Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Sự kiện “Bình Minh”


Hình chụp tàu Bình Minh (ở trên) và bên dưới là tàu Trung Quốc
Khi nói về các tranh chấp trên Biển Đông, thí dụ như tranh chấp nghề cá hoặc tranh chấp dầu khí, ít nhất cho đến gần đây, nhận thức thuần túy của người Việt cũng như thế giới là đó là do tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Song, sự thật nghiêm trọng hơn thế nhiều.
Trung Quốc không chỉ hài lòng với tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và những vùng biển mà theo luật quốc tế thì thuộc hai quần đảo này, họ bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan, ra phần lớn Biển Đông. Thậm chí, có thể nói rằng Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để làm hỏa mù nhằm che dấu tính vô lý của một yêu sách về biển có một không hai trong lịch sử hải dương.
Là nước láng giềng của Trung Quốc, hệ quả cho Việt Nam là vùng biển thuộc Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp trải dài từ cửa Vịnh Bắc Bộ xuống đến bồn trũng Nam Côn Sơn. Điều đó tạo ra một sự đe dọa nghiêm trọng cho kinh tế, quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ và nền độc lập của Việt Nam.
Sự kiện “Bình Minh”
Ngày 26/5/2011, ba tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp tàu khảo sát địa chấn tên Bình Minh của Việt Nam và phá hoại thiết bị của tàu này. Sự kiện Bình Minh không phải là một sự kiện đơn lẻ mà là một hành vi trong một chính sách của Trung Quốc nhằm bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Để hiểu sự kiện Bình Minh có thể xem Bản đồ 1.
Sự kiện này xảy ra tại điểm X trên bản đồ, tọa độ, 12°¢ 25² Bắc, 111°26¢48² Đông. Các đốm tròn là lãnh hải 12 hải lý chung quanh các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và bãi cạn Scarborough. Đường xanh lá cây bao quanh hai quần đảo là đường cách đều hai quần đảo này và các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Đường xanh da trời từ cửa Vịnh Bắc Bộ ra đến quần đảo Hoàng Sa là đường cách đều Việt Nam –Hải Nam không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường xanh da trời từ quần đảo Hoàng Sa đi xuống phía Nam là đường 200 hải lý tính từ bờ biển đất liền Việt Nam.
Chiếu theo các án lệ của Tòa án Công lý Quốc tế và tập quán ngoại giao, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ không vươn xa hơn các đốm tròn nhiều. Vì điểm X nằm cách xa các đốm tròn này, chiếu theo luật quốc tế nó sẽ không nằm trong vùng biển thuộc hai quần đảo này, tức là không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Giả sử như không chiếu theo luật quốc tế mà theo trí tưởng tượng phong phú nhất về sự công bằng đi nữa, thì cũng chỉ có thể cho rằng các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có giá trị ngang hàng với đất liền trong việc vạch ranh giới. Với trí tưởng tượng đó thì vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng chỉ vươn ra đến đường cách đều, tức là điểm X vẫn không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Như vậy, việc tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp tàu Bình Minh và phá hoại thiết bị của tàu này là một hành vi bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Đó không phải là hành vi duy nhất.
Một chính sách có hệ thống
Có thể nói rằng Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn Biển Đông.
Trung Quốc hiện đang “cấm đánh cá” trong vùng biển phía bắc 12° Bắc và phía tây 113° Đông. Vùng biển này bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Việt Nam không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Điều đáng chú ý về vùng “cấm đánh cá” này là Trung Quốc đã thiết kế nó sao cho xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, và không xâm phạm vùng bên ngoài 200 HL, nơi cả thế giới có quyền đánh bắt.
Cũng có thể thấy trên Bản đồ 1 rằng hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch, được đánh dấu bằng ký hiệu M và H, không thể nào có liên quan với tranh chấp Trường Sa. Hai vùng này cũng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Năm 2007 Trung Quốc đã ép BP rút ra khỏi hợp tác với Việt Nam trong hai vùng này.
Tiếp tục đi ngược thời gian, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với công ty Mỹ Crestone trong vùng Tư Chính (đường tím trong Bản đồ 1). Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc khảo sát. Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế thì vùng Tư Chính không nằm trong tranh chấp Trường Sa.
Những điều trên thể hiện một chính sách có hệ thống của Trung Quốc để bành trướng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Có thể nói rằng Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn Biển Đông.
Việt Nam phải làm gì
Ngày nay, một lẫn nữa Việt Nam phải đối diện với tham vọng mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam của Trung Quốc. Cùng với những đòi hỏi và những hành động đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc còn thể hiện quyết tâm đòi hỏi gần như toàn bộ Biển Đông.
Cơ bản, chúng ta phải tích cực chống lại sự đe doạ này với một sự tích cực không kém gì tổ tiên ta đã từng giữ nước. Trong vô số việc phải làm, dưới đây là một số việc cụ thể Việt Nam nên làm.
Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.
Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn.
Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam về đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy yêu sách của Việt Nam là gì và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.
Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích Biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.
Kế đến, Việt Nam nên tranh thủ và đàm phán với các nước Đông Nam Á trong tranh chấp về các ranh giới mà mình chủ trương. Trước nhất, Việt Nam và các nước này nên đi đến một quan điểm chung về ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Sau đó, Việt Nam và các nước này nên đi đến một thực tế ngoại giao trong đó tất cả đều ủng hộ nạn nhân trong trường hợp xảy ra việc xâm phạm chủ quyền bên ngoài ranh giới của vùng tranh chấp.
Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh, nếu tất cả các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn nếu chỉ cho Việt Nam lên án.
Dù sao đi nữa, trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lãnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Hình ảnh xứng đáng cho nước có hành động xâm phạm ngang ngược, là một hình ảnh ngang ngược. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu về Biển Đông hiện sống tại Oxford, Anh Quốc.

Trung Quốc lộ ý đồ xâm lấn biển Đông

Nguồn: Thanhnien online
Rất nhiều tàu cá Trung Quốc đồng loạt xâm chiếm, tranh giành ngư trường thuộc chủ quyền Việt Nam. Theo các lão ngư, tàu cá Trung Quốc đi theo từng nhóm 20-30 chiếc là một hiện tượng bất thường so với lối đánh bắt truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Ái ở H.Phù Mỹ (Bình Định) là một lão ngư nổi tiếng. Năm nay ông Ái 62 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 50 năm cùng tàu cá của mình hiện diện trên các vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Khát vọng vươn ra khơi xa luôn cháy bỏng trong ông, và ông đã nỗ lực biến nó thành hiện thực. Đội tàu cá của ông Ái có thể nói là “khủng” nhất ở miền Trung. Trong số 4 chiếc do 4 người con trai của ông làm thuyền trưởng đang hành nghề lưới vây ở khu vực biển Trường Sa với 75 lao động, chiếc lớn nhất có công suất lên đến 900CV. Mỗi chuyến ra khơi từ 15-20 ngày, sản lượng đánh bắt của đội tàu đạt gần 200 tấn hải sản các loại.

Tàu hải quân Việt Nam xua đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển phía nam Việt Nam (tháng 6.2009) - Ảnh: Xuân Cường
Lão ngư Nguyễn Văn Ái rất bất bình trước hành động ngang ngược, sai trái của tàu cá Trung Quốc. Ông Ái cho biết, mới đây khi tàu của ông hành nghề ở khu vực Trường Sa đã bị một đoàn tàu cá Trung Quốc gần 30 chiếc áp đảo, rượt đuổi. Đi theo đoàn tàu này còn có 1 tàu hải quân Trung Quốc hộ tống. “Tui gần cả đời đi biển chưa bao giờ thấy hiện tượng lạ như thế. Thông thường để đánh bắt được hiệu quả, khi hoạt động trên biển, các tàu thường phải tách nhau ra với một khoảng cách nhất định rồi thả lưới, hoặc giăng câu mới có cá. Đằng này, tàu cá Trung Quốc không chỉ đi từng đoàn đông đảo mà còn có cả tàu hải quân hộ tống, như vậy họ đã lộ rõ ý đồ lấn biển thuộc chủ quyền Việt Nam, xâm chiếm và tranh giành ngư trường bao đời nay của ngư dân chúng tôi”, ông Ái thẳng thắn bày tỏ.
 
Cần có chính sách hỗ trợ khi ngư dân bị Trung Quốc tịch thu tài sản để họ yên tâm ra khơi bám biển - Ảnh: Hiển Cừ
Ông Ái cho biết thêm, trước đây mỗi khi chạy tránh gió bão, tàu cá của ông đều chạy ngang qua một số đảo của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép, có khi chạy gần đảo 2-3 hải lý cũng không vấn đề gì. Thế nhưng, trong khoảng thời gian 2 tháng nay thì tình hình đã đổi khác, rất bất lợi. “Việc đi lại giờ khó khăn hơn rất nhiều, hở ra là họ nổ súng bắn, rượt đuổi. Tàu của tui mỗi khi chạy tránh gió phải ra xa hơn 30 hải lý nên luôn đối mặt với rủi ro, bất trắc. Ngư dân tụi tui không thể chấp nhận được điều này, vì đây là vùng biển của Việt Nam mà”, ông Ái bức xúc.
Tàu cá Trung Quốc không chỉ đi từng đoàn đông đảo mà còn có cả tàu hải quân hộ tống, như vậy họ đã lộ rõ ý đồ xâm lấn biển thuộc chủ quyền Việt Nam
Lão ngư Nguyễn Văn Ái
Đe dọa, làm ngư dân kiệt quệ
Lão ngư Dương Văn Tám (ở P.6, TP Tuy Hòa, Phú Yên), người đã gắn bó với đại dương vài chục năm nay, cho biết: “Ngày trước chỉ thỉnh thoảng mới thấy tàu cá Trung Quốc lấn sang vùng biển của mình đánh bắt, nhưng nay chuyến biển nào tụi tui cũng nhìn thấy tàu cá Trung Quốc. Họ vào vùng biển của mình đánh bắt nhưng được tàu hải giám của họ yểm trợ. Trong khi tụi tui đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta lại bị tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi. Có lần tàu cá nhà tui bị tàu hải giám Trung Quốc rượt đuổi, phải cắt bỏ giàn câu, bỏ chạy. Sau khi họ đi, mình mới dám quay trở lại để tìm giàn câu. Nhiều khi máy định vị báo vùng biển đó nhiều cá, nhưng khi cho tàu chạy đến đã thấy tàu cá Trung Quốc dàn hàng ngang có mặt trước rồi, lại có tàu hải quân bảo vệ nữa. Tàu Trung Quốc bây giờ ỷ đông ăn cướp trắng trợn quá”.
Sáng 30.5, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Thanh Nam - người phụ trách trực Icom cộng đồng thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, các tàu cá của ngư dân địa phương đang hoạt động trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của VN báo về, từ nửa tháng qua liên tục “đụng đầu” với hàng loạt tàu cá của Trung Quốc tràn sang đánh bắt theo kiểu giã cào. Trong khi đó, tàu kiểm ngư của Trung Quốc lại ráo riết hoạt động, rượt đuổi tàu cá, khống chế, tịch thu tài sản của nhiều ngư dân ta.
Ngư trường đánh bắt dựa theo thời tiết hằng năm được chia thành 2 mùa vụ. Mùa vụ cá nam (ngư trường từ miền Trung trở vào) từ tháng 4 đến tháng 10, mùa vụ cá bắc (ngư trường từ miền Trung trở ra) từ tháng 11 đến tháng 3. Trong số tàu thuyền nước ta hành nghề khơi xa ở vùng biển Trường Sa, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương chiếm đa số. Việc tàu cá Trung Quốc đang đồng loạt xâm chiếm ngư trường giữa mùa vụ cá nam không chỉ gây ra nhiều bất lợi đối với hoạt động khai thác hải sản của bà con ngư dân nước ta mà còn ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh hải. (Ông Nguyễn Hữu HàoPhó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định)
Chỉ trong vòng mấy ngày đầu tháng 5 vừa qua, tại xã Bình Châu đã có ít nhất 2 trường hợp, đó là tàu QNg-50615TS do ngư dân Trần Văn Thoa làm thuyền trưởng, trên tàu có 14 ngư dân và tàu QNg-90019 TS do ngư dân Võ Đào làm thuyền trưởng, trên tàu có 8 ngư dân bị Trung Quốc tịch thu tài sản, ngư cụ như máy định vị, máy dò, Icom, bộ đàm… gây thiệt hại trên gần 320 triệu đồng. Thuyền trưởng Võ Đào lên tiếng: “Hoàng Sa là vùng biển của mình mà Trung Quốc lại cấm đánh bắt. Trong khi đó, tàu cá của họ lại ngang nhiên đánh bắt, chiếm lĩnh ngư trường truyền thống của mình. Thật ngang ngược!”.
Còn tại huyện đảo Lý Sơn, vào hôm 9.5 tàu cá QNg-66101TS do ngư dân Lê Vinh (xã An Vĩnh) làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 ngư dân cũng bị Trung Quốc tịch thu tài sản, ngư cụ khi đang hành nghề tại gò Xà Cừ (quần đảo Hoàng Sa của VN), ước tính thiệt hại 160 triệu đồng.
Theo nhận định của cơ quan chức năng ở Quảng Ngãi, nếu như các năm trước phía Trung Quốc nhiều lần bắt giữ, tịch thu tàu cá, đòi tiền chuộc và đánh đập ngư dân khi họ đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa, với ý đồ đe dọa để ngư dân không dám đến vùng biển này khai thác hải sản nữa, nhưng bị Nhà nước VN lên án mạnh mẽ thì năm nay Trung Quốc đã đổi “chiến thuật”. Đó là chỉ tịch thu tài sản, hải sản làm cho ngư dân kiệt quệ về tài chính, không còn khả năng hành nghề nữa, qua đó làm nhụt chí những tàu cá khác mỗi khi ra Hoàng Sa và các vùng biển truyền thống khác.
Kiên quyết giữ ngư trường
Việc hàng loạt tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam trong thời gian gần đây chưa hẳn là để khai thác hải sản trái phép mà có thể chỉ thăm dò, nếu ngư dân VN thụt lùi thì họ sẽ tiến tới chiếm ngư trường. Lão ngư Dương Chính (ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) - một ngư dân đã từng ngang dọc vẫy vùng khắp vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa nói rằng, ngày trước đánh bắt ở vùng biển này rất ít gặp tàu cá Trung Quốc, còn bây giờ họ đi cả tốp vài chục chiếc xâm phạm vùng biển chủ quyền của VN. “Trung Quốc cho lực lượng rượt đuổi, vây bắt tàu cá của ngư dân mình, hậu thuẫn cho tàu cá nước họ vô tư đánh bắt hải sản ngay trên vùng biển chủ quyền của VN là ý đồ hình thành các vùng đánh cá truyền thống của họ. Tui nghĩ các cơ quan chức năng của VN cần vào cuộc để chặn đứng hành động của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của ta”, lão ngư Dương Chính kiến nghị.
 Theo đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Phú Yên, việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam với số lượng hàng trăm chiếc là để lấn át ngư trường, chiếm lấy vùng biển của ta. Để ngư dân nắm rõ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng biển chồng lấn, BĐBP tỉnh Phú Yên phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền các văn bản pháp quy liên quan đến Luật Biên giới quốc gia, các chỉ thị, nghị định và chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với ngư dân.
Đại tá Nguyễn Trọng Huyền cho biết: “Ngư trường mà ngư dân đánh bắt lâu nay là vùng biển của ta, ngư trường truyền thống của ngư dân và ở đây rất giàu hải sản nên chúng tôi vận động, khuyến khích ngư dân tiếp tục giữ lấy ngư trường, thường xuyên thông tin cho BĐBP về tình hình trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc ngư dân bám ngư trường không những đem lại lợi ích kinh tế mà còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục bám biển, đi đánh bắt theo tổ để giúp nhau, nếu gặp tàu cá nước ngoài uy hiếp thì tương trợ đấu tranh”.
Cũng theo đại tá Nguyễn Trọng Huyền, trong những ngày qua, sau khi công luận và dư luận trong nước quyết liệt lên tiếng phản đối tình trạng tàu đánh cá Trung Quốc ngang nhiên lấn chiếm ngư trường, số lượng tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã giảm hẳn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại tá Nguyễn Viết Châu - Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định, cho biết thời gian gần đây ngư dân phát hiện nhiều tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên vùng biển miền Trung, trong đó chủ yếu là tàu cá Trung Quốc. Có những lúc các tàu cá Trung Quốc xuất hiện cách bờ biển Bình Định chỉ khoảng hơn 100 hải lý. “Gặp những trường hợp như vậy, BĐBP đã tìm cách xua đuổi, đồng thời có những hỗ trợ cần thiết cho ngư dân yên tâm ra khơi hành nghề đánh bắt hải sản, giữ vững chủ quyền biển đảo”, đại tá Nguyễn Viết Châu nói.
Đình Phú - Hiển Cừ - Đức Huy

31/05/2011 - 00:12 VỤ TRUNG QUỐC XÂM PHẠM VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ CỦA VIỆT NAM Phép thử của Trung Quốc và giải pháp của chúng ta

Trong suốt những năm qua, các con tàu ngư chính của Trung Quốc đã liên tục bắt giữ, đánh đập và đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhưng với sự kiện ngày 26-5-2011, Trung Quốc đã leo thang từ bắt giữ các tàu thuyền ngư nghiệp của Việt Nam tại các vùng nước xa bờ đến tấn công tàu khảo sát địa chấn trong chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam!
Vào ngày 26-5, Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngay tại vùng biển của Việt Nam (12 độ 48’25” vĩ bắc, 111 độ 26’48” kinh đông), trong vòng 200 hải lý kể từ đường cơ sở, tức hoàn toàn không dính dáng gì đến các tranh chấp ngoài xa hơn là Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự kiện này diễn ra ngay sau chuyến thăm các nước Singapore, Indonesia và Philippines (từ 15-5-2011) của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Trước đó, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Tham mưu trưởng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức (16-5-2011), Trung Quốc cũng đã đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trong biển Đông có hiệu lực từ 16-5-2011 đến 1-8-2011, trên vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền…
Những tín hiệu phát đi từ phía Trung Quốc
Thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những gì mà chính phủ Trung Quốc đã cùng ký kết và cam kết tại các hội nghị từ trước đến nay, bất chấp văn minh ứng xử của cộng đồng các quốc gia văn hiến, cho thấy một số tín hiệu phát đi của các giới làm chính sách của Trung Quốc.
Thứ nhất, giới quân đội có tinh thần dân tộc cực đoan Trung Quốc đang cố chứng tỏ với ASEAN và cộng đồng thế giới rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phủ nhận các văn bản mà chính mình đã ký kết và kiên trì cách tiến xuống vùng biển Đông bằng chính sách vừa lấn vừa đàm. Những sự kiện nêu trên cho thấy các văn bản ký kết với các nước ASEAN có ít giá trị ràng buộc.
Khu vực tàu Bình Minh 02 của Việt Nam (dấu  O ) bị cắt cáp nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chính sách tàm thực (tằm ăn dâu), vừa lấn vừa đàm, tuyên bố trước, hù dọa kèm và giành giật sau, đã được Trung Quốc thực hiện lâu dài từ nhiều năm. Từ giai đoạn sử liệu Trung Quốc nhìn nhận cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam cho đến lúc tuyên bố mập mờ cả vùng chữ U là “lợi ích cốt lõi”, Trung Quốc đã tiến xa, tiến sâu ngay trước sự chứng kiến của ASEAN và thế giới.
Thứ nhì, Trung Quốc đang tiến đến cô lập và uy hiếp Việt Nam hơn nữa sau chuyến thăm Mỹ và ASEAN của giới quân sự nước này, bất chấp những động thái ôn hòa hơn của giới ngoại giao; đồng thời phát một tín hiệu đến Việt Nam và các nước ASEAN khác rằng họ đang tìm cách vừa làm thân với Mỹ và các cường quốc có lợi ích quốc gia về hàng hải tại khu vực, vừa cách ly Việt Nam với các quốc gia ASEAN. Thậm chí thái độ này của Trung Quốc còn là một nước cờ nhằm làm cho ASEAN bán tín bán nghi liệu họ đã thỏa thuận được với Mỹ và cho Việt Nam phỏng đoán liệu Trung Quốc đang mặc cả với Singapore, Philippines và Indonesia và cả Mỹ trên lưng Việt Nam.
Thứ ba, Trung Quốc đang làm phép thử đối với đường chữ U (đường lưỡi bò). Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và của ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm và sự việc ngày 26-5-2011 sẽ có thể được tô vẽ thành một sự kiện bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc như sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909 và sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Thứ tư, Trung Quốc đang chuyển hướng lưu ý của dư luận ra bên ngoài nhằm hạ nhiệt dư luận đối với các khó khăn xã hội trong nước. Các cuộc đình công của giới xe tải tại Thượng Hải vào cuối tháng 4-2010 và các cuộc đánh bom tại Giang Tây trong tuần vừa qua đã nói lên phần nào lý do của thái độ gây hấn của Trung Quốc vừa qua.
Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Thứ năm, tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu về biển của Trung Quốc được sự tài trợ của chính phủ đã liên tiếp cho ra nhiều sách và xuất bản phẩm đưa thông tin sai lệch về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và lần này họ cũng đang tạo một tiền đề cho các học giả Trung Quốc “bảo vệ” hành động của các tàu hải giám, để dành cho những ngụy biện về sau.
Thứ sáu, Trung Quốc dùng sự kiện này để răn đe các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật, nước hiện đang có kế hoạch triển khai quân ra đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Chúng ta cần có những giải pháp tổng thể
Trước những động thái vừa được phân tích trên, những nhà làm chính sách và nhân dân Việt Nam chúng ta cần làm gì?
Đầu tiên chúng ta cần có những phản ứng về ngoại giao ở cấp cao nhất tầm quốc tế (Liên Hiệp Quốc) và quyết liệt như gửi kháng thư, yêu cầu bồi thường và thông tin kịp thời đến cho các giới kinh doanh, các hộ ngư dân làm thủy sản, các giàn khoan ngoài khơi để tránh bị động nếu giới quân sự của Trung Quốc lại leo thang xâm lấn. Việc minh bạch các thông tin này cũng là để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trước thái độ hung hăng này.
Cần nhanh chóng xúc tiến xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam để có cơ sở bảo vệ ngư dân, lãnh hải trong khuôn khổ luật quốc tế và các cam kết đối với khu vực.
Chúng ta cần luôn luôn tận dụng chữ ký của Trung Quốc tại Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và tại Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC 2002) cũng như có những biện pháp để ASEAN có ý kiến, vì đây là một vi phạm nghiêm trọng đến thể diện, lợi ích và những cam kết hòa bình mà ASEAN đã theo đuổi.
Chúng ta cũng cần có cách thức tác động đến nhân dân Trung Quốc là những giới bị thiếu thông tin trong vấn đề biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa - họ đang ngày càng xa rời sự thật khách quan khi nhận nhiều thông tin có tính dân tộc cực đoan và bóp méo hiện trạng cũng như lịch sử từ giới quân sự.
Nhân dân Việt Nam cũng cần lên tiếng từ các hội đoàn, người Việt ở cả trong nước và ở nước ngoài. Đây cũng là lúc mà sự đoàn kết trong và ngoài nước sẽ có giá trị lớn để vượt qua khủng hoảng. Người Việt sẽ tiếp tục sử dụng những cách thức ôn hòa và văn minh để vượt qua thách thức này của đất nước.
Sau cùng, ngoài việc bảo vệ đất nước bằng ngoại giao, chúng ta có lẽ cũng cần tính đến việc buộc phải sử dụng cách thức bất khả kháng, khi có những tình huống xấu hơn nữa, mà không rơi vào tình thế bị động. Hành động xâm lấn không phải chỉ có thể xảy ra ở bờ biển nước nhà, khi người láng giềng lại tiếp tục leo thang với những hành động không thể biện minh được như vừa qua.
Tóm lại, sự việc 26-5-2011 nghiêm trọng ở chỗ sự xâm lấn ngày càng sâu dần vào lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam, thách thức và thăm dò lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp tổng thể trên nhiều phương diện để tìm giải pháp cho Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Các giải pháp hiện nay cần tiến hành đồng bộ, đồng loạt và đi sâu vào nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam.
NHÓM TÁC GIẢ (*)
(*): Lê Vĩnh Trương - Nguyễn Đức Hùng - Dư Văn Toán - Nguyễn Trọng Bình - Phạm Thu Xuân (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
Dồn lực cho an ninh hàng hải
Việc tàu Trung Quốc cắt dây cáp, phá rối Petro Vietnam, đặt lại vấn đề quản lý và bảo tồn hải dương, chứng tỏ việc phát triển kinh tế biển của Việt Nam còn nhiều bất cập. Chức năng của các bộ ngành liên quan như bảo hiểm, an toàn giao thông hàng hải, cảnh sát biển cần phải được rà soát lại. Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi tính đến chuyện hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài vì vấn đề an ninh hàng hải không được bảo đảm. Nếu cần thiết nên có một lực lượng tuần duyên đa ngành (hàng hải, biên phòng, tìm kiếm và cứu nạn, ứng phó tràn dầu, ban biên giới) cùng triển khai với cảnh sát biển được trang bị hiện đại với máy bay lên thẳng và khi cần có cả không lực và chiến đấu cơ để có sức mạnh răn đe trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích và tài trợ các hoạt động nghiên cứu biển Đông ở các trường ĐH và viện nghiên cứu ở Việt Nam một cách cụ thể. Việc nghiên cứu về biển Đông sẽ cho chúng ta xây dựng được tư liệu và cơ sở pháp lý cho vấn đề tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông để phản biện lại những lý luận của Trung Quốc.

Báo nước ngoài bàn về Biển Đông

Các nước trong vùng lên tiếng về căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Hà Nội và Bắc Kinh to tiếng quanh cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò Việt Nam hôm 26/05.
Nhiều nước hy vọng tìm thấy dầu ở Biển Đông
Xã luận ngày hôm nay của nhật báo tiếng Anh Thái Lan, BấmBangkok Post, gọi Biển Đông là vấn đề cũ nhưng đang xuất hiện những đe dọa mới.
"Sau một thời gian dài tương đối yên tĩnh, ngọn gió thay đổi một lần nữa lại quất vào chính trị Biển Đông... Sẽ cần cả may mắn và sự hợp tác xuyên biên giới để tránh xảy ra xung đột thực sự."
Tờ báo nhắc nhở rằng đã từng xảy ra chiến tranh vì giành giật lãnh hải và nhiều vụ va chạm ngắn ngủi mà đáng sợ:
"Tháng Giêng 1974, Nam Việt Nam và Trung Quốc, khi đó là kẻ thù, đã có trận đánh ngắn thực sự vì Hoàng Sa. Trung Quốc thắng trận đó, nhưng chính phủ ngày hôm nay ở Hà Nội khẳng định quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam."
"Xa hơn về hướng nam, bốn quốc gia thỉnh thoảng lại đánh nhau và thường va chạm tàu bè vì Trường Sa. Trong vụ xung đột nghiêm trọng nhất, năm 1988, hải quân Trung Quốc giết 70 lính Việt Nam và đánh chìm tàu của Hà Nội tại Trường Sa. Sáu năm sau, tàu chiến Trung Quốc can thiệp và buộc ngừng việc khoan dầu cũng tại vùng này. Trường Sa, thực ra chỉ là bãi cát ngập nước mà không có cư dân bản địa, hiện có các căn cứ kiểu quân sự với lính của cả bốn nước. Suốt hơn mười năm qua, khu vực Trường Sa nói chung yên bình nhưng xung đột luôn là một khả năng."
Bangkok Post đề cập biến cố mới nhất liên quan con tàu của PetroVietnam, đồng thời nhắc lại việc mấy tuần gần đây, Philippines cấp giấy phép khảo sát dầu hỏa cho Forum Energy của Anh, trong khi Việt Nam cũng hợp tác với Talisman Energy để khoan dầu. Trong khi đó, trữ lượng dầu và khí đốt của Trung Quốc giảm đi, và Bắc Kinh cũng cấp nhiều hợp đồng khoan dầu tại khu vực tranh chấp, trong đó có một dành cho một công ty Mỹ.
Sau một thời gian dài tương đối yên tĩnh, ngọn gió thay đổi một lần nữa lại quất vào chính trị Biển Đông...Sẽ cần cả may mắn và sự hợp tác xuyên biên giới để tránh xảy ra xung đột thực sự.
Bangkok Post
Cùng ngày, tờ báo tiếng Anh khác của Thái, The Nation, cũng có bài cho rằng sau 15 năm ngoại giao kiên nhẫn thì có vẻ như cả Asean và Trung Quốc "đang chứng tỏ dấu hiệu mệt mỏi vì chẳng có tiến bộ nào cho một giải pháp rốt ráo hay kế hoạch khai thác chung".
BấmThe Nation phân tích cho đến tận bây giờ, Asean và Trung Quốc vẫn chưa thể đồng ý quanh việc thực thi Tuyên bố Hành xử Các bên về Biển Đông, ký năm 2002. Theo tờ báo, có lẽ các bên cũng sẽ chẳng thể đồng ý để kịp cho dịp kỷ niệm 10 năm vào 2012 tại Phnom Penh, khi Campuchia chủ trì hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 20.
Tác giả bài báo, Kavi Chongkittavorn, cho rằng không khí tương đối yên ổn quanh Biển Đông thực ra chấm dứt từ tháng Bảy năm ngoái, khi tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công khai nêu vấn đề, khiến Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bất mãn rõ rệt.
"Một hậu quả tức thời từ sự thay đổi này có thể là thái độ và chính sách bớt lịch sự hơn của Trung Quốc đối với Asean...Bắc Kinh xem thái độ của Asean quanh các khuyến nghị là có vấn đề và gây hại cho tuyên bố chủ quyền của nước này."
Mỹ đã gia tăng quan hệ quân sự và ngoại giao với Việt Nam
Ông Kavi Chongkittavorn cảnh báo nếu tranh chấp không được giải quyết hợp lý, nó sẽ có tác động lan tỏa lên sự đua tranh Mỹ - Trung trong khu vực.
"Philippines là đồng minh có hiệp ước với Mỹ, cũng như Nhật và Hàn Quốc, vốn đang có tranh chấp về đảo với Trung Quốc. Ví dụ, một cuộc tấn công vũ trang nhỏ tại quần đảo Kalayaan có thể dễ dàng trở nên xấu đi giữa sự đua tranh gia tăng Mỹ - Trung.
Chính phủ Philippines tin rằng một vụ tấn công vào tàu Philippines trong khu vực họ quản lý cũng là tấn công trực tiếp vào Mỹ, như đã ghi trong hiệp ước quốc phòng với Mỹ."
Cảnh cáo?
BấmMột bài của Bloomberg News hôm 28/05 đề cập đến vụ tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 hôm 26/05.
Bloomberg dẫn lời James A. Lyons Jr, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng hành động gần đây của cả Việt Nam và Philippines xuất phát từ việc Mỹ bày tỏ quan điểm về Biển Đông hồi năm ngoái.
Ông Lyons, dẫn dắt Hạm đội từ 1985 đến 1987 và hiện làm tư vấn tại bang Virginia, nói thêm giá dầu hỏa tăng cao cũng khiến Việt Nam và Philippines đẩy mạnh việc tìm dầu cho phát triển kinh tế.
"Với tình hình kinh tế ở Philippines và Việt Nam, việc khảo sát dầu và khí đốt có lý về mặt kinh tế. Họ phụ thuộc vào Mỹ để có cây dù an ninh."
Theo kế hoạch, Talisman, công ty dầu hỏa lớn thứ ba của Canada, sẽ sớm bắt đầu khoan tìm ở khu vực cách đảo Hải Nam của Trung Quốc chừng 1000 cây số.
Trung Quốc thực ra đang cố gắng bắt nạt chúng ta và các nước Đông Nam Á.
Miriam Defensor-Santiago
Điều đáng nói, Talisman là đối tác của PetroVietnam, và điều này đặt câu hỏi phải chăng hành động của Trung Quốc với tàu Bình Minh 02 là sự cảnh cáo?
Các lô 133 và 134 của Talisman nằm cách Việt Nam khoảng 300 kilomet, được Trung Quốc gọi là lô WAB-21 – nơi vào năm 1992 họ đã đem cấp cho Crestone Energy Corp., nay nằm trong tay Harvest Natural Resources Inc. (HNR) đóng tại Houston.
Hãng tin Bloomberg nhắc lại rằng trong một phỏng vấn tháng Tám năm ngoái, giám đốc điều hành của Harvest James Edmiston thừa nhận Trung Quốc "bày tỏ họ rất lo ngại và rằng họ sẽ can thiệp theo cách nào đó."
'Bắt nạt'
Trong khi đó, theo báo The Philippine Star, một thượng nghị sĩ nước này cảnh báo nếu xảy ra xung đột, Philippines chắc chắn bại trận trước Trung Quốc.
BấmBà Miriam Defensor-Santiago, cũng là luật sư, nói hôm 29/05: "Giữa thế giới chính trị quốc tế phức tạp, thật dễ dàng nói chúng ta sẽ chiến đấu. Nhưng có thể Trung Quốc sẽ thắng vì họ lớn hơn chúng ta. Trung Quốc thực ra đang cố gắng bắt nạt chúng ta và các nước Đông Nam Á."
Thượng nghị sĩ, từng là chủ tịch ủy ban Thượng viện về đối ngoại của Philippines, nói nước bà không thể dựa vào Mỹ vì Washington cũng cần bảo vệ quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Dẫu vậy, bà tin rằng Mỹ và Tây Âu sẽ không để Trung Quốc tự do khai thác dầu và khí đốt ở Trường Sa.
"Mỹ và các nước Tây Âu sẽ không cho phép vì như thế sẽ có sự bất cân đối trong phân bổ quyền lực trên thế giới một khi Trung Quốc có thể chiếm tài nguyên dầu hỏa và khoáng sản bên dưới Biển Nam Trung Hoa."
Cả Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng hoạt động hải quân trong vùng
Bà thượng nghị sĩ than thở rằng quân đội Philippines thậm chí không thể biết liệu Trung Quốc có xâm nhập không phận hay chưa vì thiếu trang bị.
"Chúng ta kém quá xa về khả năng quân sự. Chúng ta không thể tự vệ. Hiện thời, khả năng tự vệ chỉ kéo được năm phút hay chưa tới năm phút. Sau đó...tất cả chúng ta đều toi," bà thượng nghị sĩ bi quan.
Chạy đua vũ trang?
Hôm cuối tuần, một chuyên gia quốc phòng tại Singapore nói Trung Quốc đang không chỉ đánh giá sức mạnh quân sự trong tương quan với Đài Loan mà còn cả với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông Trung Hoa (East China Sea) và Nam Trung Hoa (South China Sea).
BấmTim Huxley, giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược đặt ở Singapore, viết trên trang web quốc phòng DefenseNews.com trong bối cảnh viện của ông sắp sửa tổ chức hội nghị quốc phòng thường niên Đối thoại Shangri-La vào đầu tháng Sáu.
Hội nghị này có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng nhiều nước, gồm cả Mỹ, Nhật, Việt Nam, và Trung Quốc.
Ông Tim Huxley nói một số nước Đông Nam Á đang hiện đại hóa quân đội vì muốn "ngăn ngừa chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc - và của các nước liên quan - tại Biển Nam Trung Hoa."
"Rõ ràng sự phát triển quân sự hiện nay tại châu Á chẳng giống với cuộc đua hải quân Anh - Đức trước 1914 hay cuộc đua tên lửa Mỹ - Liên Xô thập niên 1960."
"Tuy vậy, cũng rõ ràng là có nguy hiểm thực sự về các cuộc đua tranh quân sự cấp vùng đa chiều và tốn kém gây bất ổn cho an ninh châu Á, và hiện không có các định chế an ninh khu vực hiệu quả để phòng ngừa đe dọa này."

    Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

    Yêu cầu TQ bồi thường thiệt hại vì cắt cáp dầu khí


    - Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền, đồng thời bồi thường thiệt hại sau khi 3 tàu hải giám nước này cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam. 
    >> Tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam
    Hôm nay (27/5), trả lời Thông tấn xã Việt Nam về việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao xác nhận vào lúc 5h58’ sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 đã bị 3 tàu Hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.
    Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12 o 48’25” Bắc và 111 o 26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý.
    Thiết bị của tàu địa chấn Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại.Ảnh: TTXVN
    Quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: Sáng nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

    Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

    Trước đó, trả lời báo chí tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cũng thông báo việc các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. 

    Việc các tàu hải giám Trung Quốc vào rất sâu trong vùng biển của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động "hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PVN", ông Hậu nói.
    PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN; đồng thời hỗ trợ PVN thực hiện nhiệm vụ thăm dò, khai thác của mình.

    PVN khẳng định các công việc khảo sát địa chấn ở khu vực này sẽ được tiến hành bình thường vì đây là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam. PVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm cho hoạt động của tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.
    Hiền Anh

    Hành động côn đồ không đáng mặt một quốc gia lớn của TQ

    Tàu Trung Quốc 'vi phạm lãnh hải' Việt Nam

    Nguồn: BBC vietnamese  27 tháng 5, 2011
    Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02
    Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam nói ba tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở hoạt động của tàu khảo sát Việt Nam.
    Sự kiện này xảy ra ngay mới sáng hôm thứ Năm 26/05, tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
    PetroVietnam đã có cuộc họp gấp với báo chí về sự việc mà hãng này gọi là "hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam".
    Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói hãng này đã báo cáo và đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam "có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc", đồng thời hỗ trợ PetroVietnam thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.

    Uy hiếp

    Theo ông Hậu, vụ gây hấn xảy ra khi tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.
    Ông nói tàu Bình Minh 02 đã làm công việc này trong hai đợt, đợt thứ nhất hồi năm 2010 và đợt thứ hai từ 17/03 năm nay, "quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy".
    Đây là hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam.
    Phó TGĐ PetroVietnam Đỗ Văn Hậu
    Tuy nhiên vào khoảng 5 giờ sáng thứ Năm, tàu Bình Minh 02 phát hiện ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy nhanh vào khu vực tàu này đang khảo sát mà không hề cảnh báo.
    Gần một tiếng sau đó, "tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02", sau đó tiếp tục uy hiếp tàu này.
    Được biết hai bên đã có trao đổi, và tàu Bình Minh 02 khẳng định đang hoạt động trong lãnh hải của Việt Nam.
    Mãi tới 9 giờ sáng, tức sau gần bốn tiếng đồng hồ, các tàu hải giám Trung Quốc mới rút đi.
    Ông Đỗ Văn Hậu được dẫn lời cho biết: "Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/05 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa".
    Tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam phải tới 6 giờ sáng thứ Sáu 27/05 mới quay trở lại hoạt động bình thường.

    Tăng căng thẳng

    Đây là một trong những lần hiếm hoi tàu Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam sâu và có hành động mạnh bạo như vậy.
    Trong quá khứ, Việt Nam từng cáo buộc tàu tuần ngư và tàu cá Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng sự kiện hôm 26/05 dường như vượt xa mức độ vi phạm của các lần trước.
    Hiện chưa biết Chính phủ Việt Nam sẽ phản đối mạnh mẽ đến mức nào.
    Năm nay Trung Quốc đã và đang đóng mới hàng chục tàu hải giám để tăng cường tuần tra biển.
    Tháng Ba vừa qua, hai tàu Trung Quốc cũng gây hấn với tàu thăm dò địa chấn của Philippines hoạt động tại khu vực Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông, gây căng thẳng lớn về ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh.
    Sau đó, Philippines đã gửi công hàm để phản đối.
    Truyền thông Philippines những ngày gần đây đồng loạt đề cập chủ đề chủ quyền tại Biển Đông, dường như đang chuẩn bị dư luận cho một giai đoạn mới trong căng thẳng khu vực.

    Hạ viện Mỹ cấm công ty TQ đấu thầu quốc phòng

    Nguồn: bbc vietnamese: 27 tháng 5, 2011

    TQ gia tăng ngân sách quốc phòng trong những năm qua
    Các dân biểu trong Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu cấm Bộ Quốc phòng trao các hợp đồng cho các công ty Trung Quốc.
    Điều khoản tu chính này nằm trong luật ngân sách quốc phòng được Hạ viện thông qua hôm thứ Tư.
    Tu chính cấm tất cả các công ty do chính phủ Trung Quốc làm chủ hay hợp tác đấu thầu các hợp đồng quốc phòng của Mỹ.
    Nay đạo luật cần được Thượng viện thông qua trước khi Tổng thống Barack Obama chuẩn y.
    Dân biểu Rose DeLauro, một trong các dân biểu bảo vệ cho tu chính, nói rằng nó sẽ giúp bảo toàn an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.
    "Khi Trung Quốc đạt được những tiến triển đáng kể về quốc phòng và không gian, chúng ta cần xem xét khi cho phép một công ty quốc doanh của Trung Quốc đấu thầu chế tạo trực thăng cho tổng thống. Điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ an ninh quốc gia, và không đưa ra nước ngoài những công việc đòi hỏi tay nghề cao và những công nghệ cao như vậy,'' bà DeLauro nói trong một thông cáo.
    "Tu chính này không chỉ giúp bảo vệ an ninh quốc gia mà còn cả những phát minh, công việc làm và sự tăng trưởng lâu dài của kinh tế nữa."
    Trước đó, truyền thông Mỹ, kể cả báo Wall Street Journal, nói rằng công ty hàng không của chính phủ Trung Quốc China Aviation Industry Corp (AVIC) có thể tham gia đấu thầu cung cấp trực thăng cho tổng thống.
    Tuần trước một Tướng của Trung Quốc, Chen Bingde, nói trong chuyến thăm Washington rằng Trung Quốc không có ý định thi đua với sức mạnh quân sự của Mỹ.