Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Đầu xuân với ý kiến của MTTQ...

Vụ cưỡng chế đất: MTTQ sẽ kiến nghị với Chính phủ

MTTQ Việt Nam sẽ sớm kiến nghị với Chính phủ cử các cơ quan chức năng: Công an, Toà án, Thanh tra… vào xác minh vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng.

LS Lê Đức Tiết: Vẫn còn dấu vết xe cẩu, xe xích vào đập phá ngôi nhà hai tầng gia đình ông Vươn. Ảnh: DT

Vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đang được dư luận quan tâm. Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết nghiêm vụ việc. MTTQ Việt Nam cũng đã cử đoàn công tác về tận nơi để tìm hiểu vụ việc. Kết thúc đợt giám sát, luật sư Lê Đức Tiết, phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật MTTQ Việt Nam - thành viên đoàn giám sát trả lời VOV Online về vụ việc này.

Thưa ông, trong cuộc phỏng vấn với VOV Online ngay sau khi đoàn giám sát của MTTQ Việt Nam kết thúc đợt giám sát, Trưởng đoàn giám sát có cho biết Mặt trận chưa công khai nhiều thông tin mang tính phản biện. Theo ông, những thông tin này có đủ sức phản biện một cách thuyết phục không?

Thực ra còn tuỳ vấn đề, bởi trong đợt giám sát vừa qua, nhiều thông tin MTTQ Việt Nam mới nghe được một phía. Chính quyền cũng chỉ mới nói về phía chính quyền, người dân thì cũng mới nói ý kiến của người dân. Hiện giờ MTTQ Việt Nam chủ yếu là lắng nghe. Sau đó, phải để hai bên đối thoại và xác minh lại mới biết độ chính xác của thông tin đến mức độ nào.

Theo ông, trong vụ việc này, có thể nói Mặt trận các cấp đã thực sự vào cuộc một cách kịp thời?

Trong vụ việc này, Mặt trận cấp dưới đáng lẽ phải vào cuộc sớm hơn. Theo tôi Mặt trận từ cấp tỉnh đến cấp xã là chưa kịp thời.

Vụ việc xảy ra ngày ngày 5/1 nhưng đến 28/1, MTTQ Việt Nam mới biết được và cử đoàn giám sát xuống Tiên Lãng (Hải Phòng) ngay. Gần Tết nhưng chúng tôi vẫn cố gắng về gặp gỡ bà con để động viên tinh thần và hiểu rõ hơn vụ việc, lắng nghe ý kiến của các bên. Theo tôi, Mặt trận Trung ương làm được như thế cũng là tích cực.

Ông nhận xét như thế nào về sự không thống nhất trong phát ngôn của đại diện chính quyền các cấp ở Hải Phòng về vụ việc này? Cụ thể, khi lãnh đạo thành phố thì nói rằng dân phá nhà ông Vươn, trong khi lãnh đạo huyện lại khẳng định lực lượng cưỡng chế phá?

Trong cuộc giao ban báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho rằng, việc phá nhà ông Vươn là do người dân bức xúc. Nhưng trong cuộc họp báo, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã khẳng định rằng, lực lượng chức năng phá.

Nhưng qua chứng cứ chúng tôi trực tiếp giám sát thì dân không thể nào phá được một ngôi nhà hai tầng. Chúng tôi đã xác minh vẫn còn dấu vết của xe cẩu, xe xích vào đập phá để lại trên nền ngôi nhà. Nên việc nói dân vào phá, tôi khẳng định là không đúng.

Mới đây, phía người nhà ông Vươn thông tin là toàn bộ thuỷ sản trong đầm đã bị chủ một đầm ở Hải Phòng đánh bắt hết. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Tôi có nghe phía gia đình ông Vươn nói hành chục tấn thuỷ sản và cả chó, gà đều bị bắt trộm, nhưng chưa có sự xác minh.

Nhưng trong việc này, chính quyền ở đây đã sai là khi cưỡng chế phải niêm phong lại tài sản cho gia đình họ (gia đình ông Vươn - PV). Chính quyền ở đây không làm thống kê, không niêm phong là một sai sót.

Cái sai nữa là việc thu hồi đất đai ở khu vực không được thu hồi. Có hai vùng 21ha và vùng 19ha và chỉ thu hồi ở vùng 19ha, nhưng lực lượng cưỡng chế lại phá nhà trong vùng 21ha- là vùng nằm ngoài khu cưỡng chế.

Ở góc độ luật pháp, ông nhìn nhận như thế nào vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng)?

Về luật pháp của nước ta, mặc dù là luật Đất đai rất phức tạp và có nhiều quy định, nhưng có một số vấn đề rất rõ ràng. Thu hồi đất, luật quy định rất rõ ràng, trường hợp nào thu hồi, trường hợp nào không thu hồi. Còn nếu đã làm không đúng thì phải sửa. Về vấn đề này, địa phương chưa thấy được cái sai của mình.

Thủ tướng đang giao cho các bộ xác minh. Các bộ cũng đang vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Về phía Mặt trận, sau khi tìm hiểu, tuy không nắm được đầy đủ, nhưng cũng phân biệt được đúng, sai. Nhưng Mặt trận không phải cơ quan giải quyết, chỉ có chức năng giám sát.

Sau này khi có kết luận của cơ quan Nhà nước và các bộ chức năng, nếu thấy đúng, Mặt trận sẽ ủng hộ và giải thích cho nhân dân. Nếu Mặt trận thấy chưa thỏa đáng thì sẽ có ý kiến kiến nghị.

Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý (em ông Vươn) bị phá nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế. Ảnh: Kiên Trung

Thưa ông, Thủ tướng đã có chỉ đạo giải quyết nghiêm vụ này. Theo ông, nên  thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào?

Thủ tướng đã có chỉ đạo, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc, càng để lâu càng không có lợi.

Về sai sót thì cấp nào cũng có, nhưng vấn đề là phải biết rút kinh nghiệm và sửa sai. Đó là việc cần làm. Nhưng trước mắt, phải giải quyết vấn đề đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, với Mặt trận, với chính quyền.

Lãnh đạo MTTQ Việt Nam sẽ sớm kiến nghị với Chính phủ, cử các cơ quan chức năng bao gồm cả cơ quan Công an, Toà án, Thanh tra… vào xác minh vụ việc.

Mặt trận cũng sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác của mình. Mặt trận có nhiệm vụ kiến nghị và đốc thúc. Còn việc giải quyết đến đâu và như thế nào là tùy thuộc chính quyền. Mặt trận chỉ chủ động được trong việc kiến nghị với Trung ương Đảng và Chính phủ.

Theo VOV online

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

5 "mâu thuẫn" trong vụ cưỡng chế, thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng

http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/5-mau-thuan-trong-vu-cuong-che-thu-hoi-dat-tai-Tien-Lang-Hai-Phong/98868.gd

(GDVN) - Từ diễn biến của vụ cưỡng chế đã cho thấy những mâu thuẫn trong việc xử lý, giải quyết, trả lời đơn thư khiếu nại của các cấp chính quyền địa phương.

Vụ việc thu hồi, cưỡng chế đất đối với hội gia đình ông nông dân Đoàn Văn Vươn tại xã Quang Vinh huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước, đặc biệt là khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết, căn nhà bị lực lượng chức năng san phẳng, thì Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng lại nói do dân phá
Tuy nhiên, từ diễn biến của vụ cưỡng chế, thu hồi đất của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng đã cho thấy, rất nhiều những mâu thuẫn nội tại trong việc xử lý, giải quyết, trả lời của các cấp lãnh đạo huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng

1. Cấp dưới bảo có, cấp trên bảo không?

Mâu thuẫn đầu tiên trong việc xử lý vụ cưỡng chế đất đai đối với hộ gia đình ông Vươn - Quý tại Tiên Lãng, Hải Phòng đang gây bức xúc trong dư luận đó chính là những phát biểu trái chiều nhau giữa các cấp chính quyền liên quan đến việc phá căn nhà hai tầng của ông Vươn.
Tại cuộc họp cuộc họp giao ban báo chí sáng 17/1, ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định việc ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn (ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) bị phá là do nhân dân bất bình với việc làm của ông Vươn chứ không phải do lực lượng cưỡng chế làm?.

Phát biểu này của ông Thoại hoàn toàn trái ngược với những gì mà Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã nói trước đó vào ngày 12/1: Việc lực lượng chức năng phá nhà ông Vươn là do các đối tượng cố thủ trong đó.

Cũng trong buổi họp giao ban, ông Thoại cho biết, theo quy định của pháp luật, khu vực cưỡng chế là nơi nuôi trồng thủy sản nên không được phép xây nhà và nhà của ông Vươn "chỉ là 1 gian nhà nhỏ".

2. Đất của hộ ông Vươn không phải là đất nông nghiệp (?)

Trong buổi giao ban báo chí, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cũng khẳng định diện tích đầm bị cưỡng chế của gia đình ông Đoàn Văn Vươn là bãi bồi, không phải đất nông nghiệp và là đất lấn chiếm nên không cần thiết phải giao đủ 20 năm.

Trước nhận định trên, trao đổi trên báo Người lao động, GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng sau khi có quyết định giao đất cho gia đình ông Vươn thì không thể coi là đất bãi bồi mà thuộc diện đất đang được sử dụng và không thể nói là đất lấn chiếm.

“Nghị định 64/CP ban hành tháng 7-2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 quy định đất nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp và có thời hạn 20 năm. Nếu giao trước ngày 15-10-1993 thì được tính mốc đồng loạt từ tháng 10-1993, còn giao sau ngày 15-10-1993 thì tính từ thời điểm giao. Trong khi đó, quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng cho ông Vươn là ngày 9-4-1997” - ông Võ phân tích.

Trả lời PV báo GDVN, ông Võ cũng cho rằng: "Nói và làm phải căn cứ trên luật chứ đừng có nói linh tinh, tại sao một cán bộ ở tầm của Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà lại nói lăng nhăng như thế được? Cần phải hỏi cho rõ là vị lãnh đạo này của Hải Phòng nói như vậy là căn cứ vào điều luật nào, hay là anh tự nghĩ ra?

Cùng quan điểm với ông Võ, nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc khẳng định trên báo Người lao động: “Đất nuôi trồng thủy sản là đất nông nghiệp”.

3. Cán bộ địa phương thiếu hiểu biết pháp luật?

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ thì quyết định thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Vì thu hồi đất xảy ra sau ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, nên căn cứ pháp lý là đạo luật này và Nghị định 181/2004.

Theo đó, khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), chỉ trừ năm trường hợp: (1) Nhà nước có quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…; (2) Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; (3) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; (4) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; (5) Đất không được sử dụng liên tục…, trong đó không có trường hợp hết hạn sử dụng đất (theo khoản 10 Điều 38 của Luật Đất đai) mà các quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng lấy làm căn cứ.

Đối chiếu với các tài liệu trong vụ việc này, cũng như phản ánh của báo chí thì rõ ràng khi giao đất, địa phương đã tự cho mình quyền cắt giảm trái luật thời hạn giao đất còn 14, 10, thậm chí bốn năm. Còn khi thu hồi đất, trong các quyết định, thông báo thu hồi, quyết định cưỡng chế… đã không hề nêu ra được một trong năm căn cứ nêu trên.

Người dân chỉ được biết đất bị thu hồi mà không biết sẽ giao lại hay cho ai thuê. Đó là chưa kể bao công của, mồ hôi họ bỏ ra đầu tư biến vùng bãi hoang thành đầm nuôi thủy sản, giờ bị tuyên bố thu trắng, không bồi thường.

Từ phân tích ở trên, ông Võ khẳng định trên báo GDVN: "Có hai vấn đề rất rõ qua các vụ khiếu kiện, thứ nhất đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật của chính những cán bộ làm việc tại các cơ quan công quyền; thứ hai là do tham nhũng, cố tình lấy cái chuyện thu hồi đất ra để tước đoạt quyền lợi của người dân. Rất nhiều vụ việc khiếu kiện về đất đai đã xảy ra, thậm chí xảy ra nhiều năm nhưng đều xoay quanh hai vấn đề này thôi".


4. Vơ vét thủy sản trong đầm của hộ ông Vươn
.

Phản ánh với báo Vietnamnet, vợ ông Vươn và ông Quý, cùng nhiều hộ dân khác cho biết, nhiều ngày nay, rất nhiều người lạ mặt đã sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện như kích điện, te điện… thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình các chị đầu tư, nuôi thả từ đầu năm 2011.

Đầm thủy sản nằm trên diện tích đất bị cưỡng chế, thu hồi của hộ ông Vươn đang bị vơ vét.

Theo vợ ông Quý, diện tích 19,3ha nằm trong diện bị cưỡng chế ngày 05/1/2012 và 21ha không thuộc diện cưỡng chế đã được chính quyền huyện Tiên Lãng bàn giao cho chính quyền xã.

Nhiều người dân tại đây cũng cho biết, người tiếp nhận diện tích đầm này là các ông K., H., C. cư trú tại các xã Vinh Quang, Tiến Hưng và Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng).

Tuy nhiên, điều đáng nói, những chủ đầm mới này đã cho người sử dụng các phương tiện đánh bắt thủy sản bằng điện (kích điện, te điện…) để thu hoạch những vật nuôi trồng mà gia đình Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý chăn thả.

Theo đó, tổng số tiền mà Vươn, Quý mua con giống lên tới 400 triệu đồng, bao gồm giống cá vược (5.000 con); tôm sú; cá trắm (7.000 con); cua giống ở đầm trong do Đoàn Văn Quý thả 3.000 con giống; khu vực đầm ngoài, Đoàn Văn Vươn thả hàng vạn cua giống.

Tất cả các loại thủy sản kể trên được thả nuôi vào khoảng tháng 2/2011. Thời điểm được khai thác rơi vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, Vươn, Quý chưa kịp khai thác thì xảy ra sự việc cưỡng chế như đã biết.

Với con số đầu tư chăn thả các giống vật nuôi kể trên, sản lượng thủy sản đến tuổi đánh bắt hiện có trong 40,3ha đầm của Vươn, Quý lên tới hàng chục tấn. Tính theo giá thị trường, số tiền thu được từ việc khai thác những loại vật nuôi này lên đến nhiều tỷ đồng.

5. Thu hồi nhưng không bồi thường

Trả lời câu hỏi vì sao huyện thu hồi đất không bồi thường, ông Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) Lê Văn Hiền, cho rằng tại các quyết định giao đất đều đã quy định rõ hết thời hạn chủ sử dụng phải bàn giao không được bồi thường. 

Tuy nhiên, trong quyết định giao 19,3 ha đầm của ông Vươn không có dòng nào nói thu hồi đất mà không bồi thường. “Huyện thu hồi không bồi thường căn cứ theo Điều 38 Luật Đất đai” - ông Hiền nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tỉnh, Phó chánh thanh tra Tổng cục đất đai khẳng định trên báo Dân trí, Chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường, hỗ trợ cho ông Vươn là chưa hợp lý. Theo luật, đất được giao mà thu hồi trước thời hạn thì người sử dụng đất được bồi thường đối với đất và tài sản trên đất trên cơ sở tính giá trị còn lại. Nếu thu hồi đất này đúng thời hạn thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ với công trình trên đất như nhà trông coi nơi nuôi trồng thủy sản, cống dẫn nước, bờ bao…

Đồng quan điểm đó, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời trên báo Người lao động cũng nhấn mạnh, phải bồi thường nhà cho ông Đoàn Văn Vươn.


Thành Chung (tổng hợp)

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Những dòng sông cùng chảy.

Lập đoàn giám sát vụ cưỡng chế đất Hải Phòng

Tại cuộc họp sáng 18/1, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã thống nhất lập đoàn giám sát để tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, thu hồi đất, thực hiện cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).
'Quyết định thu hồi đất ở Hải Phòng là trái luật'Góc nhìn đối lập về chủ đầm tôm bị cưỡng chế

Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng hệ thống chính trị địa phương, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở đã không phát hiện sớm những bức xúc của người dân về cách hành xử của chính quyền.
* Clip: Quan chức Hải Phòng nói về việc phá nhà ông Vươn
Ngoài ra, báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Hải Phòng về vụ cưỡng chế lại sao chép các tài liệu từ chính quyền, không phản ánh được đa chiều nguyện vọng của người dân.
Tại cuộc họp sáng 18/1, một số ý kiến băn khoăn về cách làm của huyện Tiên Lãng từ khâu giao đất đến thu hồi, cưỡng chế thu hồi đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn cũng như các hộ dân khác. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền là anh em ruột với Chủ tịch xã Vinh Quang Lê Văn Liêm - nơi có đầm thủy sản bị thu hồi khiến nhiều ý kiến đề cập tới tính khách quan của quyết định thu hồi và cưỡng chế thu hồi...
Huyện Tiên Lãng đã sử dụng lực lượng vũ trang mạnh để cưỡng chế đầm tôm nhà ông Vươn. Ảnh: Báo Hải Phòng.
Huyện Tiên Lãng đã sử dụng lực lượng vũ trang để cưỡng chế đầm tôm nhà ông Vươn. Ảnh: Báo Hải Phòng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, các ý kiến thống nhất nhận định vụ việc không còn là chuyện riêng của Tiên Lãng hay Hải Phòng mà là mối quan tâm chung của cả nước. Vì vậy, cần lập đoàn giám sát tại địa phương.
Theo ông Kim, đoàn sẽ làm rõ nhiều nội dung. Hành vi nổ súng, chống người thi hành công vụ của gia đình ông Vươn là sai, song Mặt trận Tổ quốc sẽ xem xét và cho ý kiến về các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ. Đặc biệt, đoàn sẽ dành thời gian để tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quy trình giao, sử dụng cho đến thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng.
Đối với việc cưỡng chế thu hồi đầm thủy sản ngày 5/1, ông Kim cho rằng, việc này có dấu hiệu áp đặt không khác gì cưỡng đoạt, thiếu coi trọng quyền lợi người dân trong khi họ đã bỏ công sức, sinh mạng để gây dựng. "Vì sao cưỡng chế mà lại huy động cả lực lượng quân đội? Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đề nghị Chính phủ sớm thanh tra toàn diện, xử lý nhanh và trả lời gấp cho dư luận xã hội", ông Kim nói và cho biết thêm, việc huy động quân đội ở vụ cưỡng chế này có dấu hiệu vi hiến.
Trước đó ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương. Vụ nổ súng không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tuy nhiên, bên cạnh việc vi phạm pháp luật của người dân, nhiều vấn đề cũng đã được đặt ra như tính pháp lý của quyết định thu hồi đất khai hoang, thẩm phán ký vào thỏa thuận rút đơn kiện, chính quyền phá hủy nhà ông Đoàn Văn Vươn ngoài khu vực cưỡng chế .
Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định, quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng với gia đình ông Vươn vừa trái luật vừa trái đạo lý, cố tình tước bỏ quyền lợi của người dân. Và ông cho biết, sẵn sàng đối chất với huyện Tiên Lãng về vấn đề này.
Thủ tướng đã yêu cầu Chủ tịch UBND Hải Phòng kiểm tra làm rõ trách nhiệm vụ cưỡng chế đất. Bộ Công an, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã vào cuộc.
Nguyễn Hưng

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Lại thêm sai trái sau vụ cưỡng chế ở tiên lãng

Thuỷ sản tại đầm của Đoàn Văn Vươn bị vơ vét?

 - 40,3ha đầm nuôi trồng thủy sản bị cưỡng chế của Đoàn Văn Vươn đang bị một nhóm người lạ sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện vơ vét hải sản trong nhiều ngày qua.

Phản ánh với VietNamNet, chị Phạm Thị Hiền (SN 1982, vợ của Đoàn Văn Quý) và chị Nguyễn Thị Thương (SN 1963, vợ của Đoàn Văn Vươn) cho biết, nhiều ngày nay, rất nhiều người lạ mặt đã sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện như kích điện, te điện… thu hoạch số thủy hải sản mà gia đình các chị đầu tư, nuôi thả từ đầu năm 2011.
Theo chị Hiền, diện tích 19,3ha nằm trong diện bị cưỡng chế ngày 05/1/2012 và 21ha không thuộc diện cưỡng chế đã được chính quyền huyện Tiên Lãng bàn giao cho chính quyền xã. 
Hiện tại, một chiếc đầm của Vươn và Quý đã bị rút nước để bắt thủy sản, chỉ trơ lại đáy đầm khô cạn.

Nhiều người dân tại đây cũng cho biết, người tiếp nhận diện tích đầm này là các ông K., H., C. cư trú tại các xã Vinh Quang, Tiến Hưng và Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng).
Tuy nhiên, điều đáng nói, những chủ đầm mới này đã cho người sử dụng các phương tiện đánh bắt thủy sản bằng điện (kích điện, te điện…) để thu hoạch những vật nuôi trồng mà gia đình Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý chăn thả.
Tất cả những giống nuôi này, theo kế hoạch của Vươn, Quý sẽ được khai thác vào cuối năm 2011, thời điểm cận Tết.
Theo đó, tổng số tiền mà Vươn, Quý mua con giống lên tới 400 triệu đồng, bao gồm giống cá vược (5.000 con); tôm sú; cá trắm (7.000 con); cua giống ở đầm trong do Đoàn Văn Quý thả 3.000 con giống; khu vực đầm ngoài, Đoàn Văn Vươn thả hàng vạn cua giống.
Tất cả các loại thủy sản kể trên được thả nuôi vào khoảng tháng 2/2011. Thời điểm được khai thác rơi vào tháng 12/2011. Tuy nhiên, Vươn, Quý chưa kịp khai thác thì xảy ra sự việc cưỡng chế như đã biết.
Theo lời chị Hiền: giá thành của 1kg tôm sú loại ba hoa (ba con tôm được 1 lạng) dao động từ 200 – 250 ngàn đồng/kg; loại năm hoa (hai con được 1 lạng) giá lên tới 450 ngàn đồng/kg.
Giá cua vào thời điểm cuối năm lên tới 600 – 700 ngàn đồng/kg.
Cá trắm nuôi trong đầm thời điểm hiện tại đã đạt trọng lượng 3kg/con; cá vược đạt trọng lượng trên dưới 1kg/con.
Dùng kích điện, te điện để khai thác tận diệt thủy sản trong đầm vừa bị cưỡng chế.

Ngoài ra, đầm còn có rất nhiều tôm lược, tôm giảo (tôm có trong tự nhiên) và tép. Những năm trước, kể từ khi huyện Tiên Lãng ban hành quyết định thu hồi đầm kèm theo thông báo các hộ không được đầu tư, nguồn thủy sản tự nhiên (tôm lược, tôm giảo và tép…) là nguồn thu chính của các chủ đầm.
Có thời điểm, một ngày gia đình chị Hiền bắt được cả tạ tôm giảo, vài chục kg tép. Giá một kg tép bán ra ngoài thị trường là 90.000 đồng/kg.
Với con số đầu tư chăn thả các giống vật nuôi kể trên, sản lượng thủy sản đến tuổi đánh bắt hiện có trong 40,3ha đầm của Vươn, Quý lên tới hàng chục tấn. Tính theo giá thị trường, số tiền thu được từ việc khai thác những loại vật nuôi này lên đến nhiều tỷ đồng.
Chị Hiền xót xa: “Chưa bao giờ chúng em sử dụng phương tiện đánh bắt bằng điện để khai thác thủy sản trong đầm, vì như thế là hủy diệt môi trường, hủy diệt trứng của các loại thủy sản trong tự nhiên. Em chỉ lo, mai này mà được trả lại đầm, chắc chẳng còn loài nào sống sót, vì nó đã bị kích điện, te điện diệt hết cả từ khi còn trong trứng nước!”.
Hiện tại, một chiếc đầm của Vươn và Quý đã bị rút nước để bắt thủy sản, chỉ trơ lại đáy đầm khô cạn. Mỗi ngày, hàng chục nhân công dùng kích điện, te điện chà xát khu vực đầm.
Số thủy sản đánh bắt được được cân ngay trong ngày, có người vào tận đầm để mua.
Đầm cống Rộc, đầm xóm Vam… tại xã Vinh Quang nằm ở cửa sông Thái Bình. Do đó, các đầm tại vị trí này có nguồn lợi thủy sản rất phong phú cũng như rất thuận lợi để nuôi trồng. Rất nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo khi chuyển sang mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại đây.
Ông Vũ Văn Luân, Thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, trực thuộc Thành hội Nghề cá Hải Phòng cũng là một chủ đầm nuôi trồng thuỷ sản tại xã Vinh Quang xác nhận: việc đánh bắt, khai thác thủy sản tại đầm của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã được nhóm người này tiến hành trong nhiều ngày qua, sau khi việc cưỡng chế thu hồi hoàn thành. 
Nhiều người dân xã Vinh Quang cũng khẳng định: từ sau ngày 5/1/2012, chính quyền xã Vinh Quang đã cử lực lượng canh giữ không cho người lạ vào khu vực đầm của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý.
Như thế, việc khai thác tận diệt này diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều người, và đều là những người có nhiệm vụ thực thi pháp luật. 
Sáng 16/01/2012, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng để xác minh sự việc, nhưng ông Hiền không trả lời.
Trao đổi với báo chí trước đó, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, ông Ngô Ngọc Khánh thông tin: Diện tích đầm bãi bị thu hồi sẽ được tổ chức cho những người có nhu cầu thuê đấu thầu. Tuy nhiên, với diện tích đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý lại không được đấu thầu.
Chị Phạm Thị Hiền – vợ của Đoàn Văn Quý.

Chị Hiền cho biết, các chị sẽ làm đơn phản ánh việc nhiều người sử dụng phương tiện đánh bắt theo kiểu tận diệt để khai thác hải sản nuôi thả trong đầm của gia đình.
“Đó là tài sản của chúng tôi. Huyện cưỡng chế để thu lại đầm chứ không có nghĩa là thu cả những vật nuôi thả mà chúng tôi chưa kịp khai thác” - chị Hiền nói.
Với diện tích 21ha đầm bị cưỡng chế “quá tay”, được biết, Đoàn Văn Vươn đã có đơn khiếu nại quyết định thu hồi này (QĐ 460) nhưng UBND huyện Tiên Lãng chưa giải quyết, và cũng chưa có quyết định thu hồi.  
Như thế, theo quy định của pháp luật, đối với diện tích đang xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, chính quyền có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, ở đây thì không!
Kiên Trung