Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

'Những điều đáng phải nói ra từ lâu'

Hình ảnh biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam
Mới đây, văn bản ghi lại cuộc phỏng vấn được nói là của Tiến sỹ Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, dành cho Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix TV - trụ sở chính ở Hong Kong), đã thu hút sự chú ý đặc biệt của người quan tâm ở trong nước.
Trong bài phỏng vấn, chuyên gia về quan hệ Việt-Trung đã đề cập tới nhiều vấn đề trong tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, như yêu sách đàm phán song phương của Trung Quốc, hay thái độ của truyền thông Trung Quốc khi đưa tin bài về Việt Nam.
Bài phỏng vấn này đã được đăng trên một số tờ báo mạng của Việt Nam, được đón nhận một cách tích cực.
Tiến sỹ Phan nói ông cũng "không ngờ trước được hiệu ứng của bài phỏng vấn" khi nó được đăng tải ở Việt Nam, cho thấy các câu trả lời của ông đã "thỏa mãn được nhu cầu cần được biết của người đọc".
"Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam toàn là những người yêu nước cả. Thế nhưng không hiểu sao, họ chưa nói được những điều đáng ra phải nói từ lâu rồi."
"Rất nhiều vấn đề phải được công khai."
Đây là bài phỏng vấn cho chương trình talk-show Nhất hổ Nhất tịch đàm do người dẫn chương trình Hu I-Hu (Hồ Nhất Hổ, tên tiếng Anh là Tiger Hu) chủ trì, theo hình thức liên tuyến với nhiều khách mời ở cả trong trường quay lẫn các địa điểm ở bên ngoài.
Chương trình được ghi hình trước, sau đó dựng lại và phát sóng.

'Khán phòng dịu lại'

Tiến sỹ Vũ Cao Phan giải thích với BBC rằng ông đã trả lời phỏng vấn qua điện thoại vào hôm 23/06, và chương trình được phát ngày thứ Bảy 25/06, đồng thời phát lại một số lần.
Ông nói chưa được xem lại chương trình phát sóng, nhưng hy vọng nội dung các câu trả lời được phản ánh trung thực: "Ḥọ đã cam kết không cắt hay biên tập trả lời của tôi".
Ông Phan cho hay ông trả lời bằng tiếng Việt, theo kịch bản ông đã chuẩn bị sẵn trên cơ sở các câu hỏi đài truyền hình gửi cho ông từ trước, và có người phiên dịch lại.
"Trong khi thực hiện chương trình, tôi cũng được nghe trình bày của các khách mời khác."
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, 67 tuổi, người thông thạo tiếng Quan Thoại, cho hay ông chỉ "trả lời được ba trong số bốn câu định trước".
"Phần trả lời câu hỏi cuối cùng ("Tương lai phát triển của quan hệ Trung-Việt") là câu tôi tâm đắc nhất, vì nó phản ánh suy nghĩ và nguyện vọng lâu nay của tôi, lại không thực hiện được."
"Còn khi tôi nghe một khách mời là tướng hải quân của Trung Quốc chỉ trích 'Việt Nam vô ơn', tôi muốn phản hồi lại thì đường dây lại được truyền sang cho người khác."
Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà "song phương" ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa "con đường song phương".
TS Vũ Cao Phan
Tuy nhiên, ông Phan, người tự nhận là "yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là 'thân Trung Quốc'" nói ông có thể cảm nhận không khí trong khán phòng "dịu lại" sau các câu trả lời của ông.
BBC xin trích giới thiệu phỏng vấn của Tiến sỹ Vũ Cao Phan dành cho Đài Phượng Hoàng, dựa trên văn bản chuẩn bị của tiến sỹ.

Nội dung phỏng vấn

Đài Phượng Hoàng: Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị một thái độ gì?
TS Vũ Cao Phan: Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút.
Vài năm gần đây ngày càng có nhiều các tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.
Có lần TV Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).
Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường.
Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận.
Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.
Đài Phượng Hoàng: Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán?
TS Vũ Cao Phan: Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội
Đã có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam
Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Thứ nhất là vì Chính phủ hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.
Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.
Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy.
Đài Phượng Hoàng: Bản chất của sự tranh chấp Trung-Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "Gác tranh chấp, cùng khai thác" như thế nào?
TS Vũ Cao Phan: Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trưng Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc "gác tranh chấp, cùng khai thác".
Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: "Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác", có đúng không?
Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là "chủ quyền"! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?
Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.
Nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị.
Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành.
Bản đồ Biển Đông
Câu hỏi không được thực hiện
Đài Phượng Hoàng: Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung-Việt sẽ như thế nào? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước?
TS Vũ Cao Phan: Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là "thân Trung Quốc" cũng được.
Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy.
Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.
Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn:
Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác.
Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau.
TS Vũ Cao Phan
Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà "song phương" ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa "con đường song phương".
Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc. Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt với lớn Trung Quốc.
Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.
Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm những liên minh ma quỷ để chống Trung Quốc.
Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giếng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân tôi là một người lính trong chiến tranh, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng).
Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt.
Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi.
Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Nhận định ban đầu về cuộc gặp Việt - Trung

Dư luận đang đặc biệt quan tâm về cuộc họp hôm 25/06 tại Bắc Kinh giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc.
Bản tin chính thức của Thông tấn xã Việt Nam tường thuật hai bên "giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển" và "tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước".
Tuyên bố cũng cho biết hai nước sẽ "đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết "Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc"; thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất."
BBC đã hỏi hai chuyên gia có mối quan tâm về tranh chấp Biển Đông, để có một số phân tích ban đầu về cuộc gặp này.
1. Giáo sư Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nên nhận lời mời của Việt Nam để đi thăm Hà Nội.
GS. Carlyle A. Thayer
Loan báo Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý "giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị" nên được xem là diễn tiến tích cực sau những căng thẳng gần đây. Tuy nhiên, tuyên bố ấy cũng cần được đón nhận hết sức thận trọng. Trung Quốc và Việt Nam đã tuyên bố những lời tương tự trước đây. Hồi tháng Tư, phái đoàn cấp thứ trưởng về đàm phán biên giới gặp nhau ở Hà Nội và đồng ý "giải quyết thỏa đáng bất đồng trên biển thông qua hiệp thương hữu nghị và khảo sát những giải pháp với thái độ tích cực và xây dựng". Ấy vậy mà hôm 26/05, một tàu Trung Quốc đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Vào tháng Sáu, bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore. Vài ngày sau, lại có một vụ lớn thứ hai cũng liên quan tàu Trung Quốc và tàu khảo sát của Việt Nam.
Năm 2010, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức năm cuộc thảo luận về các khía cạnh song phương của tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc từ chối bàn về Hoàng Sa và cự tuyệt việc Việt Nam ủng hộ đàm phán đa phương. Thỏa thuận mới giữa các vị thứ trưởng ngoại giao sẽ không thể giải quyết hai vấn đề này. Bước tiếp theo sẽ là để cho các ngoại trưởng gặp nhau và thực thi những biện pháp cụ thể để biến cam kết thành hiện thực.
Việc Trung Quốc đồng ý giải quyết bất đồng trên biển với Việt Nam trong hòa bình chỉ có thể được tin tưởng nếu Trung Quốc ngừng hành động gây hấn với các tàu khảo sát của Việt Nam và nếu Trung Quốc đồng ý nhanh chóng tái tục đàm phán song phương với Việt Nam để hoàn tất những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết tranh chấp trên biển. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nên nhận lời mời của Việt Nam để đi thăm Hà Nội. Một hội nghị thượng đỉnh sẽ giúp hai nước tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên biển và đặt ra thời hạn chót, theo sau tiền lệ của thỏa thuận biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ.

2. Tiến sĩ Fu-Kuo Liu, Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc lập Chính trị, Đài Loan.
Việt Nam và Trung Quốc có những quyền lợi căn bản khác nhau. Không có nghĩa là hai nước lúc nào cũng phải đánh nhau.
Tiến sĩ Fu-Kuo Liu
Vì dư luận ở cả Trung Quốc và Việt Nam lúc này đang rất náo động, hai chính phủ bị sức ép phải làm gì đó. Tôi vui mừng thấy Hà Nội đã gửi một đặc sứ đến Bắc Kinh hội đàm. Rõ ràng Bắc Kinh đang chịu nhiều sức ép từ xã hội trong nước để có lập trường cứng rắn hơn với Việt Nam. Ngay cả nếu không xuất hiện đồng thuận rõ rệt về cách giải quyết vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa sau cuộc hội đàm, thì nó cũng chứng tỏ Bắc Kinh và Hà Nội có ý định giảm bớt căn thẳng ở bên trong và bên ngoài đất nước. Khi chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở cả hai nước, đó là thách thức lớn cho hai chính phủ trước lựa chọn phải đi theo con đường mà công chúng đòi hỏi.
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây thể hiện sự rạn nứt đã kéo dài. Chẳng có gì mới. Tôi không nghĩ cuộc hội đàm này sẽ giải quyết được ngay các khác biệt. Đúng hơn đó nên là sự khởi đầu cho tiến trình hòa bình cho hai quốc gia. Dấu hiệu quan trọng nhất là cả hai nước không muốn xung đột tăng cao. Sau cuộc họp này, có thể họ cần thành lập một cơ chế liên lạc thường xuyên hơn để ngăn một vụ trên biển biến thành xung đột quân sự.
Việt Nam và Trung Quốc có những quyền lợi căn bản khác nhau. Không có nghĩa là hai nước lúc nào cũng phải đánh nhau. Đối với tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa, gần như đối thoại là cách giải quyết duy nhất. Cả Trung Quốc và Việt Nam gần đây đều gia tăng hoạt động trên Biển Nam Trung Hoa. Hai phía sẽ nên đối thoại thường xuyên với nhau.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Học giả quốc tế bác lập trường của TQ về Biển Đông

21/06/2011 16:13:57
Hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ tổ chức đã diễn ra từ sáng 20/6 (giờ địa phương) tại thủ đô Washington, Mỹ với sự tham dự của khoảng 150 học giả, nhà nghiên cứu, quan chức ngoại giao và phóng viên báo chí đến từ nhiều nước trên thế giới.
TIN LIÊN QUAN

Các học giả tại hội thảo. Ảnh: TTXVN
Các học giả tại hội thảo. Ảnh: TTXVN
Sau phát biểu của ông Su Hao, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, trong phiên thảo luận đầu tiên về tuyên bố chủ quyền cũng như chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông, nhiều học giả quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng phản bác các lập luận của học giả Trung Quốc, đặc biệt là "cơ sở lịch sử" của tuyên bố chủ quyền đường chữ U.

Trong bài phát biểu ngay sau đó, ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc phụ trách chính trị và an ninh của Ban Thư ký ASEAN, nói: "Tôi không cho rằng Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền."

Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, không đồng tình với cách giải thích của Trung Quốc về ý nghĩa của đường chữ U liên quan tới lịch sử. Ông nói: "Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS."

Tiến sỹ Dutton cũng nói rằng việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của UNCLOS.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng, giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng "di sản lịch sử" để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.

Cũng liên quan đến khía cạnh luật quốc tế, bà Caitlyn Antrim, Giám đốc Ủy ban Pháp quyền Đại dương của Mỹ, khẳng định tuyên bố đường 9 đoạn (đường chữ U) không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ.

Bà Antrim nói: "Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường chữ U đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu. Đối với các đảo không có cư dân sinh sống thì họ chỉ có thể tuyên bố lãnh hải, chứ không thể tính vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo đó."

Trong phiên thảo luận buổi chiều, các học giả Bonnie Glaser của Mỹ, Trần Trường Thủy của Việt Nam, Carl Thayer của Australia và Ian Storey của Singapore đã trình bày về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đưa ra cách giải thích cho các sự kiện này.

Trước câu hỏi của học giả Trung Quốc về việc tại sao các sự kiện giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Việt Nam lại xảy ra vào thời điểm này, tiến sĩ Trần Trường Thủy nói: "Đây cũng là câu hỏi của chúng tôi. Tại sao tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào thời điểm ngay trước khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Shangri-la".

Tại hội thảo, ngoài các học giả còn có bài phát biểu của Thượng nghị sỹ John McCain, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia John Negroponte và một số quan chức của Mỹ.

Về tình hình tại Biển Đông, Thượng nghị sỹ McCain nói: "Một trong nhưng nguyên nhân chính làm xấu thêm những căng thẳng tại Biển Đông và khiến cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại đây trở nên khó khăn hơn là thái độ hiếu chiến của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc muốn thúc đẩy."

Hội thảo sẽ tiếp tục trong buổi sáng 21/6 với các phiên thảo luận về tính hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế an ninh trên biển hiện nay cho Biển Đông và các đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy an ninh trong khu vực.

(Theo TTXVN)

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Biển Đông: Không thể trông chờ lòng tốt của kẻ khác

Lịch sử đã cho thấy, trông chờ vào lòng tốt của kẻ mạnh là một sai lầm. Với chủ quyền quốc gia thì đó là sai lầm lớn nhất và không được phép mắc phải. Vì thế, không còn cách nào khác là phải tự mình cứu mình trước. - TS Giáp Văn Dương đặt vấn đề.
ASEAN xé lẻ
Trong lúc căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng thì nội bộ ASEAN - diễn đàn chính được kỳ vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình - lại đối mặt với nhiều vấn đề nóng có khả năng gây mất đoàn kết nghiêm trọng trong khu vực.
Ngày 9/6/2011 vừa qua, sự kiện tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi 2 tàu ngư chính xông vào cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam cùng với sự kiện ngày 26/5/2011 khi 3 tàu hải giám Trung Quốc đã vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam 120 hải lý để uy hiếp và cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã làm nổi lên những đợt sóng mới, tiếp nối những căng thẳng đã có về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khoảng thời gian đó, Thái Lan và Campuchia lại đang bận bịu với việc đưa nhau ra Tòa quốc tế vì tranh chấp đền Preah Vihear ở gần biên giới của hai nước, sau một thời gian đối đầu bạo lực.
Chỉ trước đó không lâu, Lào với dự định xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong dưới sự đầu tư của Thái Lan, có nguy cơ tổn hại lớn đến nguồn nước và môi trường sinh thái của Campuchia và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, đã gây lo ngại sâu sắc của nhiều giới nhiều ngành, không chỉ ở những nước trực tiếp bị ảnh hưởng, mà còn cả trong một số tổ chức môi trường quốc tế.
Tàu Viking 02 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp trong vùng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Ảnh PVN
Với thực tế đó, ASEAN đang bị xé lẻ trước nhiều vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sự phát triển, ổn định và an ninh của khu vực, đặc biệt với vấn đề tranh chấp Biển Đông, được dự báo sẽ ngày càng phức tạp và có nguy cơ trở thành điểm nóng của khu vực và thế giới.
Tranh chấp Biển Đông diễn ra giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Vì thế, ASEAN nghiễm nhiên được coi là diễn đàn khu vực để thương lượng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Tuy nhiên, Myanmar - một thành viên của ASEAN -lại bày tỏ quan điểm đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp. Một số nước khác chỉ kêu gọi chung chung, không bày tỏ chính kiến rõ ràng vì không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông.
Sự đoàn kết nội bộ của ASEAN đang bị thử thách nghiêm trọng. Trên thực tế, thỏa thuận về quy tắc ứng xử của ASEAN và Trung Quốc (DOC 2002) hầu như vẫn chỉ nằm trên giấy, ít có giá trị ràng buộc.
Trong khi đó, Trung Quốc với tiềm lực vượt trội về kinh tế và quân sự lại gia tăng áp lực tranh chấp toàn diện và đưa các tàu "ngư chính, hải giám" đi quấy phá vùng biển các nước ASEAN; liên tục dùng ngoại giao chi phiếu và viện trợ quân sự đối với các nước không có tranh chấp trực tiếp để kiểm soát và gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN.
Tự mình cứu mình
Vậy phải làm gì trong bối cảnh này? Trông chờ vào lòng tốt của Trung Quốc - nguyên nhân chính của căng thẳng bằng việc đòi hỏi 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của mình - hay tự mình cứu mình trước khi quá muộn?
Lịch sử đã cho thấy, trông chờ vào lòng tốt của kẻ mạnh là một sai lầm. Với chủ quyền quốc gia thì đó là sai lầm lớn nhất và không được phép mắc phải. Vì thế, không còn cách nào khác là phải tự mình cứu mình trước.
Vậy cứu mình bằng cách nào? Không còn cách nào khác là làm cho mình mạnh lên và lôi kéo bạn bè, đồng minh, những người có cùng lợi ích và mối quan tâm đứng về phía mình.
Nhưng làm mình mạnh lên bằng cách nào? Không còn cách nào khác là đoàn kết lòng dân, làm cho dân tin. Muốn thế, lãnh đạo phải gương mẫu, bản lĩnh, có tâm có tài, và quan trọng, phải vì dân trước hết, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Vì nhân dân, thời nào cũng thế, đều nhìn vào lãnh đạo để hành xử.
Nhân dân phải được tôn trọng và bảo vệ, phải được lắng nghe, phải được thông tin về mọi diễn biến lớn của đất nước. Được như thế, dân sẽ không ngại hy sinh để bảo vệ đất nước.
Trong cuộc chiến pháp lý, những nghiên cứu về Biển Đông, được công bố trên các tạp chí và sách báo quốc tế, sẽ có sức nặng quyết định. Vì thế, chính phủ cần công khai khuyến khích và hỗ trợ các trường đại học, các viện nghiên cứu liên quan đến Biển Đông, tăng cường đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về Biển Đông trong nhiều lĩnh vực khác nhau để từ đó xây dựng cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Còn lôi kéo bạn bè, đồng minh? Với ASEAN, do có khác biệt nhiều về Tôn giáo, Văn hóa và Thể chế chính trị, nên những mối quan tâm chung không hẳn đã đồng qui. Việt Nam không thể chấm dứt tranh chấp đền Preah Vihear nếu Thái Land và Campuchia không muốn, cũng không thể quyết định thay cho Lào trong việc dừng xây dựng thủy điện Xayaburi. Vì thế, sợi dây khả dĩ nhất để liên kết các nước ASEAN là triển vọng xây dựng một khu vực an ninh, thịnh vượng và chia sẻ những lợi ích chung thông qua hợp tác, tuy còn ở dạng tiềm năng nhưng có thể trở thành hiện thực nếu biết khai thác.
Với Biển Đông, lợi ích chung đó chính là sự bình yên, tự do hàng hải và sự đảm bảo các lợi ích hợp pháp của quốc gia theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Trong số năm nước có tranh chấp với Trung Quốc thì có đến bốn nước ASEAN, đó là: Việt Nam,Phillipines, Malaysia và Indonesia và cũng không loại trừ Brunei, khi nói đến đường lưỡi bò.
Với ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thể hiện qua "đường lưỡi bò" trong bản đồ họ trình lên Liên hiệp quốc ngày 7/5/2009, thì lợi ích hợp pháp của cả năm nước ASEAN đều bị Trung Quốc đe dọa. Đó chính là một trong những đầu mối quan trọng để liên kết các nước ASEAN trong công cuộc đoàn kết chống lại ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ngoài ASEAN, một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... cũng có quyền lợi trực tiếp thông qua tự do hàng hải ở Biển Đông, nên việc xiển dương và chia sẻ những lợi ích về tự do hàng hải này cũng sẽ là một động lực để họ đứng về ASEAN trước tham vọng của Trung Quốc.
Việc xiển dương những lợi ích chung này, không nên chỉ nằm trong chương trình hoạt động của chính phủ, mà cần thiết phải được triển khai rộng mở đến các tầng lớp nhân dân, thông qua các chương trình ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa, trao đổi khoa học, giáo dục, thể thao... Vì suy cho cùng, chính sách và hoạt động của các chính phủ, đều do lòng dân qui định, và chịu điều chỉnh liên tục khi nhận thức của nhân dân thay đổi.
Việt Nam, với tư cách là một trong những nước chịu tác động nhiều nhất của tranh chấp Biển Đông cũng như việc khai thác dòng sông Mekong, cần phải là người chủ động hơn nữa trong việc đoàn kết các nước ASEAN, trước hết vì lợi ích trực tiếp của chính mình, sau nữa vì hòa bình và ổn định chung cho toàn khu vực.
Ngoài ra Việt Nam cần chính xác và minh bạch các thông tin công bố, chẳng hạn trong sự kiện 26/5/2011: Ban đầu thông tin nói rằng đây không phải là lần đầu Trung Quốc quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí. Nhưng sau đó, lại có thông tin rằng đây là lần đầu. Điều đó khiến cho giới quan sát bị lẫn lộn, và một số người đã suy diễn rằng tại sao lần này Việt Nam lại quyết định đưa chuyện này ra công khai, còn những lần trước thì không. Vì vậy, một chính sách thông tin minh bạch và nhất quán là điều tối cần thiết đối trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Không có sự thông cảm và hiểu biết chung nào tự nhiên đến. Cũng không có thành quả nào tự trên trời rơi xuống. Tất cả đều là kết quả của một quá trình nỗ lực bền bỉ lâu dài. Nên việc Việt Nam cần chủ động có một chiến lược ngoại giao nhân dân, song song cùng việc tăng cường ngoại giao chính phủ,  trước một thực tế ASEAN đang bị chia rẽ, là điều vô cùng cần thiết.
Nói cách khác, chính phủ và mỗi người dân Việt Nam cần phải là người chủ động trong việc đoàn kết ASEAN để bảo vệ lợi ích của chính mình cũng như hòa bình và an ninh chung trong khu vực.
---
Tác giả cảm ơn Lê Vĩnh Trương, Phạm Thu Xuân, Dự Văn Toán và Nguyễn Đức Hùng đã đọc và góp ý cho bản thảo.

Thách thức Biển Đông và "chiếc nỏ thần" Việt Nam

Dân tộc Việt Nam có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được.
Những biến động dồn dập gần đây ở Biển Đông với hành động phi đạo lý của Trung Quốc trong xâm phạm chủ quyền của Việt Nam chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm khổng lồ chứa đựng không chỉ tham vọng vô đáy của Trung Quốc trong vùng biển xung yếu này mà cả sự đánh giá rất thấp (nếu không nói là coi thường) khả năng ứng xử chiến lược của nhà nước và sức trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.
Đây là một nước cờ sâu và táo bạo. Có lẽ những người đi nước cờ này đã trù tính kỹ tới ba phản ứng sau đây của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam sẽ không tiếc tiền, vội vã mua sắm vũ khí, tăng cường phòng thủ. Điều này sẽ làm ngân sách quốc gia kiệt quệ, kinh tế vĩ mô chao đảo, kinh tế suy yếu.
Thứ hai, người dân Việt Nam sẽ rất bức xúc trong khi nhà nước bối rối lo ngại nên tăng cường kiểm soát và kìm chế. Kết quả là, người Việt Nam sẽ mất đi tính sáng suốt của sự đồng lòng; và do đó không còn tâm trí nào cho một nỗ lực cải cách sâu rộng.
Thứ ba, giới doanh nhân Việt Nam sẽ mất đi quyết tâm và nhuệ khí  trong thâm nhập thị trường Trung Quốc, một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong chiến lược phát triển. Vì thế, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước thua thiệt và yếu kém nhất trong các nước châu Á trong quan hệ thương mại với thị trường khổng lồ và tăng trưởng nhanh chóng này.
Thế nhưng, những người chơi nước cờ sâu và táo bạo nói trên có thể không lường hết sức trỗi dậycủa dân tộc Việt Nam. Dân tộc này có một vũ khí chiến lược vô song chỉ được dùng đến khi không còn phương cách nào khác. Vũ khí đó có khả năng làm kinh ngạc đối phương và thế giới bằng những nỗ lực phi thường mà trước đó không ai có thể hình dung được. Thách thức Biển Đông có lẽ là một vận hội vô giá, nó buộc người Việt Nam chúng ta phải dùng đến chiếc "nỏ thần" kỳ diệu này.
Chúng ta cần hiểu Trung Quốc hơn
Để vượt qua thách thức nghiệt ngã hiện nay, Việt Nam cần hiểu rõ hơn Trung Quốc. Đây là một dân tộc có nền văn hóa lớn, lâu đời, với nhiều thành quả huy hoàng trong quá khứ nhưng đã bị kìm nén nặng nề trong hàng trăm năm qua do chính sách đóng cửa và não trạng mê muội. Từ khi có cải cách do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng họ đã đi được những bước khổng lồ, làm thế giới thán phục, với động lực chủ đạo là ý chí và tham vọng rất lớn, trọng dụng nhân tài, tầm nhìn rộng, và mưu kế sâu sắc. Xu thế này hiện còn rất mạnh mẽ và có thể còn kéo dài.
Đảo Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Chu Thanh Vân.
Việt Nam cũng như nhiều nước khác cần thấu hiểu cục diện này và chuẩn bị thật tốt để có thể sống bên một người láng giềng khổng lồ, hùng mạnh, tham vọng, mưu sâu, và có thể có những hành vi nhẫn tâm trong khẳng định quyền thế nhờ sự trỗi dậy của mình.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần biết rõ những điểm yếu rất dễ tổn thương của Trung Quốc. Thứ nhất, đó là nội tình phức tạp với nhiều yếu tố bất ổn từ trong cốt lõi. Mức độ ổn định chính trị và kiểm soát tham nhũng của Trung Quốc rất thấp so với hầu hết các nước (theo khảo sát thường niên của Ngân hàng Thế giới). Trung quốc sẽ không thể rảnh tay làm mưa gió trên thế giới nếu người dân Trung Quốc thấy chính phủ mình thua kém Việt Nam và các nước láng giềng trong nỗ lực cải cách-phát triển. Khi đó Trung Quốc sẽ phải quay về giải quyết vấn đề nội bộ.
Thứ hai, hình ảnh nhân văn của Trung Quốc trên trường quốc tế còn rất thấp. Từ thực tế châu Phi đến Biển Đông, họ chưa chứng tỏ được mình là một quốc gia có trách nhiệm cao trong  kiến tạo hòa bình và phồn vinh cho thế giới.
Thứ ba, Trung Quốc để lại nhiều ấn tượng chưa đẹp về tính trung thực và sự nhất quán giữa hành động và lời nói, từ chất lượng sản phẩm đến đường lối kinh tế và chính sách ngoại giao.
Một mặt khác, Trung Quốc là một quốc gia có lãnh đạo giỏi, tầm nhìn xa. Trên thực tế, họ rất ngại và kiêng nể các quốc gia có hội đủ ba yếu tố: thượng tôn các qui luật của tạo hóa, trọng dụng nhân tài, và dốc sức khai phát sức mạnh dân tộc. Bởi họ biết dân tộc này sẽ là một quốc gia hùng cường. Hàn Quốc là một trường hợp điển hình. Trong khi đó, họ có thể hành xử rất ngạo mạn với những quốc gia mê muội, giáo điều, hắt hủi hiền tài, phân liệt nhân tâm. Bởi họ biết đất nước này đang ở vào thế suy vi.
Trung Quốc đã qua giai đoạn trỗi dậy hòa bình và bước vào giai đoạn khẳng định uy lực của mình. Họ sẽ không ngại đối đầu trên những điểm mạnh của họ, đặc biệt là về thực lực kinh tế và quân sự. Tuy nhiên họ sẽ phải chùn lại nếu sự đụng độ khoét sâu các điểm yếu nêu trên: ổn định chính trị thấp, hình ảnh nhân văn hạn chế, ấn tượng về hành xử thiếu văn minh và trách nhiệm.
Việt Nam: Chiếc "nỏ thần" và phương cách sử dụng
Từ bài học từ cha ông
Binh pháp cổ có tổng kết rằng, muốn làm nên một chiến thắng hiển hách, cần có khả năng làm kinh ngạc đối phương. Đây là chiếc "nỏ thần" kỳ diệu mà người Việt Nam qua bao thế hệ đã dùng đến mỗi khi đất nước bị lâm nguy hoặc ngoại xâm giày xéo. Ông cha ta đã để lại những bài học quí giá khi dùng đến vũ khí chiến lược này.
Bài học của Đức Trần Hưng Đạo chỉ ra rằng cách bảo vệ tổ quốc tốt nhất là chủ động tiến công vào những yếu kém của chính mình. Theo tư tưởng này, ngài thảo ra hịch tướng sĩ, khích lệ tướng sĩ thấy nỗi nhục quốc gia mà bỏ thói hư tật xấu, quyết chí một lòng, xả thân vì nước.
Ngài chỉ rõ, nếu để mất nước thì: "chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến ngàn năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận."
Và nếu giữ được nước thì: "trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền."
Nguyễn Trãi nêu ra những nguyên lý cao cả để dân tộc vượt lên mọi sự bạo ngược:
"Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo"
(Bình Ngô Đại cáo)
Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ trăn trở tìm kiếm người hiền tài ra giúp nước: "Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến... Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn - sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình - sức một người không thể đảm đương." (Chiếu cầu hiền)
Đến nỗ lực hôm nay
Sẽ cần những nghiên cứu sâu sắc và thảo luận rộng khắp trong nhân dân để tìm ra đủ phương cách để Việt Nam có thể vượt lên bằng những nỗ lực làm kinh ngạc thế giới, buộc đối phương phải rút về thế phòng thủ - hòa hoãn. Ba hướng đi lớn cho các nỗ lực có thể là:
1- Xác lập ý chí cải cách của lãnh đạo Đảng và Nhà nước;
2- Cả nước trên dưới một lòng toàn tâm toàn ý khai phát sức mạnh tiềm tàng của dân tộc; và
3- Toàn xã hội thành tâm coi giá trị nhân văn và lòng nhân bản làm nền tảng phát triển và hướng đích cho dân tộc đi đến phồn vinh.
Theo hướng đi này chúng ta có quyền đòi hỏi và kỳ vọng một số hành động sau đây.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước lắng nghe bàn luận để thấy hết nguy cơ, thậm chí thảm họa mà đất nước nhân dân sẽ phải gánh chịu trong tương lai không xa nếu đất nước tiếp tục tụt hậu, dân tộc phân tâm.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước quây quần cùng đại diện mọi tầng lớp nhân dân, ngày đêm họp bàn tìm phương kế cải cách, đưa nhanh đất nước đến hùng cường.
+ Lãnh đạo Đảng và Nhà nước có chính sách sử dụng hiền tài, đưa đất nước vượt lên trên mọi lĩnh vực, từ phát triển kinh tế đến củng cố quốc phòng, từ dân chủ hóa đất nước đến xây dựng thiết chế nền tảng cho phát triển bền vững, từ cải cách giáo dục đến nâng cấp tiềm lực khoa học công nghệ, từ hợp tác quốc tế đến gia cường vị thế và hình ảnh Việt Nam.
+ Có những bước đi đột phá táo bạo; đặc biệt là xây dựng một số đặc khu kinh tế nhằm huy động sức mạnh tổng lực của dân tộc, là hình mẫu của Việt Nam năm 2045, với sức đuổi vượt mạnh mẽ làm thế giới khâm phục và kính nể.
+ Mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu hãy tự giác góp phần tạo nên hình ảnh một dân tộc có phẩm chất cao quí: thành tâm trong hợp tác, cầu thị trong học hỏi, ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng. Việt Nam cần trở thành một điểm sáng, có sức tương phản và thu hút mạnh mẽ trong hun đúc những phẩm chất cao quí này.