trung Quốc gọi là Nam Sa) đều do Trung Quốc âm thầm khởi binh rồi bất ngờ đánh úp, nhằm lúc đối phương chưa sẵn sàng chuẩn bị. Tất cả đều giống nhau, không ngoại lệ. Làm gì có cái gọi là "sự xâm lăng, khiêu khích từ phía Việt Nam"? Mưu kế chiến tranh từ thời Tôn Tử đã chẳng lạ gì phương sách mà sau này L.Hart và nhiều tác gia quân sự đông tây phải ngả mũ, "Nguyên cớ ư ? Ở ta!"
Thêm nữa, sau năm 1975, mặc dù giành được nguyện vọng ngàn đời là độc lập dân tộc, thống nhất non sông, Việt Nam hoàn toàn bị kiệt quệ bởi ba mươi năm chiến tranh (nền kinh tế Việt Nam bị tụt đến đáy trong thập niên 75 - 85 là một minh chứng). Lo ăn, lo mặc cho dân mình còn chưa xong lẽ nào Việt Nam còn muốn mang sức kiệt đi đánh nước người? Mà đó lại là quốc gia hùng mạnh Trung Quốc và còn hơn thế nữa, một đất nước đã có sự ủng hộ to lớn cho Việt Nam trong kháng chiến! Ơn vừa mới đó mà đã quên được ư? Trọng ơn là truyền thống của dân tộc này, không ai có thể bới ra được chứng cứ ngược lại!
Và do đó phải thừa nhận là Việt Nam đã bị bất ngờ khi cuộc chiến tranh tháng 2/1979 xảy ra. Có thể có xung đột cường độ thấp nhưng là cả một cuộc chiến tranh với sự tiến quân ồ ạt của hàng chục sư đoàn đối phương trên toàn tuyến biên giới là điều chưa được phía Việt Nam tiên liệu.
Thứ hai, cần phải nói rõ một điều: Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố Trường Sa và Hoàng Sa (Nam Sa và Tây Sa) là của một quốc gia nào khác ngoài Việt Nam. Và càng không có việc Việt Nam đã "hoàn toàn thay đổi lập trường" về vấn đề này. Câu chuyện như sau: Năm 1958, sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về lãnh hải 12 hải lý, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi thư cho Thủ tướng Chu Ân Lai bày tỏ sự ủng hộ tuyên bố ấy, chỉ đơn giản như vậy. Sự ủng hộ đó là thiện chí nếu tính tới cuộc xung đột giữa nước Trung Hoa nhân dân với Đài Loan trong vùng Kim Môn, Mã Tổ lúc bấy giờ. Còn trong năm 1974, khi xảy ra sự việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (Tây Sa), chính các bên đang quản lý thực tế vùng biển này là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối.
Thứ ba. Bắt đầu từ sự xâm lược của thực dân Pháp thế kỷ XIX lập nên xứ Đông Dương thuộc Pháp rồi tiếp đến là cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra giữa thế kỷ XX mà mà vận mệnh của ba nước Đông Dương gắn chặt với nhau: chung một kẻ thù, chung một mục đích giải phóng và độc lập dân tộc. Trong cuộc đấu tranh chung, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân Lào, nhân dân Campuchia anh em và Việt Nam cũng hết lòng vì đất nước và nhân dân bạn. Làm theo lời dạy đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp bạn là giúp mình", hàng chục vạn chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không tiếc xương máu chiến đấu quên mình trên đất nước Lào và đất nước Campuchia, không nhằm một mục đích tiểu bá, đại bá hay Liên bang Đông Dương nào hết.
Một khi chiến tranh kết thúc, tình hình yên ổn trở lại và được nhân dân bạn cho phép, tất cả các lực lượng này đã rút hết về nước, bao gồm cả những liệt sĩ đã nằm xuống trên đất Lào, Campuchia cũng được quy tập về đất mẹ Việt Nam (con số được quy tập đến nay đã là gần 50.000 liệt sĩ). Việt Nam, Lào, Campuchia ngày nay lại cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển đất nước mình, với tư cách là những quốc gia độc lập, có chế độ chính trị riêng biệt, điều mà cả thế giới đều thấy rõ.
Đáng ngạc nhiên là trong bài "Vấn đề biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á", tác giả gợi lại vấn đề không có thực là"lãnh thổ K.K.K" và "một phần đất đai Campuchia bị mất vào tay Việt Nam". Với mục đích gì vậy? Tác giả có biết rằng trong tháng 8 năm 2012 vừa qua chính đại diện của nước CHND Trung Hoa tại Liên Hợp quốc đã bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu được có tiếng nói tại tổ chức quốc tế này của cái gọi là "phong trào K.K.K"? Sự trung thực cộng sản - nếu có thể gọi như vậy - là ở chỗ nào?
Thứ tư. Có những sự thực ít người biết đến, nhưng chẳng lẽ những người chủ trì một tạp chí có tên tuổi trong ngành như "Thế giới tri thức" lại ở trong trường hợp như vậy? Tôi muốn đề cập câu chuyện về điểm cao khống chế 1509 mà Trung Quốc gọi là Lão Sơn. Trong bài "Quan hệ Việt - Trung từ năm 1949 đến nay", tác giả đã mô tả những trận đánh đẫm máu, ác liệt để giành khu vực này vào năm 1984 như là cuộc chiến đấu vinh quang chống lại sự xâm lược của quân đội Việt Nam.
Hơn nữa, chúng tôi còn được biết, nơi đây nay đang trở thành một điểm du lịch của phía Trung Quốc với những trưng bày và thuyết minh bất chấp chân lý, bất chấp mọi sự nhẫn nhịn, trên thực tế phá hoại quan hệ Việt-Trung mà các bạn bày tỏ muốn vun đắp. Liệu có cần phải đánh thức "sự thật lịch sử"?
Cuối cùng, về câu chuyện hoang đường "Việt Nam bắt nạt Trung Quốc", "Việt Nam luôn áp dụng phương châm đối đầu trực diện với Trung Quốc,một bước không lùi", để thay lời kết luận, tôi xin kể hai chuyện nhỏ : Tháng 1/1979, khi quân đội Việt Nam mở chiến dịch phản công đánh trả cuộc xâm lấn toàn diện của chế độ Pôn Pốt với một tốc độ tiến quân mà các hãng thông tin trên thế giới mô tả là nhanh như điện sẹt, các mũi tiến công và vu hồi đã sẵn sàng khép chặt biên giới Campuchia - Thái Lan trong "tích tắc", thì lập tức nhận được lệnh buông lỏng, nhờ đó mà bộ sậu lãnh đạo Khơme đỏ chạy thoát. Nhưng mục đích đã đạt được: Không để một ai trong số hàng ngàn chuyên gia cố vấn quân sự và dân sự "người nước ngoài" bị kẹt lại hoặc bị bắt giữ.
Câu chuyện thứ hai là tháng 2 năm ấy (1979), bị bất ngờ bởi cuộc tấn công của Quân đội Trung Quốc, các lực lượng phòng ngự Việt Nam tạm thời bị đẩy lui khỏi tuyến biên giới. Nhưng ngay sau cuộc phòng ngự, bộ đội Việt Nam đã tổ chức phản công và một chiến dịch - chiến lược tiến công quy mô với lực lượng mạnh cả xung lực lẫn hỏa lực nhằm vào đối phương đang tập trung ở một thành phố biên giới đã được triển khai. Mọi sự đã sẵn sàng và đây chắc chắn là một đòn giáng trả mạnh mẽ, gây thương vong nặng nề. Chỉ ít giờ trước thời điểm nổ súng, chiến dịch được hủy bỏ khi phía Trung Quốc tuyên bố bắt đầu cuộc triệt thoái.
Thẳng thắn và mà nhìn nhận, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc bản chất là một mối quan hệ tích cực và cần phải như vậy. Xin được đề cập đến vào một dịp khác. Bài viết này của tôi không có mục đích tranh luận, ngay cả về phương diện học thuật. Nó đơn giản chỉ là "những điều không thể không nói ra",không thể không làm rõ vậy thôi.
TS Vũ Cao Phan
----
Chú thích: Những chữ để nghiêng trong bài này là trích từ "Những điều không thể không nói ra" hoặc từ các cuốn sách xuất bản ở Trung Quốc (TG).