Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

lại chuyện gì nữa đây???


Người dân Việt luôn phấp phỏng về những tin tức kiểu : Vinashin, Vinalines dù rằng trước đó họ thừa biết nó chỉ còn cái vỏ do tham nhũng và ngu dốt của những người lãnh đạo các công ty trên, Các tập đoàn khác cũng vậy thôi vì nó cùng một ruộc mà.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------Leanhxuan.
Việt Nam: Nợ xấu ám ảnh các tập đoàn khổng lồ chưa cải cách
Stuart Grudgings
Ngày 24-8-2012
Người dịch: Thủy Trúc
Hà Nội – Từ miền trung du đến những đô thị đông nghẹt xe cộ, khó mà không thấy sự hiện diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Họ xây nhà, vận hành một ngân hàng, quản lý một công ty môi giới chứng khoán, cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình và thuê 100.000 nhân công.
Hiện nay, theo một quan chức cao cấp trong ngành điện, rất am hiểu về ngành, thì nhà cung cấp điện bán lẻ duy nhất ở Việt Nam, mang tên EVN, có vẻ đã bành trướng thái quá. EVN là con quái vật khổng lồ gần đây nhất của nhà nước đang bị theo dõi chặt, trước tình cảnh quá nhiều nợ xấu đã làm rúng động lòng tin của giới đầu tư và thể hiện sự suy thoái của đất nước từng một thời nổi lên như là ngôi sao kinh tế mới của Đông Nam Á.
Một số người sợ rằng so với EVN, ngay cả nợ ở hãng đóng tàu Vinashin cũng chưa là gì. Việc Vinashin vỡ nợ 600 triệu USD đã tàn phá uy tín của Việt Nam đối với giới đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, EVN độc quyền dành được ít sự chú ý của quốc tế hơn Vinashin nhiều.
“Tôi có thể nói rằng nợ ở EVN xấu hơn nhiều so với trường hợp Vinashin, có khi lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng” – vị quan chức ngành điện, có hiểu biết trực tiếp về nợ của EVN, nói. Ông đề nghị giấu tên.
Tuần này, vụ bắt giữ nhà tài phiệt nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên – nhà tỷ phú sáng lập nên ngân hàng có giá trị đứng thứ tư ở Việt Nam là Ngân hàng Thương mại Cổ phần châu Á (ACB) – đã khoét sâu thêm nỗi sợ về tình trạng bất ổn tài chính ở đất nước 90 triệu dân, do cộng sản lãnh đạo này.
Vụ bắt ông Kiên càng làm người ta lo sợ về một khu vực đang rất căng thẳng vì những liên hệ của nó đến các công ty quốc doanh ngập nợ nần, trong đó có nhiều công ty như EVN – vốn dĩ đã vươn rất xa ra ngoài ngành kinh doanh chính của mình, khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách xây dựng những tập đoàn lớn, đủ sức cạnh tranh với thế giới, nhái lại mô hình “chaebol” của Hàn Quốc.
Ngân hàng Trung ương buộc phải đưa ra một lời bảo đảm hiếm hoi trước công chúng, rằng tiền gửi ở ACB là an toàn, trước tình cảnh người dân xếp hàng ở ACB để rút tiền, và chỉ số chứng khoán chủ chốt của Việt Nam sụt giảm 9% trong tuần.
Sự cố Vinashin gần như sụp đổ trong năm 2010, cùng các rắc rối nghiêm trọng ở công ty vận tải biển Vinalines năm nay, với tổng nợ lên đến 6,5 tỷ USD, buộc chính phủ phải cam kết tăng cường nỗ lực cải cách số doanh nghiệp nhà nước – chiếm tới một phần ba nền kinh tế và chiếm hết chỗ của đầu tư tư nhân.
Nhưng các đề xuất mới đây nhất, được công bố vào tháng 7, có vẻ đã không nhắc tới việc giải quyết vấn nạn chủ nghĩa tư bản thân hữu và đặc quyền đặc lợi – cái đã khiến cho 100 doanh nghiệp nhà nước (SOE) lớn nhất nợ nần tới 50 tỷ USD, gần bằng nửa sản lượng kinh tế năm 2010 của Việt Nam.
Giới kinh doanh ngân hàng và chuyên gia nói rằng, vấn đề không chỉ dừng lại ở Vinashin và Vinalines. 
“Đó mới là phần nổi của tảng băng” – ông David Koh, một chuyên gia về Việt Nam, ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), nhận định.
Chẳng hạn, thua lỗ của EVN có thể có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với tổng thể nền kinh tế, vì nó làm gián đoạn nguồn cung năng lượng giá rẻ, vốn là huyết mạch của khu vực sản xuất.
Một bài báo trên tờ Saigon Times hồi tháng 5 trích dẫn một tài liệu của cơ quan Kiểm toán Nhà nước nói rằng tính đến cuối năm 2010, EVN nợ 240 nghìn tỷ đồng (11,5 tỷ USD), gần gấp ba lần Vinashin cùng kỳ.
Báo Tuổi Trẻ tháng 12 đưa tin EVN thua lỗ từ sản xuất một khoản 8,4 nghìn tỷ đồng, gấp 12 lần con số mà EVN báo cáo cùng trong tài liệu đó.
Những con số đó cùng các số liệu không tâng bốc chút nào về các SOE đều đã bị xóa khỏi báo cáo chính thức của Kiểm toán Nhà nước gửi báo chí hồi tháng 7.
Reuteurs đã gọi điện thoại tới EVN vài lần để đề nghị bình luận, nhưng quan chức EVN không nhấc máy.
Tình trạng sức khỏe tài chính thật sự của EVN – doanh nghiệp lớn thứ 5 ở Việt Nam với doanh thu mà báo chí quốc doanh công bố là gần 5 tỷ USD năm 2011 – là rất khó biết. Nhà độc quyền này báo cáo là đã thua lỗ 3,5 tỷ đồng trong năm 2011, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ tính chính xác của các thông báo tài chính này.
EVN có thông báo một vài kết quả tới báo chí sở tại, nhưng không nêu chi tiết tình trạng tài khoản.
Lời hứa chìm xuồng dần
Cho dù có các vấn đề như vậy, Việt Nam vẫn là cỗ máy sản xuất, nổi lên trong thập kỷ trước từ những tàn tích của chiến tranh để đóng một vai trò trung tâm trong nền sản xuất công nghiệp ở châu Á, làm đủ thứ từ giày dép tới phụ kiện máy tính. Một nền kinh tế từng có thời được xây dựng trên những cánh đồng đầy bom rải thảm, giờ đây lấp lánh ánh sáng của những cửa hiệu và cao ốc hùng vĩ. 
Nhưng trong vài năm qua, các vấn đề lớn đã làm lu mờ những hứa hẹn của Việt Nam: từ lạm phát gia tăng theo đà xoáy trôn ốc, đến nạn quan liêu, từ cơ sở hạ tầng khập khiễng đến các món nợ chất chồng trong một hệ thống tài chính tù mù.
Năm nay, tăng trưởng tín dụng đã giảm rất mạnh, và nền kinh tế phát triển ở tốc độ khoảng 4%, giảm so với mức 7% của năm 2010.
Tháng 7, ngân hàng trung ương tuyên bố, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng dừng ở mức 8,6% – gần gấp đôi con số dự tính trước đó và là tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong các nước Đông Nam Á, theo hãng xếp hạng Dịch vụ Đầu tư Moody.
Ngân hàng trung ương trích dẫn “kết quả điều tra” từ các thanh tra để giải thích về mức tăng nợ xấu rất lớn này. Báo chí quốc doanh trích lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu hồi tháng 6 rằng tỷ lệ nợ xấu là 10%, và một số nhà phân tích cho rằng con số vẫn còn có thể cao hơn.
“Rất khó xác định con số nào là con số chúng ta có thể chấp nhận” – ông Christian de Guzman, một nhà phân tích hàng đầu của hãng Moody ở Singapore, nói. Ông tin rằng có khả năng những khoản nợ tồi tệ hơn của nhà nước sẽ còn được tiết lộ.
Hầu hết những căng thẳng về kinh tế của Việt Nam đều có thể bị quy về nguyên nhân quản lý, điều hành yếu kém các SOE.
Một lượng khổng lồ tín dụng rẻ đã được bơm vào các SOE từ năm 2009, khi chính phủ tìm cách làm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các SOE liền tiếp tục tưng bừng mở rộng sang các ngành nghề mà họ rất thiếu chuyên môn. 
Chính phủ đánh giá hai vụ vỡ nợ kia là bất thường, do sai phạm trong quản lý gây ra. Năm nay, 9 giám đốc điều hành của Vinashin đã bị bắt giam vì quản lý tồi nguồn lực của nhà nước, trong số này có cựu chủ tịch Phạm Thanh Bình, chịu án 20 năm tù. 6 giám đốc điều hành của Vinalines bị bắt giữ, cựu chủ tịch Vinalines bỏ trốn.
“Họ gắn lợi ích cá nhân vào các quyết định đầu tư… đó là tham nhũng” – ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch ủy ban kinh tế của Quốc hội, nói với Reuters.
Tuy nhiên nhiều nhà quan sát nói rằng, việc quản lý yếu kém như tại Vinashin và Vinalines là chuyện rất phổ biến ở các SOE, nơi mà giám đốc và ban quản trị có xu hướng được tuyển lựa nhờ vào các mối quan hệ chính trị hơn là nhờ tài năng kinh doanh. Cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng khen ngợi sự mở rộng của Vinashin, và từng có lời xin lỗi hiếm hoi đến các đại biểu quốc hội sau khi Vinaship sụp đổ và dẫn tới việc điểm tín dụng của Việt Nam bị hạ thấp một cách đáng xấu hổ.
Nhưng không ai trong chính phủ bị đưa ra tòa hay bị phạt vì sự sụp đổ này của Vinashin cả.
Vụ bắt giữ giám đốc điều hành nhà băng Nguyễn Đức Kiên, 48 tuổi – một trong 30 người giàu nhất Việt Nam – có thể là dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn đang gia tăng trong ban lãnh đạo cộng sản, xoay quanh vấn đề chính sách kinh tế.
“Có khá nhiều bất mãn về chuyện thủ tướng hậu thuẫn cho những đứa con được nuông chiều – những doanh nghiệp nhà nước này” – ông Steve Norris, một chuyên gia về Việt Nam tại Tập đoàn Kiểm soát Rủi ro ở Singapore, nhận xét.
Cải cách khiêm tốn
Chương trình cải cách mới đây nhất, được công bố hồi tháng trước, thoáng nhìn qua thì có vẻ rất táo bạo. Từ nay cho tới năm 2015, các SOE sẽ phải rút khỏi những ngành không phải hoạt động chính của họ, và đệ trình kế hoạch tái cơ cấu trước quý ba năm nay. Chính phủ cho biết họ sẽ để các công ty vận hành theo “cơ chế thị trường”, lựa chọn giám đốc một cách khắt khe hơn, cho giám đốc nhiều quyền tự quyết hơn để ngăn chặn mọi sự can thiệp chính trị, và thành lập một cơ quan đặc biệt để giám sát việc sử dụng tài sản ở các SOE.
Nhưng ông Nguyễn Đức Kiên, ủy ban kinh tế Quốc hội, thừa nhận sẽ phải mất hơn 2-3 năm, các thay đổi mới đem lại kết quả. Trong thời gian đó, giới phân tích muốn nhìn thấy báo cáo tài chính hàng quý mà các SOE có nghĩa vụ phải đưa ra theo quy định mới, để đánh giá xem độ minh bạch đã được cải thiện thật sự hay chưa.
Các ý kiến phê phán như của nhà kinh tế có tư tưởng cải cách, ông Lê Đăng Doanh, cho rằng mọi sự sửa đổi đều không có tác dụng mấy trong việc giải quyết cốt lõi của vấn đề, đó là sự miễn cưỡng của chính phủ khi phải từ bỏ quyền kiểm soát kiểu Xô Viết đối với các SOE lớn – vốn dĩ là đòn bẩy quyết định cho quyền lực kinh tế và xã hội của Đảng Cộng sản. 
“Đảng Cộng sản vẫn còn nắm giữ vai trò chủ đạo, và doanh nghiệp nhà nước vẫn là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Doanh, người từng là cố vấn cho chính phủ, nói. “Chừng nào điều đó còn tồn tại, thì mọi nhận thức về cải cách đều sẽ rất bị giới hạn”.
Mặc dù có một tầng lớp người tiêu dùng đầy sức sống, nhưng Việt Nam vẫn không bắt kịp làn sóng phục hồi đầu tư trong năm nay ở các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines và Indonesia. 
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 28% trong nửa đầu năm 2012 so với năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy các công ty đang ngày càng lo ngại về bất ổn chính trị ở Việt Nam và đang tìm kiếm các nước có nhân công rẻ khác, ví dụ như Myanmar, đất nước mới mở cửa. 
“FDI đang hướng về Myanmar chứ không phải Việt Nam” – một nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội nói. “Những trái ngon dễ kiếm đã được hái ở Việt Nam”. 
EVN – nợ nần và hỗn loạn 
Nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang cải cách dần dần khu vực SOE của mình, cắt giảm số doanh nghiệp quốc doanh từ 6000 công ty hồi chuyển giao thế kỷ xuống còn 1300, và chuyển 3388 công ty cùng chi nhánh của chúng vào khu vực tư nhân, thông qua cái gọi là “cổ phần hóa”. 
Nhưng từ đó đến nay, tiến trình tư nhân hóa đã chậm đến mức ì ạch. 
Năm nay, ông Đào Văn Hưng đã mất việc ở vương quốc EVN, sau sự vụ đơn vị viễn thông của EVN bị thua lỗ nặng nề, gần như ngay trước khi công ty này và khoản nợ của nó bị đối thủ cạnh tranh trong ngành viễn thông là Vietel, do bên quân đội điều hành, nuốt chửng. Ông Hưng bị điều chuyển trở lại bộ công thương Việt Nam, chờ điều tra nếu có.
Dưới sự lãnh đạo của ông Hưng, EVN đã bành trướng sang các ngành bất động sản, viễn thông và ngân hàng, ngay cả khi đất nước đang phải chịu tình cảnh cắt điện thường xuyên do thiếu đầu tư vào sản xuất điện. 
Trả lời phỏng vấn Reuteurs, vị quan chức ngành điện giấu tên nọ nói rằng phương pháp kế toán của công ty là một bí ẩn ngay cả với những người làm việc ở EVN, theo đó, không thể xác định rõ thua lỗ xuất phát từ ngành kinh doanh chính hay từ các thương vụ mới mở thêm của EVN. 
Ông cho biết, nhân lực chất lượng kém cũng là một vấn đề lớn khác.
Mặc dù vẫn còn nhiều hoạt động kinh doanh mạo hiểm và kém may mắn khác, nhưng khối nợ khổng lồ của EVN chắc chắn là đến từ chuyện họ không thể định giá cao hơn để đủ trang trải chi phí của việc sản xuất điện. Việt Nam là một trong những nước có giá điện thấp nhất châu Á, tuy nhiên điều đó đã dẫn tới hậu quả là đầu tư vào ngành điện rất kém và cung về điện không ổn định, làm hại ngành kinh doanh này. 
Hank Tomlinson, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Việt Nam, cho biết, một số công ty nước giải khát có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã tự chạy máy phát điện liên tục, vì hóa ra như thế lại rẻ hơn là phải đối mặt với cảnh bị cắt điện thường xuyên.
“Cái mà các doanh nghiệp cần là cung điện ổn định, đáng tin cậy, chứ không phải được bán điện với giá rẻ để rồi phải chạy máy phát điện suốt ngày đêm dự phòng” – ông Tomlinson nói. 
EVN đã nâng giá điện 5% trong năm nay, nhưng không minh bạch về lý do phải tăng giá. Điều đó khiến các doanh nghiệp nghi ngờ, nhất là vào thời điểm số các vụ phá sản gia tăng do tín dụng bị thắt chặt.
 “Các doanh nghiệp bây giờ phải chịu quá nhiều biến động và thua lỗ, nhưng cho đến giờ thì chúng tôi có thể làm được gì? Chúng tôi phải chung sống với chuyện đó” – ông Cao Tiến Vi, chủ tịch Tập đoàn Giấy Sài Gòn, nói. Ông cho biết thêm, EVN đã không hề thông báo trước về cú tăng giá gần đây nhất của họ.
(Biên tập: Jason Szep và Alex Richardson)
Nguồn: Reuteurs

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

TƯỜNG THUẬT VỤ ĐỐI THOẠI GIỮA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỚI NGƯỜI DÂN VĂN GIANG


Nguon: http://basamnews.com/blog/2012/08/21/1217-tuong-thuat-vu-doi-thoai-giua-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-voi-nguoi-dan-van-giang/#more-73262

Sáng ngày 21/08/2012 đã diễn ra cuộc đối thoại giữa đại diện những người nông dân bị thu hồi đất liên quan đến dự án Ecopark – Văn Giang – Hưng Yên với Bộ Tài Nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT)  tại trụ sở của Bộ TN-MT số 83 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.
          Từ 8h, hàng nghìn bà con Văn Giang – Hưng Yên đã có mặt tại trụ sở Bộ TN-MT. Tuy nhiên, chỉ có 100 người dân đại diện cho các hộ được vào hội trường tham gia buổi đối thoại.
 
          8h15’, luật sư Trần Vũ Hải, luật sư Hà Huy Sơn và 03 trợ lý thuộc VPLS Trần Vũ Hải – được các hộ dân ủy quyền, đã có mặt để tham dự buổi đối thoại.
Buổi đối thoại còn có sự chứng kiến của hàng chục nhà báo.
Đúng 8h30’, buổi đối thoại được bắt đầu, một cán bộ của Bộ TNMT lên khai mạc và thông báo thành phần buổi đối thoại. Thành phần tham gia buổi đối thoại gồm có: Ông Chu Phạm Ngọc Hiển – Thứ trưởng Bộ TN-MT ( được Bộ trưởng Bộ TN-MT ủy quyền chủ trì buổi đối thoại); Ông Đặng Minh Ngọc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Ông Nguyễn Duy Lượng – Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; và nhiều cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các bộ phận của Bộ TN-MT, các sở ban ngành của tỉnh Hưng Yên và huyện Văn Giang.
Ông Hiển, Thứ trưởng phát biểu khai mạc, đề nghị bà con chọn cách thức đối thoại, cho biết đã nhận được thông báo đại diện các hộ dân Văn Giang ủy quyền cho luật sư Trần Vũ Hải.
Luật sư Hải phát biểu, yêu cầu Bộ TN-MT cung cấp bằng văn bản  trả lời 12 nội dung trong Kiến nghị số 02 vì VPLS Trần Vũ Hải và các hộ dân chưa nhận được văn bản trả lời này.
 Ông Hiển cho biết, trong buổi đối thoại ngày 21/08/2012 sẽ trả lời ngay những vấn đề có thể trả lời được, còn những vấn đề chưa thể trả lời, Bộ TN-MT sẽ có văn bản trả lời luật sư sau.
Luật sư Hải cho rằng, những vấn đề nêu trong Bản kiến nghị rất quan trọng, nếu Bộ không trả lời được thì sự việc sẽ còn kéo dài và phức tạp. Vậy nên buổi đối thoại ngày hôm nay sẽ đi vào từng nội dung từ 1 đến 12 như đã nêu trong bản Kiến nghị số 02, nếu những vấn đề nào Bộ trả lời ngay được thì yêu cầu trả lời, còn nếu chưa trả lời được thì có thể trả lời sau bằng văn bản. Ông Hiển cho biết ông hoàn toàn nhất trí với những nội dung mà luật sư nêu. Sau đây là 12 nội dung được đối thoại:
1. Bộ TN-MT cần cung cấp Toàn văn Tờ trình số 14/TTr-BTMMT ngày 12/3/2004 và Tờ trình số 99/TTr-BTNMT ngày 29/06/2004  gửi Thủ tướng Chính phủ (liên quan đến các Quyết định 303/QĐ – TTg  ngày 30/03/2004 và Quyết định số 742/QĐ – TTg ngày 30/06/2004 của Thủ tướng Chính phủ)
Ông Hiển cho biết, về nguyên tắc, Bộ TN-MT không có trách nhiệm phải cung cấp 2 tờ trình trên, Bộ chỉ có trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản. Tuy nhiên,sau khi ông Sơn – một đại diện hộ dân Văn Giang trích dẫn Luật phòng chống tham nhũng về nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước, ông Hiển đã đồng ý cung cấp bản sao 02 tờ trình này (sau buổi đối thoại này).
2. Tại sao Bộ TN–MT trình Thủ tướng Chính phủ Tờ trình số 99/TTr-BTNMT ngày 29/06/2004 ngay trước khi Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001)  hết hiệu lực? Việc trình này có theo đúng thủ tục hành chính hay được rút  ngắn công đoạn để có lợi cho chủ đầu tư (đề nghị Quý Bộ kiểm tra văn thư việc đi đến của công văn  liên quan từ UBND tỉnh Hưng Yên đến Quý Bộ và tờ trình  của Quý Bộ đến Thủ tướng Chính phủ)?
Ông Hiển trả lời rằng Dự án đổi đất lấy hạ tầng xây dựng Khu đô thị Văn Giang là đúng quy định pháp luật hiện hành theo đúng thủ tục hành chính. Trình tự được rút ngắn, UBND tỉnh Hưng Yên  trình Bộ TNMT vào ngày 28/6, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ vào 29/6 về mặt thời gian không có vấn đề gì, và vẫn theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật. Thực ra dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương từ năm 2003. Từ 2003 đến 6/2004, các Bộ ngành có liên quan đã phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án này theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy đã có một thời gian rất dài để các bộ ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Việc đẩy nhanh các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian là chủ trương của Chính phủ, đáng được biểu dương.
          Ý kiến củaLuật sư Trần Vũ Hải: Ngày 30/6 là ngày cuối cùng của luật Đất đai năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001) còn hiệu lực. Theo luật Đất đai mới không có việc đổi đất lấy hạ tầng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghi ngờ về khả năng tài chính của Chủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải chưa có ý kiến về dự án đường giao thông. Về vấn đề này chúng tôi sẽ có ý kiến có buổi làm việc riêng với VPCP và Bộ GTVT. Như vậy chưa thể nói đã tham khảo ý kiến đầy đủ các bộ ngành liên quan. Chúng tôi và ngươi dân rất hoan nghênh việc đẩy nhanh thủ tục hành chính, nhưng đề nghị cơ quan Nhà nước cũng cần giải quyết nhanh gọn các yêu cầu của bà  con nông dân Văn Giang, đối xử công bằng như đối với Chủ đầu tư, không nên giải quyết chậm trễ như hiện nay, khiến người dân nghi kỵ về động cơ làm nhanh của những cơ quan này cho Chủ đầu tư.
3.  Tại sao Bộ TN–MT không đệ trình và tham mưu Chính phủ thông qua những vấn đề nêu tại Quyết định 303/QĐ – TTg  ngày 30/03/2004 và Quyết định số 742/QĐ – TTg ngày 30/06/2004? Vì theo quy định của Luật Đất đai 1993 (được sửa đổi, bổ sung những năm 1998, 2001), những nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ?
Ông Hiển khẳng định đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ dựa trên cơ sở Điều 23 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Luật sư Hải cho rằng ông Hiển đã viện dẫn một văn bản cũ đã được sửa đổi, không phù hợp với quy định của pháp luật. Do vậy đề nghị ông Hiển sẽ trả lời nội dung này bằng văn bản,phía luật sư sẽ có kiến nghị và đề nghị vị đại diện Văn phòng Chính phủ trả lời về nội dung này.
Tuy nhiên, ông Hiển nói Bộ TN-MT mời các vị đại biểu đến tham dự buổi đối thoại hôm nay chứ không có trách nhiệm trả lời những câu hỏi của luật sư cũng như người dân.
 Luật sư Hải đã viện dẫn Nghị định 66/2001/NĐ-CP là văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04/2000/NĐ-CP nêu trên, đã xác định thẩm quyền trên thuộc Chính phủ (không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như Nghị định 04/2000/NĐ-CP) và đề nghị Ông Hiển đính chính, xin lỗi bà con về việc trích dẫn không đúng văn bản.
Ông Hiển cho rằng thẩm quyền giám sát các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên nếu có thắc mắc, đề nghị luật sư và bà con gửi kiến nghị lên Quốc hội.
Về phía luật sư và người dân cho rằng, họ đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Quốc hội nhưng không hề nhận được câu trả lời, nên Bộ TN-MT cần tham mưu cho Chính phủ trả lời cho bà con được rõ về vấn đề này, nếu Ông không trả lời được cần mời ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, một chuyên gia hàng đầu về đất đai trả lời vấn đề này.
Cuối cùng, ông Hiển đưa ra ý kiến là sẽ trả lời vấn đề này bằng văn bản.
4. Dựa vào quy hoạch nào và được cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt, Bộ TN–MT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định nêu trên? Nếu có quy hoạch đó, đề nghị Bộ TN–MT cung cấp. Nếu không có quy hoạch nào, đề nghị Quý Bộ giải thích.
          Ông Hiển cho biết căn cứ vào Quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên ngày 25/03/2004 việc phê duyệt quy hoạch xây dựng dự án KĐT Văn Giang, Bộ đã tham mưu cho TTCP ban hành 2 quyết định 303/QĐ-TTg và 742/QĐ-TTg của Thủ tướng.
          Luật sư Hải cho biết đã nghiên cứu quy hoạch về xây dựng dự án KĐT Văn Giang, nhưng không thể coi quy hoạch này là quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng cũng không thể căn cứ vào quy hoạch của UBND tỉnh để quyết định.
 Ông Hiển lại dẫn chiếu quy hoạch sử dụng đất đai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 06/04/2002.
Luật sư Hải đề nghị ông Hiển cung cấp cho luật sư và người dân Văn Giang  quy hoạch sử dụng đất đai năm 2002?
          Ông Hiển nêu: Chúng tôi ko chỉ căn cứ vào quy hoạch đất đai mà còn căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị. Việc điều chỉnh KH sử dụng đất để thực hiện dự án là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại Quyết định số 438/2002 ngày 06/04/2002.
          Ông Trương Công Kính (Nông dân Văn Giang): khẳng định không có quy hoạch trên và đề nghị Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên trả lời rõ.
          Ông Hiển một lần nữa khẳng định, các đại biểu được mời đến đây để tham dự chứ không có trách nhiệm trả lời và đồng ý sẽ trả lời vấn đề này bằng văn bản sau.
5. Đề nghị Quý Bộ cho biết 02 Quyết định này của Thủ tướng là quyết định hành chính hay văn bản quy phạm pháp luật?  Nếu là quyết định hành chính có giá trị buộc thi hành đối với các hộ dân tại sao không được giao trực tiếp cho họ ngay sau khi ban hành? Nếu là văn bản quy phạm pháp luật tại sao lại không đăng tải trên công báo theo quy định của pháp luật? (Nếu Quý Bộ không trả lời được nội dung này, đề nghị tham khảo ý kiến của Văn phòng Chính phủ và/hoặc ý kiến của Bộ Tư pháp).
- Ý kiến trả lời của ông Hiển: Chúng tôi đối thoại với dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Bộ. Vấn đề này không thuộc trách nhiệm của Bộ, nên đề nghị bà con hỏi Văn phòng Chính phủ hoặc Bộ Tư pháp.
- Luật sư Hải cho rằng: Bộ nói không có trách nhiệm là không đúng vì 2 văn bản này Bộ có trách nhiệm tham mưu, Văn phòng Chính phủ và Bộ tư pháp chúng tôi đã hỏi nhưng chưa được trả lời, cho đến nay Bộ cũng không dám khẳng định đây là văn bản pháp quy hay Quyết định hành chính (QĐHC)?
- Ông Hiển cho biết: chức năng của Bộ không phải là trả lời các văn bản quy phạm pháp luật là văn bản gì? Xét trên góc độ cá nhân, tôi trả lời với luật sư văn bản này là QĐHC.
- Ông Đàm Văn Đồng (xã Xuân Quan): tôi đã được tiếp xúc với ông 01 buổi vào buổi tiếp dân, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của luật sư, phải trả lời công khai minh bạch cho dân biết.
- Luật sư Hải: cá nhân ông khẳng định rằng QĐHC, vậy tại sao không giao trực tiếp cho các hộ dân sau khi ban hành mà lại giao cho chủ đầu tư vào ngày 05/7/2004, còn các hộ dân nói họ không nhận được văn bản này? Nếu không giao họ không có trách nhiệm thi hành.
Ông Hiển: Đây là QĐ của Thủ tướng Chính phủ, đã ghi rõ tổ chức, cá nhân nào thực hiện QĐ của Thủ tướng, trách nhiệm này không thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT.
Ông Sơn (dân VG): Nói như vậy, người dân chúng tôi không có trách nhiệm thi hành vì trong QĐ không ghi tên chúng tôi.
Ông Hiển nói: UBND có trách nhiệm thi hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nên UBND tỉnh phải có trách nhiệm triển khai với nhân dân thi hành QĐ này
Luật sư Hải: Theo luật Hành chính,các QĐHC giao cho đối tượng nào thì đối tượng ấy phải thi hành, nhưng QĐ trên không giao cho các hộ dân, nhưng lại giao cho UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho chủ đầu tư. Chúng tôi đề nghị ông trả lời bằng văn bản về vấn đề này.
6. Tại sao Bộ TN–MT tham mưu cho quyết định 303/QĐ – TTg  xác định quỹ đất để tạo vốn xây dựng công trình cơ sở hạ tầng (1.650 ha, trong đó có 500 ha đất sau này được coi là đất của dự án Ecopark) là đất chuyên dùng, trong khi thực tế theo chủ đầu tư dự án Ecopark 30% của 500 ha đất này được dùng làm đất ở (tức không phải đất chuyên dùng)?
Ông Hiển có trích dẫn Nghị định 04/2000 Ngày 11/2/2000 của CP về dự án xây dựng nhà ở để bán.  Theo QĐ 303/QĐ-TTg đã xác định 500 ha là quỹ đất để tạo vốn xây dựng hạ tầng, còn việc xác định cụ thể các loại đất thì phải thực hiện theo quyết định phê duyệt do UBND tỉnh Hưng Yên là cơ quan phê duyệt.
- Bà Đỗ Thị Dơi (Phụng Công): Hỏi Bộ TN-MT có tư vấn cho Thủ tướng bán đất của dân trước 02 năm mà chúng tôi không biết?, năm 2002 tỉnh có quy hoạch cho nông dân chúng tôi dồn thửa đổi ruộng, vườn cây, ao cá. Vậy ông cho chúng tôi biết, dự án KĐT Văn Giang áp dụng luật đất đai mới hay cũ?
- Luật sư Hải khẳng định đất chuyên dùng không phải là đất ở, nếu giao cho Chủ đầu tư đất chuyên dùng, chủ đầu tư không được sử dụng làm đất ở, tức không được xây biệt thự, chung cư như hiện nay. Đề nghị ông Hiển trả lời bằng văn bản.

15 Responses to “1217. TƯỜNG THUẬT VỤ ĐỐI THOẠI GIỮA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỚI NGƯỜI DÂN VĂN GIANG”

  1. Khách Says:
    … ông Hiển nói Bộ TN-MT “mời các vị đại biểu đến tham dự buổi đối thoại hôm nay chứ không có trách nhiệm trả lời những câu hỏi của luật sư cũng như người dân”.
    Đối thoại là gì? Hay chỉ có ra toà mới phải trả lời? Mà TÒA nào?
    Tôi khẳng định, họ cho dân mình chỉ là những con kiến, còn họ là những CỦ KHOAI vĩ đại.
  2. Đất Nước Đứng Lên Says:
    Ông Hiển chỉ lên Quốc hội là bó tay rồi.Xin hỏi Quốc hội là ông nào?Ông đó có dám nhận trách nhiệm trả lời cho dân không? Đọc qua bài báo này tôi thấy ông Hiển chỉ trả lời cho qua chuyện.Ông Hiển làm đến Thứ trưởng bộ TN – MT vậy mà không biết gì hết cũng tội cho ông quá. Lúc thì thủ tướng chính phủ, lúc thì chính phủ thế là dân chịu chết. Nếu chỉ thủ tướng chính phủ còn biết ông nào đang tại vị mà rờ.Cái này chỉ đến chính phủ xem như xong việc.Vì có biết chính phủ là ông mô?
  3. Đất Nước Đứng Lên Says:
    Kiểu này đi kiện đến đời con, đời cháu cũng chưa xong đâu các vị ạ!
  4. Hoàng Tuấn Says:
    CÒn tập 2 ko đang hấp dẫn mà sao cắt rồi, giống truyền hình HN thế..hehe
  5. Khách Says:
    Bài này là độc quyền của nhật báo Basam à
  6. Tô Tồng Ngồng Says:
    LS.Hải hãy vì dân Văn Giang để đi đến tận cùng của Công Lý-Sự Thật…..
    Hãy đi đến cùng vì Văn Giang.Xem bọn nó thế nào?thủ đoạn ra sao?giải quyết thế nào?
  7. Dat Thep Says:
    Noi ra la biet Quan Cua Quyen.Thu truong bo TNMT van hach dich va coi dan nhu co rac.Da noi DOI THOAI la 2 ben deu co quyen duoc noi,va Nghe,Hoi va tra loi.Neu Doi thoai chi de may ong noi,Dan nghe ma Dan khong duoc hoi thi con gi la Doi Thoai.Hay cac ong so khong tra loi duoc Su That.
    Dung la Chinh Quyen cua Ke Cuop,chu khong phai cua Dan.
    Posted by 27.78.26.168 via http://webwarper.net, created by AlgART:http://algart.net/
    This is added while posting a message to avoid misusing the service
  8. Em Là Lú Says:
    Cách trả lời như thế này Ông Bà ta thường gọi là: “Bù trớt hướt” không đi cào đâu cả
    Kỳ này nông dân ta lại phải nói “chuyện với đầu gối” rồi . Buồn
  9. Không Còn Gi Để Nói Says:
    Ông Hiển và các ông quan khác tham gia đối thoại đều hiểu vấn đề hết đấy nhưng không nói ra được vì chẳng qua các ông ấy đều là những kẻ đi đổ vỏ ốc cho người khác mà thôi.
  10. Mr.Gia Says:
    Tránh né dây dưa mãi không được thì đối thoại vòng vo đổ cho ban nọ bộ kia kiểu đồng đổ cho tướng, tướng đổ cho đồng Đấy mới đúng bản chất nhà nước vì dân của nền dân chủ XHCN ,các vị cán bộ đại diện công quyền đã lột cái mặt nạ thế nào là công bộc của dân là đầy tớ của dân mà xưa nay họ thường rêu rao lừa phỉnh
  11. Viquocvongthan Says:
    Nghe giọng lưỡi của quan Hiển thì rõ cái guồng máy tay sai này chỉ lấp liếm, quanh co, dối trá! Chẳng có tý ty nào gọi là cấu thị, đối thoại!
  12. Sát Thát Says:
    con kiến kiện củ khoai .
  13. Minhhoang Says:
    Tức là nông dân thúc đầu gối lên rồi lôi cổ bọn làm việc bên bộ TNMT, cán bộ Hưng Yên, chủ xị và phó chủ xị Văn Giang xuống cho nghe cái đầu gối hỏi chuyện hở?
    Lú có lòng từ tâm quá hén! He he he.
  14. Minhhoang Says:
    Ngay từ đầu, cha cuội (do lấp liếm, nói dối còn hơn Cuội) Hiển một điều thủ tướng, hai điều thủ tướng, còn mấy ông mấy bà nghị gật gật gù gù đều được dán cho miếng băng keo để khỏi ú a ú ớ ngay từ đầu.
    Tội nghiệt cho ý tá thủ tướng, thời điểm Văn Giang đang rơi vào tầm ngắm của các quan chức cao cấp thì ông Nguyễn Tấn Dũng đang làm thủ tướng tập sự, đến khi đã nắm được tột đỉnh quyền hành thì anh Ba mới áp dụng cách bài bản những gì đã học hỏi được của mấy thằng đàn anh đi trước, hở một cái là thủ tướng chỉ đạo, thủ tướng gửi công điện khẩn, thủ tướng quyết liệt, thủ tướng đồng ý trên căn bản,…
    Thế thì mấy hôm nay, thủ tướng đang trùm mền nơi mô mà hổng thấy tăm hơi của y tá thủ tướng để giải quyết những chuyện rối rắm như tơ vò gần đây?
  15. TRAN HUNG Says:
    DUNG ROI . ONG THU TRUONG HIEN CUNG CHI DAM TRA LOI LONG VONG THE THOI . DAC DIEM NOI BAT NHAT CUA CHINH QUYEN CONG SAN VIET NAM O THE KY 21 LA : NOI MOT DANG , LAM MOT NEO .

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Trung Quốc với chiến lược 'chiếm dần từng đảo'


Cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm có thể là bàn đạp xuống phía nam để Trung Quốc lập các thành phố khác, thực hiện chiến lược chiếm dần từng nhóm đảo, rồi ôm trọn cả Biển Đông.
Trung Quốc đang tính gì ở Biển Đông
5 ngòi nổ trên Biển Đông

Tàu và máy bay quân sự Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Xinhua
Đây là nhận định của nhà phân tích Sarabjeet Singh Parma, học giả thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ. Bài viết được đăng trên tạp chí Eurasia Review tháng này.
Việc Trung Quốc thành lập đồn trú quân sự ở "Tam Sa" trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cùng với việc lập ra một hội đồng thành phố là những sự kiện làm thay đổi nghiêm trọng tình hình. Mục đich của họ, một là để mở rộng tầm với về quân sự; hai là tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông; và ba là đối phó với chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực.
Về ý nghĩa quân sự, thiết lập một căn cứ có thể giúp Trung Quốc có “chiều sâu” về phòng thủ, tấn công và tăng phạm vi hoạt động. Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam 350 km về phía nam và nằm ở phía tây bắc của Biển Đông, có một vị trí chiến lược quan trọng.
Từ đây Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía nam đảo Hải Nam và lục địa Trung Quốc. Đường băng trên đảo Phú Lâm dài khoảng 3 km, cho phép các máy bay tiêm kích của Trung Quốc như Sukhoi SU-30MKK hoạt động. Bản đồ kèm theo cho thấy khu vực có thể nằm trong tầm hoạt động của các loại máy bay JH-7 và SU-30 hoạt động từ hòn đảo này. Hơn thế nữa, đường băng trên đảo có khả năng kéo dài thêm bằng cách lấn thêm ra biển, tùy thuộc vào địa hình và độ sâu của mực nước ở khu vực.
Căn cứ hải quân ở đảo Phú Lâm đã được nâng cấp trong nhiều năm nay với việc xây dựng một cầu cảng khoảng dài 400 m và một đê chắn sóng để bảo vệ tàu neo đậu ở đó. Độ sâu ở đây cho phép các tàu lớn như tàu khu trục và tàu khu trục nhỏ tới neo đậu. Độ sâu hiện nay còn có thể được tăng lên bằng cách nạo vét thêm để neo đậu hoặc cập bến cho các tàu lớn hơn.
Tầm hoạt động của máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất phát từ đảo Phú Lâm trên Biển Đông. Đường màu xanh dương là hải trình của các tàu thương mại chở đến 70% lượng dầu lửa nhập vào Nhật Bản. Đồ họa: IDSA
Những hòn đảo xung quanh Phú Lâm, dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, có thể được sử dụng như một trạm theo dõi hoạt động hàng hải và thu thập thông tin tình báo. Những hình ảnh vệ tinh chụp năm 2008 cho thấy sự hiện diện của râu angten, chứng tỏ rằng Trung Quốc đã thiết lập một trạm nghe lén và theo dõi. Radar sẽ được bổ sung vào hệ thống mạng và làm cho các đảo này trở thành một nút thông tin liên lạc.
Trước khi cơ sở hạ tầng được hoàn thiện để làm căn cứ đủ về số lượng cho máy bay và tàu chiến Trung Quốc, hòn đảo này có thể bị sử dụng như căn cứ tiền tiêu. Những cơ sở hiện có có thể bao gồm hầm ngầm, kho dự trữ đạn dược, hậu cần và hỗ trợ y tế, sửa chữa và bảo dưỡng và nơi ăn nghỉ. Mặc dù số lượng các cơ sở sẽ bị hạn chế do diện tích hẹp, hòn đảo vẫn có thể trở thành một tiền đồn có giá trị.
Mặc dù sự hiện diện quân sự tiền tiêu của Trung Quốc bị coi là không mạnh, nhưng ít có quốc gia nào ở khu vực có thể ngăn cản được họ bằng phương cách vũ lực. Có chăng chỉ là khả năng các nước này đưa ra các tuyên bố phản đối miệng hoặc thông qua con đường ngoại giao.
Nếu các nước chọn cách ngừng can dự hoặc ngừng đối thoại với Trung Quốc, các tiến bộ nhỏ nhoi và phải dày công mới đạt được, tính đến nay, có thể tê liệt. Viện trợ quân sự từ nước ngoài cho các nước tranh chấp có thể khiến Trung Quốc cứng rắn hơn.
Điều 121 của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) về các chế độ đảo quy định một hòn đảo cần phải duy trì điều kiện là nơi cư trú của con người và có đời sống kinh tế riêng, thì mới đủ điều kiện có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Vì thế dù Phú Lâm có diện tích hạn chế, Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp về kinh tế, xã hội, khoa học... để sau đó đưa yêu cầu chủ quyền đối với các khu vực hàng hải của hòn đảo theo Điều 121, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng tiếp giáp.
Họ đang tính toán để một khoảnh đất gần 13 km vuông lại có thể mang cho họ thẩm quyền đối với 2 triệu km vuông vùng biển của các nước khác.
Trung Quốc đòi chủ quyền Biển Đông theo đường lưỡi bò (màu đỏ) vô căn cứ và không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Đồ họa: IDSA
Việc hội nghị bộ trưởng ASEAN không ra được một bản tuyên bố chung tại hội nghị gần đây là dấu hiệu cho thấy các nước thuộc Hiệp hội cần đoàn kết hơn và xây dựng một lập trường đa phương. Sự chia rẽ trong ASEAN sẽ tiếp tay cho Trung Quốc theo đuổi yêu sách đàm phán song phương. Trung Quốc luôn muốn đàm phán với từng nước có tranh chấp, bởi không nước nào có thế lực nhiều bằng họ. Nếu ASEAN đứng chung một vị trí trong tranh chấp, lợi thế của Trung Quốc sẽ giảm đi.
Rất có thể Trung Quốc lợi dụng tình hình hiện nay để tính đến một chiến lược “đảo nối đảo”, tức là nhảy từng bước một từ đảo này xuống đảo kia.
Nếu Trung Quốc quyết định thành lập các thành phố và vùng lãnh thổ tương tự trên các hòn đảo khác mà họ kiểm soát ở Biển Đông, họ sẽ có thể bao trùm toàn bộ yêu sách của mình trên Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước liên quan.
Phạm Ngọc Uyển

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Biết tên hàng xóm to lớn là kẻ đểu giả nhưng để được yên thân thì phải...


Trung Quốc, cường quốc không có đồng minh
(PL)- Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, cho rằng do bản tính bành trướng quá dữ dội và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, Trung Quốc không có đồng minh.

Tháng 6 vừa rồi, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển. Trên hành tinh này, thử hỏi Trung Quốc xem có quốc gia ven biển nào không có Luật Biển không? Trung Quốc không có Luật Biển thì họ có bảy đạo luật khác để chi phối, bảo vệ chủ quyền trên biển: Luật Hàng hải, Luật Đường cơ sở, Luật Hải dương... Giờ Việt Nam làm Luật Biển cũng giống như nhà có vườn, người ta phải rào chứ” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Hệ thống nói dối lớn nhất hành tinh
. Phóng viên:Trong thời gian căng thẳng vừa qua, báo chí Trung Quốc đã đưa những thông tin rất sai lệch về Việt Nam. Dường như họ đang cố dùng bộ máy truyền thông do nhà nước kiểm soát để kích động dân chúng của họ?
+ Thiếu tướngLê Văn Cương: Một số nhà báo, học giả Trung Quốc viết trên tờ Hoàn Cầu - một ấn phẩm của nhật báo Nhân Dân - kêu gọi phát động chiến tranh, chỉ có đánh Việt Nam mới giải quyết được vấn đề biển Đông, rằng trên thế giới này duy nhất Việt Nam là nước đi xâm lược, là hung hăng nhất, hiếu chiến nhất. Họ vẽ ra một hình ảnh đất nước Việt Nam như một tội đồ, để lừa dối nhân dân họ, lừa dối quân đội họ và lừa dối cả thế giới.
Trong gần 3 triệu quân nhân, sĩ quan, binh lính Trung Quốc, tôi tin tưởng tuyệt đại đa số không muốn gây hấn. Họ cũng muốn giao hảo. Ngay cả 1,3 tỉ người dân Trung Quốc cũng là người tốt, nhân hậu lắm, họ muốn bang giao, còn chuyện gây chiến họ không được gì cả. Họ là những con bài bị thí, bị lừa dối. Ngay cả hơn 20 ủy viên Bộ Chính trị, mấy trăm ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải ai cũng muốn gây chiến, chỉ là số nhỏ thôi.
Trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam cũng vậy, truyền thông Trung Quốc có hàng ngàn bài báo xuyên tạc, nhồi nhét vào đầu người Trung Quốc rằng đó là chiến công oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc phản công quân Việt Nam xâm lược. Đến giờ phút này, số người hiểu thực chất bản chất cuộc chiến chỉ có 1%.
Hôm 17-8 vừa rồi, khi nói chuyện với các nguyên thủ các quốc gia châu Phi tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có nói rằng: Chúng ta kiên quyết phản đối nước giàu lấn lướt nước nghèo, kiên quyết phản đối nước lớn đàn áp nước nhỏ. Nói hay như thế nhưng làm thì ngược lại.
. Cũng đã từng có nhiều người nói về việc hệ thống truyền thông Trung Quốc đưa thông tin sai lệch, “làm hỏng dân”...
+ Chuyện lừa dối của họ là truyền thống, từ thời Đông Chu liệt quốc đến giờ. Họ biến con người thành những con cừu, chỉ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Đến giờ phút này, truyền thông Trung Quốc là hệ thống nói dối lớn nhất hành tinh, chỉ phục vụ ý đồ chính trị của giới chóp bu. Về khoản này, Mỹ thua Trung Quốc.
Hồi năm 1979, Trung Quốc xâm lược ban ngày ban mặt chứ có phải buổi tối đâu. Nhưng cứ đến kỷ niệm năm chẵn, báo chí Trung Quốc tung ra trung bình khoảng 700-800 bài báo kéo tít gần như nhau: Chiến công oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc phản công quân Việt Nam xâm lược; cuộc phản công chiến lược thắng lợi...
Sẵn sàng dùng thủ đoạn tàn bạo
. Chúng ta vẫn thường nhắc đến chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về độ phổ biến của chủ nghĩa bành trướng trên thế giới?
+ Về mặt khoa học, phàm các dân tộc lớn, nước lớn, đều có nhân tố bành trướng chứ không phải chỉ có Trung Quốc. Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Ấn Độ đều như vậy. Đó là đặc điểm có tính phổ biến, như là người giàu, lớn, khỏe thì hay xem thường kẻ nghèo hèn. Một con người cũng thế, một cộng đồng cũng thế mà một dân tộc cũng thế.
Cho nên diễn biến hòa bình không phải chỉ có Mỹ. Tất nhiên gốc tích của diễn biến hòa bình thời hiện đại là từ Mỹ nhưng những thủ đoạn tác động vào các nước khác để đảm bảo có một chính quyền ở đó theo ý mình thì Trung Quốc là cha đẻ, là bậc thầy của thế giới. Cách đây 2.600 năm, chính ông Quản Trọng, người nước Tề thời Xuân Thu, là người đẻ ra diễn biến hòa bình với các thủ đoạn chia rẽ nội bộ, lũng đoạn kinh tế, khoét sâu mâu thuẫn, đưa thông tin vu khống để vua bạc đãi người trung thực, xung quanh nhà vua chỉ còn những loại nịnh thần, ngu dốt thôi. Từ đó đất nước họ suy yếu, ông ta thâu tóm năm nước xung quanh chỉ trong vài năm. Người Mỹ chỉ học mót người Trung Quốc về khoản này.
. Vậy chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc có gì khác biệt dẫn đến việc họ bị thế giới ghét bỏ như ông vừa đề cập?
+ Trung Quốc có hai điểm đặc biệt. Một là máu bành trướng của họ dữ dội, quyết liệt hơn các nước khác.
Hai là về mặt thủ đoạn, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn bất kể tính chất. Người Mỹ, Nhật, EU không bao giờ làm cái trò cho người sang xui nông dân Việt Nam trộn bùn vào chè, đưa về Trung Quốc quay lên truyền hình, chụp ảnh cho cả thế giới xem; họ cũng không bao giờ mua móng trâu, mua rễ quế, mua đỉa, tuồn hàng chất lượng kém, có chất độc sang Việt Nam. Cho nên cả thế giới chăm chăm cảnh giác Trung Quốc. Họ là một cường quốc không có đồng minh.
Khi nào Trung Quốc dùng vũ lực?
. Nghiên cứu các cuộc xung đột vũ trang của Trung Quốc từ năm 1949 đến nay, ông đánh giá thế nào về những yếu tố dẫn các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến việc giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế bằng vũ lực?
+ Nó là hợp lưu cộng hưởng của hai dòng: Dòng bành trướng và dòng phục vụ cho lợi ích trước mắt. Cuộc chiến tranh năm 1969 với Liên Xô chính là vật tế thần để họ chứng tỏ với Mỹ rằng tôi không liên kết với Liên Xô. Đến tháng 2-1979, họ biến Việt Nam thành vật tế thần, một lần nữa chứng minh cho Mỹ thấy họ không đồng minh gì với Việt Nam cả. Trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình còn đến Washington, đội mũ cao bồi, nói với Tổng thống Mỹ Carter rằng: “Chúng tôi là NATO phương Đông”. Việt Nam thành vật tế thần để Trung Quốc mua bán với Mỹ.
Suốt từ năm 1979 đến năm 1991, Trung Quốc câu kết với Mỹ và phản động quốc tế bóp nghẹt Việt Nam, bao vây cấm vận Việt Nam. Lịch sử Việt Nam lùi mất 30 năm. Đó là một thời kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam, khi tất cả mọi lối ra thế giới đều bị Trung Quốc và Mỹ bịt hết.
Bành trướng là chiến lược lâu dài của họ nhưng khi cần sử dụng vũ lực để giải quyết lợi ích trước mắt và phù hợp với chiến lược đó, họ sẵn sàng.
. Chuyện nước lớn, với tư tưởng bành trướng, thỏa thuận với nhau trên lưng nước nhỏ, đã từng xảy ra nhiều trên thế giới. Trong quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác thì sao, thưa ông?
+ Tôi cho là Việt Nam từng năm lần bị bán đứng.
Lần thứ nhất tại Hội nghị Genève năm 1954. Trung Quốc đã có sự mặc cả với Mỹ, Pháp chứ đúng ra ranh giới hai miền không phải vĩ tuyến 17 mà có thể là 13, nếu không thì là 15. Nhưng để lấy lòng Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã nhân nhượng Mỹ và Pháp kéo lên vĩ tuyến 17. Sau này chính Pháp nói với ta điều ấy.
Lần thứ hai khi Việt Nam gần thắng Mỹ năm 1972, Henry Kissinger đã ký tắt với ông Lê Đức Thọ, hai bên báo cáo cấp cao để chuẩn bị ký Hiệp định Paris. Nhưng sau đó Mao Trạch Đông mời Tổng thống Mỹ Nixon sang ký Thông cáo chung Thượng Hải. Ngày 1-3-1972, Kissinger về Tokyo họp báo, nói một câu nổi tiếng: Bây giờ chúng tôi chỉ còn nhìn về Mạc Tư Khoa để nghiền nát Hà Nội! Sau khi ký xong, những việc tày trời trước đây các tổng thống Mỹ khác không làm được thì Nixon làm được, đó là phong tỏa cảng Hải Phòng, con đường biển duy nhất Việt Nam ra thế giới, cho máy bay đánh sát biên giới Trung Quốc, rồi sau đó là 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Thiệt hại về người và tài sản trong cuộc không chiến của Mỹ ở miền Bắc từ 1-3-1972 đến khi ký Hiệp định Paris bằng cả sáu năm trước cộng lại. Ở miền Nam, ta cũng phải đổ xương máu nữa. Nên thông cáo Thượng Hải thực chất đã được viết bằng máu của người Việt Nam.
Lần thứ ba, họ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Không có sự đồng ý của Mỹ thì Trung Quốc không bao giờ dám đánh.
Lần thứ tư, chính Trung Quốc là kẻ chủ mưu gây nên vụ thảm sát hơn 2 triệu người Campuchia. Trung Quốc cung cấp từ A đến Z, lương thực thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men cho Khmer Đỏ. Chiến tranh biên giới Tây Nam 1976-1978 là Trung Quốc mượn Khmer Đỏ để đánh Việt Nam. Sau đấy, khi ta giải phóng Campuchia, Trung Quốc là kẻ lu loa trên thế giới rằng Việt Nam có âm mưu lập “Liên bang Đông Dương”. Kẻ gây ra họa diệt chủng lại vu cáo cho những người cứu người Campuchia khỏi họa diệt chủng.
Lần thứ năm là chiến tranh biên giới năm 1979. Năm lần họ buôn bán trên lưng mình.
Tất cả những chuyện tranh chấp của Trung Quốc với nước khác, từ xưa đến nay, không có cuộc tranh chấp nào mà Trung Quốc có lý cả. Cuộc chiến năm 1962 với Ấn Độ, họ chiếm của Ấn Độ mấy chục ngàn cây số vuông, không có lý nào cả.
Quan hệ với Nhật Bản, Philippines cũng vậy, không có lý nào. Tôi thống kê có 15 cuốn sách, 20 bản đồ cổ khẳng định cực nam của họ chỉ đến đảo Hải Nam thôi.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
HỮU LONG thực hiện