Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Khánh thành bia chiến thắng mặt trận biên giới phía Bắc


Ngày 27.7, tại bản Pa Pách (xã Bình Trung, H.Cao Lộc, Lạng Sơn), Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu 4) phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn tổ chức khánh thành công trình bảo tồn và tôn tạo bia chiến thắng Sư đoàn 337.
Nhà bia có diện tích trên 60 m2 nằm trong khuôn viên hơn 200 m2 với tổng giá trị gần 600 triệu đồng, từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ các thế hệ Sư đoàn 337 và sự hỗ trợ của UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tư lệnh Quân khu I.

Công trình nhằm tri ân các liệt sĩ của Sư đoàn đã hi sinh trong chiến tranh Biên giới phía Bắc và thiết thực chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ
Theo đại tá Phạm Văn Trung, Đoàn trưởng Đoàn kinh tế Quốc phòng 337, công trình bia chiến thắng sẽ là địa chỉ hành hương truyền thống của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn. Đây cũng sẽ là nơi gìn giữ và giáo dục truyền thống, đạo lý dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.

Tháng 2.1979, sau khi nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc, Sư đoàn 337 được điều động từ Quân khu 4 hành quân thần tốc lên biên giới đánh địch. Sau một số lần điều chỉnh nhiệm vụ và vị trí đứng chân, sư đoàn 337 được giao trọng trách ngăn chặn thê đội 2 của địch tấn công theo hướng đường 1B. Ý đồ của địch là đánh vượt sông Kỳ Cùng, vu hồi về Sài Hồ và Đồng Mỏ để bao vây cô lập Lạng Sơn sau khi chiếm được.
Ở cánh quân hướng đường 1A ngày 4.3.1979 địch đã đánh chiếm được thị xã Lạng Sơn nhưng ở hướng đường 1B sau 12 ngày đêm (từ 28.2 - 11.3.1979) địch đã không thể vượt qua được cầu Khánh Khê khi vấp phải sự chiến đấu ngoan cường của những người lính 337 cùng quân dân huyện Văn Quan (Lạng Sơn).

Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra với thương vong lớn cho cả hai bên nhưng các cuộc tấn công của địch nhằm vượt qua Khánh Khê đều bị ta đánh bật trở lại.
Sau 12 ngày đêm chiến đấu tại trận tuyến phòng ngự này ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch thu được một số vũ khí, chặn đứng và đánh bại ý định vu hồi bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch.

Tổn thất của sư đoàn 337 cũng vô cùng to lớn, đã có hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có nhiều người mới ở độ tuổi mười chín, đôi mươi đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất biên cương phía Bắc.
Tháng 12.1994 Sư đoàn 337 được điều động trở lại Quân khu 4 làm nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Năm 1999 Sư đoàn được chuyển thành Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 làm nhiệm vụ tại Quảng Trị.

Sư đoàn 337 sau này đã vinh dự được mang tên “Đoàn Khánh Khê”, cái tên gắn liền với những chiến công vang dội đã đi vào lịch sử. 

Đại tá Nguyễn Chấn - Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn 337 - Ảnh: Nguyên Phong
Lễ khánh thành nhà bia và tưởng niệm những liệt sĩ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Quân khu I, đại diện tỉnh Lạng Sơn và nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 337 - Ảnh: Nguyên Phong
Đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đọc bài văn tưởng niệm các liệt sĩ - Ảnh: Nguyên Phong
Cầu Khánh Khê cũ không lâu nữa chỉ còn là kỷ niệm khi công trình thủy điện hoàn thành - Ảnh: Nguyên Phong

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Các bạn thanh niên trong bức ảnh này đang nghĩ gì?



Đây là những nữ thanh niên được huy động đứng sau hàng rào sắt ngăn chặn đoàn biểu tình của nhân dân thủ đô Hà nôi chống TQ xâm lươc trong tháng 7/2012.
Đối mặt với đồng bào mình họ cúi mặt tránh cái nhìn từ đoàn biểu tình, họ đang nghĩ gì ???


Em bé này không biết đã qua tuổi 14 chưa nhỉ?
Đứng trước hàng rào sắt là các anh các chị thanh niên, họ chỉ cách nhau vài tuổi, có thật là họ đang đứng trên hai chiến tuyến?
Thật xót xa!


Nhận rõ tâm tư của các nữ thanh niên bên hàng rào sắt, trong cuộc biểu tình kế tiếp lực lượng nữ thanh niên đã được thay bằng nam thanh niên và cảnh sat.

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Học giả Trung Quốc phân tích sự đuối lý của 'đường lưỡi bò'


9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc thông báo mời thầu nằm ở phía đông "đường 9 đoạn", song nó lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ. Ảnh: VOV.
Đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ. Ảnh: VOV.
Theo VOV, trong một bài viết hôm 20/7, ông Tiết Lý Thái - học giả, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) - cho rằng, tranh chấp chủ quyền tại Nam Hải (Biển Đông) giữa Trung Quốc và Việt Nam có xu hướng căng thẳng hơn trong thời gian qua. Việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu quốc tế vào cuối tháng 6 vừa qua khiến tình hình càng thêm phức tạp.
9 lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc thông báo mời thầu nằm ở phía đông đường 9 đoạn, tuy nhiên nó lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Theo ông Tiết Lý Thái, nếu Trung Quốc giải thích và muốn cộng đồng quốc tế công nhận đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia thì khó khăn sẽ không hề nhỏ, ít nhất sẽ gặp phải những thách thức sau:
Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc mới đầu chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ nước họ, mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh, cũng chưa từng có động thái hòng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Về bình diện luật pháp quốc tế cũng chưa có sự giải thích rõ ràng, chi tiết nào. Nói một cách nghiêm túc thì đây mới chỉ là “lời nói của bản thân”.
Thứ hai, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống. Bắc Kinh không đưa ra một định nghĩa, chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của họ, thì làm sao mà thuyết phục được người khác?
Tiếp theo, nếu như Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn mà chính phủ Trung Quốc đưa ra ban đầu là đường biên giới quốc gia không thể xâm phạm, thì thử hỏi tại sao sau khi nước Trung Quốc mới ra đời, để thể hiện “tình cảm” của họ với Việt Nam, Bắc Kinh lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ? Phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia như trò đùa?
Thêm nữa, theo học giả này, nếu như Bắc Kinh khẳng định đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia, thì tại sao sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, trong thời gian 30 năm, Việt Nam đã chiếm hữu đến 30 hòn đảo lớn nhỏ liên tục, mà Bắc Kinh không hề nêu ra vấn đề này trong các lần phản đối ngoại giao ? Đây là hoàn toàn không bình thường.
Cuối cùng, Biển Đông là tuyến vận tải của hơn 80% hàng hóa chiến lược của khu vực Đông Bắc Á - trong đó bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, - và hơn 40 % hàng hóa chiến lược của hầu hết các quốc gia phương Tây. Nếu như người ta nói tuyến đường vận tải trên Biển Đông là tuyến đường sinh mạng của các quốc gia phương Tây thì cũng không có gì là quá.
Nếu "đường 9 đoạn" được tuyên bố là đường biên giới quốc gia của Trung Quốc, khi Mỹ và các đồng minh chuyển dịch lực lượng quân sự giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bất cứ lúc nào, họ đều có thể bị coi là ở vị trí phi pháp và sẽ bị cản trở mạnh mẽ. Như vậy liệu cộng đồng quốc tế có chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc?
Ngày nay, cư dân mạng Trung Quốc không ngừng hô hào những luận điệu hiếu chiến trong thế giới ảo. Tuy nhiên sau khi thoát khỏi thế giới ảo, chúng ta phải trở về thế giới thực tại, học giả Lý Tiết Thái nhận định.
(Theo VOV)