Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Trông người lại nghĩ đến ta...



Nghị sĩ Philippines sỉ nhục nhau vì 'đi đêm' với Trung Quốc

Chủ tịch Thượng viện Philippines mắng nghị sĩ Antonio Trillanes IV là kẻ lừa đảo và hèn nhát, sau khi vụ bê bối về việc ông nghị này "đi đêm" với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo vỡ lở.
'Đi đêm' với Trung Quốc

Trillanes đã bỏ ra khỏi phòng họp của quốc hội khi bị chất vấn về việc bí mật đến Bắc Kinh đàm phán, hôm thứ tư.
"Ông ta không chịu được nhiệt. Ông là đồ hèn nhát", chủ tịch thượng viện Juan Ponce Enrile nói khi Trillanes rời phòng.
Sau đó ông Enrile đọc to các biên bản mà cựu đại sứ Philippines tại Trung Quốc, bà Sonia Brady, đã lập. Biên bản ghi lại cuộc gặp của bà với nghị sĩ Trillanes, trong đó ông nghị này tố cáo Ngoại trưởng Albert del Rosario phản quốc.
"Ông đến Trung Quốc, ông yêu cầu đại sứ gặp ông, rồi ông nói 'đừng có ghi biên bản nhé', rồi ông gọi Ngoại trưởng là kẻ phản quốc. Trên thực tế, ông cũng nói với tôi rằng ông ấy (ngoại trưởng) phản quốc", chủ tịch thượng viện nói với nghị sĩ Trillanes, theo Manila Standard Today.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes. Ảnh: EPA
Chính trường Philippines đang chao đảo sau khi việc ông Trillanes đã bí mật thương lượng với Bắc Kinh từ hồi tháng 5, về tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông.
Theo báo chí Philippines, Trillanes tố cáo Ngoại trưởng del Rosario theo đuổi lập trường cứng rắn trong tranh chấp, suýt nữa đẩy quốc đảo vào thế xung đột với Trung Quốc, và cho rằng ông ngoại trưởng phản bội tổ quốc.
Báo chí Philippines đưa các thông tin trái ngược nhau về việc ông Trillanes có được sự ủy quyền của tổng thống hay không. Phát ngôn viên tổng thống, ông Edwin Lacierda hôm qua nói với các phóng viên rằng nghị sĩ đã đề nghị được làm trung gian giảm căng thẳng, nhưng tổng thống Benigno Aquino chỉ đón nhận đề nghị đó như một phần trong chính sách "xem xét mọi khả năng" mà thôi.
Ông Trillanes xác nhận đã bí mật gặp các quan chức cao cấp của Trung Quốc 16 lần kể từ tháng 5, khi căng thẳng do tranh chấp bãi cạn lên cao.
Chủ tịch thượng viện Enrile tố cáo nghị sĩ Trillanes đã tìm cách bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh. "Ông ta chính là 'Bóng ma trong nhà hát trên chính trường Philippines", Enrile so sánh và thậm chí còn đặt câu hỏi "Nghị sĩ kiểu gì vậy?".
Chủ tịch thượng viện Enrile. Ảnh:
Chủ tịch thượng viện Enrile. Ảnh: Manila Standard Today.
Nhiều nghị sĩ khác trong phiên họp bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào chính sách ngoại giao mà Ngoại trưởng del Rosario thực thi. Phó tổng thống Jejomar Binay, khi trả lời các phóng viên, cũng ca ngợi việc thi hành trách nhiệm đứng đầu ngành ngoại giao của Rosario.
Ông del Rosario cũng gửi một thông cáo tới quốc hội, nói rằng bản thân ông đang thực thi chính sách ngoại giao mà tổng thống đề ra. "Chúng tôi sẽ không tôn trọng những kẻ đang chia rẽ chúng ta. Chúng ta cần có một chính sách thống nhất và một đội ngũ toàn tâm toàn ý bảo vệ lợi ích quốc gia", thông cáo có đoạn.
Trước tình trạng bê bối lan rộng, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines cũng khẳng định rằng Tổng thống Aquino hoàn toàn tin tưởng vào ngoại trưởng.
"Chúng ta chỉ có một người đứng đầu về chính sách, đó là tổng thống. Vì thế chỉ có một kênh đối ngoại chính thức, đó là bộ ngoại giao. Trung Quốc hiểu rõ điều này", phát ngôn viên Lacierda nói.
Cựu tổng thống Philippines Joseph Estrada, vốn nổi tiếng là người mạnh miệng, cũng nhảy vào cuộc tranh cãi. Tờ Inquirer dẫn lời ông này gọi nghị sĩ Trillanes là "kẻ dối trá", "vô ơn" và "điên rồ".
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc bùng nổ từ tháng 4, khi tàu của đôi bên chạm mặt nhau tại bãi cạn Scarbourough/Hoàng Nham mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc điều nhiều tàu hải giám tới khu vực, đối đầu với các tàu tuần duyên của Philippines. Tranh chấp này trở thành chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của khu vực và cả thế giới, và cũng là một phần nguyên nhân khiến Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Campuchia hồi tháng 7 thất bại trong việc ra thông cáo chung.
Thanh Mai


Người Nhật sẽ biểu tình chống Trung Quốc

Các nhà hoạt động Nhật Bản hôm nay sẽ tiến hành cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, dự kiến có hàng nghìn người tham gia, để phản đối hành động của Bắc Kinh xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
Lãnh sự quán Trung Quốc bị ném bom khói
Chiến tranh thương mại Nhật - Trung

Nhà hoạt động Nhật cầm biểu ngữ "Senkaku là của Nhật Bản, Trung Quốc hãy chấm dứt xâm lược" trong cuộc biểu tình hôm 18/9 tại Tokyo. Ảnh: AFP
Những người biểu tình dự kiến sẽ tụ tập trước đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để bày tỏ sự phản đối "hành động xâm lược" và những cuộc biểu tình chống Nhật của Trung Quốc. Đây được coi là cuộc tuần hành lớn nhất của Nhật kể từ khi nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đến nay,Huanqiu dẫn nguồn truyền thông Nhật cho hay.
Trước đó, ngày 18/9, một nhóm nhỏ người Nhật cũng tụ tập để phản đối Trung Quốc tại trung tâm Tokyo. Khoảng 50 người tập trung tại lối vào của ga tàu Shibuya, họ cầm cờ, biểu ngữ và tuyên bố chủ quyền của Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Theo Wall Street Journal, cuộc biểu tình ngày 19/8 không có nhiều người tham gia vì được tổ chức vào ngày thường. Những người biểu tình tỏ ý ủng hộ đảng Dân chủ Tự do của Nhật và yêu cầu đảng cầm quyền, đảng Dân chủ Nhật Bản, và chính phủ phải có những hành động cụ thể để bảo vệ quần đảo.
Cuộc biểu tình hôm nay và cuộc biểu tình ngày 18/9 đều do Ganbare Nippon, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa cánh hữu mới thành lập từ năm 2010, lên kế hoạch. Ganbare Nippon cũng từng tổ chức chuyến đi tới đảo Senkaku/Điếu Ngư của 150 người Nhật, trong đó có 8 nghị sĩ quốc hội, hồi tháng 8.
Phe cánh hữu của Nhật có quan điểm cần phải quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại trước tình hình Trung Quốc gia tăng sức ép và những cuộc biểu tình chống Nhật.
Cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Shigeru Ishiba tuần qua lên án Trung Quốc tiến hành cuộc chiến pháp lý, thông tin và tâm lý chống lại Nhật Bản. Cựu thủ tướng Shinzo Abe cùng các thành viên của đảng Dân chủ Tự do, cho rằng Nhật Bản cần "làm rõ quan điểm cứng rắn đối với chính phủ Trung Quốc và không cho phép tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản".
Nhiều người dân Nhật cũng chia sẻ quan điểm cứng rắn này của các chính trị gia. "Nhật Bản quá hiền lành. Nếu Trung Quốc khiêu khích thì chúng ta phải chống lại họ", Emi Yamagata, một nhân viên thiết kế, cho hay.
"Tôi muốn chính phủ Nhật phải mạnh tay hơn. An ninh cần được tăng cường, ví dụ như tăng số tàu tàu duyên xung quanh khu vực quần đảo", Aki Kaneko, một người nội trợ, nói.
Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo thuộc biển Hoa Đông. Nó cách Naha, thành phố chính trong chuỗi đảo Okinawa của Nhật, khoảng 400 km và đảo Đài Loan khoảng 200 km. Đồ họa:Hangthebankers
Tuy nhiên, các nhà dân tộc chủ nghĩa của cánh hữu cũng kêu gọi bình tĩnh và thận trọng, để không làm gia tăng căng thẳng và làm tăng thêm tâm lý chống Nhật.
Căng thẳng Trung - Nhật xung quanh chủ quyền quần đảo không người trên biển Hoa Đông bắt đầu nóng lại từ hồi tháng 4 khi thị trưởng Tokyo, Shintaro Ishihara, một nhà dân tộc chủ nghĩa, công bố kế hoạch mua lại chuỗi đảo cho thủ đô Tokyo. Sau đó, chính phủ Nhật cũng lên kế hoạch quốc hữu hóa chuỗi đảo này.
Tuần trước, chính phủ Nhật Bản chính thức thông qua kế hoạch mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật gây ra nhiều cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc. Tokyo tuyên bố sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại do những người biểu tình quá khích gây ra cho các cơ quan ngoại giao của Nhật ở Trung Quốc.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Việt Nam và quỹ đạo Trung Quốc

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/09/120910_vietnam_china_opinion.shtml

Cập nhật: 13:53 GMT - thứ hai, 10 tháng 9, 2012
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Việt Nam là một quốc gia đã tồn tại hơn 4.000 năm, với lịch sử chiến tranh giữ nước liên tục chống lại các cuộc xâm lăng của phương Bắc, nhưng cũng như hầu hết các quốc gia phương Đông đều bị lạc hậu trước sự phát triển của phương Tây, bị phương Tây đô hộ.
Chủ nghĩa Cộng sản xuất hiện từ phương Tây đã du nhập vào Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, trở thành phương tiện tạo thêm một sức sống mới, vượt qua chế độ Phong kiến đã lạc hậu, làm kích thích tinh thần chiến đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và ý thức mới về một thể chế dân chủ, các nước đã cùng đứng chung trong một hệ tư tưởng là Chủ nghĩa Cộng sản.

Vòng xoáy ý thức hệ

Giữa thế kỷ 20, thế giới chuyển hóa thành hai phe, phe theo chủ nghĩa Cộng sản và phe chống chủ nghĩa Cộng sản. Việt Nam là một nước nhỏ, nằm vào vị trí địa-chính trị quan trọng nên đã trở thành trận địa giao tranh của hai thế lực, tiếp tục chìm trong máu lửa, trong khi các nước lớn Liên Xô, Trung Quốc thì đã sớm giành được độc lập, thoát ra khỏi chiến tranh.
Thời đại bước vào một vòng xoay mới: Phe chống chủ nghĩa Cộng sản - mà ta quen gọi là chủ nghĩa Tư bản – do sự phát triển khoa học kỹ thuật và tinh thần đấu tranh cho khát vọng dân chủ, đã chuyển hóa thành thể chế dân chủ ngày càng tốt hơn, đưa xã hội tiến lên một bước văn minh, các giá trị sống con người được tôn trọng và có luật pháp nâng đỡ, với mô hình tam quyền phân lập, đã thuyết phục hầu hết các quốc gia trên thế giới đi theo.
Trong khi đó, phe theo chủ nghĩa Cộng sản, thực hiện mô hình XHCN, với Liên Xô là 80 năm, Trung Quốc hơn 50 năm, theo cơ chế tập quyền độc đoán, trở thành một thể chế xơ cứng, chậm phát triển, tệ nạn chuyên quyền, hối lộ trong giới cầm quyền trở thành hệ thống. Nội bộ giới cầm quyền liên tục trải qua những cuộc thanh trừng nhau đẫm máu, nhân dân bị buộc phải sống trong khuôn khổ bị chỉ huy toàn diện.
Khát vọng tự do của nhân dân và của một bộ phận lớn những người có ý thức trong đảng Cộng sản Liên Xô đã thúc giục họ cùng nhau tự đứng lên, làm một cuộc cách mạng thay đổi thể chế cũ của 80 năm qua, sang thể chế mới: Từ bỏ chủ nghĩa xã hội, giải tán đảng Cộng sản, chuyển sang cơ chế dân chủ, hội nhập vào thế giới, không xem quốc gia khác là kẻ thù, chỉ chăm lo cho sự phồn vinh của đất nước mình trong tinh thần cạnh tranh toàn cầu theo luật chơi bình đẳng.
Liên Xô, vốn là quốc gia đi đầu, được xem là thành trì của phong trào Cộng sản quốc tế, nay không còn nữa.
Hệ tư tưởng chủ nghĩa CS đã bộc lộ tính bất khả thi về mặt thực tiễn, lẫn rối loạn về mặt lý thuyết ở quy mô thế giới. Từ đây cũng chính thức chấm dứt cuộc đấu tranh ý thức hệ của chủ nghĩa CS quốc tế, mà Việt Nam đã là nạn nhân đẫm máu lâu dài nhất.
Còn lại ngày nay, chỉ là sự rơi rụng cuối mùa của giai đoạn lịch sử, trong đó có Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên, mà Trung Quốc là kẻ đứng đầu, còn mang tên là chủ nghĩa xã hội.
Tên gọi, thật ra không quan trọng, vì nó chỉ là sự giả danh. Giả danh, có nghĩa là ẩn danh để lợi dụng. Nó có giá trị cho kẻ lợi dụng và có nguy hại cho người bị lợi dụng.
"Lãnh đạo đảng CSTQ, bên ngoài vẫn khoác áo “XHCN mang màu sắc Trung Quốc”, nhưng bên trong âm thầm chuyển sang chủ nghĩa dân tộc Đại Hán cực đoan với tham vọng bành trướng. "
Chế độ Cộng sản Trung Quốc, thực chất chưa bao giờ mang khát vọng XHCN, như khát vọng tốt đẹp ban đầu của người khai sinh ra chủ thuyết Cộng sản. Cộng sản Trung Quố̃c, trong suốt thời kỳ cai trị của Mao Trạch Đông, thực hiện mô hình XHCN theo cách của mình, hơn nửa thế kỷ đã không thành công.
Nội bộ không ngừng đấu tranh giành quyền lực, lên tiếp gây ra những đợt thanh trừng đẫm máu, người dân sống trong nghèo đói và lạc hậu.
Lãnh đạo đảng CSTQ, bên ngoài vẫn khoác áo “XHCN mang màu sắc Trung Quốc”, nhưng bên trong âm thầm chuyển sang chủ nghĩa dân tộc Đại Hán cực đoan với tham vọng bành trướng. Tận dụng thời cơ Mỹ đang bận bịu với cuộc chiến tranh Việt Nam, Mao kết giao với Mỹ, phản bội Việt Nam – người cùng chiến hào XHCN.
Vào thời điểm cheo leo nhất của Việt Nam, họ chớp thời cơ chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam(1974). Vào thời kỳ Đặng Tiểu Bình, nhằm lúc Việt Nam khó khăn nhất, họ tiến quân công khai đánh Việt Nam (1979), chiếm thêm 5 đảo của quần đảo Trường sa (1988).
Trong 10 năm phản bội Việt Nam và kết giao với Mỹ, Đặng đã nhanh chóng phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa quân sự, và trở thành một cường quốc thế giới.
Và nay, Bắc Kinh quay ra thách thức với Mỹ, giành quyền phân chia trật tự thế giới theo tham vọng của mình.

Không còn cuộc chiến ý thức hệ

Chiến tranh gọi là ý thức hệ giữa hai phe, giờ đây hoàn toàn chấm dứt. Thay vào đó là cuộc khủng hoảng giữa tham vọng bành trướng vai trò nước lớn của Trung Quốc, với các lực lượng chống bành trướng của các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, đã đặt Việt Nam vào tình huống cực kỳ khó khăn trong vùng xoáy khốc liệt.
Vị trí địa – chính trị Việt Nam luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, tự nó là yếu tố nguy hiểm, luôn là thử thách ý chí VN về sự quyết định sinh mệnh của mình.
Phía Trung Quốc với tham vọng bành trướng bá quyền thì đã rõ, họ đang uy hiếp an ninh các nước khu vực Biển Đông, đặc biệt Việt Nam là chặng đầu trên con đường xâm lược.
"Chiến tranh gọi là ý thức hệ giữa hai phe, giờ đây hoàn toàn chấm dứt. Thay vào đó là cuộc khủng hoảng giữa tham vọng bành trướng vai trò nước lớn của Trung Quốc... đặt Việt Nam vào tình huống cực kỳ khó khăn trong vùng xoáy khốc liệt."
Phía Mỹ đang toan tính giữa các chọn lựa đối sách với Trung Quốc: Kiềm chế quyền lực - chia sẻ quyền lực – hay nhường sự lãnh đạo khu vực châu Á cho Trung Quốc?
Giáo sư Hugh White (Úc), tác giả của phân tích nói trên, trong tác phẩm mới xuất bản “Sự Lựa Chọn Trung Quốc” (The China choice) cho rằng Trung Quốc đã lớn mạnh ở mức cân bằng, thậm chí có khả năng đảm nhiệm thay vai trò của Mỹ tại đây.
Khi bà Ngoại trưởng Clinton chạy vòng quanh châu Á, nhằm củng cố tinh thần các nước đồng minh, thì ngày 4/9 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói thẳng với bà : “Quan điểm của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng, Trung Quốc có chủ quyền tại các đảo ở Bbiển Đông và vùng nước lân cận.” và gợi ý chia phần : “không nơi nào mà Trung Quốc và Mỹ chia sẻ lợi ích và tương tác thường xuyên hơn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Chúng ta không biết thật sự điều gì sẽ xảy ra.
Vấn đề Trung Quốc, không chỉ riêng là vấn đề liên quan Việt Nam. Chúng ta đã từng nghe và thấy, nước Mỹ luôn đề cao và can thiệp mạnh mẽ các vấn đề về nhân quyền trên khắp thế giới.
Và đây, con quỷ dữ Bắc Kinh chính là vấn đề nhân quyền ở quy mô thế giới, đang là một thử thách nặng nề cho nhân loại hôm nay. Nó không được giải quyết, đồng nghĩa với sự suy sụp nghiêm trọng về khát vọng vươn lên của một loài người có ý nghĩa hơn.
Tuy nhiên, một buổi tiệc có vui vẻ náo nhiệt hay không, cũng tùy thuộc thái độ của từng thành viên tham dự, cũng như trong kinh thánh đạo Ki-tô có câu : “ Nếu ngươi không chịu xòe bàn tay ra, thì ân sủng của Chúa cũng không đến được.” Sự xòe bàn tay ra không có nghĩa là van xin hay dấu chỉ sự yếu thế, đối lập với động thái màu mè, mà là bộc lộ tính quyết đoán của mình, là giá trị của tính cách trong sự chọn lựa.
Thái độ của Việt Nam sẽ quyết định sinh mệnh của VN, như lịch sử đã mách bảo cả hai chiều : kiên quyết hay nhu nhược.
Chủ tịch Việt-Trung

Lực hút của quỹ đạo Trung Quốc

Lịch sử mấy ngàn năm cho thấy, mỗi thời kỳ Trung Quốc hưng thịnh thì đem quân đi đánh chiếm các quốc gia lân cận.
Thời đại ngày nay các quốc gia đều có mối liên hệ ràng buộc toàn cầu, không cho phép một quốc gia đem quân đi đánh chiếm một quốc gia khác theo cách trắng trợn. Nhưng một Trung Quốc Cộng sản ngoại lệ, có thể làm điều ngoại lệ.
Một mặt Trung Quốc tìm cơ hội khiêu khích để lấy cớ gây chiến tranh, một mặt, tạo áp lực và gặm nhấm dần từng ngày, từng phần đất liền, biển và đảo. Mặt khác, mưu mô hơn, là sách lược xâm lăng bằng “sức mạnh mềm” như đã thực hiện lâu nay.
Ngày xưa, khi quân nhà Thanh kéo sang xâm lược Việt Nam với khẩu hiệu “Phù Lê, diệt Trịnh” (ủng hộ nhà Lê, tiêu diệt chúa Trịnh), nay ý đồ của Trung Quốc là phương châm “Phù Đảng, diệt Quốc” (ủng hộ đảng CSVN, thôn tính nước Việt Nam) dưới chiêu bài hai nước cùng là CNXH, cùng là Đảng cộng sản anh em !
Sự ngu trung của trí tuệ và trạng thái bạc nhược của tinh thần, dưới ngọn cờ XHCN, đảng CSVN đã dắt dẫn Việt Nam dấn bước vào con đường ngày càng khó khăn.
"Căn cứ trên những lời phát biểu của các lãnh đạo Hà Nội, có thể nhận biết rằng, những gì Trung Quốc muốn, Việt Nam gần như đồng thuận, những vấn đề nhân dân quan tâm thì cho là nhạy cảm, nói úp mở và né tránh."
Sau 10 năm chiến tranh vừa công khai vừa âm thầm, mất đất và mất đảo, Đảng CSVN sang tận Thành Đô năm 1991, ký kết với Đảng CSTQ một Hiệp ước bí mật mà 20 năm sau, nhân dân và Quốc hội Việt Nam chưa biết nội dung , chỉ biết đó là văn kiện tái bang giao, hữu nghị với khẩu hiệu16 chữ vàng được treo dán khắp nơi.
Mọi đau thương, mất mát vừa qua ( sinh mạng, đất liền, biển đảo) đã không được phép nhắc tới.
Hai mươi năm, vô vàn sự kiện nguy hiểm đã được Trung Quốc triển khai thực hiện ở VN.
Căn cứ trên những lời phát biểu của các lãnh đạo Hà Nội, có thể nhận biết rằng, những gì Trung Quốc muốn, Việt Nam gần như đồng thuận, những vấn đề nhân dân quan tâm thì cho là nhạy cảm, nói úp mở và né tránh.
Qua các cuộc tiếp xúc mới đây (đầu tháng 9) giữa các lãnh đạo VN và Tướng Tàu, đầy lời lẽ quanh co mà không ai có thể biết tính chân thực của mỗi bên nằm ở đâu. ? Người dân chỉ thấy VN như trượt dài trong quỹ đạo của Trung Quốc, như một nửa thân người đã nằm trong miệng cọp.
Hiếm hoi để có thể nghe một lời nói chân thật, đúng sự thật, như được nghe lời xác định rành mạch của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, tuy không có vai trò lớn lắm của quốc gia : “…một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước vẫn còn bị nước ngoài chiếm đóng, chủ quyền lãnh thổ vẫn còn nguy cơ bị nước ngoài xâm phạm, tạo nên một thách thưc vô cùng lớn đối với nước ta..”
Đúng như vậy, người đại diện đã nói lên được sự thật với đối phương, và cũng nói lên được sự thật với nhân dân. Việt Nam ngày nay chọn lựa lối đi nào trong bối cảnh gay cấn này?
Đó là câu hỏi bức thiết cho mỗi người Việt Nam, cho toàn dân Việt Nam. Đó cũng sẽ là một câu trả lời nặng nề dành cho Đảng CSVN, những người đang gánh trên vai trách nhiệm lịch sử đối với dân tộc và quốc gia của mình, trước kẻ thù xâm lược, lại vừa cùng chung với kẻ thù một “nỗi niềm XHCN”.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nguyên chủ tịch Ủy ban tranh đấu Tổng hội Sinh viên Sài Gòn.



Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Không ai nhận trách nhiệm vụ Vinalines, tự phê không thành công


Nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Cần kết luận rõ ai thuộc 'một bộ phận không nhỏ' - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nêu.

So với các nghị quyết đã có trước đây đề cập vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi cho rằng, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được toàn Đảng, toàn dân đón nhận, hoan nghênh và trông chờ nhiều hơn cả.
Mọi người hồ hởi, phấn khởi đón nhận, hoan nghênh, nhưng cái chính là mong đợi và trông chờ vào kết quả thực hiện Nghị quyết. 
Sau Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, qua các báo cáo về kết quả bước đầu thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi thấy rất đáng mừng là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành khá công phu, từ các bước chuẩn bị, lấy ý kiến đóng góp cho đến việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tiến hành nhiều ngày liền.
Điều này thể hiện sự thận trọng và quyết tâm cao, biến những mục tiêu đặt ra trong nghị quyết thành hiện thực. Tôi tin rằng, Nghị quyết này sẽ được thực hiện tốt và có hiệu quả, đem lại niềm phấn khởi, tin tưởng cho toàn Đảng, toàn dân. Nhưng cũng cần suy nghĩ thêm như thế nào là có kết quả.
Ai thuộc 'một bộ phận không nhỏ'
Theo tôi, kết quả ở đây không chỉ là kết quả của kiểm điểm, tự phê bình và phê bình dài ngày hay ngắn ngày, mà là phải đi tới kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "Một bộ phận không nhỏ... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc" như Nghị quyết đã nêu. Nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng là Nghị quyết nói là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nhưng khi kiểm điểm thì chẳng có ai nhận là suy thoái cả. Vậy thì trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy thuộc về ai? 
Ông Nguyễn Đình Hương: Phải kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "một bộ phận không nhỏ...". Ảnh: LAD

Đợt kiểm điểm vừa rồi làm khá kỹ lưỡng, có lẽ chưa có cuộc tự phê bình và phê bình nào trước đây làm được như thế. Hầu như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt lên bàn nghị sự tất cả mọi vấn đề. Nhưng qua tự phê bình và phê bình chưa thấy ai chịu trách nhiệm về một số vụ việc nổi cộm như Vinashin, Vinalines.
Tôi nhớ trước đây, có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, gây bất bình trong Đảng, trong nhân dân như vụ Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh hay đường dây 500 kV... chưa cần tổ chức tự phê bình và phê bình mà đã xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo cấp cao có liên quan những sai phạm đó. Phải nói là kỷ luật Đảng hồi đó rất nghiêm.
Hơn 50 năm trước, khi xảy ra việc vỡ đê Mai Lâm ở Hà Nội gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, Bác Hồ đã ngay tức khắc cách chức ông bộ trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó. 
Bây giờ, nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Do đó, cần phải tiếp tục làm rõ, làm cho ra kết quả cụ thể, con người cụ thể. Nếu kiểm điểm mà không ra kết quả cụ thể hay chỉ để rút kinh nghiệm thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả.
Đợt kiểm điểm vừa rồi làm rất công phu tuy kết quả chưa rõ, nhưng tôi vẫn tin tưởng là sẽ có kết quả tốt đẹp. Những nhân tố tích cực sẽ chiến thắng áp đảo những phần tử tiêu cực để chứng tỏ Đảng ta đề ra Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng là sáng suốt.
Đừng làm kiểu 'người nhà với nhau'
Hiện tại, các tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc TƯ bắt đầu tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo kế hoạch đã định. Ở cấp này, theo tôi có mấy việc cần lưu ý như sau: Trước hết, cần tập trung làm rõ và khắc phục cho bằng được những khuyết điểm, yếu kém và bất cập trong công tác bố trí cán bộ, nhất là cán bộ ở tầm cấp chiến lược. Thời gian qua, chúng ta đã có những bài học lớn, sâu sắc về lĩnh vực này.
Thứ hai là, cần phân biệt và thấy rõ sự khác biệt giữa đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm. Tự phê bình và phê bình hằng năm là bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề xảy ra trong năm từ chính trị, kinh tế, xã hội đến giáo dục...
Còn đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình này là chỉ tập trung vào công tác xây dựng Đảng mà cụ thể là những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và những vấn đề được nêu trong Nghị quyết. Nếu không nhận thức rõ vấn đề này thì sẽ làm lệch, làm không đúng, không trúng trọng tâm như Nghị quyết đặt vấn đề. Ở các địa phương, các bộ, ngành nên tập trung vào những vấn đề liên quan suy thoái phẩm chất chính trị, về quản lý đất đai, đấu thầu, thực hiện các dự án và tập trung vào công tác bố trí cán bộ với những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tập hợp phe cánh...
Không nên đề cập quá nhiều vấn đề làm loãng hoặc là nhằm né tránh những vấn đề cốt yếu, quan trọng cần được làm rõ. Mặt khác, phải thấy rõ một vấn đề là giữa kiểm điểm tập thể với kiểm điểm cá nhân thì kiểm điểm tập thể là dễ nhất trí, còn kiểm điểm cá nhân là rất khó. 
Vì thế, cần chú trọng làm thật tốt khâu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân thì mới giải quyết được tận gốc những vấn đề đặt ra trong nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết mới có hiệu quả thiết thực, đạt ý nghĩa quan trọng như Nghị quyết đã đề ra.
Thêm một vấn đề cần lưu ý nữa là, trong khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thường hay nể nang theo kiểu "người nhà với nhau" hoặc là tránh né vì lo ngại "đấu tranh thì tránh đâu", rồi sợ mất lòng... Ở các tỉnh, thành phố còn có đặc thù là cuối nhiệm kỳ sẽ có một số người đến tuổi không tái cử cho nên có tâm lý là sắp nghỉ rồi thì tham gia góp ý kiến, phê bình cũng chỉ nên nhẹ nhàng thôi.
Ngược lại, đối với cán bộ thời gian phục vụ còn dài thì lo ngại bị ảnh hưởng cho nên mức độ tự phê bình và phê bình sẽ không cao. 
Thêm một điểm cần chú ý nữa là trong khi thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân, cần hết sức tránh để xảy ra hiện tượng lấy dư luận làm căn cứ để áp đặt, phê bình người khác gây nên những căng thẳng không đáng có trong khi kiểm điểm. 
Mọi thông tin đều phải được điều tra, xem xét và kiểm chứng rõ ràng thì mới đề cập. Có như vậy mới bảo đảm tự phê bình và phê bình đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, về xây dựng Đảng.

Nguyễn Đình Hương (theo Nhân Dân)

Để chặt đứt các nhóm lợi ích


- Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai…

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong buổi tọa đàm tuần trước của UB Kinh tế Quốc hội, Phó chủ nhiệm UB Mai Xuân Hùng nhắc đến một trong những nguy cơ lớn nhất: nhóm lợi ích. "Chỉ một cá nhân có thể thâu tóm cả hệ thống", ông nói.

Làm rõ khe hở luật pháp

Cụm từ “nhóm lợi ích” hay "lợi ích nhóm" gần đây được nhắc đến ngày một nhiều.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nêu đích danh “lợi ích nhóm” trong phát biểu kết thúc hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng khóa XI.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu đích danh "nhóm lợi ích". Ảnh: TTXVN
 
Riêng trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu không ngần ngại điểm mặt chỉ tên thủ phạm “nhóm lợi ích” đang chi phối nền kinh tế. 
Chẳng hạn, phát biểu về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ ba, ĐBQH Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị Chính phủ, Quốc hội cảnh giác với tác động của các nhóm lợi ích, không chỉ trong các tháng còn lại của năm 2012, mà cả trong tiến trình tái cơ cấu.

Mới đây, chất vấn Tổng Thanh  tra Chính phủ về chống tham nhũng, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nói: “Năng lực, bộ máy, quyết tâm không thiếu nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng, phải chăng có vấn đề về lợi ích nhóm, về bao che trong đội ngũ cán bộ?”.

Đặc biệt, trong báo cáo “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” mới phát hành, lần đầu tiên UB Kinh tế Quốc hội đưa ra những mô tả cụ thể nhận diện các nhóm lợi ích.

“Ưu điểm” nổi bật là những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc và vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch, các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân. Có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc.

Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh. Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích càng hoạt động trắng trợn hơn.
 
Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, rừng biển… 
Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã hay một cá nhân thanh tra... Thậm chí, các hoạt động này len lỏi cả vào những lĩnh vực rất trí thức như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, chấm luận án.

“Nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt  động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau.
Việc xác định bản chất, hình thức, phạm vi hoạt động của các loại nhóm lợi ích khác nhau cần được đầu tư, nghiên cứu thêm trong thời gian tới để làm rõ những lỗ hổng hay khe hở luật pháp để các nhóm lợi ích lợi dụng”, bản báo cáo phân tích.

Như vậy, các nguồn lực kinh tế đã bị xâu xé, bóp méo… để phục vụ các nhóm lợi ích khác nhau.

Đổi mới mà không… tốn tiền


Từ những phân tích trên, UB Kinh tế đề xuất cần thay đổi tư duy. Bởi một số nhóm lợi ích đã lợi dụng tư duy “kinh tế nhà nước là chủ đạo” khiến môi trường kinh doanh thiếu cạnh tranh bình đẳng.

Báo cáo chỉ rõ, trong khi về hình thức luôn nhấn mạnh kinh tế nhà nước là chủ đạo thì các công ty sân sau của con, cháu, thân quen của lãnh đạo các cấp lại đều là kinh tế tư nhân.

Chính các công ty sân sau này đang đem lại lợi nhuận hợp pháp cho tư nhân, còn phần lỗ để cho công ty nhà nước gánh chịu. Việc dùng các tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước để bù lỗ, ổn định giá đều quá tốn kém, không hiệu quả và bị chia chác trong “lợi ích nhóm”.

Theo bản báo cáo, thực tế mất ổn định kinh tế vĩ mô suốt thời gian qua hoàn toàn bác bỏ vai trò là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. “Nếu luôn xem đây là công cụ hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô thì tại sao tình hình mất ổn định lại gay gắt, kéo dài như hiện nay?”, nhóm chuyên gia nêu câu hỏi.

Chính tư duy coi kinh tế nhà nước là chủ đạo đã dẫn đến sự chèn ép với khu vực kinh tế tư nhân. Và khu vực kinh tế này cũng phải tìm cách sinh tồn.

Các doanh nhân thay vì lo đầu tư kinh doanh thì lại chăm chỉ đầu tư thời gian, tiền bạc để thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Phải lo đến thăm người bệnh, dự đám giỗ, đám tang, đám cưới, chúc tết các quan chức lớn, nhỏ… để giữ quan hệ.

Chuyện mua bán quan hệ như vậy đã dẫn đến sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của những đại gia tư nhân lớn, nhỏ ở Việt Nam. Những người phất lên nhanh chóng không do tiến bộ khoa học, công nghệ, năng suất lao động hay đóng góp cho phát triển kinh tế mà chủ yếu do khai thác tài nguyên đất đai, khoáng sản…

“Những đại gia này mặc nhiên tự cho mình có những đặc quyền riêng, trong không ít trường hợp thiếu tôn trọng pháp luật và lợi ích người lao động. Sự phát triển lệch lạc này của khu vực kinh tế tư nhân rất không bền vững”, báo cáo mô tả.

Sau khi cảnh báo các mối nguy trên, nhóm chuyên gia kiến nghị các giải pháp cải cách thể chế mạnh mẽ để các nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn, góp phần vào thành công của tái cơ cấu kinh tế. Chẳng hạn, thiết kế cơ chế giám sát .
Tất cả các cấp, các cơ quan đều phải được giám sát chặt bởi một hay nhiều thể chế độc lập. Cần lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập với Chính phủ, hoạt động theo luật pháp dưới sự giám sát của Quốc hội.

“Quá trình này không tốn kém tài chính, không cần đầu tư vốn lớn nhưng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao để vượt qua những nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kỳ”, nhóm chuyên gia kết luận.

Lê Nhung

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Sao không gọi giặc lạ, cho quen?


http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/87741/sao-khong-goi-giac-la-cho-quen.html

Không khó lý giải nỗi bức xúc này, vì nó xới lại một vấn đề lịch sử, nhưng thực chất đang trở thành thời sự.

1. Sau gần hai thiên niên kỷ, con cháu bà Trưng, bà Triệu lại khơi lên câu hỏi tưởng đã xưa như Trái đất: Hai Bà Trưng đánh giặc nào? Nỗi bức xúc bắt nguồn từ một bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 3 viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43) mà không nêu đích danh kẻ xâm lược.
Không khó lý giải nỗi bức xúc này, vì nó xới lại một vấn đề lịch sử, nhưng thực chất đang trở thành thời sự. Đằng sau đó là nỗi bức xúc về những điều dù biết rành rành mà nhiều khi không được gọi chính danh.
Chẳng hạn, ai cũng hiểu những cái lạ đứng đằng sau cái quen đến nhẵn mặt là gì, ấy vậy mà vẫn cứ phải coi là lạ. Hay có những người, sự vật, hàng hóa biết rõ đến từ đâu, vẫn cứ phải gọi chung là từ "nước ngoài".
Đó chỉ là vài ví dụ rất nhỏ trong vô số những chuyện hiểu nhưng phải chịu cảnh không thể "trắng đen sòng phẳng" ra được.
Bức xúc, nhưng cũng lại đâm... mừng. Mừng vì nếu thực câu hỏi Hai Bà Trưng đánh giặc nào được khơi mào từ một đứa trẻ lớp 3, thì đúng là "con cháu chúng ta giỏi thật" và cũng thật tràn đầy tinh thần phản biện. Lâu nay chúng ta luôn lo lắng bọn trẻ lơi là với lịch sử, và mắc "bệnh" học gạo, chỉ biết cắm đầu "tụng" suông để kiếm điểm cao.
Hàng ngàn điểm không lịch sử trong các kỳ thi cấp quốc gia và tình trạng dân ta không rõ sử ta đủ làm cơ sở cho những nỗi lo lắng đó. Nhưng có vẻ, không hẳn bọn trẻ quay lưng với lịch sử nói chung, mà là quay lưng với cách dạy lịch sử "lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh, bưng bít"[1].
Chúng ta kêu gọi học sinh phải yêu sử để yêu nước mình. Nhưng có một thực tế như vị một giáo sư uy tín ngành sử từng chỉ ra là: "Chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của các thế hệ người Việt Nam... Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là "nhạy cảm" để rồi lịch sử không có lấy một dòng nào."[2]

 
Hai Bà Trưng đánh giặc nào? Ảnh minh họa
2. Để bọn trẻ được mạnh dạn phản biện và nói lên ý kiến, người lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ để lộ nhiều hạn chế của chính bản thân. Bởi bọn trẻ vốn chứa trong mình "vô thiên lủng" những câu hỏi vì sao và nhận thức đang ngày càng trở nên già trước tuổi.
Dẫu vậy, người lớn vẫn rất cần vượt qua nỗi sợ "bị hỏi" để tạo cơ hội cho bọn trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình. Có như vậy, chúng ta mới gây dựng được một thế hệ những công dân, trí thức phản biện tự tin và biết trăn trở trước những vấn đề của thời cuộc, dân tộc.
Có lẽ là một tín hiệu đáng mừng, khi năm học vừa qua, một sở giáo dục, đã vượt qua nỗi lo lắng, để hướng tới xây dựng một môi trường "được hỏi" cho học sinh[3]. Đó là Sở GD-ĐT Vĩnh Long với đề án "Hình thành tính minh bạch cho học sinh tiểu học", vừa được thí điểm ở tám trường tiểu học trong năm học 2011 - 2012, và sẽ mở rộng ra toàn tỉnh trong năm học mới này.
Thông qua việc thực hiện bảng thông tin "Điều em muốn nói", hộp thư "Em mong muốn gì ở người lớn", đề án muốn khuyến khích các em mạnh dạn nói lên những điều chưa hài lòng về những sự việc xung quanh, đồng thời thẳng thắn nêu lên những nguyện vọng với cha mẹ, thầy cô.
Sau một năm học, đã có hơn 2.000 ý kiến đưa lên bảng thông tin và gửi về hộp thư. Những ý kiến ban đầu có thể rất đơn giản, như muốn cô giao ít bài tập hơn, siêu thị trường bán nhiều đồ chơi hơn, v.v...
Nhưng dần dần, chắc chắn các em sẽ có thói quen để quan tâm đến những vấn đề lớn và mang tính xã hội rộng hơn, như tại sao phải tổ chức thi tốt nghiệp trong khi gần như 100% đều đỗ, tại sao học sinh nào cũng được dạy phải trung thực, nhưng lớn lên chuyện mua bằng cấp, đạo văn lại thành phổ biến, v.v...

Và biết đâu, chúng chẳng là sự khơi mào ban đầu cho những ý tưởng "đại phẫu toàn diện" cho giáo dục sau này?
Tạo cho trẻ cơ hội được mạnh dạn nói lên ý kiến
3. Trong khi phải trả lời vô vàn câu hỏi của bọn trẻ, người lớn cũng đồng thời đang phải xử lý rất nhiều vấn đề của chính mình. Chẳng hạn, trong tuần qua người lớn vừa phải trăn trở với chuyện mối quan hệ giữa Ví nhà nước và Túi nhân dân.
Vấn đề này trở nên nóng khi mới đây một bản báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 đã cho thấy mức thuế, phí chiếm đến 26,3% trong tổng thu ngân sách của nước ta, đứng đầu trong khu vực, vượt xa tỷ lệ 12-17% tại các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc.
Với niềm tự hào "được" đóng thuế, phí cao ngất ngưởng đến thế, chúng ta hẳn hoàn toàn có quyền kỳ vọng nhà nước - người đại diện phân bổ số tiền này - sẽ sử dụng chúng hiệu quả. Nhưng cũng chính bản báo cáo kinh tế này đã chỉ ra, thuế, phí bổ đầu dân ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ và tỷ trọng chi tiêu công. Bên cạnh đó, đầu tư công được đánh giá là lớn, dàn trải và kém hiệu quả[4].
Có người ví đóng thuế/ phí như vậy chẳng khác nào... khoan thủng sức dân. Trong khi đó, những công dân đóng thuế thường lại rất mù mờ về vai trò của mình. Một ví dụ dễ thấy là một số cá nhân, gia đình khi nhận được các chính sách phúc lợi, thường rất chân thành "cảm ơn nhà nước". Chẳng thấy mấy ai ý thức "cảm ơn chính tôi cũng như các đồng bào nộp thuế khác".
Một sự mù mờ nữa mà các công dân này cũng mắc phải là chuyện những đồng tiền thuế, phí đó được sử dụng ra sao. Và cuối cùng, dù là những người còng lưng làm ra tiền để nộp thuế, họ lại chẳng có mấy tiếng nói trong giai đoạn "nghiệm thu" hiệu quả sử dụng tiền.
Nguồn: Tuổi trẻ
4. Một trong các mặt hàng người dân đang phải đóng mức thuế cao ngất ngưởng chính là xăng. Hóa ra, mức thuế chúng ta phải đóng để sử dụng loại năng lượng phục vụ cho nhu cầu đi lại thiết yếu hàng ngày này lại thuộc hàng "tiêu thụ đặc biệt", nghĩa là xăng cũng bị coi là "hàng xa xỉ" như rượu, thuốc lá...
Chưa hết, dù "móc hầu bao" đóng mức thuế ngất ngưởng như vậy, chúng ta cũng chỉ biết "cắn răn chịu đựng" mỗi lần giá xăng lên. Vì đến như một vị chuyên gia kinh tế dày dặn kinh nghiệm cũng còn phải thốt lên: "Tại sao việc minh bạch thông tin về cơ sở hình thành giá xăng dầu lại khó đến thế? Khó đến nỗi nhà nước hứa với nhân dân mà mãi vẫn không thực hiện được"[5].
Cái sự minh bạch đó truân chuyên đến vậy, nên hẳn rất có lý khi mới đây một vị bộ trưởng đã phát biểu: "Công khai phí giá xăng, dân sẽ sướng".
Và người dân sẽ còn được sung sướng đến mức nào khi được công khai thêm cả các loại thuế, phí khác như phí điện, nước, y tế...
Giờ thì, câu hỏi còn lại, như cách nói lái thông dụng hiện nay, là "Làm sương cho sáo" (tức Làm sao cho sướng). Trong lúc chờ đợi có câu trả lời, chúng ta hãy tạm thời tận hưởng niềm sung sướng được đi trên những con đường cao tốc vào loại đắt đỏ hàng đầu thế giới, thậm chí đắt hơn cả Mỹ.

chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền ở đâu”(!)


Thống đốc ngân hàng mới “vô tư” làm sao!

 Võ Văn Tạo
Mặc dù thông tin chính thức từ cơ quan điều tra công bố Bầu Kiên bị bắt do hành vi kinh doanh trái phép của 3 doanh nghiệp hạng nhỏ do Kiên đứng tên, nhưng “quả bom tí hon” này lại đánh sập sàn chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tuột dốc thê thảm. Dần chúng rùng rùng kéo nhau đi rút tiền gửi ngân hàng. 
Điều đó không ngẫu nhiên. Hồi đầu năm, báo chí rộ lên phản ánh những lùm xùm đáng ngờ trong vụ mấy chú “cá lẹp” “nuốt” con “cá mập” Sacombank. Trong giới đầu tư chứng khoán và trên các báo “không lề”, tin tức về Bầu Kiên cùng nhóm “chiến hữu”, khuynh đảo tiền tệ, tài chính quốc gia đã không còn là bí mật.
Giới đầu tư chứng khoán vẫn đang căng như dây đàn, nín thở chờ tin còn “chú” nào trong giới ngân hàng, chứng khoán bị ban chuyên án “sờ gáy” nữa. Kinh nghiệm, cứ mỗi vụ “chú” nào đó bị “tó”, chứng khoán lại lên cơn co giật dữ dội. Liền sau vụ Bầu Kiên, vụ Lý Xuân Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho thấy rõ quy luật trên.
“Giấu đầu, hở đuôi”. Ngày 20-8, Bầu Kiên “nhập hộp”. Ngày 22-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lớn tiếng yêu cầu điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, bất kể đó là ai. Động thái trên cho thấy, tin tức râm ran trong giới kinh doanh chứng khoán và rò rỉ trên mạng không phải vô căn cứ. Không ít người tủm tỉm liên tưởng vụ án “2 bao cao su” rất chi là… “luộm thuộm”!
Cơn động đất chứng khoán – ngân hàng đã bớt dữ dội, dù vẫn tiềm ẩn nhiều đợt rung chấn mới. Nhưng, điều đáng ngạc nhiên và đáng lo nhất là câu trả lời cực kỳ… “hồn nhiên” của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình trong phiên chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 21-8. Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hỏi: “Tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng Nhà nước có biết không?”. Thống đốc Bình đáp tỉnh queo: “Họ không báo cáo với Ngân hàng nhà nước và chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền ở đâu”(!) 
Trời đất! Ngân hàng nhà nước là tổ chức tín dụng đặc biệt và duy nhất không phải làm chức năng kinh doanh tiền tệ như các ngân hàng thương mại, mà chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với mọi ngân hàng Việt Nam (kể cả ngân hàng nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam). Kẻ có hiểu biết sơ đẳng về kinh tế cũng thuộc nằm lòng nhiệm vụ số 1 của Ngân hàng nhà nước là kiểm soát dòng tiền lưu thông. Chẳng vậy mà trước đây Ngân hàng nhà nước từng quy định mọi thay đổi đột ngột từ 200 triệu đồng trở lên trong từng tài khoản phải được theo dõi, báo cáo kịp thời… 
Vâng, xin thưa ông Thống đốc – từng là “người của năm”. Ông “không biết” thì giới chuyên gia và báo chí nêu cho ông biết: một trong những nguồn của hàng chục nghìn tỷ đồng ấy là tiền lòng vòng từ thế chấp, cầm cố cổ phiếu ở nhiều ngân hàng để vay được tiền. Có được tiền từ thế chấp, cầm cố cổ phiếu ấy, lại đem mua cổ phiếu của Sacombank. Cứ thế, và cứ thế… Ấy là chưa nói đến hàng chục nghìn tỷ được Ngân hàng nhà nước bơm ra cho cái gọi là kế hoạch “tái cơ cấu” ngành ngân hàng. Rồi thì mớ ma trận vay mượn “tín chấp” ở thị trường liên ngân hàng… Rặt những thủ thuật ma mãnh “tay không bắt giặc”.
Làm Thống đốc Ngân hàng nhà nước mà “vô tư” đến lạ! Chả trách nền tiền tệ, tài chính quốc gia cứ rối như canh hẹ, lâu lâu lại lồng lên như ngựa vô cương.
Xin chớ nghĩ ngân hàng, chứng khoán là chuyện của các đại gia, chẳng hệ lụy gì đến đại đa số dân thường. Tiền tệ, vốn liếng là máu thịt duy trì sự sống của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ngân hàng nóng đầu, doanh nghiệp lên cơn sốt. Doanh nghiệp ngắc ngoải, tiêu vong, ai chết đầu nước, nếu không phải là người làm công ăn lương cùng gia đình họ?
V.V.T.

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Không dám nói to nói gì đến "nói thẳng". Nhục!


Hai Bà Trưng đánh giặc nào?

Trước ngày nhập học, cháu gái tôi hầu như không rời mấy cuốn SGK còn thơm mùi giấy mới. Đang đọc say sưa bỗng nó chạy đến bên tôi, chỉ vào bài tập đọc Hai Bà Trưng (Tiếng Việt 3, tập 2, trang 4, 5) nói ông ơi, cháu đọc hoài mà vẫn không hiểu Hai Bà Trưng đánh giặc nào.
Biết ngay “mặt mày” kẻ xâm lược nhưng nghĩ con bé đọc lớt phớt nên không nắm được nội dung, tôi chưa vội chia sẻ mà tranh thủ dạy cho cháu cách đọc sách. Rằng phải đọc từ từ cho thấm, kết hợp đọc với suy nghĩ, đừng đọc theo kiểu lấy được, lướt con mắt cho xong… Giờ cháu đọc lại đi. Làm gì có chuyện viết về khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà không nêu đích danh giặc ngoại xâm.
Con bé nhăn mặt nói cháu đọc kỹ lắm rồi, vẫn không biết hai Bà đánh bọn xâm lược nào. Tôi nhổm dậy, cầm quyển sách, giương mục kỉnh lên. Và chợt ngớ ra: Lời con trẻ đúng quá. Bài học tuyệt không một chữ nào vạch mặt chỉ tên kẻ cướp mà toàn những danh từ nhợt nhạt, mập mờ, chung chung: tướng giặc, quân thù, giặc ngoại xâm, kẻ thù, quân xâm lược.
Viết về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc (năm 40 - 43) gắn với tên tuổi Hai Bà Trưng lừng lẫy nhưng SGK không hề dám nửa lời chỉ đích danh bọn xâm lược. Thậm chí cụm từ có tính hàm ngôn “phương Bắc” sách cũng không dám đặt sau cụm từ “kẻ thù”.
Vì sao SGK không cho các cháu biết quân giặc nào đã bắt tổ tiên của chúng lên non tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, để phải làm mồi cho hùm beo, thuồng luồng, cá sấu?
Vì sao SGK không cho các cháu biết giặc ngoại xâm nào đã khiến “lòng dân oán hận ngút trời”?
Và vì sao SGK không nói rõ cho các cháu biết Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược nào, chúng từ đâu đến?
Cốt lõi của lịch sử là sự thật. Mỗi dòng lịch sử nước ta đều được viết bằng mồ hôi và máu của nhiều thế hệ. Nên có thể nói mỗi trang sử là một mảnh hồn thiêng sông núi. Không thể chấp nhận bài học lịch sử… nửa vời với cách trình bày ngắc ngứ, lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh, bưng bít như thế.
Ở Lạng Sơn từng xảy ra chuyện tấm bia kỷ niệm chiến thắng của bộ đội ta bị đục bỏ những chữ điểm tên chỉ mặt quân thù. Người ta đã đổ thừa cho mưa nắng, cho sức tàn phá của thời gian. Còn với SGK Tiếng Việt 3, người làm sách đổ thừa như thế nào? Người lớn sao lại làm khuất lấp tên tuổi kẻ thù của Hai Bà Trưng để trẻ con phải băn khoăn? Thật khó giáo dục HS niềm tự hào, lòng yêu nước khi SGK đã thiếu công bằng, thiếu trung thực đối với lịch sử.
Trong lúc hy vọng bài học này sẽ được các nhà làm sách trả lại sự phân minh trắng đen sòng phẳng, tôi phải nói ngay trước đôi mắt mở to của cháu tôi rằng bọn giặc xâm lăng nước ta bị Hai Bà Trưng đánh không còn manh giáp chính là giặc Hán (Trung Quốc).
Theo Trần Cao Duyên (Thanh Niên)