Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Cuộc chiến thông tin về Biển Đông: Trung Quốc và phần còn lại của thế giới

 Nguồn:   http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1582-1582

Việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam đã thu hút quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế trong suốt thời gian vừa qua. Dưới đây là tổng hợp ý kiến, đánh giá và phản ứng của dư luận trướchành động của Trung Quốc tại Biển Đông được đăng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước tuần qua.
Theo RFI, dư luận Việt Nam nói chung và các học giả Việt Nam nói riêng đòi hỏi các nhà lãnh đạo Hà Nội phải có thái độ mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh, nếu không Trung Quốc sẽ lấn tới trên vấn đề Biển Đông.
Trên tờ Lao động ngày 5/6, giáo sư tiến sĩ Chu Hảo nhận định hành động của Trung Quốc với tàu Bình Minh 02 ngày 26/5 vừa qua là “một kịch bản được dàn dựng trước” nhằm biến yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông thành hiện thực. Ông Hạo cho rằng Việt Nam cần phản ứng thích đáng trên cả 3 cấp độ: song phương, khu vực và quốc tế. Như thế, “Trung Quốc sẽ luôn phải nghĩ kỹ trước mỗi hành động tiếp theo trên Biển Đông.”
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên VietnamNet ngày 2/6 cũng nhận định: “Ta vững thì họ lùi, ta lùi thì họ tiến. Mềm nắn, rắn buông, Trung Quốc luôn là như vậy. Người ta gọi sự kiện Bình Minh 02 là phép thử là vì lẽ như vậy. Có hay không những vụ Bình Minh 02 khác hoàn toàn phụ thuộc vào hành xử của chúng ta”.
Trả lời phỏng vấn tờ Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 3/6, một chuyên gia về Trung Quốc, Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc, thì đề nghị: “Việc Việt Nam cần làm bây giờ là: Về đối ngoại, ngay lập tức vạch rõ tính phi chính nghĩa của Trung Quốc và nêu rõ tính chính nghĩa của ta, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Về đối nội, lãnh đạo phải tin vào nhân dân”. Ông Lượng khẳng định: “Không nên quá lo sợ và chỉ tập trung chú ý vào tiềm lực quân sự của Trung Quốc, mà nên cảnh giác với cả các lĩnh vực khác có sự tham gia rất mạnh mẽ của Trung Quốc như đầu tư, kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… ở Việt Nam ”.
Riêng đối với giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam , trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ vào ngày 3/6, sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cáp tàu Bình Minh 02 chỉ là khúc nhạc dạo đầu để thăm dò thái độ của Việt Nam và nếu Việt Nam không có thái độ thật cứng rắn, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm lấn. Muốn tạo ra đủ sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc, theo giáo sư Tương Lai, phải khích động tinh thần yêu nước của người dân, thậm chí phải để cho người dân tự do biểu tình phản đối Trung Quốc.
Trong khi đó, theo RFA, trước hoạt động phản đối Trung Quốc của nhiều sinh viên và trí thức Việt Nam ở trong nước, cộng đồng người Việt ở Campuchia cũng tỏ thái độ. Ngày 7/6, Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức toạ đàm với các thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Hội đồng Tư vấn về Đối ngoại và Kiều Bào, cũng như một số ban ngành liên quan về các sự kiện diễn ra trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Tại cuộc toạ đàm, các đại biểu cùng trao đổi và phê phán việc làm sai trái của các tàu hải giám Trung Quốc trong việc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02 trong khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 26/5. Các đại biểu đều đồng thuận rằng phía Trung Quốc cần tôn trọng Công ước của LHQ về luật biển 1982 và tuyên bố ứng xử của các bên về vấn đề Biển Đông (DOC) cũng như cam kết mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian gần đây. Theo các đại biểu, tranh chấp trên Biển Đông sẽ không thể giải quyết trong ngắn hạn và kiên trì giải quyết bằng đối thoại và hoà bình.
Phó chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết các ý kiến đóng góp sẽ được Ban thường trực tổng hợp, phân tích và tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề biển đông.
Trong khi đó, theo BBC, ngày 7/6, Trung Quốc đã lên tiếng giục Việt Nam hãy có "những nỗ lực nghiêm túc" nhằm giải quyết tình trạng giận dữ quanh vùng lãnh hải đang tranh chấp ở Biển Đông, sau khi hàng trăm người tham dự cuộc biểu tình hiếm hoi tại Hà Nội nhằm phản ứng lại hành động của Bắc Kinh. 
AFP trích lời Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và các vùng lãnh hải lân cận". "Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đạt được nhận thức chung quan trọng về phương cách xử lý các vấn đề trên biển và duy trì sự ổn định ở Biển Đông".
"Chúng tôi hy vọng là phía Việt Nam sẽ có những nỗ lực nghiêm túc nhằm thực thi các nhận thức chung đó".
Bản tiếng Anh trích thuật tuyên bố của ông Hồng Lỗi dùng từ "Spratlys" là tên tiếng Anh của quần đảo Trường Sa, còn biển Nam Hải là tên mà Trung Quốc dùng để chỉ khu vực Việt Nam gọi là Biển Đông. Đồng thời, Truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cáo buộc Việt Nam ngày càng tỏ ra quyết liệt và táo bạo hơn bởi có sự ủng hộ từ Mỹ. Lời cáo buộc này được đưa ra sau khi giới hữu trách Việt Nam khẳng định giữ vững lập trường trong vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và quyết định tiếp tục cho tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ra khơi, cộng với cuộc biểu tình hiếm hoi của hàng trăm người ở Việt Nam cuối tuần qua nhằm phản đối những hành động của Trung Quốc mà họ gọi là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam .
Tờ báo có tên Văn Hối, một tờ báo của chính phủ Trung Quốc có trụ sở ở Hong Kong, nói rằng Việt Nam đã được Mỹ khuyến khích để hành động “một cách táo bạo hơn”. Bài báo trích lời ông Bành Quang Khiêm, một chuyên gia quân sự của Trung Quốc, nói rằng Hà Nội không nên tiếp tục khiêu khích Trung Quốc và cảnh báo rằng Washington sẽ bỏ rơi Việt Nam nếu lợi ích của họ bị ảnh hưởng. Bài báo cũng nói rằng Việt Nam nên nhớ câu nói “Một đứa trẻ không vâng lời sẽ bị đánh đòn”.
Hôm 7/6, báo New York Times, ấn bản online có bài của tác giả Philip Bowring, bình luận rằng Trung Quốc đã tấn công tàu thăm dò của Việt Nam ở ngay vùng biển mà các nước khác đều coi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bài báo này nhận xét hành động mới nhất, cùng các hành động hồi năm 2010 như gây sự về vấn đến lãnh thổ với Việt Nam , Philipine, Nhật Bản và Ấn Độ, hay việc Bắc Kinh khiến Hàn Quốc tức giận vì đã không lên án sự hung hăng của Bình Nhưỡng, cho thấy Trung Quốc đang tỏ thái độ không tôn trọng hiện trạng thực tế trong vấn đề lãnh thổ với các quốc gia láng giềng.
Báo Nihonkeizai ngày 7/6 bình luận về vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò Việt Nam tại Biển Đông và việc Trung Quốc xây dựng công trình mới tại khu vực tranh chấp với Philipine tại khu vực quần đảo Trường Sa, cho rằng lời nói và việc làm của Trung Quốc không ăn khớp với nhau, Nhật Bản cần tăng cường liên kết với Mỹ và ASEAN để kêu gọi Trung Quốc hành xử một cách có trách nhiệm để duy trì sự ổn định tại khu vực biển có liên quan chặt chẽ đến lợi ích quốc gia của Nhật. Philipine cho rằng việc làm của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố hành động Trung Quốc - ASEAN được ký năm 2002 kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề tranh chấp. Phát biểu tại diễn đàn an ninh khu vực được tổ chức tại Singapore tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khẳng định Trung Quốc tuân thủ Tuyên bố hành động Biển Đông. Nhằm kêu gọi Trung Quốc thống nhất hành động với các phát ngôn của mình và để xây dựng cơ chế phòng tránh xung đột leo thang, các bên đang nỗ lực nâng cấp Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông và Trung Quốc cần tham gia tích cực để lấy lòng tin của các nước khu vực.
Sau tháng 7, một loạt các hội nghị quốc tế quan trọng gồm Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ được tổ chức. Nhật Bản cần chủ động hơn đối với tình hình khu vực, hỗ trợ sự can dự của Mỹ vào Châu Á, tăng cường quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ để bảo đảm sự ổn định tại Châu Á trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự, liên kết với Mỹ và ASEAN kêu gọi Trung Quốc kiềm chế...
Quang Thịnh (Tổng Hợp)

Không có nhận xét nào: