Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

'Chỉ có thể buộc ông Vươn tội cố ý gây thương tích'

Thứ ba, 21/2/2012, 17:02 GMT+7

"Căn cứ những hành vi trong thực tế của ông Vươn chỉ có thể buộc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng", luật sư Lê Đức Tiết phân tích.
'Cảnh báo sóng ngầm sau vụ cưỡng chế ở Hải Phòng'

Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương MTTQ (từng thực địa tại Tiên Lãng, Hải Phòng) đã có bài viết gửi VnExpress phân tích về vụ án Đoàn Văn Vươn.
Ít có trường hợp mà hành vi phạm tội của người vi phạm làm nảy sinh nhiều nhận xét, đánh giá trái ngược nhau như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng). Cùng trong một vụ mà cả một số quan chức thành phố, huyện, xã - những người đã ra lệnh thu hồi đất, thực thi lệnh cưỡng chế trái pháp luật và những người dân bị cưỡng chế đều phải đối diện với những điều buộc tội khác nhau.
Giới chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang cho rằng, ông Đoàn Văn Vươn là người ngông cuồng, ngang nhiên dùng các hình thức cực đoan chống lại luật pháp. Ông Vươn phải bị buộc tội chống người thi hành công vụ và tội giết người.
Luật sư Phạm Thanh Bình, khẳng định rằng khó thay đổi tội giết người của ông Vươn. Một số luật sư khác cho rằng ông Vươn phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nhiều người dân xã Vinh Quang và nhiều nơi trong cả nước cho rằng việc buộc ông Vươn tội giết người là không đúng với bản chất con người của ông và tính chất của vụ việc.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng những quan chức ra lệnh thu hồi đất và thực thi lệnh cưỡng chế trái pháp luật đã phạm vào các tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Công luận đòi hỏi có sự giải thích thấu tình đạt lý về các hành vi phạm tội. Trong vụ ông Vươn có những người phạm tội khác nhau, nhưng đều có “liên quan nhân quả” với nhau. Nhân - quả, quả - nhân là một chuỗi hành vi nối tiếp nhau.
Câu hỏi đầu tiên, mang tính then chốt, được đặt ra là có hay không việc thực thi công vụ và chống đối người thi hành công vụ trong vụ thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng?
Câu trả lời là không. Trong cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan tại Văn phòng Chính phủ chiều ngày 10/2, Thủ tướng đã khẳng định việc thu hồi đất và thực thi cưỡng chế đối với ông Đoàn Văn Vươn là trái luật. Hành vi của các quan chức thực thi lệnh thu hồi đất và cưỡng chế trái luật cuối cùng phải được khẳng định bằng một phán quyết sau này của tòa án. Không ai bị coi là phạm tội chừng nào chưa có bản án đã có hiệu lực pháp lý của tòa án.
Luật sư Tiết xuống khu vực nhà ông Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế để nắm tình hình. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Câu hỏi thứ hai được đặt ra là Đoàn Văn Vươn cùng những người thân có phạm tội chống người thi hành công vụ như lệnh khởi tố của cơ quan điều tra Hải Phòng đã công bố?
Trong trường hợp thông qua xét xử và bằng phán quyết của Tòa, Tòa công bố việc thu hồi đất và việc thực thi lệnh cưỡng chế là trái pháp luật thì sẽ không có cơ sở pháp luật để buộc tội anh em nhà Đoàn Văn Vươn và hai bà vợ của họ phạm tội chống người thi hành công vụ. Những hành vi sử dụng quyền lực công trái pháp luật không thể gọi là công vụ được. Buộc tội chống lại cái không tồn tại trong thực tế là điều phi lý.
Hiện nay các tòa sơ thẩm, phúc thẩm ở Hải Phòng chưa tiến hành xét xử vụ án. Tuy vậy có thể khẳng định rằng lệnh thu hồi đất và thực thi cưỡng chế của Hải Phòng là sai pháp luật vì Tòa án tối cao, bằng bản án giám đốc thẩm, đã ra phán quyết hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm trái pháp luật của các tòa Hải Phòng đối với vụ kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn.
Câu hỏi thứ ba là Đoàn Văn Vươn có phạm tội giết người không? Hành vi giết người bao gồm 4 giả định: cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp; tước đoạt sinh mạng người khác một cách trái pháp luật và vì những động cơ mục đích đê hèn. Việc buộc tội và xử phạt một người can tội giết người phải hội tụ đủ 4 giả định đã nêu. Nếu thiếu một trong 4 giả định thì không thể quy tội giết người theo điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Qua những tài liệu đã có, cho thấy ngay từ năm 2006, ông Đoàn Văn Vươn đã nhận thức được lệnh thu hồi quyền sử dụng đất đai của ông ta là trái pháp luật. Ông Vươn đã khởi kiện ra tòa án để đòi công lý. Nhưng tòa án huyện Tiên Lãng và tòa án Hải Phòng đã làm nghiêng lệch cán cân công lý.
Cái được gọi là mìn tự chế chỉ là bình ga được kích nổ để tạo ra ngọn lửa nhằm ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Nổ bình ga có thể gây chết người. Nhưng tất cả những gì mà Đoàn Văn Vươn đã làm chỉ nhằm mục đích ngăn cản lực lượng cưỡng chế trái pháp luật để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của bản thân mà thôi. Theo người dân địa phương, lực lượng cưỡng chế đã nổ súng như một trận đánh. Người chỉ huy cao nhất của vụ cưỡng chế đã trả lời báo chí rằng đó là một "trận đánh hay có thể viết thành sách được". Tiếng súng đã làm kinh động cả làng quê yên tĩnh vào dịp giáp Tết. Trong tình thế bị dồn vào bước đường cùng, Đoàn Văn Vươn đã dùng súng đạn hoa cải để chống lại những người xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của mình.
Không chỉ luật pháp hiện hành nước ta, mà luật pháp của nhiều nước trên thế giới đều thừa nhận người dân có quyền sử dụng các hình thức tương đương để tự vệ trước những hành động bạo lực của những kẻ xâm phạm đến tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của họ. Căn cứ vào những hành vi trong thực tế của ông Vươn đã thực hiện (quy tội danh thực tế), thì chỉ có thể buộc (quy tội danh pháp lý) Đoàn Văn Vươn theo tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như đã quy định tại điều 106 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm; nếu phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một đến ba năm.
Ông Đoàn Văn Vươn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Hải Phòng
Ông Đoàn Văn Vươn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Hải Phòng.
Câu hỏi thứ tư là những quan chức ra lệnh thu hồi đất và thực thi lệnh cưỡng chế có phạm tội không và phạm vào những tội gì?
Những hành vi vi phạm luật pháp đã được Bộ Luật Hình sự quy định là tội phạm thì phải được xét xử theo trình tự thủ tục về pháp luật hình sự. Những hành vi vi phạm không được quy định trong bộ luật hình sự thì được xét xử theo thủ tục hành chính. Không được hành chính hóa các tội phạm hình sự. Ngược lại cũng không thể hình sự hóa các vi phạm về hành chính. Đó là nguyên tắc bảo vệ kỷ cương, bảo vệ pháp chế của Nhà nước pháp quyền.
Trong vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, UBND huyện đã tự ý ban hành văn bản pháp quy trái Hiến pháp, trái luật. Họ tự cho mình quyền huy động quân đội để thực hiện cưỡng chế với dân và đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đây là hành vi lạm quyền. Họ tự cho mình thực hiện các quyền mà Hiến pháp chỉ dành cho Quốc hội, cho Chủ tịch nước và Thủ tướng. Hành vi này phải được đem ra xét xử theo thủ tục hình sự chứ không thể giải quyết theo thủ tục hành chính được.
Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng là một sai phạm gây nhức nhối trong xã hội. Thủ tướng đã có kết luận, nhưng đó là tiếng nói của cơ quan hành pháp. Việc phán quyết những người liên quan trong vụ việc có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì họ đã phạm những tội gì và họ sẽ bị xử phạt như thế nào là những việc làm thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp. Những ai quan tâm đến vụ việc đều đang chờ đợi những phán quyết đúng pháp luật, đúng người, đúng tội của các cơ quan nhân danh công lý để bảo vệ pháp luật.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Luật sư Lê Đức Tiết

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Đúng là Đảng Hải Phòng!

Nguyễn Quang Lập
clip_image001Khi mình viết bài Đảng Hải Phòng (tại đây!) có anh bạn học thời phổ thông (bây giờ làm to tổ bố) nhắn tin, nói ông cực đoan bỏ mẹ. Làm gì có Đảng Hải Phòng. Thời Hà Trọng Hòa thông tin bưng bít mới có Đảng Thanh Hóa, bây giờ mạng méo tràn ngập, thông tin nhạy bén, chẳng ai to gan dám “lập” Đảng riêng đâu. Tất nhiên mình cãi lại, nó cũng không chịu, cãi qua cãi về cả trăm tin nhắn, cãi mỏi tay rồi huề, hi hi.
Cái lý của anh bạn mình là: dù các ông Hiền, Liêm, Ca, Khánh, Thoại, cả ông Điền nữa, dám to gan đem nạng chống trời mà ông Thành Bí thư vững vàng thì họ chẳng làm gì tốt. Nó còn mắng mình, nói mày biết đéo gì. Tao từng làm việc với ông Thành tao biết, lão là kẻ có học, ngu gì a dua theo mấy đứa chân đất mắt toét. Nó nói thế thì mình tịt, vì mình chẳng biết ông Thành là méo hay tròn. Nếu không có vụ Tiên Lãng, cầm chắc đến chết mình vẫn không biết ông Thành là ai.
Không cãi được anh bạn cũng tức, nhưng nếu nó nói đúng thì mình cũng mừng. Mình nói đảng Hải Phòng nhưng nếu vụ Tiên Lãng chỉ là lỗi cục bộ, không phải lỗi hệ thống thì mừng quá đi chứ, ai cũng mừng chẳng phải riêng mình. Chẳng dè tin đâu như sét đánh ngang/ ông Thành đang tốt chuyển sang cù nhầy.  Tại CLB Bạch Đằng, trước 500 bô lão Hải Phòng, ông Thành đã ngang nhiên công khai chống lại chỉ thị của Thủ tướng (tại đây!): “Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngượi công an-bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; Có bậc lão thành nói không chuẩn; Ông Vươn xây nhà không có trong quy hoạch - trốn nợ thuế - không có tí công tích gì - trong khí đó Tiên Lãng tạo mọi thuận lợi cho anh Vươn. Đã gây dư luận phủ nhận công lao quá khứ của huyện Tiên Lãng, nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất”!!!
Xem ra cái cách nói năng của ông Thành cũng chẳng khác mấy ông Chuân, Phó Ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng (tại đây!), rõ là quan nào quân nấy, thầy nào tớ nấy. Chỉ khác là ông Chuân thì lo “bọn xấu  lợi dụng”, ông Thành có cái lo to hơn, hệ thống hơn, ấy là lo “nhân dân cả nước chỉ tập trung vào vụ này để ngưng trệ sản xuất”!! Hi hi rõ là cái lo của ông quan có học! Chết cười.
Hôm qua còn có người nghi ngờ tính xác thực của thông tin, vì chỉ thấy blog đưa tin thôi còn các báo lề phải thấy im re. Nhưng sáng nay báo Dân Việt, báo Pháp Luật tp HCM đưa rồi nhé. ViệtNamnet có bài: Tướng Thước kiến nghị Thủ tướng về Tiên Lãng giám sát công việc (tại đây!), tướng Nguyễn Quốc Thước đã lớn tiếng khẳng định: “Tôi nhắc lại, nếu phát ngôn của ông Thành đúng như báo chí phản ánh thì ông ta chính là người phủ định kết luận của Thủ tướng và Nghị quyết TW 4.” Hu hu tội to đùng, chống lại Thủ tướng đã nguy, chống lại nghị quyết của Đảng thì chỉ có nước đi ăn mày! Ngay khi mình viết những dòng này, có người nhắn tin: “nhà báo đang phỏng vấn  đại tướng Lê Đức Anh, cụ đang đập bàn”. Chết chết chết, có mà chạy đằng giời!
Thế là rõ rồi nhé, từ xã lên tỉnh, từ  chính quyền đến đảng đều một mực bảo vệ Tiên Lãng, chống lại chỉ thị của Thủ tướng và nghị quyết 4 của Đảng. Đúng là Đảng Hải Phòng, bỏ vào cối đâm cũng không trật. Đảng này có “truyền thống” chống lại Thủ tướng cả chục năm rồi chứ không phải bây giờ. Hồ Trung Tú vừa mail cho mình: “Sáng nay TV có đưa tin một vụ tương tự còn trắng trợn hơn vụ Tiên Lãng cách đây đã I0 năm, có đưa ảnh quyết định có chữ ký của ông Thành Bí thư Hải Phòng (lúc đó là Phó Chủ tịch TP).” Đó là vụ xảy ra cách đây mười năm tại huyện Cát Hải, báo Công an tp HCM  có phóng sự  Hành vi xem thường pháp luật, đăng hai kì (kì 1 (tại đây!, kì 2  tại đây!): “Ngay khi dự án cải tạo nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn II chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những cán bộ có quyền đã cố tình làm trái các quy định của Nhà nước để nâng khống hạng đất, đơn giá bồi thường và hỗ trợ không đúng đối tượng.
Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên là phóng viên báo QĐND đã viết bài: Ông Thành đã sai lầm có hệ thống (tại đây!) kể chuyện ông Thành đã giải cứu cho ông Chu Minh Tuấn trong vụ tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn năm 2004-2006, thời mà ông Thành là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Chính ông Thành đã gửi công văn số 1819/UBND-ĐC đề nghị xem xét, miễn xử lý trách nhiệm hình sự cho ông Chu Minh Tuấn: “UBND TP Hải Phòng cho rằng sai phạm của một số cá nhân trong vụ Đồ Sơn “chưa gây ra hậu quả”, nhất là hậu quả về kinh tế”; “Các cá nhân có sai phạm đã được xử lý về hành chính kịp thời, bộ máy cán bộ đã được kiện toàn, tình hình địa phương đã ổn định, dư luận đồng tình”!?, công văn nêu rõ. Vì vậy, UBND TP tiếp tục đề nghị Viện KSND tối cao “xem xét miễn xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ án theo trình tự tố tụng hình sự”. Thế là, với chức vụ, quyền hạn của mình, ông Thành đã cứu nguy cho các “đệ tử”, đẩy vụ việc kéo rê, kéo dài dẫn tới “chìm xuồng” theo ý đồ của ông ta.”
Còn nhiều chuyện lắm, nhưng chỉ chừng đó cũng đã biết Đảng trưởng Đảng Hải Phòng đã có thành tích bất hảo như thế nào. Mình chuyển hai kì phóng sự này và bài viết của đại tá Bùi Văn Bồng  cho anh bạn, nói đọc đi, chuyện  ông Thành có học của mày đấy. Nó đọc xong, nhắn tin: “Đúng là Đảng Hải Phòng thật mày ạ. Đ. mẹ!“  Hi hi.
………………….
P/S: Ngay khi Quê choa đưa bài: Phản ứng của các bô lão Hải Phòng trước phát biểu của Bí thư Nguyễn Văn Thành tại CLb Bạch Đằng (tại đây!), có cái còm thắc mắc đại ý: Tại sao ông Thành nói bậy thế mà ông Vũ Khoan ngồi đấy không phản ứng gì cả? Ông Vũ Khoan đã thư email cho mình, trả lời như  sau:
“Hôm nay xem link của một ông bạn liên quan tới tin trên mạng quechoa nói về cuộc gập giữa ông Bí thư Thành ủy Hải phòng với các cụ ở CLB Bạch Đằng tôi mới biết có người thắc mắc về việc vì sao tôi lại có mặt ở đó.
Thực ra câu chuyện như sau: Hàng năm CLB Bạch đằng đều mời tôi về nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế với các cụ cán bộ nghỉ hưu. Năm nay cũng vậy. Các cụ mời tôi từ trước khi xảy ra vụ Tiên Lãng; sau khi xảy ra vụ này tôi có gợi ý các cụ hay để khi khác nhưng các cụ tha thiết mời tôi và nói “việc nào đi việc đấy, các cụ rất mong đợi và mọi việc thu xếp hết rồi”. Về vụ Tiên làng tôi đã bày tỏ thái độ trên Vietnamnet vào buổi sáng hôm Thủ tướng họp với các ngành và lãnh đạo HP, trong bài đó tôi rút ra 6 điều (có khoảng 15.000 người truy cập, ai quan tâm có thể xem).
Khi xuống mới biết rằng, trước khi tôi nói chuyện thì Bí thư Thành ủy đến báo cáo về vụ Tiên Lãng; chỉ sau khi Bí thư nói xong các cụ mới mời tôi đến và tôi chỉ gặp anh Thành vài phút ở phòng chờ, hoàn toàn không biết gì về nội dung cuộc gặp của anh Thành với các cụ.
Vậy thông báo cho anh biết, nếu có thể đưa lên mạng để mọi người biết rõ, khỏi lăn tăn gì.”
N. Q. L.
Nguồn: quechoa.info

Hãy xem những việc họ đã làm. (đầu bài: LAX)

Nguồn: http://nguoilotgach.blogspot.com/2012/02/ong-thanh-sai-lam-co-he-thong.html 



ÔNG THÀNH ĐÃ SAI LẦM CÓ HỆ THỐNG
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư TP Hải Phòng

Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1957, quê ở Hoa Lư (Ninh Bình), có gốc từ ngành công an, là tiến sĩ  kinh tế, cử nhân luật (không biết học khi nào, học theo cách gì?), đi lên từ chức vụ chánh Văn phòng Quận ủy Hồng Bàng, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng. Ngày 9-12-2009, tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng ND thành phố Hải Phòng khóa XIII đã bầu ông Thành làm Chủ tịch UBND thành phố. Ngày 1-12-2010, Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XIV đã bầu ông Nguyễn Văn Thành làm Bí thư Thành ủy (Bà Nguyễn Thị Nghĩa và ông Dương Anh Điền được bầu là Phó Bí thư Thành ủy).
Cuối năm 2004 đến năm 2006, khi còn ở cương vị Phó Chủ tịch UBND thành phố,  Hải Phòng đã xảy ra vụ tiêu cực trong cấp đất tại thị xã Đồ Sơn, Tháng 9-2006, ông Thành đã có những công văn gửi Viện KSND Tối cao và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an trong quá trình giải quyết vụ án Đồ Sơn, nhằm “giải cứu” cho cấp dưới sai phạm? Trong công văn số 5775/UBND-NC của UBND TP Hải Phòng ngày 21-10-2005 gửi hai cơ quan trên, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thành cho biết: “Sau khi nhận quyết định khởi tố bị can, ngày 6-10-2005, đồng chí Chu Minh Tuấn có đơn gửi Thành ủy, UBND TP đề nghị xem xét, có ý kiến đề nghị các cơ quan pháp luật miễn xử lý hình sự đối với cá nhân đồng chí Chu Minh Tuấn”.
Công văn này dành một dung lượng lớn để trình bày các thành tích của ông Chu Minh Tuấn. Sau đó, công văn nêu tiếp: “Mặc dù có vi phạm nhưng xét quá trình công tác, những thành tích đóng góp tích cực trên các nhiệm vụ được giao và hoàn cảnh, tình hình sức khỏe của đồng chí Chu Minh Tuấn, UBND TP Hải Phòng đề nghị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, Viện KSND Tối cao xem xét chiếu cố trong quá trình giải quyết, miễn xử lý hình sự đối với đồng chí Chu Minh Tuấn, đảm bảo vừa đạt được yêu cầu giáo dục, răn đe đối với cán bộ, đảng viên là chính, vừa thực hiện đúng yêu cầu của pháp luật”.
Trước đó, ngày 9-3-2006, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành có công văn số 1819/UBND-ĐC đề nghị xem xét, miễn xử lý trách nhiệm hình sự cho ông Chu Minh Tuấn. Trong công văn dài bốn trang này, lãnh đạo UBND TP khẳng định trong vụ án Đồ Sơn “sai phạm chỉ xảy ra trong khâu xét duyệt đối tượng giao đất, danh sách đề nghị duyệt đối tượng giao đất tái định cư, giao đất dân cư do UBND thị xã Đồ Sơn và Sở Tài nguyên - môi trường trình UBND TP Hải Phòng phê duyệt có nhiều trường hợp không đúng đối tượng”. Đối với hai văn bản giao đất của UBND TP là quyết định 1381 (ngày 23-6-2003) và quyết định 807 (ngày 2-4-2004), một thì chưa tiến hành giao đất trên thực địa, một thì bị đình chỉ và thu hồi.
Căn cứ vào đó, UBND TP Hải Phòng cho rằng sai phạm của một số cá nhân trong vụ Đồ Sơn “chưa gây ra hậu quả”, nhất là hậu quả về kinh tế. “Các cá nhân có sai phạm đã được xử lý về hành chính kịp thời, bộ máy cán bộ đã được kiện toàn, tình hình địa phương đã ổn định, dư luận đồng tình (!?)”, công văn nêu rõ. Vì vậy, UBND TP tiếp tục đề nghị Viện KSND tối cao “xem xét miễn xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ án theo trình tự tố tụng hình sự”. Thế là, với chức vụ, quyền hạn của mình, ông Thành đã cứu nguy cho các “đệ tử”, đẩy vụ việc kéo rê, kéo dài dẫn tới "chìm xuồng" theo ý đồ của ông ta.
Công văn 1819 cũng dành một dung lượng lớn để UBND TP “báo cáo thành tích” của bị can Hoàng Anh Hùng, nguyên chủ tịch UBND thị xã Đồ Sơn. Còn với vi phạm của ông Hoàng Anh Hùng, theo UBND TP đánh giá, là vi phạm lần đầu và chưa xảy ra hậu quả về kinh tế. Vì vậy, UBND TP cũng đề nghị Viện KSND tối cao xem xét miễn xử lý hình sự đối với ông này. 
Trong khi đó, dư luận đều biết rất rõ không chỉ riêng vụ Đồ Sơn, Hải Phòng còn bùng nhùng với 15 dự án đầu tư liên quan tới sử dụng đất trong thời kỳ 2001-2004, khi ông Chu Minh Tuấn đảm nhiệm cương vị giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường. Tháng 10-2005, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả thanh tra đối với 15 dự án này gửi Thủ tướng, trong đó báo chí quan tâm nhất là dự án giao đất làm nhà ở tại khu Quán Nam, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải. Theo kế hoạch được duyệt, đối tượng giao đất chủ yếu là người dân của xã Dư Hàng Kênh và huyện An Hải, nhưng trên thực tế hầu hết đối tượng được giao đất đều là cán bộ các ban, ngành của Thành ủy, HĐND và UBND TP. Cơ quan thanh tra đã chỉ rõ trong số 848 hộ được giao đất, 420 hộ thuộc các cơ quan của thành phố, 35 hộ của Viện Qui hoạch (thuộc Sở Xây dựng), 152 hộ của UBND huyện An Hải…
Với hàng loạt vụ việc sai phạm nghiêm trọng về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn từ cả chục năm qua, không phải là điều quá khó hiểu khi các cấp lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã cố “bịt”, không để “mùi” của các vụ việc lan rộng, bỏ qua khuyết điểm, né lách pháp luật, giải cứu cho các cán bộ, đảng viên thuộc quyền..
Vụ đất đầm nuôi thủy sản của ông Vươn bị chính quyền huyện Tiên Lãng đòi thu hồi khi đã được gia đình họ Đoàn đầu tư lớn, bỏ nhiều công sức khai hoang, nay còn nợ cả mấy tỉ, không thể nói là ông Thành không biết. Nhất là thời điểm xảy ra khởi kiện của ông Vươn thì chính ông Thành đang giữ chức Chủ tịch UBND thành phố. Dù sao thì sau nhiều năm trần thân khai hoang, cải tạo địa hình, khu đầm nuôi thủy sản của ông Vươn ở Cống Rộc cũng đã trở thành một khu đất có giá trị cao, thuận lợi cho việc ra giá để giao cho người khác nuôi. Đó là miếng mồi ngon về đất đai bãi bồi. Chắc chắn là do những lợi nhuận dễ ăn đó, từ huyện lên thành phố đã có ý đồ chiếm đoạt công sức của họ Đoàn và nhiều hộ khác trong vùng từ mấy năm trước là điều không khó hiểu. Ông Thành cũng không thể không biết là vào thời điểm đó, ông Vươn chưa thu hoạch được bao nhiều cá, còn nợ ngân hàng tới hơn 3 tỉ đồng. Thế nhưng, không hiểu đàng sau đó vì động cơ gì, ông Thành vẫn dung túng cho chính quyền huyện Tiên Lãng tiếp tục ruồng ép ông Vươn để thu hồi đất.  
Thế mà, khi sự việc xảy ra, Thường vụ Thành ủy Hải Phòng vẫn im hơi lặng tiềng. Khi nhà báo hỏi vì sao lại thế, ông Thành cũng nói dối như ông Thoại, ông Ca, rằng phải xác minh cho kỹ, cho thấu đáo rồi mới báo cáo, mới có cách giải quyết. Đến khi Thủ tướng yêu cầu báo cáo theo 3 nội dung, Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng lại đưa ra một bản báo cáo có nhiều chỗ thể hiện bưng bít, bao che, giấu giếm khuyết điểm. Đó là sự cố tình gây khó khăn cho Thủ tướng và các đoàn công tác của Trung ương, đánh lạc hướng dư luận. Làm lãnh đạo một thành phố lớn như thế, có nhiều  biểu hiện không trung thực, bao che, dung túng cho nhiều cán bộ đã mắc khuyết điểm, sai lầm. mở đường cho sự phạm pháp trắng trợn, công khai hoành hành. Xem ra, các việc ông Thành làm, cung cách lãnh đạo của ông ta, đã thành hệ thống từ khi còn ông là Phó Chủ tịch UBND thành phố. Trước đó, còn nhiều điều khuất tất trong tư cách cán bộ, đảng viên của ông Thành, dư luận cũng bỏ qua, chưa đụng đến. Thế thì ông Thành còn đòi lãnh đạo ai? Mặc dù Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, nhưng ông vẫn phân công những cấp dưới có nhiều tai tiếng và mất tìn nhiệm như ông Thoại, ông Ca đi giải quyết hậu quả vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng. Khi dư luận phản ứng rầm rầm, có cả thư ngỏ được in ra đặt trên bàn, làm việc, thấy không ổn, ông Thành mới thay ông Thoại bằng ông Hiệp, làm tổ trưởng xử lý hậu quả vụ việc. Chưa hết, ông Thành vẫn còn đưa ra con bài đã có kinh nghiệm kéo ngâm sự việc như vụ Đồ Sơn, để mong nghĩ cách tiếp tục cứu các “đệ tử” . 

Ông Thành đã có những phát biểu khiến nhiều cán bộ nghỉ hưu bức xúc.

Gây dư luận xôn xao và bất bình nhiều nhất là vào sáng 17-2, nói chuyện thời sự với các cán bộ trung cấp, cao cấp ở Hải Phòng đã nghỉ hưu (CLB hưu trí Bạch Đằng), ông Bí thư Thành còn phát biểu nhiều chỗ sai với kết luận của Thủ tướng, tiếp tục bênh che cho những cái  sai của hệ thống lãnh đạo từ huyện  Tiên Lãng lên thành phố, tố cáo cả báo chí, vẫn tìm cách đổ lỗi cho gia đình nông dân họ Đoàn. Đến mức, ông Hoàng Châu (83 tuổi) - nguyên cán bộ tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, phải lên tiếng là :” Trong phát biểu, ông Thành chủ yếu nói ông Vươn sai, bênh che cho nhóm lợi ích.  Tôi lập tức lên bục phản ứng, phát biểu 4 vấn đề: Bí thư nói không đúng kết luận của Thủ tướng. Nói sai về báo chí. Việc nói như vậy và coi thường chúng tôi, những cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu. Với tư cách một đảng viên, tôi đề nghị Bộ Chính trị đình chỉ công tác Bí thư thành ủy của ông Nguyễn Văn Thành”.
Vì những lẽ trên, hoàn toàn ông Thành không xứng đáng là cán bộ lãnh đạo từ khi còn làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, cách đây gần cả chục năm, thế mà vẫn trúng cao phiếu, vẫn lên chức ào ào, vẫn là “cây cột trụ chính” đầy quyền lực ở Hải Phòng. Nhân nay như có “trời khiến” xảy ra vụ Tiên Lãng này, rà soát lại quá trình xử lý vụ việc đất đai ở Hải Phòng, lại chiếu theo vai trò, tư cách người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cách chức ông Thành lúc này là rất cần và đúng với chủ trương đã đề ra trong Nghị quyết Hội nghị TW 4, dù đã hơi muộn, nhưng tin rằng giải quyết như thế sẽ thỏađược lòng dân./.

Bùi Văn Bồng 
20/02/2012 

Khư khư giữ điều không thể giữ.(tên bài do leanhxuan)

Nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2012/02/phao-hieu-oan-van-vuon.html#more

23/02/2012

Pháo hiệu Đoàn Văn Vươn


Tạ Duy Anh
Nhớ lại trước tết Kỷ Sửu, tức là cách nay chừng ba năm, có một nhà báo do thấy tôi hay sáng tác về nông thôn, bèn phỏng vấn tôi về con trâu và cuộc sống của người nông dân ngày nay. Trong bài phỏng vấn đó có một đoạn hỏi và đáp như sau:
Hỏi: Việc “công nghiệp hóa nông thôn” theo ông hiện nay đúng hay sai? Một số người cho rằng, không phải cứ đưa nhà máy, xí nghiệp về xây dựng ở đồng ruộng là công nghiệp hóa, mà phải xây dựng một nền nông nghiệp vững mạnh bằng sự sáng tạo, đầu tư có chiều sâu, khoa học cho nông thôn.
Trả lời: Theo tôi chúng ta đang tự làm khó mình bằng những khái niệm mơ hồ, đầy tính chủ quan về quyền sở hữu, bóc lột, làm thuê... Luật đất đai hiện nay sẽ hạn chế mọi nỗ lực cải tạo nông thôn. Nói thẳng ra chúng ta chỉ cố khẳng định thành tựu của mấy chục năm đã qua bằng cách giữ nguyên những khái niệm đã trở nên rất buồn cười. Đó là thứ sĩ diện chính trị hão, không cần thiết. Bởi vì muốn công nghiệp hoá nông thôn thì trước hết phải chấp nhận có những chủ đất lớn. Không ai có thể hình dung nổi với cái quyền sử đất như hiện nay mà lại có thể công nghiệp hoá nông thôn. Nói cho vui thì cứ nói.
Hỏi: Nhà văn nghĩ sao về đời sống người nông dân hiện nay?
Trả lời: Phần lớn người nông dân hiện thời đang đứng trước một tương lai u ám. Chúng ta sẽ phải chứng kiến một nghịch cảnh là đất đai ngày càng hiếm nhưng sẽ ngày càng nhiều đất đai bị bỏ hoang hoặc khai thác không hiệu quả. Và hiện tượng đất đai bạc mầu, bị làm cho mất khả năng canh tác sẽ còn kinh khủng hơn. Chung quy cũng vì Luật đất đai quá lạc hậu.
Sau khi gửi lại bài cho anh phóng viên nọ, tôi cũng quên luôn, quên cả hỏi xem anh ta định đăng ở báo nào. Vừa ra Tết thì tôi được mấy anh bạn là tổng biên tập báo gọi đến, bảo rằng trong cuộc giao ban đầu xuân Kỷ Sửu của Ban Tư tưởng văn hoá, tôi bị phê phán đích danh bởi những quan điểm ngược chiều với định hướng tuyên truyền của Đảng, thể hiện trong bài phỏng vấn ngắn vừa nêu. Lúc đó tôi chẳng nghĩ gì cả, mà chỉ thấy buồn cười. Tôi đã thẳng thắn nói giúp các nhà lãnh đạo đất nước một sự thật đang rất phổ biến ở nông thôn, cảnh báo về nhiều bất cập trong cách thức quản lý và sử dụng đất đai, dẫn đến nhiều nghịch cảnh đau lòng và âm ỉ khối bức xúc ngày một lớn. Nếu không có cách giải toả sẽ đến ngày nó nổ tung và khi đó thì tất cả – tôi nhắc lại là tất cả – những gì thành tựu một cách vô cùng vất vả mấy chục năm đổi mới sẽ bị cuốn phăng, sẽ đổ vỡ tan tành. Nhiều nhà tham mưu biết thực trạng này nhưng họ khôn ngoan không nói vì sợ bị quy chụp.
Phải nói rõ một sự thật, nông thôn giờ đây không còn cảnh đói ăn rét mặc như thời mấy chục năm trước (nếu có thì cũng không nhiều). Đó là nhờ quá trình giải thể triệt để mô hình sản xuất ngự trị thời bao cấp. Khi đất đai về với người nông dân, mặc dù mới chỉ là hạn mức 20 năm, khi họ được tự do mưu sinh trên thửa ruộng, khi những năng lực được giải phóng khỏi sự kìm hãm, dù mới ở mức còn hạn chế, cũng đã khiến họ tạo ra sự kỳ diệu như những gì chúng ta chứng kiến. Nếu cứ khăng khăng nói rằng, mấy chục năm đổi mới mà đa số nông dân vẫn đói ăn, thiếu mặc là nói lấy được và thiếu sự công tâm.
Nhưng còn một sự thật khác, cái sự thật mà các nhà lãnh đạo thường không thích nếu có ai đó nói thẳng ra, đó là sự khổ cực thì vẫn bao trùm lên đời sống người nông dân, bao trùm lên hầu khắp các làng xã. Thậm chí cảm giác về nỗi cơ cực có nơi còn lớn hơn cả cái thời nghèo đói do môi trường bẩn thỉu, làng xóm bị xé nát, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút… tràn lan cùng vô vàn thói xấu thành thị du nhập về theo những người dân ra phố kiếm việc. Có nhiều nguyên nhân nhưng có thể thấy rõ hai nguyên nhân chính, đó là nạn hà chính của cán bộ cơ sở các cấp và những rắc rối, quanh co, khó hiểu của Luật đất đai khiến người nông dân ồ ạt bỏ ra thành thị thay vì kiếm ăn trên đồng ruộng của mình. Cứ tưởng khi những trói buộc người nông dân được cởi bỏ thì họ có rất nhiều quyền. Nhưng trên thực tế họ chỉ có quyền rõ ràng nhất là quyền dùng sức lao động của mình. Còn lại những quyền khác đều mơ hồ, hoặc chỉ có trên giấy, hoặc bị đám quan lại mới tước mất bằng trăm ngàn hình thức vô cùng tinh vi. Trong khi đó, những né tránh vòng vo của Luật đất đai chỉ vì không muốn dùng tới cặp từ tư hữu (chẳng hạn người sử dụng đất không phải là chủ sở hữu nhưng có 5 quyền vv…) đã vô tình gây khốn khó cho người nông dân, đặc biệt khi mà đất đai trở thành tài sản có giá trị lớn về tiền bạc, dễ bị những người có quyền chức lợi dụng khái niệm sở hữu toàn dân để tham nhũng. Chúng ta chưa vội bàn tới chuyện tích trữ ruộng đất, như một quá trình không thể đảo ngược ở nông thôn nếu muốn nó có một bộ mặt khác, sáng sủa hơn-đã bị ngăn cản bởi Luật đất đai, bởi quy định về hạn điền; chúng ta cũng còn thời gian để bàn về khả năng sử dụng đất như một hàng hoá trong quá trình sản xuất, tạo nguồn lực… Cũng hãy tạm gác lại chuyện đất đai bị tận dụng khai thác, đưa tới thực trạng bạc mầu hoá đang diễn ra ở khắp nơi. Ở đây, vì tính chất nóng bỏng của vấn đề, chúng ta chỉ gói gọn trong hai việc, là hậu quả của những quy định mập mờ, đầy cảm tính chính trị được ghi trong Luật đất đai. Vấn đề thứ nhất là mục tiêu khích lệ sản xuất, tiêu chí hàng đầu mà bất cứ bộ luật nào về ruộng đất phải tập trung hướng tới; và vấn đề thứ hai là quyền thực sự của người nông dân trên thửa đất của mình. Với việc tạm giao đất (dù là 20 năm thì cũng vẫn là tạm giao), người nông dân sẽ ứng xử với mảnh ruộng mình đang canh tác như là thứ đi mượn. Trước sau thì nó cũng tuột khỏi tay mình. Vì thế họ chỉ khai thác những gì dễ sinh lợi nhất, sinh lợi tức khắc mà không nhằm tới những kế hoạch dài hạn, có khả năng cho thu hoạch lớn hơn, giá trị lao động cao hơn. (Ví dụ như việc làm giàu đất, đầu tư thuỷ lợi, đầu tư giống cây năng suất cao, chuyển đổi phương thức canh tác, chọn cây có tiềm năng lâu dài…Những việc này có thể mất nhiều thời gian, khi cho thành quả thì đất lại thuộc về người khác. Người nông dân nào thì cũng dễ dàng suy diễn như vậy!). Nói khác đi, thay vì canh tác đúng nghĩa, họ bòn vét tối đa mảnh đất được tạm giao, thậm chí huỷ hoại nó nếu cần thiết. Hiện tượng người nông dân thi nhau đào đất bề mặt ruộng đem bán là một ví dụ đau lòng. Hiện tượng nhiều mảnh ruộng – vốn là bờ xôi ruộng mật – bị hút cạn màu và bị bỏ hoang là những ví dụ còn đau lòng hơn. Thế là còn ruộng đấy mà giá trị canh tác thì bị mất. Trong khi đó, vì chỉ là đất mượn của nhà nước, nên họ không thể cho người khác có khả năng tốt hơn mượn lại. Hoặc nếu có thì quá trình này vô tình vi phạm luật pháp nếu không diễn ra bí mật với nhiều hệ luỵ.
Bây giờ đến vấn đề quyền thực sự của người nông dân trên thửa đất cho họ nguồn sống chính. Theo quy định thì họ có tới 5-6 quyền. Nhưng cái quyền quan trọng nhất là được gắn bó máu thịt với mảnh đất ấy thì lại không có. Chỉ riêng thực tế này thôi đã thấy Luật đất đai cần phải làm lại. Phải trả cho người nông dân cái quyền yêu quý, gắn bó lâu dài chừng nào họ còn muốn với mảnh đất của họ. Cái quyền đó đồng thời xác quyết quyền bất khả xâm phạm những gì mà họ tạo ra trên mảnh đất ấy mà không thông qua thoả thuận mang tính pháp lý. Đến đây chúng ta hoàn toàn có thể dùng ngay dẫn chứng từ vụ việc xảy ra ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng. Mọi thứ thoả thuận giữa người nông dân và chính quyền có vẻ đều đúng với các quy định hiện hành của Luật pháp và Luật đất đai ngoại trừ việc có sự khác nhau trong cách tính thời gian. Nhưng mấu chốt vấn đề không phải ở chỗ ông Vươn có quyền thuê đến bao giờ? Nếu không phải là năm 2012 thì sẽ là 2015, 2017… ông sẽ phải trả lại khu đầm do chính ông khai hoang cho xã, huyện. Đã là quy định thì phải chấp hành! Vấn đề ở đây là sau khi xã, huyện lấy lại khu đầm đó thì nó được dùng vào việc gì? Trong vòng vài chục năm tới chắc chắn vẫn chỉ có việc cho nuôi thả thuỷ sản. Chúng ta chưa bàn tới đạo lý, sự công bằng là người nào đổ công sức, mồ hôi và cả máu để có được khu đầm ấy, thì quyền canh tác trước tiên phải thuộc về họ. Ngay cả quyền tài phán cũng phải chia cho họ. Chúng ta chỉ phân tích ở khía cạnh thuần tuý kinh nghiệm thực tế cũng thấy, không ai có thể làm mọi thứ tốt hơn anh em ông Đoàn Văn Vươn trên khu đầm ấy. Của đau, con xót. Chúng ta không nên quên điều đơn giản ấy. Vì phải rất vất vả mới có khu đầm, anh em ông Đoàn Văn Vươn không chỉ khai thác khu đầm một cách tốt nhất, mà họ còn biết khiến cho nó bền vững, xinh đẹp, sạch sẽ nhất. Hơn thế, họ sẽ đầy cảm hứng lao động và kích thích tình yêu lao động cho hàng ngàn người khác, khích lệ người nông dân ở lại quê nhà, kiếm ăn, làm giầu thay vì bỏ đi lang thang. Đây không thể là những giá trị vô hình, trừu tượng. Nó là tài sản to lớn mà Nhà nước phải trân trọng và phải định giá cho nó mặc dù nó vô giá. Nếu ai cũng hiểu thấu điều mang tính đạo lý, văn hoá này thì sẽ thấy việc thu hồi khu đầm tôm của ông Vươn – kể cả khi hết thời hạn mà không vì mục đích khác ngoài nuôi thả thuỷ sản  là hành động làm tổn hại rất lớn đến xã hội xét về mọi phương diện. Nếu do chấp hành máy móc những quy định thì lãnh đạo địa phương là những người dốt. Còn nếu vì động cơ trục lợi, thì những kẻ đầu têu ra việc thu hồi kể trên thực sự là độc ác, bất nhân, tối mắt vì cái lợi nhỏ mà huỷ hoại số tài sản lớn gấp hàng ngàn lần, có loại tính được, có loại không thể tính được như tình nghĩa đồng bào, niềm tin, tình yêu lao động… Dốt thì nên từ quan mà về. Còn bất nhân thì phải bị trừng phạt thích đáng.
Nhưng cái điều mà chúng ta quan tâm nhất chính là, sau sự cố trên, sau muôn vàn giả thiết đầy nuối tiếc, thứ cần phải được chỉ đích danh là nguyên nhân của sự việc không gì khác ngoài bất cập của Luật đất đai. Chỉ ra sự bất cập không phải để quy kết. Bộ luật nào thì cũng có giá trị thời gian của nó. Luật đất đai với riêng người nông dân đã bị thời cuộc, nói đúng hơn, những đòi hỏi của thời cuộc vượt qua. Nó cần một sự thay đổi từ quan niệm pháp lý trong vấn đề sở hữu ruộng đất. Nó cần tạo cơ sở chắc chắn cho niềm tin của người nông dân, khơi dậy ở họ tình yêu đất đai, làng mạc, không ngừng làm gia tăng những giá trị liên quan đến văn hoá, đạo đức như là sản phẩm tinh hoa của tình yêu ấy. Họ không chỉ là nông dân mà là những người đại diện cho 70 phần trăm dân số, những người đã chịu mọi cực khổ để cho đất nước này niềm tự hào là cường quốc lúa gạo và đang tham gia kiến tạo an ninh lương thực toàn cầu. Vấn đề lớn đến nhường ấy đâu có thể chỉ nói cho đẹp lòng nhau trong hội nghị.Theo tôi, trong khi can đảm sửa Luật đất đai, cần lập tức gia hạn thêm thời gian cho loại đất 20 năm để không xảy ra tình trạng quan lại cường hào chầu chực cướp đất của dân lành, còn người nông dân thì đầu tư cầm chừng, hoặc tệ hơn sẽ tàn phá hoa màu, tàn phá đất đai, tàn phá sinh thái trước khi hết hạn vào năm 2013.
Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng là một đáng tiếc lớn khi có tới 6 người thừa hành nhiệm vụ bị thương không phải do kẻ địch! (Vì chẳng có kẻ địch nào cả). Ông Đoàn Văn Vươn nên phải chịu một hình thức trừng phạt nào đó, giả dụ bồi thường xứng đáng cho những người mà ông gây thương tích, cho dù gốc của sai trái không thuộc về ông. Là người chủ trương nhường nhịn, kiên nhẫn thượng tôn luật pháp, tôi không thể chia sẻ với hành động nổ mìn của anh em ông Đoàn Văn Vươn. Nhưng một xã hội công bằng, bao dung, biết suy xét phải trái thì không nên chỉ quy kết một chiều. Giả sử không có những tiếng nổ ấy liệu xã hội và Nhà nước có giật mình nhận ra mối nguy hiểm cận kề bấy lâu nay mà mình không biết, không linh cảm thấy hoặc bị đủ thứ thành tích, đủ thứ sĩ diện, đủ thứ tham mưu hồ đồ của đám nịnh thần nhan nhản làm cho bị che lấp đi? Có thể coi vụ Đoàn Văn Vươn là tiếng pháo hiệu báo trước rằng một cơn dông tố đang hình thành và có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Phát pháo hiệu cô đơn đó được bắn lên vừa như một cảnh báo, vừa như một lời kêu cứu, khi người bắn đã lâm vào thế cùng đường có phần quẫn trí. Nhưng lẽ nào ánh sáng của nó lại hoàn toàn vô dụng? Dù chỉ loé lên một cách bất hợp pháp, nó cũng đủ soi rõ rất nhiều góc tối tăm trong xã hội, trong hệ thống luật pháp, hệ thống chính trị, hệ thống đạo đức. Nó cho thấy rõ nhất những khoảng trống to lớn và nguy hiểm mà nếu cứ để nó ngày một loang to, tức là không có hành động khả thủ hàn lại, thì một sự sụp đổ thê thảm là tất yếu, một sự sụp đổ ngoài mọi toan tính chính trị, ngoài mọi hình dung, ngoài mọi mong muốn… Không gì đáng sợ hơn một xã hội mất sạch niềm tin vào tương lai, bị huỷ diệt về ý chí.
Phát pháo hiệu Đoàn Văn Vươn cũng làm rõ ra cơ man là những gương mặt và tâm địa chuột. Chúng ta thiếu cả triệu Đoàn Văn Vươn – với tư cách là những nông dân thông minh, cần cù, tự trọng, làm giàu đẹp quê hương, sau đó là đất nước – trong khi lại thừa nhan nhản những Lê Văn Hiền, Đỗ Trung Thoại, Nguyễn Văn Khanh, Vũ Hồng Chuân … những kẻ đang tưởng mình có trong tay thứ quyền lực vô biên để làm một cuộc chiến đấu với nhân dân thực sự. Thủ tướng đã kịp thời đưa ra những quyết định quan trọng để tạm yên dân, chứng tỏ ông đã linh cảm thấy tính tới hạn của sự chịu đựng ở người dân, có nguyên nhân từ sự hư hỏng của bộ máy chính quyền. Nhưng cái gì cho cấp dưới của ông ở địa phương sự điên rồ ấy là thứ mà xã hội đòi hỏi phải truy đến cùng.
Hà Nội 20-2-2012
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Ai mới là tội phạm trong vụ Tiên Lãng?

Có thể truy tố các quan chức huyện Tiên Lãng về tội “phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội”. Theo điều 86 Bộ luật hình sự thì khung hình phạt của tội này là từ 7 đến 20 năm tù.

>Cán bộ liên quan vụ Tiên Lãng nên từ chức
>Cần khởi tố ngay vụ phá nhà ông Vươn

Là một người yêu nước, có tinh thần trách nhiệm cao, với nguyên lý “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sự thật và nói đúng sự thật”, tôi xin có một số ý kiến tâm huyết hết sức chân thành và thẳng thắn về vụ việc này.
Theo tôi vấn đề cần phải làm rõ và giải quyết ngay là: giữa gia đình anh Vươn, anh Quý và chính quyền huyện Tiên Lãng cùng chính quyền Thành phố Hải Phòng, bên nào vi phạm pháp luật và bên nào chống lại việc vi phạm pháp luật?
Các cơ quan pháp luật của Hải Phòng đã khởi tố các anh Vươn, Quý… với tội danh “giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự. Như vậy là không đúng người, đúng tội. Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng thì các anh này đã có các hành vi “hoạt động vũ trang hoặc bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền, nhân dân”. Xét trên hình thức thì những hành vi đó là cấu thành của tội bạo loạn. Tội danh và hình phạt đã được quy định tại Điều 82 Bộ luật Hình sự.
Những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền huyện Tiên Lãng và Thành phố Hải Phòng không chỉ dừng ở Luật đất đai, Luật hình sự mà còn ở cả Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Các quan chức trong bộ máy chính quyền huyện Tiên Lãng đã đi ngược lại với những quy định của hiến pháp và pháp luật. Như vậy chính quyền huyện Tiên Lãng đã phạm tội “phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội”, tội danh và hình phạt đã được quy định tại Điều 86 Bộ luật hình sự là “người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, thì bị phạt từ 7 đến 20 năm tù”.
Các chính sách kinh tế xã hội đã bị phá hoại ở đây chính là Luật đất đai 1993, 2003 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Căn cứ vào tính chất của Nhà nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam là “chính quyền của dân, do dân,và vì dân” thì việc làm của chính quyền huyện Tiên Lãng và Thành phố Hải Phòng với gia đình anh Vươn và anh Quý không thể hiểu khác là các hành động “chống lại nhân dân và chính quyền của họ” ở cấp cao nhất là Nhà nước Trung ương Việt Nam, nơi đã ban hành các chính sách kinh tế - xã hội đó.
Việc họ lợi dụng chức vụ và quyền hạn để sử dụng lực lượng an ninh và vũ trang để phá hoại các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước, chắc chắn phải được coi là tình tiết tăng nặng đặc biệt cho "tội phá hoại các chính sách kinh tế xã hội” mà họ đã gây ra.
Bùi Xuân Hải
Chuẩn
Những nhìn nhận của bạn rất đúng. Nhưng để làm đc thì cần phải có phép màu. hy vọng có phép màu cho những người như gia đình anh Vươn
  
Chí lý !
Bài viết của ông Hải chí lý quá và rất đúng luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam !
  
Tôi không hoàn toàn đồng ý
Nhận xét của bạn BXH hoàn toàn chính xác với chính quyền xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng và Thành phố Hải Phòng nhưng có điểm này tôi nhưng với gia đính Ông Vươn thì tôi nghĩ khác. Nếu trình tự cho sự việc này là phải sử chính quyền xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng và Thành phố Hải Phòng trước vậy với ông Vươn là một người dân dứng ra chống lại việc “phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội”, của Nhà Nước , cùa nhân dân thì sử như thế nào ?
  
bàn luận tội danh
Về mặt hình thức ( khách quan ) cơ bản là như vậy.. Thực tế cơ bản nhất là mặt chủ quan - các quan ở Tiên lãng không nhằm “phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội” mà mong muốn là nhằm bằng mọi cách chiếm đoạt tài sản (là mười mấy ha đất) của gia đình anh Đoàn Văn Vươn.. Do vậy không thể kết tôi mấy ông đó phạm tội "phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội” được. may chăng chỉ kết tôi mấy cha là tội "cướp tài sản" theo điều 133 BLHS thôi bác Hải ạ.
  
Công bằng và nghiêm minh
Những cán bộ thi hành chính sách của Đảng- Nhà nước đến Nhân Dân phải là người gương mẫu nhất. Chính họ là người nắm rõ nguyên tắc, pháp luật nhưng lại cố tình sai phạm nếu không xử lý nghiêm minh và công bằng thì khó mà thu phục được lòng dân.
  
SỰ NHẬN ĐỊNH TUYỆT VỜI !
nhận xét vụ việc của anh BÙI XUÂN HẢI thật sự thấu tình đạt lý , nếu đúng lòng người là phải thực thi như nhận xét đó.
  
Ý kiến xác đáng
Bài viết của Bùi Xuân Hải rất thuyết phục, không biết có thấu "trời" không?
  
Tôi đồng ý
Tôi đồng ý với ý kiến trên.
  
Đúng người đúng tội
Ý kiến trên quả là hay. không thể lạm dụng chức vụ quyền hạn gây ai oán cho nhân dân. Vì một xã hội văn minh hiện đại cần Phải xử lý nghiêm các vị quan chức biến chất, thiếu hiểu biết. Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước dân, trước pháp luật về hành vi sai nghiêm trọng của mình, cần xử nghiêm khắc làm gương. tránh gây phẫn uất trong lòng dân. vì một nền hoà bình ổn định xã hội. cần nghiêm trị con sâu bỏ rầu nồi canh.
  
QUÁ CHUẨN
Ý kiến của bạn Hải quá chuẩn, phải xử như vậy thì mới làm gương cho các quan khác.
  
Ý kiến hay nhưng khó thực hiện
Ý kiến hay nhưng rất khó thực hiện. Mong sao ý kiến của tôi sai!!!
  
Tội danh của ông Vươn không đúng
Tôi đồng ý với bạn Xuân Hải, vụ án ông Vươn không đúng tội danh. UBND TP Hải Phòng , huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang cũng phải có trách nhiệm rõ ràng trong vụ án này.
  
Chí lý
Đúng quá. Nhưng với cách giải quyết như hiện nay ko biết sẽ thế nào. Chỉ thương cho gia đình ông Vươn vì dũng cảm đấu tranh chống sai phạm của cán bộ mà vướng vào vòng lao lý.
  
Chuẩn không phải chỉnh
Bạn Hải nói quá chuẩn, lãnh đạo các cấp tại địa phương làm sai thì phải phạt gấp 10 dân thường. Không thể có chuyện đình chỉ công tác tự kiểm điểm trong 15 ngày như hiện nay được. Quá bất công...
  
đồng ý hoàn toàn
Ý kiến/ Nhận xét trên của bạn Hải thật hay!
  

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Đoàn Văn Vươn - Quý chỉ bị xử 6 tháng đến 3 năm tù?

Thứ ba 14/02/2012 07:19

(GDVN) - Giả sử Chủ tịch huyện Tiên Lãng hoặc bất kỳ ai khác chỉ đạo miệng (không có văn bản) về việc phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, và cơ quan điều tra thu thập được chứng cứ chứng minh điều đó thì cá nhân người chỉ đạo đó sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Liên quan tới vụ cưỡng chế đất đai đối với ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sự Đăng Quang để làm rõ thêm một số thông tin.
“Ông Vươn và ông Quý phạm tội trong trạng thái bị kích động mạnh”
Thưa ông, vụ việc cưỡng chế đất đai với ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng Hải Phòng đã để lại nhiều hệ lụy, một trong số đó là hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị truy tố tội giết người. Quan điểm của ông thế nào?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Qua theo dõi quá trình diễn biến sự việc trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào báo cáo của các bộ, ngành liên quan đến vụ cưỡng chế, cho đến nay Thủ tướng CP đã có kết luận, và một trong những ý tại kết luận này là yêu cầu địa phương khẩn trương đưa vụ án giết người, chống người thi hành công vụ ra xử lý, tuy nhiên có xem xét tới các tình tiết giảm nhẹ đối với anh em ông Vươn vì những sai phạm của chính quyền địa phương.
Tôi được biết, cơ quan điều tra đã khởi tố tội danh giết người với ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. Theo tôi, truy tố tội danh này là nặng, cần phải được xem xét giảm nhẹ đặc biệt bởi anh em ông Vươn phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, từ hành vi trái pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng.
Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị truy tố tội giết người
Cũng đã có những tranh luận xung quanh vấn đề ông Vươn và ông Quý có bị truy tố tội chống người thi hành công vụ hay không? Quan điểm của tôi trong vụ án này là không có tội danh chống người thi hành công vụ đối với anh em và vợ con ông Vươn, vì việc cưỡng chế thu hồi đất là trái pháp luật, việc phá nhà là vi phạm pháp luật hình sự cụ thể là phạm tội hủy hoại tài sản, như vậy không thể coi là thi hành công vụ được  bởi: Người thi hành công vụ phải là thi hành công vụ hợp pháp, mọi thủ tục trình tự thi hành phải đảm bảo đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính quyền huyện Tiên Lãng đã thu hồi đất trái pháp luật, cưỡng chế trái pháp luật, phạm tội hủy hoại tài sản… người dân bức xúc chống lại thì không bị coi là chống người thi hành công vụ, mặc dù phản ứng của họ là tiêu cực, phản ứng tiêu cực bản thân họ đã phải chịu trách nhiệm về tội giết người rồi.
Giết người và giết người trong trạng thái bị kích động mạnh khác nhau thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Khoản 4, điều 93 Bộ luật hình sự đã ghi rõ tội cố ý giết người thì hình phạt có nhiều khung, nhưng là tội đặc biệt nghiêm trọng, và hình phạt rất nghiêm khắc, có thể từ 12-20 năm, tới chung thân và tử hình.
Tuy nhiên, giết người do tinh thần bị kích động mạnh bởi hành vi trái pháp luật của nạn nhân thì được xem xét giảm nhẹ rất nhiều, khung khởi điểm chỉ từ 6 tháng đến 3 năm tù, ở khoản 1 điều 95. Khoản 2 điều 95 xảy ra đối với giết nhiều người thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm. Trong trường hợp này, ông Vươn và ông Quý bị kích động quá mạnh vì hành vi trái pháp luật của một số cán bộ huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang.
Theo quan điểm của ông thì ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bị truy tố tội giết người theo Điều 93 BLHS hay theo Điều 95 BLHS? Mức hình phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Cái này còn tùy thuộc vào kết quả điều tra có hay không có việc bàn bạc, chuẩn bị vũ khí, hung khí và hành vi phạm tội thực tế xảy ra tại hiện trường. Với quan điểm của riêng tôi, anh em ông Đoàn Văn Vươn cần phải được xem xét giảm nhẹ đặc biệt bởi việc phạm tội chưa đạt đối với tội danh giết người và phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng.
Ngoài ra, còn có những điểm khác cần được xem xét, đó là: nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, từng phục vụ trong quân ngũ, khai báo thành khẩn…
“Vợ ông Vươn, ông Quý không phạm tội chống người thi hành công vụ”
Hai người vợ của ông Vươn và ông Quý là chị Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Thị Hiền (tức Báu) cũng bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ, nhưng cho tại ngoại. Ông nghĩ sao về quyết định khởi tố này?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Cũng giống như trường hợp của ông Vươn, ông Quý thì hai người vợ này càng không phạm tội chống người thi hành công vụ. Tôi tin rằng nếu Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã phê chuẩn tội danh chống người thi hành công vụ thì quá trình điều tra họ cũng sẽ thấy rằng hành vi vi phạm pháp luật của chính quyền địa phương là nguyên nhân dẫn đến hành vi chống đối của gia đình ông Vươn, từ đó sẽ chứng minh hành vi của vợ ông Vươn và ông Quý không cấu thành tội chống người thi hành công vụ.

Tôi tin Cơ quan điều tra sẽ sớm rút quyết định khởi tố tội danh chống người thi hành công vụ với chị Thương và chị Hiền. Nếu không bỏ tội danh đó các Luật sư đồng nghiệp của tôi đang bảo vệ cho gia đình ông Vươn chắc chắn họ cũng có những kiến nghị như vậy.
LS.Nguyễn Đăng Quang: Vợ ông Vươn, ông Quý không phạm tội chống người thi hành công vụ, do việc cưỡng chế là trái pháp luật
Trong kết luận, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ hành vi phá nhà của ông Vươn là trái pháp luật. Theo ông, tội hủy hoại tài sản công dân sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Hình phạt phụ thuộc vào giá trị tài sản bị phá hủy, cụ thể là:
Người nào cố ý phá hủy tài sản của người khác từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này chưa bị xóa án tích thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng chất cháy, chất nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Gây hậu quả nghiêm trọng; Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7- 15 năm: Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đến dưới 500 triệu; Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc trung thân: Gây thiệt hại cho tài sản từ 500 triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tóm lại, xử lý trách nhiệm của những người tổ chức và có liên quan tới việc phá nhà của ông Vươn phải phụ thuộc vào định giá tài sản của gia đình ông Vươn xem thiệt hại tới mức độ nào để áp dụng các khung hình phạt. Mức độ hủy hoại tài sản càng lớn thì chế tài xử phạt càng nặng.
Số tiền phải đền bù cho giá trị căn nhà bị phá của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sẽ do UBND huyện Tiên Lãng chịu trách nhiệm hay do các cá nhân phải chịu, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Theo quy định từ điều 139 đến 146 Bô luật Dân sự, quy định về tín nhiệm của đại diện theo pháp luật, nếu ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng đại diện cho phía huyện và ký quyết định phá nhà ông Vươn, thì đầu tiên UBND huyện Tiên Lãng phải chi trả tiền đền bù, sau đó khi cơ quan điều tra làm rõ và trách nhiệm cá nhân thuộc về ai thì người đó phải bỏ tiền ra đền bù lại số tiền mà UBND huyện đã chi trả cho gia đình ông Vươn.
Trường hợp thứ hai, giả sử Chủ tịch huyện Tiên Lãng hoặc bất kỳ ai khác chỉ đạo miệng (không có văn bản) về việc phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, và cơ quan điều tra thu thập được chứng cứ chứng minh điều đó thì cá nhân người chỉ đạo đó sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Giả sử cơ quan điều tra phát hiện việc thu hồi đất của ông Vươn do chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang làm có động cơ vụ lợi thì đối với những cán bộ có liên quan sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Có rất nhiều giả định, thí dụ như có ai đó trong chính quyền nhận tiền của người khác nhằm mục đích thu hồi đất của ông Vươn và giao cho người đó thì phạm tội nhận hối lộ, hoặc động cơ vụ lợi khác thì có thể phạm tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 281); hoặc tội lạm quyền khi thi hành công vụ (điều 282). Tùy theo từng hành vi cấu thành các quan hệ pháp luật.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)