Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Sắp xử kín vụ án Sầm Đức Xương

Cập nhật lúc 06:10 | 28/02/2011 (GMT+7)trên: phapluatvn.vn
TAND tỉnh Hà Giang sẽ mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “mua dâm người chưa thành niên” và “môi giới mại dâm” đối với nguyên Hiệu trưởng Sầm Đức Xương và hai học trò cũ là Nguyễn Thuý Hằng và Nguyễn Thị Thanh Thuý vào ngày 10/3/2011. Việc xét xử sẽ được tiến hành kín nhưng lần này, bị cáo Thuý và Hằng không có người giám hộ và LS bào chữa.
rágr
Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm cách đây hơn 1 năm.   
Tại phiên toà sơ thẩm lần trước vào tháng 11/2009, Sầm Đức Xương đã bị HĐXX- TAND huyện Vị Xuyên tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội "mua dâm người chưa thành niên". Còn Hằng bị phạt 6 năm tù, Thuý bị phạt 5 năm tù về tội "môi giới mại dâm". Tuy nhiên, bản án sau đó đã bị TAND tỉnh Hà Giang tuyên huỷ để tiến hành điều tra bổ sung do có một số nội dung còn mâu thuẫn và có thêm lời khai mới của các bị cáo.
Xác định vụ án này là phức tạp, lời khai liên quan đến nhiều quan chức trong tỉnh nên hồ sơ vụ án đã được chuyển giao cho Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Hà Giang tiến hành điều tra. Chính vì vậy, việc xét xử sơ thẩm lần 2 này sẽ do TAND tỉnh Hà Giang thực hiện (chứ không phải do TAND huyện Vị Xuyên xét xử như trước đây)
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thơm (mẹ bị cáo Thuý) cho hay: “Tôi cũng chỉ biết con tôi bị đưa ra vào xử ngày 10/3 tới đây từ thông tin của một số người chứ không nhận được giấy triệu tập của Toà án. Có thể do bây giờ, con tôi đã đủ 18 tuổi nên không bắt buộc phải có người giám hộ tham gia phiên toà như trước đây”. Phiên toà xử kín nên rất có thể bà Thơm cũng sẽ không được vào phòng xử án để theo dõi phiên toà xử con gái.
Cũng do đã trên 18 tuổi nên tại phiên toà tới đây, bị cáo Hằng và Thuý không bắt buộc phải có luật sư bào chữa. Còn LS Trần Đình Triển (người bào chữa cho bị cáo Thuý tại phiên toà phúc thẩm) đã được TAND tỉnh Hà Giang thông báo: “Bị cáo Thuý đã không đồng ý để LS bào chữa và cũng không mời người bào chữa nào khác”.
Thông tin này đã gây bất ngờ cho ngay cả bà Thơm: “Chắc chắn con tôi vẫn có nguyện vọng muốn LS Triển bào chữa. Không hiểu vì lý do gì mà con tôi lại có ý kiến từ chối LS như vậy”.
Việc từ chối LS trên được thực hiện thông qua cán bộ toà án (giao hồ sơ mời LS cho Thuý tại trại tạm giam) chứ  LS Triển đã không được gặp trực tiếp bị cáo Thuý để trao đổi. Trong vụ án này, bị cáo Xương cũng được người nhà mời LS Dương Trí Tuệ (Đoàn LS Vĩnh Phúc) bào chữa. Tuy nhiên, khác hẳn với LS Triển, LS Tuệ đã được Toà cho gặp trực tiếp thân chủ để lấy ý kiến về việc đồng ý hay từ chối LS. Không hiểu sao, đối với bị cáo Thuý, Toà lại “nhiệt tình” vào trại giam lấy ý kiến từ chối LS của bị cáo, gây nghi ngờ về tính khách quan trong việc này?. 
Luật sư Triển cho biết: “Tôi sẽ có văn bản khiếu nại về việc không được TAND tỉnh Hà Giang cấp Giấy chứng nhận bào chữa và sẽ trực tiếp đến TAND tỉnh Hà Giang làm việc về vấn đề này”. Còn LS Tuệ có quan điểm: “Việc truy tố bị cáo Xương hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào lời khai của của những người được coi là có quan hệ tình dục với bị cáo.
Nhưng giả sử có quan hệ tình dục thì đó có phải là "mua - bán" hay không lại là một chuyện khác. Tại sao bị cáo Xương bị bắt giam, truy tố trong khi cùng 1 dạng chứng cứ, lời khai như nhau về cái gọi là "mua dâm" này  thì 14 nhân vật khác vẫn vô can?”.
Việc so sánh về chứng cứ và mức độ xử lý của bị cáo Xương với 14 nhân vật bị Hằng, Thuý tố có hành vi “lên gường” với các nữ sinh chắc chắn sẽ được LS Tuệ đề cập trong phiên toà tới đây.
Khoa Lâm
.

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Ba điều “dứt khoát” của Thủ tướng


▪  LÊ CHÂU
25/02/2011 09:00 (GMT+7) Trên http://vneconomy.vn/
 
Một trong những nút thắt cần gỡ nhất hiện nay để có thể ghìm cương lạm phát đang phi mã, theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ, đó chính là các vấn đề liên quan đến ngoại tệ - Ảnh: VnExpress.
Thủ tướng đầy ưu tư và lo lắng khi kết thúc cuộc họp ngày 24/2 giữa Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương, về một số giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát.

Ông nói: “CPI hai tháng đầu năm đã tăng đến 3,79% rồi, đe dọa lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đời sống người dân. Nếu không tập trung kiềm chế lạm phát sẽ gây ra hậu quả tiêu cực...”. 

Một trong những nút thắt cần gỡ nhất hiện nay để có thể ghìm cương lạm phát đang phi mã, theo nhận định của người đứng đầu Chính phủ, đó chính là các vấn đề liên quan đến ngoại tệ. Lãnh đạo các địa phương cũng như các thành viên Chính phủ nghe ông nhắc đến 3 lần từ “dứt khoát” khi kết luận về vấn đề này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Dứt khoát không để tỷ giá thả nổi. Dứt khoát không thể để tình trạng Đô la hóa cứ tiếp tục bất chấp pháp luật thế này. Dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước”.

Sau khi phát đi mệnh lệnh “dứt khoát không để tỷ giá thả nổi”, Thủ tướng động viên Ngân hàng Nhà nước: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này và trên thực tế năm 2008 là năm cực kỳ khó khăn song chúng ta đã làm được”. Ông lưu ý Ngân hàng Nhà nước, cần tận dụng tất cả các nguồn lực để kiểm soát được tỷ giá theo quy định. 

Với mệnh lệnh thứ hai “dứt khoát không thể để tình trạng Đô la hoá bất chấp pháp luật”, Thủ tướng không giấu được sự giận dữ của mình khi nói: “Không một đất nước nào như đất nước chúng ta, có khi mua thịt cũng lại tính bằng... “đô”. Quy định pháp luật cũng đã có đầy đủ rồi, tại sao chúng ta không thể quản lý nghiêm được?”. 

Ông yêu cầu Bộ Công an phải cùng với Ngân hàng Nhà nước kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn tình trạng này bởi điều đó, không chỉ là một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát càng trở nên bất trị mà nghiêm trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của đất nước.

Với mệnh lệnh thứ ba “dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước”, Thủ tướng hỏi: “Lúc đất nước khó khăn thế này mà còn găm giữ ngoại tệ thì là thế nào?”, và yêu cầu Văn phòng Chính phủ cần sớm soạn thảo ra một nghị quyết riêng của Chính phủ dành cho vấn đề này.

Phân tích các vấn  đề liên quan đến giá điện, giá xăng vì sao phải tăng, người đứng đầu Chính phủ nói khá ngắn gọn, rằng nếu không điều chỉnh thì nền kinh tế “méo mó quá”.

Chẳng hạn như với việc tăng giá điện, Thủ tướng giải thích: “Năm vừa rồi, chúng ta xuất khẩu thép được 1 tỷ USD. Nhìn qua thì nghĩ đó là một thành tích phấn khởi lắm vì có vẻ như nước ta đã là một nước công nghiệp, xuất khẩu được cả thép thu được về từng ấy ngoại tệ. Nhưng thực ra là những nhà đầu tư nước ngoài đến thành lập nhà máy thép ở Việt Nam họ cũng khôn ngoan lắm! Họ nhập phôi thép từ nước ngoài về Việt Nam rồi tranh thủ giá điện rẻ của chúng ta để sản xuất thép xuất đi...”.

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

"Cuối tháng 2 và đợi trời ấm" sẽ cứu cụ rùa

Đọc bài này trong cảm xúc bất bình vì sự chậm trễ cứu cụ Rùa. Ai mà không bất bình được khi những hình ảnh cụ Rùa đang kêu cứu còn các lãnh đạo Hà nội thì chỉ họp và hội thảo để tìm ra cách chữa an toàn nhất cho họ chứ không phải cho cụ rùa. Họ đang lùi từ vị trí người lãnh đạo và ra quyết định xuống vị trí chờ "người khác" quyết vì "người khác" quyết thì họ không phải chịu trách nhiệm, nhưng xem ra những "người khác" này cũng chẳng dám đứng ra quyết định phương án cứu cụ rùa. Cứ cái kiểu tập thể lãnh đạo, tập thể chịu trách nhiệm thế này công việc sẽ không bao giờ tiến lên được. "Cuối tháng 2 và đợi trời ấm" sẽ cứu cụ rùa. Nếu cuối tháng 2 trời chưa ấm chắc cụ Rùa và cả người dân sẽ phải đợi nữa đợi chờ trong tuyệt vọng. Cứu hỏa còn bàn xem nên dùng nước máy hay nước ao. đau đẻ còn chờ trăng sáng.

Theo Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội, sẽ bắt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm bằng nhiều loại bẫy, tiến hành đồng thời với các hoạt động khác cải tạo Hồ Gươm, nhưng vẫn chưa khẳng định cụ thể ngày nào ngoài cái mốc chung chung “cuối tháng hai và đợi trời ấm”.
Các cơ quan chức năng Hà Nội vẫn chưa chốt được phương án chữa bệnh cho cụ rùa Hồ Gươm - Ảnh: Hoàng Long

 Trưa nay, 05.03, rùa lại nổi gần bờ. Du khách có thể tận thấy rõ những vết thương, cả cũ lẫn mới, chi chít trên mai rùa Hồ Gươm.



Lần đầu tiên thấy cụ thò chân lên bờ như muốn leo lên thoát khỏi nơi cụ sông hàng trăm năm nay


Liên tiếp trong những ngày gần đây, có lẽ vì quá yếu, rùa liên tục nổi gần bờ. Người xem thấy thương cảm khi tận mắt chứng kiến những vết thương trên mai, chân, đầu của rùa Hồ Gươm




Vết thương nguy hiểm trên cổ cụ Rùa có vẻ như chưa lành

Dáng bơi mệt mỏi và những thương tích trên mai rùa


Nhìn bức hình này giống như một xác chết bị vứt xuống ao tù bẩn thỉu.

Cụ rùa nổi lên cạnh đường ống cao xu dẫn ra đảo giữa hồ,


Lý giải nào cho việc rùa Hồ Gươm thường nghiêng một bên đầu mỗi khi nổi lên?



Môi trường sống như thế này làm sao sống nổi với những thương tích đầy mình.


Vướng phải dây cao xu hay ăn nhầm? dưới lòng hồ những vật như thế này không hiếm.

 Rùa tai đỏ (loài rùa nguy hiểm) trên lưng cụ Rùa

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Đường 9 đoạn trên biển Đông là không chính đáng

19/02/2011 1:43 
Giáo sư Robert Beckman phản bác tính chính đáng của đường ranh giới 9 đoạn của Trung Quốc - Ảnh: Thục Minh
Nhiều đại biểu tại hội thảo quốc tế “ASEAN và tranh chấp biển Đông” tại Singapore phản đối tính pháp lý trong hồ sơ chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc.

Hội thảo hôm qua do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore tổ chức, thu hút hơn 100 học giả, chuyên gia, cán bộ ngoại giao nhiều nước, cùng phóng viên quốc tế.
Giám đốc ISEAS K.Kesavapany khẳng định biển Đông gắn liền với lợi ích kinh tế, an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực. Các diễn giả được mời trình bày đánh giá chung về tranh chấp biển Đông và lập trường của ASEAN đều khẳng định ASEAN có vai trò tạo diễn đàn và thúc đẩy các bên liên quan đối thoại, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC).
Trình bày quan điểm cá nhân về lập trường của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói Việt Nam coi trọng thiện ý trong vấn đề hiểu và tuân thủ công pháp quốc tế, trong việc thực thi cam kết hiện có là Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC), thống nhất giữa lời nói và hành động. Trong lúc cơ sở pháp lý mà các bên đưa ra trong hồ sơ chủ quyền lãnh hải còn nhiều hạn chế, bà Nguyễn Thị Lan Anh đề cao sự minh bạch trong mọi hoạt động của các bên ở khu vực tranh chấp và khẳng định nhất thiết phải giải quyết vấn đề trên cơ sở đa phương theo công pháp quốc tế.
Trong khi đó, tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh từ Trung tâm Nghiên cứu Luật Biển và các vấn đề đại dương thuộc Viện Luật quốc tế ở Bắc Kinh nói lãnh thổ Trung Quốc, gồm đảo và các dải đá, bị nước ngoài chiếm đóng và tài nguyên bị khai thác một cách liên tục và có chiều hướng gia tăng. Ông Vương tuyên bố một số bên liên quan đã phủ nhận sự công nhận trước đó về chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo, quần đảo và “các vùng nước tiếp giáp” (adjacent waters) hồi trước thập niên 1970. Ông cũng nói những “người ngoài” đã can thiệp một cách vô lý vào vấn đề biển Đông.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được coi là không chính đáng vì đường ranh giới hình chữ U không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển
Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore
Những luận điểm của ông Vương khiến cử tọa nhìn nhau khó hiểu. Một học giả từ Singapore yêu cầu ông Vương giải thích khái niệm “người ngoài” và ông muốn ám chỉ ai. Tiến sĩ Vương không trả lời câu hỏi này. Tiến sĩ Hasjim Djalal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Indonesia, phản bác khái niệm “các vùng nước tiếp giáp” vì nó không có trong các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề biển, đảo và chủ quyền biển. Ông Djalal cũng phản bác cách hiểu của Trung Quốc về khái niệm này.
Cũng trong phần phát biểu của mình, ông Vương kết luận “những nguyên tắc cơ bản” của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ “sẽ không thay đổi” và sự can thiệp của “người ngoài” khó lòng làm thay đổi lập trường của nước này. Không khí của hội thảo sôi nổi hẳn lên sau tuyên bố trên. Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore hỏi liệu Trung Quốc có thay đổi lập trường về đường ranh giới 9 đoạn mà ông cho là gây tranh cãi và không ai chấp nhận. Tiến sĩ Vương trả lời rằng khi Trung Quốc công bố bản đồ ranh giới 9 đoạn, không có quốc gia nào phản đối và việc đó diễn ra trước khi Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) ra đời và vì thế UNCLOS không được Trung Quốc chấp nhận. Câu trả lời này một lần nữa nhận được nhiều cái lắc đầu từ cử tọa.
Giáo sư Beckman trong phần đánh giá tổng quan về tranh chấp biển Đông khẳng định luật pháp quốc tế hoàn toàn phù hợp để giải quyết vấn đề này bởi nó góp phần định hình hành vi ứng xử của các bên và tạo khung pháp lý cho các cuộc tranh luận. Luật quốc tế cũng ảnh hưởng sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế về tính chính đáng trong tuyên bố chủ quyền của mỗi quốc gia. Trong đó UNCLOS ra đời năm 1982 là văn bản pháp lý có tính phù hợp cao đối với vấn đề biển Đông. Nó định nghĩa xác đáng, rõ ràng về các ranh giới trong vùng biển. DOC được xác lập năm 2002 cũng là một văn bản cần được các bên tôn trọng.
Giáo sư Beckman nhắc lại rằng bản đồ ranh giới 9 đoạn lần đầu tiên xuất hiện với tính cách một văn bản chính thức của Chính phủ Trung Quốc là trong hồ sơ đăng ký chủ quyền lãnh hải nộp lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ năm 2009. Bản đồ đó “gây ra một sự ngờ vực đối với nhiều nước về bản chất của các tuyên bố từ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông”, giáo sư Beckman nói.
“Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc được coi là không chính đáng vì đường ranh giới hình chữ U không phù hợp với UNCLOS”, giáo sư Beckman kết luận. Ông cũng cho rằng Trung Quốc đang chịu áp lực phải giải thích về hồ sơ chủ quyền và đường ranh giới chữ U và cần phải điều chỉnh hồ sơ chủ quyền của mình phù hợp với UNCLOS. Diễn giả đến từ Đài Loan và các học giả khác cũng cho rằng Trung Quốc phải giải thích rõ ràng về đường ranh giới 9 đoạn này.
Thục Minh (VP Singapore)

Làn sóng dân chủ, sức mạnh bất bạo động đang lan rộng ở Bắc phi.

Libya trước bờ vực hỗn loạn (nguồn: Thanhnien.com.vn)
 
21/02/2011 14:27 
Ông Saif al-Islam Gaddafi xuất hiện trên truyền hình hôm 20.2 - Ảnh: Reuters
(TNO) Con trai của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tuyên bố cha ông vẫn còn kiểm soát Libya với sự ủng hộ của quân đội và họ sẽ chiến đấu đến “người cuối cùng”, giữa lúc làn sóng biểu tình tràn đến thủ đô Tripoli.
Theo Reuters, những người biểu tình chống chính phủ đã tràn ra các đường phố ở Tripoli, thủ lãnh các bộ tộc đã ra mặt chống lại ông Gaddafi và một số đơn vị quân đội đã đào ngũ sang phía người biểu tình.
Trong bối cảnh đó, con trai của ông Gaddafi - Saif al-Islam Gaddafi, đã xuất hiện trên truyền hình tối 20.2 và tuyên bố quân đội sẽ bình ổn an ninh với bất kỳ giá nào.
Ông Saif al-Islam Gaddafi tuyên bố: “Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang dẫn đầu cuộc chiến tại Tripoli, chúng tôi cũng như quân đội Libya ở phía sau ông ấy. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến người cuối cùng, thậm chí là người đàn bà cuối cùng”.
Con trai của Gaddafi tố cáo những người Libya lưu vong đã kích động bạo lực và cảnh báo người biểu tình đang đẩy nước này lún vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Tuy nhiên, ông cũng hứa hẹn đối thoại về vấn đề cải cách và tăng lương.
Bài phát biểu của Saif al-Islam Gaddafi không đủ để dập tắt cơn cuồng nộ đang bùng phát sau bốn thập kỷ lãnh đạo của Gaddafi. Một luật sư ở Benghazi nói với BBC: “Người dân ở Benghazi cười vào những gì ông ta nói, đó và một câu chuyện cũ rích (về cải cách) và không ai tin ông ta”.
Mỹ tuyên bố đang cân nhắc “tất cả các hành động thích hợp” để phản ứng trước cuộc nổi dậy của người dân Libya. Hãng Reuters dẫn lời một quan chức nước này nói: “Chúng tôi đang phân tích bài phát biểu để tìm ra những triển vọng về một cuộc cải cách có ý nghĩa bao hàm trong đó”.


 Người dân Tripoli xuống đường chống ông Muammar Gaddafi - Ảnh: AFP

Trong khi đó, Đại sứ Libya ở Ấn Độ, Ali al-Essawi, nói với BBC trong hôm nay rằng ông đã quyết định từ chức để phản đối cuộc trấn áp làm chết hơn 200 người của chính phủ nước ông. Ông Ali al-Essawi tố cáo chính phủ đã triển khai lính đánh thuê nước ngoài để chống lại người biểu tình.
Trước đó vài giờ, một viên chức ngoại giao cấp cao của Libya tại Trung Quốc cũng đã từ chức để phản đối chính phủ. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al-Jazeera, nhà ngoại giao Hussein Sadiq al Musrati kêu gọi tất cả các đồng nghiệp hãy đồng loạt từ chức và đề nghị quân đội can thiệp để bảo vệ người dân.
Sơn Duân

Điều gì đang xảy ra ở Bắc Phi, Trung Đông?

Nguon: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201109/20110221234425.aspx

21/02/2011 23:44 
Người Ai Cập biểu tình tại Cairo hồi đầu tháng 2 - Ảnh: Reuters
Từ giữa tháng 12.2010 đến nay, nhiều nước vùng Bắc Phi và Trung Đông đã xảy ra những biến động chính trị to lớn, sâu sắc. Theo dõi tình hình khu vực này, có thể tìm ra những căn nguyên bề nổi, mang tính chủ quan, nhưng không dễ thấy được căn nguyên sâu xa, mang tính khách quan, rất có thể là nguyên nhân quan trọng, chủ yếu.
Như chúng ta đều biết (và sự việc có vẻ giản đơn): Ngày 17.1.2011, Mohamed Bouazizi, công dân Tunisia 26 tuổi, do bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong, vì quá phẫn uất, đã tự thiêu. Hình ảnh đó được ghi lại bằng máy quay phim, bằng điện thoại di động, được tung lên các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, YouTube… Ngay sau đó, nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn liên tiếp nổ ra ở Sidi Bouzid và các tỉnh, thành phố khác của Tunisia. Qua các cuộc xô xát, trấn áp, phản kháng, đã có hàng chục người chết, hàng trăm người bị thương. Trước sức ép của phe đối lập và các lực lượng biểu tình, ngày 14.1, Tổng thống Ben Ali cùng gia đình trốn chạy khỏi Tunisia.
Biến động chính trị dữ dội ở Tunisia, được thế giới khoác cho một cái tên mỹ miều - “Cách mạng hoa nhài”, nhanh chóng tác động, lây lan, xô đẩy nhiều nước khác ở Bắc Phi, Trung Đông. Ở Algeria, trong các ngày từ 6 đến 8.1, biểu tình, bạo loạn cũng bùng phát ở trên 20 tỉnh, thành phố. Đến nay, tình hình tuy có dịu xuống, nhưng trên 80 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Ở nước có hơn 80 triệu dân Ai Cập, bằng khẩu hiệu “Một ngày nổi dậy” đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức truyền đi qua điện thoại di động, qua Facebook, qua báo chí và mạng internet, nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị quy mô lớn, thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn người đã nổ ra tại thủ đô Cairo, thành phố cảng Alexandria, vùng kênh đào Suez… Không thể có con đường nào khác, lúc 19 giờ 15 (GTM) ngày 11.2, Phó tổng thống Ai Cập Omar Suleiman phát biểu trên truyền hình tuyên bố Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak “đã quyết định từ chức” (rất có thể là một cuộc đảo chính quân sự?!), kết thúc 32 năm cầm quyền liên tục ở đất nước đông dân nhất thế giới Ả Rập. Hội đồng tối cao của các lực lượng vũ trang Ai Cập (do Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi đứng đầu) thay thế tổng thống điều hành đất nước.
Tình hình căng thẳng với nhiều cuộc biểu tình, bạo động chính trị cũng xảy ra ở các nước lân cận như Libya, Yemen, Bahrain, Sudan, Iran, Oman, Jordan, Djibouti…
Câu trả lời đang dần hé lộ
Việc gì đang xảy ra ở các nước vùng Bắc Phi và Trung Đông? Những nguyên nhân nào đưa đến biểu tình, bạo loạn?
Câu trả lời đang dần hé lộ: Thứ nhất, đó là các nguyên nhân nội tại, bắt nguồn từ việc các nước này lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, nhất là sự lệ thuộc về kinh tế. Khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nền tài chính, tiền tệ thế giới rơi vào khủng hoảng, chính các nước này bị tác động sớm và mạnh mẽ nhất. Thứ hai, là đường lối chính trị, là cách thức lãnh đạo, điều hành đất nước sai lầm của nhà cầm quyền. Tình trạng độc đoán, chuyên quyền, gia đình trị, tham nhũng kéo dài, tạo nên sự bất bình ngày càng gia tăng của các giai tầng trong xã hội. Khi các đảng phái đối lập, các nhóm Hồi giáo cực đoan trỗi dậy, nêu chiêu bài “dân chủ”, “chống tham nhũng”, “chống độc quyền, gia đình trị”..., rất dễ tranh thủ sự ủng hộ, đi theo của người dân. Thứ ba, là tình trạng đói nghèo, thất nghiệp, mù chữ, tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng bị khoét sâu, tạo nên mâu thuẫn xã hội sâu sắc.
Những nguyên nhân từ bên ngoài
Từ ba nguyên nhân trên, dẫn đến nguyên nhân thứ tư là, nhà cầm quyền không nhận được sự trung thành, ủng hộ thật lòng của quân đội và lực lượng cảnh sát, khi xảy ra nguy biến, rốt cuộc, các lực lượng này phản ứng yếu ớt, thậm chí buông xuôi. Có thể có thêm một vài nguyên nhân nội tại khác nữa. Tuy nhiên, có những nguyên nhân từ bên ngoài (mà không nên gọi là khách quan), về thực chất, đã nhúng tay, lúc thô bạo, lúc tinh vi, xảo quyệt. Xin ngược dòng thời gian và nhớ lại.
Tháng 6.2004, chính quyền George W. Bush đã vạch ra chiến lược Đại Trung Đông nhằm “thúc đẩy dân chủ” ở các nước Ả Rập. Tháng 3.2005, Quốc hội Mỹ thông qua Bộ luật Thúc đẩy dân chủ ở các nước Ả Rập, trong đó có điều khoản yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này thành lập các website, mạng xã hội để liên kết, hỗ trợ “các phong trào dân chủ”; tài trợ tiền bạc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc khối Ả Rập… Mạng xã hội Twitter ra đời từ chính sách đó và đã thể hiện rất rõ sự lợi hại trong thời gian vừa qua. Mỹ cũng cho lập Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED), Ngôi nhà tự do (FH), tài trợ cho hơn 1.000 NGO ở hơn 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có 33 NGO ở Ai Cập. Tổ chức USAID của Mỹ hằng năm tài trợ trên 70 triệu USD cho các “hoạt động xã hội dân sự” tại Ai Cập…
Tháng 8.2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một báo cáo mật, trong đó chỉ rõ những nơi nào trong thế giới Ả Rập có khả năng xảy ra biến động, bạo động chính trị. Trước đó, ngày 4.6.2009, trong một bài phát biểu tại Cairo, khi mà quan hệ giữa Mỹ và chính quyền Ai Cập đang khá mặn nồng (ít nhất là bề ngoài), ông Obama đã đưa ra thông điệp mà sau này, buộc nhiều người phải ngẫm nghĩ: “Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, tất cả mọi người đều khao khát có thể phát biểu suy nghĩ của mình, cũng như đóng góp ý kiến về cách thức được cai trị; lòng tin vào quyền lực của luật pháp và sự thực thi công lý bình đẳng; một chính phủ minh bạch và không tham nhũng của dân; được tự do sống theo ý mình”. Trước khi ông Mubarak buộc phải ra đi 11 ngày, trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Ai Cập cần “chuyển tiếp trong trật tự”.
Có cùng quan điểm với Mỹ, nói đúng hơn là đi theo Mỹ trong vấn đề Ai Cập, Bắc Phi, Trung Đông, còn có nhiều nhân vật, tổ chức ở khu vực này và các nước phương Tây lộ diện dần trong màn khói hư ảo. Rõ nhất là lãnh tụ phe đối lập, ông Mohamed ElBaradei - nguyên Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, người Ai Cập. Ông này đã thốt lên: “quốc gia tự do”, “cuộc sống đã bắt đầu trở lại” với tất cả người dân Ai Cập. Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng hoan nghênh “quân đội đã giữ cam kết” cho cuộc đấu tranh của người dân Ai Cập. Chính phủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức và EU cho rằng đây là “thời khắc lịch sử”.
Ở Ai Cập và cả khối MENA (Bắc Phi và Trung Đông), người ta đang rất quan tâm tới một nhân vật mang mật danh ElShaheed, tiếng Ả Rập có nghĩa là “tử vì đạo”, người đóng vai trò chính trong việc kích động giới trẻ Ai Cập thông qua mạng Facebook. Nhiều người đã nhắc đến các mạng Twitter, Facebook, WikiLeaks, YouTube và vai trò của báo chí, truyền thông... như là những tội đồ. Cần chỉ rõ rằng, những kẻ làm đất, đổ ải, gieo hạt để có “vụ gặt” bội thu vừa qua, công đầu là Mỹ, nhiều nước phương Tây, các thế lực đầu cơ chính trị bản địa. Các mạng xã hội, phương tiện truyền thông, báo chí… thuần túy chỉ là công cụ - những công cụ đắc lực, sắc lẻm, lạnh lùng trong tay kẻ chủ mưu, kẻ sử dụng.
Đài BBC, trong bài viết gần đây tựa đề Cách mạng: Iran - Thiên An Môn - Ai Cập, nêu ra những “kinh nghiệm” để làm “cách mạng”: kích động quần chúng gây rối, bạo loạn; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ; sử dụng mạng xã hội, báo chí, truyền thông để kích động, liên kết trong ngoài…Ngày 15.2.2011, phát biểu tại Đại học George Washington, Ngoại trưởng Clinton lại lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Iran, Myanmar, Syria... “vi phạm tự do internet”; thông báo Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục tung ra các trang mạng xã hội Twitter bằng các thứ tiếng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ (sau khi đã thực hiện rất hiệu quả các trang mạng xã hội này bằng tiếng Ả Rập, Farsi). Năm 2011, Mỹ sẽ chi ít nhất 25 triệu USD để “bảo vệ” các blogger đang bị ngăn cản, “cải thiện môi trường pháp lý” cho hoạt động truyền thông.

Bài học cảnh tỉnh
Biến động chính trị tại Bắc Phi, Trung Đông, đặc biệt là ở Ai Cập, Tunisia, đã và đang được nhìn nhận, đánh giá một cách bình tĩnh, đầy đủ, công bằng và khách quan hơn. Khi đi vào vấn đề này, rất cần có cái nhìn toàn diện, đi vào chiều sâu, vào bản chất sự việc, vừa không xem nhẹ nguyên nhân bên trong, càng không được xem nhẹ các nhân tố bên ngoài. Đó là bài học cảnh tỉnh, cảnh giác cho nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đó cũng là cách tiếp cận cần thiết để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch; thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TS Nguyễn Thế Kỷ

Trung Quốc ngăn chặn bất ổn


REUTERS/Aly Song
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------


Nguon: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201109/20110221235340.aspx
21/02/2011 23:53 
Nhân viên an ninh gác tại phố mua sắm Vương Phủ Tỉnh ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích ý định biểu tình “kiểu Ả Rập” ở nước này trong khi các lãnh đạo kêu gọi cải thiện quản lý xã hội để giải tỏa bức xúc của dân.
Trong một bài bình luận đăng hôm qua, báo Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập đã lây lan ở Trung Đông và một số người muốn Trung Quốc trở thành “Ai Cập kế tiếp”. Điều này tuyệt đối không thể xảy ra”. Theo tờ này, công an ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác đã được triển khai hôm 20.2 sau khi xuất hiện những thông điệp trên mạng và tin nhắn điện thoại vận động dân chúng xuống đường, thực hiện một cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Trung Quốc.

Thế giới Ả Rập tiếp tục rúng động
Hôm qua, khoảng 10.000 người Bahrain cắm trại tại Quảng trường Ngọc trai ở thủ đô Manama tiếp tục gây sức ép đòi lập chính phủ mới. Tại Libya, người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh ở thủ đô Tripoli trong khi vài thành phố khác đã nằm dưới sự kiểm soát của phe chống đối, AFP dẫn một số nguồn tin tại chỗ cho hay. Theo các tổ chức nhân quyền, số người thiệt mạng trong mấy ngày qua là từ hơn 200 đến 400 người. Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Anh David Cameron bất ngờ đến Ai Cập, trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm nước này sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.

Công an đã bắt giữ một số người, tăng cường tuần tra trên đường phố và kiểm soát chặt chẽ dịch vụ tin nhắn và internet tại thủ đô và các thành phố lớn. Tại Bắc Kinh, một đám đông tụ tập bên ngoài một cửa hàng ăn nhanh McDonald vào lúc 14 giờ (giờ địa phương) ngày 20.2, theo Tân Hoa xã. Công an đã áp giải 2 người về đồn và đám đông sau đó bị giải tán vào lúc 14 giờ 50 phút. Tại Thượng Hải, vài người tụ tập ở Quảng trường Nhân dân và 3 người bị bắt giữ.
Báo Global Times gọi chiến dịch kêu gọi biểu tình qua mạng cuối tuần qua là “nghệ thuật trình diễn” và khẳng định mọi ý định như vậy sẽ thất bại. Tờ China Daily tỏ ra thận trọng hơn khi viết rằng Trung Quốc đang đối mặt với những nguy cơ căng thẳng xã hội bao gồm bất mãn của người dân về lạm phát, tranh chấp đất đai, cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và tình trạng tham nhũng. Trong bài phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao hôm 20.2, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói bất chấp những thành quả đạt được về kinh tế - xã hội, nước này “vẫn đang trong giai đoạn mà nhiều xung đột có thể gia tăng” và “vẫn còn nhiều vấn đề về quản lý xã hội”. Cùng ngày, ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi cải thiện trình độ quản lý để bảo đảm ổn định lâu dài. “Phải giải tỏa tranh cãi và mâu thuẫn xã hội ngay từ trong trứng nước”, tờ China Police Daily dẫn lời ông Chu nói.
Trùng Quang

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Cứu Cụ Rùa bằng cách nào?

Chỉ việc đơn giản cứu Cụ Rùa mà cũng họp. Mà lại họp quốc tế! Tại sao những người có trách nhiệm không điện thoại tham vấn các chuyên gia thứ thiệt trong và ngoài nước để hành động.
Cách làm rất...Việt Nam
Tin tức dồn dập trên mặt báo cho thấy sức khỏe của Cụ Rùa Hồ Gươm đang ở tình trạng khá nghiêm trọng. Có người cho rằng cụ đang "lâm nguy".  Nhưng nhìn kiểu cách các quan chức và nhà khoa học "đầu ngành" nước ta hành xử, tôi phải nói là ngao ngán và chán ngán.
Để hiểu tại sao tôi cảm thấy ngao ngán, xin nhắc lại một chuyện xảy ra cũng mới đây. Năm ngoái, khi mấy cụ cá voi lâm nạn (bị thương), trôi dạt vào bãi biển Úc, lập tức, một nhóm tình nguyện cùng với một nhóm chuyên gia của Sở Môi trường Úc đã có mặt ngay tại bãi biển trong vòng vài giờ đồng hồ. Họ ra tay cứu nguy và chữa trị ngay cho các cụ cá voi tại hiện trường.
Sau đó, họ đưa các cụ cá voi ấy ra ngoài biển an toàn.  Không có sự chỉ đạo nào của chính phủ. Không có hội họp.  Không có ngồi một chỗ mà bàn chuyện vớ vẩn ai cũng đã biết.
Đối chiếu cách làm trên với cách làm của các vị quan chức Hà Nội khi đương đầu với tình trạng Cụ Rùa Hồ Gươm, tôi thấy thật là khác, có cái gì đó rất Việt Nam ngày nay.
Không nói ra, ai cũng biết Cụ Rùa Hồ Gươm có một giá trị tâm linh đặc biệt. Rùa là một trong 4 linh vật (long, lân, qui, phụng) trong văn hóa ta. Nếu truyền thuyết Lê Lợi trao trả thần kiếm là đúng, thì Cụ Rùa có tuổi cả ngàn năm! Nghe nói trước đây, Hồ Gươm có 4 cụ rùa, nhưng 2 cụ đã chết (một cụ chết vì bệnh vào năm 1967, một cụ chết vì dân Hà Nội [ngàn năm văn hiến?] bắt làm thịt vào năm 1962 hay 1963).
Ngày nay Hồ Gươm chỉ còn 2 cụ rùa, và được xếp vào loại động vật quí hiến. Nói tóm lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào thì Cụ Rùa Hồ Gươm hiện nay có giá trị đặc biệt, và cần phải quan tâm.
Đã gần 2 tuần qua, tin tức và hình ảnh cho thấy một cụ rùa Hồ Gươm đang mắc bệnh. Mắc bệnh nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng của Cụ.  Ấy thế mà các vị quan chức của ngành chức năng chẳng có động thái nào thiết thực để chữa trị hay cứu Cụ.
Thay vì làm một cái gì thiết thực, các vị hành xử một cách quan liêu, hình thức hóa vấn đề, theo vết xe cũ, tư duy thụ động. Cũng có thể nói đó là một cách làm để lảng tránh trách nhiệm (hay không dám lãnh trách nhiệm).
Trước tình trạng nghiêm trọng của Cụ Rùa, việc làm đầu tiên là... tổ chức hội nghị khoa học!
Cả mấy chục chuyên gia "đầu ngành", nào là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ cao cấp, tụ tập về Hà Nội để bàn chuyện cứu Cụ Rùa. Như có thể kì vọng được, hễ có 9 người thì chắc chắn có ít nhất là 10 ý.
Chẳng ngạc nhiên khi người ta đề xuất lấy mẫu DNA, gắn chíp điện tử, tắm thuốc, giải phẫu, v.v... để chữa trị cho Cụ Rùa. Lại còn có những tham luận giảng cho chúng ta biết rùa Hồ Gươm quí hiếm như thế nào, chủng loại gì, giá trị sinh học ra sao, v.v... Trời! Chẳng lẽ ở thời điểm này mà chúng ta cần những thông tin "nền" như thế hay sao?  Học sinh tiểu học lên mạng cũng có những thông tin đó, chứ ai cần đến giáo sư tiến sĩ nói.

Ảnh: Người lao động
Cứu Cụ Rùa bằng... hội thảo
Nhiều phương án di chuyển và chữa bệnh cho Cụ Rùa được các nhà khoa học đưa ra. Điều đáng chú ý là họ chỉ ngồi trong phòng máy lạnh mà nói, chứ chẳng đi thực tế.  Họ chỉ dựa vào hình ảnh trên báo chí để phán nào là viêm phổi, lây lan, do rùa tai đỏ, ô nhiễm (thừa!) v.v... Họ (nếu là nhà khoa học) quên rằng "if you want to assess something, measure it".  Không có xét nghiệm và đo lường mà chỉ phán như thế thì có khác gì người mù sờ voi? Báo TT&VN có một bài rất chí lí khi đặt tựa đề là "Ngồi trên bờ chẩn bệnh cụ rùa"!  Quan liêu hết biết!
Trong tất cả ý kiến, tôi chỉ thấy ý kiến của bác sĩ Ferando là thực tế nhất. Theo ông Ferando, cần khoanh một vùng hồ để điều trị cho Cụ Rùa, và trong thời gian điều trị thì phải làm sạch Hồ Gươm. Để xem các nhà chức trách, các nhà chuyên môn sẽ làm gì. Nhưng hội thảo đã xong mà đến nay vẫn chưa thấy tin tức cho thấy họ làm gì!
Hôm nay thấy tin trên báo chí cho biết phải chờ đến tháng 3 (ngày nào?) Sở Môi trường mới bắt tay vào cứu Cụ Rùa.
Mới đêm qua, đọc tin thấy họ đã chuyển sự việc sang Sở Khoa học và Công nghệ.  Đây là một kiểu đùn đẩy trách nhiệm. Không loại bỏ khả năng Sở KHCN sẽ đưa vấn đề lên Bộ KHCN, và Bộ sẽ chuyển qua Bộ Nông nghiệp hay Bộ gì đó, và cuối cùng thì chẳng có "outcome" nào cả.
Còn nhớ trước đây một nhà nông học bị chết chỉ vì đùn đẩy từ bệnh viện nay sang bệnh việc khác - nhân danh tiêu chuẩn!
Tôi thấy ở nước ta có một cái bệnh: Đó là bệnh hình thức- hình thức họp. Cái gì cũng họp. Người ta nghĩ họp là hình thức lấy ý kiến của tập thể, của chuyên gia. Người ta giả định rằng tập thể thì hơn cá nhân (nhưng tôi nghi ngờ điều này, nhất là trong trường hợp khẩn cấp). "Ý kiến tập thể" cũng là một cách trốn tránh trách nhiệm.  Ấy, tôi đã tổ chức họp rồi đấy nhé, có tất cả chuyên gia "đầu ngành" (chẳng biết thế nào là "đầu ngành"), tất cả ban bộ ngành rồi đó nhé, nếu chẳng may có chuyện gì bất trắc xảy ra, tôi không có trách nhiệm; tất cả phải chịu trách nhiệm.
Chỉ việc đơn giản cứu Cụ Rùa mà cũng họp. Mà lại họp quốc tế! Tại sao những người có trách nhiệm không điện thoại tham vấn các chuyên gia thứ thiệt trong và ngoài nước để hành động.
Chỉ cần điện thoại, chỉ cần đến tận nơi tham vấn, chứ cần gì đến hội nghị quốc tế? Họp hành thì phải tốn tiền. Có thể tốn nhiều nữa là đằng khác, vì phải bao thư, phong bì cho các diễn giả, vé máy bay cho chuyên gia ngoại quốc. Chẳng biết có ai nghĩ đến "cost-benefit" về cái hội thảo đó chưa?  Cost là tốn tiền, benefit là đem lại lợi ích gì cho Cụ Rùa?
Xã hội đang mắc bệnh nặng
Cái bệnh hình thức ở nước ta đã trở thành bệnh truyền nhiễm và lây lan sang bệnh thanh tra. Ngành nào cũng họp và lập hội đồng khi gặp phải một tình huống tế nhị. Còn nhớ trước đây, hai anh nông dân ở Đồng Nai chế tạo máy bay trực thăng, một hobby rất bình thường. Ấy vậy mà người ta phải tổ chức cả đoàn chuyên gia đến thanh tra.
Thành viên của đoàn thì nào là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, kĩ sư, tướng, tá, v.v... Đọc bản tin đó tôi không thể nào tin được đó là sự thật.  Tại sao người ta phí phạm nhân lực đến như thế? Nên nhớ rằng các vị trong đoàn thanh tra chưa ai chế tạo được máy bay, nên chưa chắc họ có tư cách để thanh tra 2 anh chàng nông dân kia.


Cách làm của Thủ đô Hà Nội rất khác với nhiều thành phố các quốc gia khác. Ở đó, họ đâu có cái xa xỉ thời gian và nhân lực để tổ chức hội thảo như ở ta. Có lẽ Hà Nội là thành phố giàu có nên có nhiều tiền để tổ chức hội thảo quốc tế trong lúc Cụ Rùa lâm nguy. Kiểu làm việc quan liêu, hình thức, đùn đẩy trách nhiệm chẳng những sẽ còn làm cho Cụ Rùa khổ dài dài, mà còn làm cho Việt Nam chậm hội nhập quốc tế.

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Thống đốc Mỹ từ chối 2,4 tỉ USD làm tàu cao tốc

Thật tuyệt vời khi người lãnh đạo biết trân trọng gìn giữ đồng tiền thuế của người dân.
Sự kiện dưới đây sẽ không bao giờ  thấy ở Việt nam.
Lo lắng cho những người đóng thuế tiểu bang Florida, Thống đốc mới đắc cử Rick Scott đã từ chối 2,4 tỉ USD quỹ liên bang đầu tư cho tuyến đường sắt cao tốc từ Orlando tới Tampa.
"Sự thật là dự án sẽ quá tốn kém với người đóng thuế và tôi tin rủi ro của nó lớn hơn lợi ích”, ông Scott lý giải trong một cuộc họp báo ở bang. Ông đã thông báo với Bộ trưởng Vận tải Ray LaHood quyết định của mình trong ngày 16/2.
Thống đốc Florida, Rick Scott. Ảnh: jacktimes
"Nếu dự án quá tốn kém với người đóng thuế và bị dừng lại, bang sẽ phải trả lại 2,4 tỉ USD”, ông cho biết. Scott tin tưởng rằng, những tính toán về lượng hành khách và lợi nhuận có vẻ quá lạc quan và dự án sẽ phải phụ thuộc vào nguồn trợ cấp của chính phủ.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam: Dân chủ hóa: Xu hướng khó cưỡng

Phẫn nộ vì tham nhũng 

Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại các nước Ảrập đang lan rộng sang nhiều nước trong khu vực, theo ông đâu là những lý do chính gây nên điều này?

Tôi tin rằng có những lý do chủ quan và khách quan. Lý do khách quan trước tiên là tình hình hòa bình tại khu vực Trung Đông từ lâu vẫn chưa được thiết lập một cách bền vững và lâu dài.

Vấn đề thứ hai là khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước Ảrập. Tình hình kinh tế khá tồi tệ, sự phát triển kinh tế hiện nay không giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp của thế hệ trẻ. Trong khi nếu chúng ta nhìn vào thế giới Ảrập thì sẽ thấy số lượng người trẻ khá đông.

Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salam: Những lãnh đạo Ảrập nắm quyền trong một thời gian dài, tạo điều kiện cho con cái và họ hàng có một vai trò trong hệ thống chính trị... gây nhiều bất bình. Ảnh: CN

Vấn đề thứ ba là các hệ thống chính trị như ở Ai Cập đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào hệ thống chính trị. Những nhà doanh nghiệp này chỉ lo cho lợi ích cá nhân của họ, lợi dụng chính quyền, lợi dụng vị trí trong bộ máy nhà nước để tham nhũng.

Như vậy ở đây có vấn đề xung đột lợi ích giữa kinh tế và chính trị, ông hãy giải thích cụ thể thêm?

Việc những lãnh đạo Ảrập nắm quyền trong một thời gian dài, cùng với đó họ còn tạo điều kiện cho con cái và họ hàng của mình có một vai trò trong hệ thống chính trị, tiếp nối họ làm lãnh đạo cầm quyền gây nhiều bất bình.

Điều này cũng phản ánh một cách rõ rệt là các đảng cầm quyền đã có những vấn đề mang tính chất suy thoái, tham nhũng, tất nhiên gây phẫn nộ trong giới thanh niên và người dân.

Chúng ta có thể thấy rõ đảng cầm quyền Tunisia đã hoàn toàn bị gạt ra khỏi hệ thống chính trị ngay lập tức sau khi Tổng thống chạy khỏi đất nước. Hay ngay cả như ông Mubarak của Ai Cập, sau khi giao quyền cho quân đội thì đảng Dân tộc dân chủ cũng đang bị chỉ trích rất nhiều.

"Rất phức tạp"

Mỹ lúc đầu có lập trường khá dè dặt với cuộc cách mạng này, về sau ủng hộ nguyện vọng của người biểu tình. Ông có thể phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa Mubarak và Mỹ trước đó và tại sao Mỹ lại có những động thái như vừa rồi?

Từ năm 1973, quan hệ Mỹ và Ai Cập đã phát triển đáng kể, giúp cho Ai Cập có được sự viện trợ lớn của Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian ủng hộ chế độ Mubarak, Mỹ cũng đã có những quan hệ với các nhóm, phe phái chính trị khác tại Ai Cập, trong đó có cả phong trào Anh em Hồi giáo.

Khi cuộc biều tình mới nổ ra, Mỹ đã có lập trường ủng hộ sự đòi hỏi của các phe phái chính trị đó, đồng thời đề nghị chuyển giao quyền lực một cách mềm dẻo nhưng cần cho Ai Cập thời gian để chuyển từ chế độ Mubarak sang chế độ mới.

Nhưng sau đó Mỹ đã thay đổi và có lập trường là có thể thực hiện ngay, không cần phải chờ lâu. Điều này cho chúng ta thấy Mỹ cũng đã có những quan điểm chính trị không nhất quán trong ban lãnh đạo của Nhà Trắng.

Tôi nghĩ rằng bài phát biểu của Obama sau khi ông Mubarak đã giao quyền cho quân đội là một bài phát biểu rất hay và hy vọng bài phát biểu đó không chỉ áp dụng riêng cho Ai Cập mà còn áp dụng cho các dân tộc khác trên thế giới, đặc biệt là Palestine, dân tộc duy nhất đến bây giờ vẫn sống dưới sự chiếm đóng của quốc gia khác.

Còn thái độ của Iran thì sao, có vẻ như họ ủng hộ người dân Ai Cập thực hiện việc lật đổ chế độ của Tổng thống Mubarak?

Iran và Ai Cập có quan hệ không tốt từ hơn 30 năm nay rồi. Vì thế Iran thấy phong trào chống lại chế độ ở Ai Cập có thể có lợi cho Iran. Nhưng có thể việc đánh giá tình hình như vậy không được kỹ càng vì nhân dân Ai Cập có một đặc trưng rất rõ nét là họ không chấp nhận việc để nước họ tuân theo một nước nào khác trong khu vực.

Chính vì thế tôi nghĩ rằng, Iran hiện nay đang ủng hộ phong trào nổi dậy, nhưng ta cũng thấy tại Iran, chính phủ lại đang ra sức khống chế phe đối lập, khống chế những cuộc biểu tình. Đó là điều mâu thuẫn cho thấy tình hình Trung Đông hiện nay rất phức tạp.

Vậy Israel thì sao, theo ông, họ được hay mất, ủng hộ hay phản đối những thay đổi ở Ai Cập?

Tôi nghĩ khó đánh giá theo kiểu được - mất như vậy. Nếu nhìn quan hệ đối ngoại của Ai Cập với thế giới bên ngoài, tôi nghĩ sẽ không có nhiều thay đổi.

Các nước ở Trung Đông, đặc biệt là Ai Cập, có nền văn hóa lịch sử lâu dài. Ai Cập có 7000 năm lịch sử, dù cho chính phủ nào lên thì vẫn có những nét phẩm chất riêng biệt của Ai Cập.

Israel vẫn phải hợp tác với thế giới để giải quyết cuộc xung đột với Palestine thì Trung Đông mới có nền an ninh về lâu dài. 

Có hòa bình mới có an ninh

Vậy những cuộc cách mạng vừa rồi ảnh hưởng ra sao đối với lộ trình hòa bình Trung Đông, theo ông?


Tôi nghĩ là sẽ có ảnh hưởng tích cực vì nó thúc đẩy các nước Ảrập có lập trường nhất quán trong vấn đề tạo sức ép đối với Mỹ và các nước nhằm thúc đẩy các nước tìm giải pháp cho vấn đề hòa bình Trung Đông. Các chế độ chính trị mới đó sẽ mang tính chất mới và phải đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Ảrập. 

Để chế độ chính trị của các nước Ảrập ổn định, cần một thời gian không ngắn. Thời gian này sự chú ý đến vấn đề Palestine sẽ ít hơn nhưng chắc chắn nó sẽ không kéo dài quá lâu.

Việc dân chủ hóa tại các nước Ảrập cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xu hướng chính trị mới có một vai trò lớn hơn. Sẽ ngăn chặn các xu hướng chính trị cực hữu, cực đoan trong thế giới Ảrập vì cực hữu chỉ nảy sinh trong điều kiện xã hội không có nhiều dân chủ.

Vậy để khu vực các nước Ảrập đi vào ổn định, theo đánh giá của cá nhân ông, cần thực hiện những biện pháp nào?


Vấn đề thứ nhất, các nước Ảrập phải giúp đỡ lẫn nhau để đưa nền kinh tế xã hội phát triển, và đồng thời đưa mức sống của người Ảrập ngày càng được nâng lên.

Thứ hai là việc dân chủ hóa, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có vai trò hơn trong chế độ chính trị của họ. Dân chủ hóa đòi hỏi sự phù hợp với những đặc trưng của thế giới Ảrập nhưng đó là xu hướng khó cưỡng lại được của thời đại.

Thứ ba, để đưa tình hình Trung Đông đi đến ổn định, phải nhanh chóng tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Palestine - Israel. Chỉ có hòa bình mới mang lại an ninh cho các quốc gia trong khu vực. Có hòa bình mới có an ninh chứ không phải có an ninh mới có hòa bình!

Khánh Duy - Cao Nhật
 


Vị đắng của sự thừa nhận

Tỷ giá điều chỉnh tăng thêm 9,3%. Sắp tới sẽ điều chỉnh giá điện và không thể giữ giá xăng được lâu. Những yếu tố “đầu vào” thiết yếu đã và đang thay đổi mạnh sẽ đẩy nền kinh tế lên một mặt bằng giá mới.
Lối ra để hạch toán?
Cam kết giữ nguyên tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng Việt Nam đến hết Tết Nguyên đán của Chính phủ đã chấm dứt hôm 11-2 với quyết định tăng tỷ giá thêm 9,3%.
“Thời điểm điều chỉnh lúc này hiểu đúng chỉ là cách mà Chính phủ chính thức thừa nhận các diễn biến thực tế trên thị trường tiền tệ nhiều tháng qua. Ở đây không phải là đưa tỷ giá lên một mức mới vì thực tế doanh nghiệp, ngân hàng đã giao dịch với nhau bằng tỷ giá trên thị trường tự do. Nếu chậm công nhận chính sách tiền tệ theo cung - cầu thị trường, doanh nghiệp sẽ hoang mang, khó hạch toán hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm nói với TBKTSG.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng mức điều chỉnh này mang tính kỷ lục.
Điều chỉnh tỷ giá là tất yếu song ở góc độ khác, ông Doanh còn nhận định: “NHNN phát đi thông điệp điều chỉnh nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường ngoại hối, kiềm chế nhập siêu và điều hành tỷ giá chủ động nhưng tôi không thấy họ nói gì đến tác động lạm phát”, ông Doanh nhắc và tính rằng: “Lần nâng tỷ giá này ước tính góp 2-3% vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 và chưa tính đến tác động lan tỏa của nó”.
Trong khi đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm nay mà Chính phủ đề ra khoảng 7%. Theo quy luật thông thường của các năm, CPI quí 1 luôn tăng mạnh, chiếm 40% mức tăng CPI của cả năm.
Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu 84 tỉ đô la Mỹ trên GDP là 102 tỉ đô la, tức là tỷ lệ nhập khẩu khoảng 74% GDP, trong đó các mặt hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất chiếm khoảng 65%, cộng với 20-25% là nhập khẩu máy móc, thiết bị các loại. Với tình trạng nhập khẩu như vậy, nếu tính theo tỷ giá mới, chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng thêm gần 10% nữa.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, cho biết năm 2011, với mức tăng sản lượng dự kiến 8% so với năm trước (ước tính khoảng 11,7 triệu tấn thép thành phẩm), chi phí đầu vào sẽ biến động mạnh hơn do tỷ giá tăng.
Việc Chính phủ quyết định tăng giá điện từ đầu tháng 3 cũng chính thức được phát đi. Theo thông tin của TBKTSG, chưa có phương án chính thức nào trong số năm phương án giá điện (mức tăng thấp nhất 11% và cao nhất là 32%) mà Bộ Tài chính đệ trình được thông qua nhưng đang nghiêng về mức tăng 18%.
Còn tăng giá xăng, theo ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện vẫn chưa có quyết định vì bộ vẫn yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu giữ giá trước, trong và sau Tết để hạn chế ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng: “Tất nhiên không thể giữ giá mãi như hiện nay và tiếp tục bù lỗ trước diễn biến tăng giá của thị trường thế giới. Nhưng thời điểm tăng giá còn phải cân nhắc”.
Cũng liên quan đến thời điểm tăng giá xăng, theo thông tin của TBKTSG, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ mới thống nhất được việc cho phép các doanh nghiệp đầu mối được tăng tiền bù lỗ từ ngày 11-2 đến cuối tháng với giá xăng thêm 450 đồng/lít, 700-950 đồng/lít với dầu diesel, dầu hỏa và mazut.
Do chưa có các phương án tăng giá xăng, giá điện cuối cùng nên chưa thể dự báo mức ảnh hưởng tổng thể đến CPI, nhưng quí 1 năm nay, theo ông Doanh, chắc chắn một mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, lần lượt tác động liên ngành. Mức tăng này có thể gây khó khăn dồn dập cho doanh nghiệp.
Đóng bớt “ngăn” tài khóa
Ảnh: thesaigontimes.vn


Trước tình hình giá trong nước và thế giới tăng dồn dập, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và ông Cao Sĩ Kiêm đều khẳng định việc kiểm soát lạm phát năm nay sẽ khó khăn và phức tạp hơn năm trước do thị trường đã bị méo mó vì “sức nén” thông qua các công cụ hành chính quá lâu. Vì vậy, khi bật lên sẽ rất mạnh.
“Năm ngoái nguyên nhân lạm phát chủ yếu bị đổ cho việc điều hành chính sách tiền tệ kém nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề”. Nếu tính thêm cả những tác động từ việc tăng giá thế giới đến lạm phát thì cũng chưa thuyết phục, theo ý kiến nhiều chuyên gia. “Nhiều quốc gia trong khu vực, kể cả nước nhập khẩu cả nước, cát, đất để xây dựng như Singapore nhưng lạm phát không cao”, theo lời ông Doanh.
Bởi cái gốc của lạm phát còn nằm ở việc điều hành chính sách tài khóa. Bà Chi Lan khẳng định việc điều hành giá theo quy luật thị trường là chưa đủ vì thị trường còn nguyên tắc cơ bản là tính cạnh tranh. Nếu yếu tố này chưa được xem trọng đầy đủ thì việc kiểm soát lạm phát vẫn thật sự khó.
“Nếu chỉ tăng giá mà không tạo ra các công cụ cạnh tranh thì vẫn là tình trạng độc quyền của một số nhóm lợi ích, một bộ phận doanh nghiệp như trong ngành điện, than, xăng dầu. Và thị trường không có cạnh tranh thì có thể hành xử theo kiểu gây sức ép trở lại với nền kinh tế”, bà nói.
Ngoài chính sách tiền tệ, nếu không tập trung điều hành tốt cả chính sách tài khóa, kiểm soát chặt đầu tư công, chi tiêu công thì lạm phát khó kiểm soát và có thể lặp lại tình hình kinh tế hồi quí 1-2008, thời điểm dồn nén những yếu kém nội tại trước khi khủng hoảng kinh tế bộc phát mạnh vài tháng sau đó.
“Kinh tế Việt Nam có tỷ lệ bội chi ngân sách, tốc độ tăng cung tiền và cung tín dụng cao nhất khu vực nên lạm phát cao”, ông Doanh đồng tình. Theo ông, phải cắt giảm mạnh bội chi ngân sách, giảm huy động vốn qua kênh trái phiếu, giảm đầu tư kém hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước để tăng cạnh tranh, giảm lạm phát. Bà Lan gợi ý nếu cần Chính phủ có thể phải thực hiện tám nhóm giải pháp (siết chặt đầu tư công, bội chi ngân sách...) như đã từng áp dụng trong năm 2008 mới có tác dụng thật sự.
Theo: Thời báo Kinh tế Sài Gòn