Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

“CHỈ CẦN RÀNH BỐN PHÉP TOÁN LÀ LÀM ĐƯỢC LÃNH ĐẠO”


Tâm tình ông Bảy Nhị: Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương;  biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc. 

Hồ Cúc Phương (thực hiện)

 Tôi gọi điện thoại cho nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Nhị và đề nghị được về tỉnh lúa An Giang thăm ông. Biết tôi lặn lội từ Hà Nội vào, ông xởi lởi, “chờ ngày nghỉ cuối tuần, chú lên Sài Gòn kết hợp công chuyện và tới chỗ cháu luôn cho đỡ cực”. Thấy tôi tỏ ý xúc động vì tấm thịnh tình ông dành cho cô phóng viên lần đầu gặp gỡ, bạn bè bảo: “quan chức địa phương, ông nào chẳng có xe hơi, chẳng sở hữu dăm ba căn nhà ở thành phố. Một công đôi việc, đằng nào cuối tuần ổng chẳng về đây nghỉ ngơi, hưởng thụ!”. Tôi nghĩ thầm, cũng có lý. Rồi ông tới tận Văn phòng đại diện báo Nhân Dân gặp tôi, đúng hẹn, không sai một phút. Thấy tôi nhìn quanh: “xe chú đậu chỗ nào”, ông cười hiền: “chú lên bằng xe đò mà”. “Rồi trò chuyện với cháu xong, chú về đâu?”. “Kêu thằng con rể chạy xe gắn máy tới rước, lâu rồi chú chưa thăm con, thăm cháu ngoại”. “Vậy chứ chú không có nhà riêng trên này sao?” – tôi ngạc nhiên. Lại một nụ cười chân chất, “Đừng nghĩ cứ quan chức là vơ vét được nhiều tiền, thu vén được nhiều tài sản. Chú sinh ra là nông dân, làm quan chức sống cùng nông dân.  Nghỉ hưu, chú nuôi năm  hầm cá tra, được bảy năm rồi, có năm thu hoạch gần cả ngàn tấn, kiếm bộn tiền đó nghe. Chú đã gắn bó máu thịt một đời với mảnh đất Long Xuyên, An Giang. Giờ mắc mớ chi mà lên Sài Gòn ở cho mệt”.
Nhiều nhà báo từng được trò chuyện trực tiếp với người đứng đầu vựa lúa An Giang đều đánh giá ông có vốn hiểu biết rất rộng, tư duy nhạy bén, sắc sảo, cách diễn đạt giản dị nhưng đầy sức thuyết phục. Vậy mà nghe nói ngày còn nhỏ, ông còn chưa học hết lớp Nhất trường làng?
Ông Bảy Nhị (cười sảng khoái): Chính xác. Tất cả những kiến thức tôi có được trong đầu đều nhờ vào học lỏm, chẳng hề được đào tạo bài bản cái gì hết trơn. Người ta hay đặt vấn đề nghi vấn bằng cấp của mấy ông quan chức này nọ là đồ thật hay đồ giả. Trường hợp tôi rất khoẻ, khỏi phải đi xác minh chi cho cực. Đời tôi chỉ có duy nhất một tấm bằng lý luận chính trị do Trường Nguyễn Ái Quốc cấp thôi. Tôi bỏ ngang lớp Nhất vì không có tiền làm giấy khai sinh cho đủ thủ tục để thi lên đệ thất. Nhưng quyết tâm tự học không ngừng nghỉ của tôi có được là nhờ ông anh trai ruột Nguyễn Minh Đào (sau này là Phó Bí thư Tỉnh uỷ An Giang) luôn khuyên bảo, động viên. Lý do mà ổng đưa ra giản dị thế này thôi. Giấc mơ mà tôi ôm ấp từ nhỏ là muốn làm được nhiều điều tốt đẹp cho người dân An Giang quê mình. Để biến giấc mơ ấy thành hiện thực, tôi phải ráng học, phải cố gắng phấn đấu vào Đảng. Vô Đảng là để được giao trọng trách, để có thể làm được nhiều việc có ích. Xin được nhấn mạnh, trọng trách chứ không phải địa vị.  Bởi không được ngồi ở vị trí ấy, không có quyền quyết định thì có muốn phục vụ nhân dân cũng đành chịu. Còn nếu không có chữ nghĩa thì rất khó làm được công việc lãnh đạo, mà nếu có làm thì cũng rất dễ mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết.
Và nhờ nỗ lực tự học không ngừng nghỉ, ông đã được giao trọng trách rất sớm, như một lãnh đạo trẻ nhất tỉnh. Những quyết sách đầu tiên của ông lúc đó, nghe nói cũng rất táo bạo?  
Năm 1988, mới 42 tuổi, tôi trở thành người lãnh đạo trẻ nhất tỉnh, khi nhận quyết định chuyển công tác từ Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ sang làm Giám đốc Sở Nông nghiệp An Giang. Một năm sau, tôi đề xuất xây dựng chương trình khuyến nông đầu tiên của cả nước và ký quyết định thành lập Ban khuyến nông của Sở. Phó Giám đốc đề xuất nên báo cáo Tỉnh uỷ vì đây là việc khá nhạy cảm, Bộ Nông nghiệp lúc đó không ủng hộ. Biết đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ rất đồng tình nhưng không dám quyết, tôi nói luôn với cậu phó, “khỏi báo cáo, tao chịu trách nhiệm toàn bộ. Được thì dân hưởng, tội vạ đâu tao xin gánh hết”.  Tôi nghĩ, làm người lãnh đạo thì phải dám quyết, dám làm và dám chịu trách nhiệm cá nhân vì tất cả những điều đó. Không được phép dựa dẫm, đổ thừa vào cái gọi là trách nhiệm tập thể. Tính tôi là vậy, quyết liệt tới cùng. Không chỉ một lần, sau này khi đang là Chủ tịch An Giang, tôi cũng đã kiên quyết phản đối chủ trương xây bảy cái cống ngăn thoát nước sông Hậu do Bộ Nông nghiệp chủ trương thực hiện. Tôi nói, trong này đã chống lũ triệt để xong rồi, làm chi cho tốn kém ngân sách thêm nữa, lại cản trở giao thông. Vụ việc sau đó phải báo cáo lên Hội nghị thường vụ Tỉnh uỷ. Ông bí thư bảo, “có tốn kém cũng là tiền trung ương”. Tôi phản đối, “đâu có, đó là tiền của dân. Cá nhân nào quyết làm là tôi thưa đến cùng đó”.  Mà nghe đâu nay người ta vẫn còn tiếp tục ghi danh mục đầu tư sắp tới.
“Trực ngôn nghịch nhĩ”, thái độ quyết liệt ấy chắc chắn mang lại cho ông khá nhiều hệ luỵ. Ông đã chọn cách hoá giải chúng ra sao?
Tôi quan niệm thế này, cái tâm chính là cứu cánh lớn nhất của cuộc đời mình. Làm cái gì cũng phải thật, trước hết là thật với chính mình. Nhiều người cứ tự gạt gẫm, rằng làm bậy ai biết. Nhưng ông bà mình đã dạy “cái kim giấu trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Cứ làm thật, ăn thật, nói thật và đối xử với nhau chân thành thì chẳng ai nỡ hại mình. Mà rủi có ai làm vậy thì Trời sẽ cứu.
Ngày tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, có một nhân viên làm đơn nặc danh kêu thưa khắp nơi. Tôi quyết định rút anh ta về làm trợ lý, theo dõi tình hình tài chính của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp do Sở quản lý. Mọi người thắc mắc, tôi nói “ ở xa không biết nên nghi tao làm bậy, mới kiện cáo tùm lum.  Giờ cho  về gần, quan sát tao làm việc trực tiếp, chắc chắn  sẽ hiểu”. Cậu đó sau này thương tôi lắm đó.
Nhớ hồi tôi quyết định giao đất xây dựng Trung tâm khảo nghiệm Định Thành rồi Nhà máy sản xuất thuốc sâu ngoài Bình Đức, tranh chấp thưa gởi khắp nơi, còn tôi trở thành đối tượng bị cấp trên điều tra, xem xét. May mắn là những cơ sở này đều phát huy được hiệu quả, đem lại lợi ích cho nông dân. Chứng tỏ mình đã giao đất đúng người, đúng chỗ. Mấy chỗ đó mà làm ăn trây trét là chắc chắn khối người mắng: “giao đất cho thằng mắt ma ấy làm gì, thấy nó phá dữ không”.
Nhân nhắc tới chuyện giao đất, tôi chợt nhớ trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã khẳng định như đinh đóng cột trước công luận: tôi có thể tự hào rằng suốt những năm làm lãnh đạo, tôi chưa hề có đề xuất nào gây hậu quả cho nông dân, không hề bị thế lực nào chi phối chủ trương đầu tư để kiếm lợi mà làm dân thiệt, ngân sách thiệt. Đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn sẵn sàng lắng nghe phê bình, chứ không phải giờ  “hạ cánh an toàn” rồi mới nói mình sạch, nói cho sướng miệng?
Về đề xuất gây hậu quả cho nông dân, tôi tự tin rằng mình tránh được. Bởi tôi sinh ra là nông dân thứ thiệt. Đã có lần tôi khẳng định với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Tôi uống nước phèn mà lớn, đất phèn có thể dùng thủy lợi cải tạo và kỷ thuật canh tác riêng đều có thể trồng trọt được hết các loại cây ngắn ngày nên tôi không sợ”. Những quyết sách mà tôi đưa ra không hề liều mạng, bởi tôi chỉ làm khi biết chắc chắn 99,99% thành công. Uy tín dù có nhiều, xài hoài rồi cũng hết. Thất bại là dân chửi te tua, tôi đâu dám quyết bậy.
Ngày làm lãnh đạo, tôi cũng từng xắn quần đi trồng rừng, chửa cháy rừng, thiết kế mương phèn trên đất khai hoang vùng Tứ giác Long Xuyên… cùng người nông dân, anh em kiểm lâm và bộ đội. Không được trang bị nhiều kiến thức khoa học nhưng tôi gắn bó máu thịt với mảnh đất này, tôi luôn gần dân, học hỏi kinh nghiệm từ dân. Chuyện đắp đập chắn nước để sản xuất vụ Hè Thu 1976 ở huyện Phú Tân lần đầu tiên ở An Giang là tôi học từ kinh nghiệm người Campuchia hồi còn kháng chiến (1972) qua câu họ trả lời tôi “Vì sao đêm qua nước tràn đồng?” – là vì “Ăn bắp rồi bửa đập cho nước vô”. Thuyết phục nông dân, tôi dùng hình ảnh và ngôn ngữ trực quan, nôm na. Dân hiểu và nghe, nghe là họ làm theo thôi.
Vâng, những quyết sách do dân và vì dân ấy dù sao cũng dễ thực hiện, vì nó chỉ phụ thuộc vào cá nhân ông Chủ tịch dám làm dám chịu trách nhiệm. Nhưng việc đối mặt với những mánh lới chạy dự án tinh vi, những món lợi quá lớn từ số phần trăm hoa hồng “lại quả”, trong khi vẫn phải giữ mình trong sạch là điều rất khó, thưa ông?
An Giang là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Chạy dự án, lobby – vận động hành lang … để có suất ngon lành, để hưởng lợi không thiếu. Nhưng tôi dám nói mình chưa hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trong chủ trương đầu tư là có cơ sở. Là người ký duyệt dự án, tôi chẳng cần nhận bao thơ của ai. Riêng chuyện biết trước qui hoạch, cho người nhà hoặc “tay chân” lén mua đón đầu chờ cơ hội bán (hoặc đền bù) lấy lời là đủ kiếm bộn tiền nhưng tôi dứt khoát nói không. Chuyện (theo thông lệ mà luật cho phép doanh nghiệp) tôi có nhận quà (tiền) cảm ơn (thưởng cuối năm) chút đỉnh từ phía doanh nghiệp, cá nhân là có. Nói chưa bao giờ nhận là không thật thà. Mỗi người chỉ dăm ba triệu thì cộng lại cũng đã là một mớ kha khá mà dân nghèo nằm mơ cả đời không có. Nhưng nếu có màu đút lót, xin xỏ hoặc mưu cầu này nọ là tôi kiên quyết gạt đi, nhận mấy cái thứ đó mình chết chắc. Nhưng mình cũng không thể quá máy móc, cứng nhắc trong ứng xử (có thể gọi là “thiếu tế nhị”) . Nhớ có những lần “tiền thưởng” khá hậu hoặc có lần người đưa bao thơ “quá dày” … Trả không được, nhận không xong, tôi giao cho thủ quỷ cơ quan lập riêng một cuốn sổ. Gặp người này người kia khó khăn, có cái chi tiền ngân sách không được tôi quyết (qua một cán bộ văn phòng) là cô chi, cuối tháng có quyết toán với nhau rành mạch. Tới ngày tôi rời khỏi ghế Chủ tịch, tôi hỏi, cô báo: “Quỷ của  chú bằng không rồi”. Tôi nói: “Vậy là huề!.Giải tán!”. (cười). Sau nầy tôi đọc báo, hình như có người biết, phê phán là làm vậy chỉ biết giử mình chớ “không kiên quyết chống tham nhũng”. Lập biên bản bắt tại tay người đút lót, theo tôi không phải cách làm hay của người lãnh đạo. Vả lại, ai đút lót mình họ đều nghe ngóng trước xem ông nầy “hảo ngọt” hoặc “thích phần trăm (%)” hay ham đi du lịch không?. Đừng tạo cho người ta cảm giác an tâm khi làm việc đó với mình thì tốt nhất, an toàn nhất. Ngược lại thì khó lắm!. Khổ nhất là họ mua mình không được thì họ sẽ phá mình bằng nhiều cách, nhất là nói xấu. Tôi trả giá cho vấn đề nầy cũng khá đắt, điển hình là một vụ khai thác tài nguyên ở nơi nhạy cảm có nhân tố nước ngoài. Tôi (Chủ tịch tỉnh) kêu lên đến sáu Bộ mà cũng không cứu được tài nguyên!.
Nhưng cùng một cái phong bì giống nhau, cảm ơn hay hối lộ thì không phải lúc nào cũng rõ ràng và dễ nhận biết, thưa ông?
Chính xác. Tôi nhận ra, ranh giới giữa sự tri ơn với biếu xén, hối lộ, đút lót nhiều khi rất mỏng manh. Người lãnh đạo phải rất tinh tường để nhận ra cái lằn ranh lắm khi vô hình ấy. Ngày đã nghỉ hưu, tôi có thú vui trồng và chăm cây kiểng. Có hôm đang ở xa, tôi nhận cú điện thoại từ một số lạ hoắc. Người gọi trình bày muốn mua một cây thế đã suy của tôi với giá cả chục ngàn đô. Tôi nói, cây sắp chết ôm về làm chi, anh ta bảo em thích nên sẽ cố chăm sóc để nó sống khoẻ. Tôi suy nghĩ lung lắm. Từng ấy đô la là cỡ 200 triệu đồng, nghe cũng ham, tiền nhiều ai không thích. Nhưng tôi vẫn băn khoăn, một người lạ làm vậy là có ý gì, đằng sau nó là mục đích gì. Cuối cùng, tôi kiên quyết nói không. Ít lâu sau, tôi lại nhận cuộc gọi, từ chính số điện thoại đó. Lần này, anh ta tha thiết nhờ tôi nói một tiếng để đơn vị kiểm lâm cho chuyển mấy cây gỗ từ Campuchia về. Vậy là tôi hiểu ngay vấn đề, chục ngàn đô bỏ ra mua cây kiểng của tôi là để dọn đường, chỉ cần tôi trả nghĩa bằng một chuyến vận chuyển trót lọt là dư thừa. Tôi cười “tao về hưu rồi nói ai nghe”, bụng thầm nghĩ “may quá, bán cây rồi thì biết cư xử sao đây”.
Chuyện trò nãy giờ, thấy ông Bảy Nhị đúng là một quan chức -  nông dân đươc xếp vào hàng “quý hiếm”.  Xin được hỏi câu cuối cùng, làm người lãnh đạo đúng nghĩa được dân tin yêu như ông có khó lắm không ạ?
Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: luôn biếtcộng thêm nghĩa tình, yêu thương;  biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy.
Xin trân trọng cảm ơn ông!   

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Thư ngỏ của nhà báo Tống Văn Công gửi Quốc hội: Bốn điều bức xúc từ Văn Giang


Bốn điều bức xúc từ Văn Giang


Kính gửi Quốc hội khóa XIII , kỳ họp thứ 3
Ngày 5-5- 2012, tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội “việc xử lý, giải quyêt vụ việc ông Đoàn văn Vươn (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) vì đây là việc nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội và gây nhiều bức xúc trong thời gian qua”. Thiết nghĩ, Quốc hội cần quan tâm hơn đối với vụ cưỡng chế ở Văn Giang ngày 24-4, vì vụ này gây bức xúc đối với người Việt trong và ngoài nước vô cùng nghiêm trọng. Bởi vì, theo ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên báo cáo với Thủ tướng trong hội nghị trực tuyến: “Đây là một trong số ít các vụ khiếu kiện đông người điển hình”, “Có sự móc nối chặt chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước”, “Có dàn dựng lên các video clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền”. Tuy nhiên, Tuyên bố của các trí thức tiêu biểu của đất nước cho rằng, vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai bẵng vũ lực ở Văn Giang “đang gây xúc động mạnh mẽ tất cả người Việt Nam có lương tri, dấy lên nỗi lo lắng chưa từng có trong mọi người dân Việt biết ưu tư về vận mệnh đất nước”. Chỉ trong vài ngày có hàng ngàn người hưởng ứng xin ký tên, đặt biệt là bà con nông dân Văn Giang đã vượt qua nỗi sợ hãi. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội đã viết những câu thơ thâm ưu:
“Người thắng trận này không phải nhân dân.
Dân là vậy,
Chỉ thắng trong trận cuối.
Nhưng chính quyền nhân dân thất bại,
Khi tấn công những người mình nhân danh”.
Kính thưa Quốc hội, một sự kiện ở tầm vận mệnh đất nước như thế, rất mong phải được kỳ họp này quan tâm mổ xẻ, đem lại hi vọng và niềm tin cho đồng bào, đặc biệt là bà con nông dân đã bị quá nhiều thua thiệt bất công!
Từ các ý kiến tâm huyết, xin kính gửi tới Quốc hội bốn điều bức xúc từ Văn Giang:
I – LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI NHẰM ĐÁP ỨNG “NHÓM LỢI ÍCH”?
Kể từ năm 1993, Luật Đất đai được sửa đổi 5 lần. Các điêù khoản thu hồi đất được quy định chặt chẽ ở luật 1993 đã trở nên rắc rối ở Luật 2003. Điều 27, Luật Đất đai 1993 quy định:”Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”. Luật đất đai 2003, tuy rằng ở Điều 40 quy định trong trường hợp “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế “, Thì “nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”. Nhưng, tại Điều 39, các công trình đầu tư có “mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” chỉ được định nghĩa là “những dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”. Điều này đã biến “lợi ích của nhà đầu tư” thành “lợi ích quốc gia”. Theo Luật sửa đổi này, Dự án Ecopark ở Văn Giang đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, do vậy nó là “lợi ích quốc gia”. Đó chính là căn cứ để giáo sư Đặng Hùng Võ trả lời đài BBC rằng “Quyết định thu hồi đất ở Văn Giang là đúng Luật.
Từ khi Luật đất đai sửa đổi 2003 đã có hàng ngàn vụ khiếu nại tố cáo. Khiếu nại ,tố cáo về đất đai chiếm 70% số khiếu nại, tố cáo. Điều đó chứng tỏ Luật sửa đổi này không hợp lòng dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:”Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa”. Vì không chịu nghe khiếu nại tố cáo của dân chúng cho nên đã xảy ra vụ Đoàn văn Vươn, Văn Giang và nếu không kịp thời sửa đổi thì chắc chắn sẽ còn xảy ra nhiều vụ khác ngày càng nghiêm trọng hơn!
Tại Hội nghị Trung ương 3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói:”Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, thành tích, chủ quan duy ý chí, hay nhóm lợi ích chi phối”. Luật Đất đai sửa đổi 2003 quả là minh họa cho cái sự thật mà Tổng bí thư cảnh báo: Bị nhóm lợi ích chi phối!
Quốc hội bằng quyền lực nhà nước cao nhất cần có biện pháp khẩn cấp ngăn chặn tai họa
khủng khiếp đối với giai cấp nông dân, cũng là tai họa đối với đất nước. Sự nghiệp đổi mới đã trả lại quyền sở hữu cho các thành phần xã hội, kể cả nhà tư sản; chỉ riêng nông dân vẫn không có quyền sở hữu ngay trên mảnh đất thừa kế của cha ông mình đã đổ mồ hôi, xương máu. Xin Quốc hội xây dựng Luật đất đai mới, trả lại sự công bằng cho giai cấp nông dân, vốn là đội quân chủ lực của cách mạng dân tộc dân chủ.
II – 1000 CÔNG AN ĐÁNH ĐẬP 200 NÔNG DÂN, CÓ NGƯỜI GIÀ VÀ PHỤ NỮ.
Nhiều đảng viên, nhà báo kể lại vụ cưỡng chế:
Một bên, khoảng 1000 ( UBND Hưng Yên đã xác nhận 1000, nhưng nhiều nguồn tin cho là hơn 2000 ) công an cảnh sát cơ động, mặc áo chống đạn, có khiên che, có súng, lựu đạn, dùi cui.
Một bên là khoảng 200 nông dân, nhiều người già, phụ nữ tay cầm gậy gộc, gạch vỡ, chai xăng.
7 giờ 30, công an rầm rập xáp tới. Sau khi tung 2 quả lựu đạn, khói mù trời, hằng ngàn dùi quật tới tấp vào những người nông dân khóc la chửi bới, chống cự một cách tuyệt vọng và bỏ chạy!
Thưa Quốc hội,
“Người cày có ruộng!” Giai cấp nông dân trở thành quân chủ lực cách mạng là vì tin theo khẩu hiệu đó của Đảng. Nay bỗng dưng họ bị cưỡng chế tàn bạo ngay trên mảnh ruộng của cha ông mình để lại!
Từ một đứa con nông dân đã có 10 năm mặc áo lính, tôi không khỏi đau lòng khi nhìn thấy hàng ngàn cảnh sát nện dùi cui lên lên đầu bà con Văn Giang. Tôi thấy như chính mình là kẻ phản bội các cha, các mẹ chiến sĩ đã cưu mang mình và đồng đội trong suốt những năm kháng chiến gian khổ!
Luật đất đai sửa đổi 2003 đã biến bộ máy công quyền thành người làm thuê cho các nhà đầu tư, tức những “đại gia”. Từ khi có Luật này các đại gia không cần trực tiếp thương lượng với nông dân mà chính quyền địa phương đã phục vụ cho họ đạt được giá đền bù rẻ mạt:
Nhà đầu tư dự án này đang rao bán “giá căn hộ trên dưới 20 triệu đồng/ m2, giá biệt thự và nhà phố trên dưới 45 triệu đồng/ m2, đã bao gồm phần xây thô”. Trong khi giá đền bù là 135.000 đồng/m2, nếu đến nhận tiền sớm thì được nhà đầu tư thưởng thêm cho 35000 đồng/ m2.
Báo Nông Thôn Ngày Nay có bài viết gọi đây là “Cánh Đồng Vàng đã mất”.Dự án này xâm phạm quyết định giữ 3,8 triệu ha đất nông nghiệp của Chính phủ,nhưng đây chỉ nói về việc nó gây thiệt hai to lớn cho bà con nông dân, vì không được đền bù đúng mức,và vì vậy rồi đây họ sẽ phải lâm vào cảnh khốn cùng. Nhiều năm nay, bà con vùng này chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây cảnh, mỗi sào bình quân thu hoạch từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Với số tiền đền bù ít ỏi như trên, họ làm sao để có số thu nhập ấy?
Nguyên phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp Nguyễn Ngọc Trìu nhận định khái quát về đền bù giải tỏa:”Khi trong này khai trương công trình thì bên ngoài dân khiếu kiện biểu tình. Vì giá đền bù cho dân là 1, khi đem lô đất đó ra bán thì giá gấp 15 lần.” Như vậy Luật đất đai sửa đổi 2003 đã tạo môi trường tốt cho tham nhũng, bởi các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao cho nhà chức trách ra quyết định cưỡng chế “hỗ trợ thi công”. Đây là vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết TƯ. 4 phải giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói:”Dân sai thì phải thuyết phục”. Đúng vậy! Trong vụ Văn Giang chưa thể nói dân sai, nhưng việc dùng 1000 cảnh sát để cưỡng chế dân là trái với ý kiến Thủ tướng. Nhiều người coi đây là một vết nhơ không thể gột rửa trong lịch sử!
Bằng quyền lực cao nhất xin Quốc hội mau chóng nghiêm cấm hình thức phản nhân dân này!
III- “SỐ ÍT CHỐNG ĐỐI MÓC NỐI VỚI BỌN PHẢN ĐỘNG TRONG, NGOÀI NƯỚC”?
Sáng ngày 2 -5- 2012, tại Hội nghị trực tuyến có 63 tỉnh thành và các Bộ, Ngành do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Phó Chủ tịch UBND Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào báo cáo rút ra những “bài học bước đầu trong lãnh đạo chỉ đạo và công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo” rất đáng lo ngại:
1- Về lý do cưỡng chế, ông Hào cho rằng, khi đã có chủ trương đúng, hiệu quả kinh tế xã hội cao, “được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ thì không thể vì một số người chống đối mà không triển khai thực hiện chủ trương đó”.
Chúng ta đã có kinh nghiệm: Ngày xưa, chủ trương hợp tác hóa nông nghiêp từng được cho rằng có 100% nông dân tự nguyện gia nhập, nhưng sự thật là họ không thể không “tự nguyện”, bởi bao nhiêu lo lắng bị đối xử như công dân hạng hai, con cái sẽ khó vào Đoàn, khó vào đại học… Người dân Văn Giang cho báo Đất Việt biết: Côn đồ vào nhà dọa nạt bảo phải mau chóng nhận tiền đền bù; đảng viên bị dọa nếu chống chính sách sẽ bị khai trừ; giáo viên bị dọa sẽ không nhận tiền đền bù sẽ bị đổi công tác đến nơi khó khăn; người sắp kết hôn sợ không cho đăng ký kết hôn khi chưa chịu nhận tiền đền bù… Báo Người Cao Tuổi cho biết, có ít nhất là 4 người bị bắt ngày 24 – 4 phải ký giấy cam kết không khiếu nại nữa mới được thả. Một phụ nữ có con nhỏ còn bú cho đài RFI biết, chị phải ký giấy cam kết không khiếu kiện nữa, mới được thả về cho con bú!
Theo truyền thống văn hóa dân tộc, cái gì từ 1 tăng lên đến 3 thì đã thay đổi về chất:
“Một cây làm chẳng nên non; Ba cây dụm lại nên hòn núi cao”; “Ba anh thợ da thành ông Gia Cát”; “Ba chị đàn bà thành cái chợ”; “Hơn một tuổi là anh; Hơn 3 tuổi là chú”… Vậy thì hơn 160 hộ dân, có hơn 200 con người dám đứng ra đương đầu, làm sao có thể gọi là số ít?
2 – Trong vụ cưỡng chế ngày 24- 4 ở Văn Giang Phó Chủ tịch Hào cho rằng: “Có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền…”. Ông nói, do tính chất nghiêm trọng như vậy nên 19 người đã bị bắt ngay, hiện 5 người còn bị tạm giữ, có 9 “đối tượng cầm đầu”, “nhiều năm gây rối” đã bỏ trốn. Ông Hào nhận định: “Xử lý được 9 người này sẽ khắc phục được tình trạng tập trung đông người, kéo lên cơ quan Trung ương”.
Nhận định nói trên của đại diện chính quyền tỉnh Hưng Yên là cực kỳ nguy hiểm: Ghép nông dân Văn Giang vào với bọn phản động, đẩy 9 người nông dân bị o ép, quá sợ hãi bỏ trốn vào hàng ngũ phản động nguy hiểm!
Đề nghị Quốc hội kiểm tra, giám sát làm rõ các kết luận sai trái hết sức nguy hiểm nói trên, đừng để một chính quyền cấp tỉnh phát ngôn tùy tiện, dựng đứng, vu cáo nhân dân, bất chấp sự thật mà không bị trừng phạt, như vậy cách làm này sẽ lan tràn như một thứ bệnh dịch làm mục ruỗng hệ thống chính quyền của dân, do dân vì dân.
IV- VÌ SAO PHẢI HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ?
Trong vụ Tiên Lãng, báo chí được Thủ tướng khen ngợi đã góp phần tích cực sớm làm sáng tỏ sự thật giúp Chính phủ kịp thời xử lý. Vụ Văn Giang, về quy mô cũng như sự phức tạp của nó còn lớn hơn, rất cần được báo chí quan tâm làm sáng tỏ thì trái lại có những bằng chứng các hoạt động báo chí đã bị hạn chế ngay từ đầu.
Nếu việc cưỡng chế là đúng pháp luật thì tại sao phải hạn chế thông tin? Tại sao những tấm bảng “Cấm quay phim, chụp ảnh” được dựng ra khắp nơi? Chỉ có hai tờ báo dám nói một phần sự thật, và nói rất từ tốn là báo Người Cao Tuổi và báo Sài Gòn tiếp thị thì cả hai đều bị buộc phải gỡ xuống khi vừa cho lên mạng! Lạ lùng là hai nhà báo của đài phát thanh quốc gia bị công an Hưng Yên đánh “hội đồng”, còng tay, mặt mũi bê bết máu, phải đi bệnh viện, dù hai anh nhiều lần kêu to “chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ”! Càng lạ lùng hơn trong khi đài BBC biết chuyện nhà báo bị đánh đã có ngay cuộc phỏng vấn, thì phía Việt Nam mãi đến ngày 9-5, tức là mất nửa tháng sau, các báo chúng ta mới được lên tiếng! Và cho đến nay, Công an Hưng Yên chẳng những chưa có lời xin lỗi mà còn từ chối trả lời câu hỏi rất đơn giản: Vì sao đã biết nhà báo đang tác nghiệp mà vẫn cứ đánh đập?!
Hình như một số việc nhằm hạn chế hoạt động của báo chí trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang không phải chỉ là từ phía Hưng Yên? Vậy thì cấp nào và vì lý do gì đã chủ trương hạn chế hoạt động của báo chí trong vụ này? Tại sao bài học tích cực của báo chí trong vụ Tiên Lãng được Thủ tướng biểu đương, nhưng đã không được phép vận dụng?
Giải mã được những uẩn khúc về việc hạn chế hoạt động báo chí trong vụ Văn Giang sẽ rút ra nhiều bài học bổ ích cho thực hiện quyền được thông tin, công khai minh bạch các hoạt động ảnh hưởng tới người dân, xúc tiến dân chủ…
Vốn là một nhà báo, tôi vô cùng bức xúc trước câu hỏi mà mình không tự trả lời được, xin tin cậy gửi tới Quốc hội .
Ngày 9 tháng 5 năm 2012
Tống Văn Công
Nguồn: Boxitvn.net

Khi chủ quyền biển đảo liên tiếp bị xâm phạm!


Tống Văn Công *
Thứ bảy 13/10/2012 09:53
Ngày 12. 10, nhiều báo đưa tin Trung Quốc liên tiếp vi phạm nghiêm trọng chủ quyền VN: Ngày 1.10 tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa; ngày 3.10 diễn tập trực chiến khẩn cấp tại vùng biển Hoàng Sa; ngày 8.10 thành lập Phòng Khí tượng “thành phố Tam Sa”.
.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “VN yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa VN và TQ cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”. Lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu vẫn như lâu nay. 
Tuy nhiên, những hành động liên tiếp vi phạm chủ quyền nước ta như kể trên chắc chắn không phải do cấp dưới của họ gây ra vì chưa quán triệt “thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước”! Hành động đó cho thấy, họ đang chuẩn bị dư luận, chờ đợi thời cơ để thực thi kịch bản bành trướng về hướng Đông Nam Á. 
Vậy thì liệu những lời lẽ đầy thiện chí, hòa hiếu của VN có thể làm cho chính quyền TQ lắng nghe và thực hiện chính lời của họ, đó là“phải biết vì đại cuộc mà gìn giữ quan hệ hữu nghị hai nước”? Dù chân thành mong muốn cũng thấy điều ấy khó thành hiện thực! Vậy phải làm gì đây? Hãy cùng ôn lại tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong tình hình TQ trở thành siêu cường và kiên quyết thực hiện chủ nghĩa bành trướng thì việc “giữ lấy nước” là một thách thức rất lớn, chẳng những đối với chúng ta mà với cả những nước trong vùng. 
Tuy vậy, là một dân tộc liên tục phải đối đầu với ngoại xâm, chúng ta thừa hưởng nhiều bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị: Nuôi dưỡng lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền tổ quốc. “Giữ lấy nước” là mục tiêu đồng thuận cao nhất, là sức huy động vĩ đại cho mặt trận đại đoàn kết chống xâm lược. Mọi hành động làm tổn hại tinh thần yêu nước, gây chia rẽ dân tộc trong tình hình hiện nay phải được ngăn chặn. Đấu tranh chống tham nhũng dù cực kỳ cấp thiết, vẫn phải tập trung hết sức cho công cuộc bảo vệ tổ quốc. 
Tăng cường nội lực quốc gia chính là cách chủ động để vô hiệu hóa âm mưu bành trướng của phương Bắc. Cần tập trung làm lành mạnh hóa kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế; sửa đổi hợp lý Luật Đất đai; đổi mới căn bản chính sách phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ… Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển đều cho biết, chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển toàn diện chính là dân chủ.
Trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chúng ta làm rất tốt hoạt động ngoại giao, tuyên truyền quốc tế. Lần này trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đang có nhiều thiếu sót, chưa làm cho Liên Hợp Quốc và nhiều nước gần gũi hiểu rõ và ủng hộ mình. Phải tìm rõ nguyên nhân để mau chóng khắc phục. Phải cảnh giác trước cái bẫy “vì đại cục” mà TQ nhăm nhăm đòi ta thực hiện, còn họ thì không! 
Đã đến lúc đặt câu hỏi, tại sao họ tự cho mình có quyền ”trói tay, bịt miệng” chúng ta để họ mặc sức hoành hành?     
T.V.C.
Nguồn:  Lao động