Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Trông người lại nghĩ đến ta...



Nghị sĩ Philippines sỉ nhục nhau vì 'đi đêm' với Trung Quốc

Chủ tịch Thượng viện Philippines mắng nghị sĩ Antonio Trillanes IV là kẻ lừa đảo và hèn nhát, sau khi vụ bê bối về việc ông nghị này "đi đêm" với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển đảo vỡ lở.
'Đi đêm' với Trung Quốc

Trillanes đã bỏ ra khỏi phòng họp của quốc hội khi bị chất vấn về việc bí mật đến Bắc Kinh đàm phán, hôm thứ tư.
"Ông ta không chịu được nhiệt. Ông là đồ hèn nhát", chủ tịch thượng viện Juan Ponce Enrile nói khi Trillanes rời phòng.
Sau đó ông Enrile đọc to các biên bản mà cựu đại sứ Philippines tại Trung Quốc, bà Sonia Brady, đã lập. Biên bản ghi lại cuộc gặp của bà với nghị sĩ Trillanes, trong đó ông nghị này tố cáo Ngoại trưởng Albert del Rosario phản quốc.
"Ông đến Trung Quốc, ông yêu cầu đại sứ gặp ông, rồi ông nói 'đừng có ghi biên bản nhé', rồi ông gọi Ngoại trưởng là kẻ phản quốc. Trên thực tế, ông cũng nói với tôi rằng ông ấy (ngoại trưởng) phản quốc", chủ tịch thượng viện nói với nghị sĩ Trillanes, theo Manila Standard Today.
Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes. Ảnh: EPA
Chính trường Philippines đang chao đảo sau khi việc ông Trillanes đã bí mật thương lượng với Bắc Kinh từ hồi tháng 5, về tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông.
Theo báo chí Philippines, Trillanes tố cáo Ngoại trưởng del Rosario theo đuổi lập trường cứng rắn trong tranh chấp, suýt nữa đẩy quốc đảo vào thế xung đột với Trung Quốc, và cho rằng ông ngoại trưởng phản bội tổ quốc.
Báo chí Philippines đưa các thông tin trái ngược nhau về việc ông Trillanes có được sự ủy quyền của tổng thống hay không. Phát ngôn viên tổng thống, ông Edwin Lacierda hôm qua nói với các phóng viên rằng nghị sĩ đã đề nghị được làm trung gian giảm căng thẳng, nhưng tổng thống Benigno Aquino chỉ đón nhận đề nghị đó như một phần trong chính sách "xem xét mọi khả năng" mà thôi.
Ông Trillanes xác nhận đã bí mật gặp các quan chức cao cấp của Trung Quốc 16 lần kể từ tháng 5, khi căng thẳng do tranh chấp bãi cạn lên cao.
Chủ tịch thượng viện Enrile tố cáo nghị sĩ Trillanes đã tìm cách bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh. "Ông ta chính là 'Bóng ma trong nhà hát trên chính trường Philippines", Enrile so sánh và thậm chí còn đặt câu hỏi "Nghị sĩ kiểu gì vậy?".
Chủ tịch thượng viện Enrile. Ảnh:
Chủ tịch thượng viện Enrile. Ảnh: Manila Standard Today.
Nhiều nghị sĩ khác trong phiên họp bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào chính sách ngoại giao mà Ngoại trưởng del Rosario thực thi. Phó tổng thống Jejomar Binay, khi trả lời các phóng viên, cũng ca ngợi việc thi hành trách nhiệm đứng đầu ngành ngoại giao của Rosario.
Ông del Rosario cũng gửi một thông cáo tới quốc hội, nói rằng bản thân ông đang thực thi chính sách ngoại giao mà tổng thống đề ra. "Chúng tôi sẽ không tôn trọng những kẻ đang chia rẽ chúng ta. Chúng ta cần có một chính sách thống nhất và một đội ngũ toàn tâm toàn ý bảo vệ lợi ích quốc gia", thông cáo có đoạn.
Trước tình trạng bê bối lan rộng, phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines cũng khẳng định rằng Tổng thống Aquino hoàn toàn tin tưởng vào ngoại trưởng.
"Chúng ta chỉ có một người đứng đầu về chính sách, đó là tổng thống. Vì thế chỉ có một kênh đối ngoại chính thức, đó là bộ ngoại giao. Trung Quốc hiểu rõ điều này", phát ngôn viên Lacierda nói.
Cựu tổng thống Philippines Joseph Estrada, vốn nổi tiếng là người mạnh miệng, cũng nhảy vào cuộc tranh cãi. Tờ Inquirer dẫn lời ông này gọi nghị sĩ Trillanes là "kẻ dối trá", "vô ơn" và "điên rồ".
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc bùng nổ từ tháng 4, khi tàu của đôi bên chạm mặt nhau tại bãi cạn Scarbourough/Hoàng Nham mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc điều nhiều tàu hải giám tới khu vực, đối đầu với các tàu tuần duyên của Philippines. Tranh chấp này trở thành chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của khu vực và cả thế giới, và cũng là một phần nguyên nhân khiến Hội nghị Bộ trưởng ASEAN ở Campuchia hồi tháng 7 thất bại trong việc ra thông cáo chung.
Thanh Mai


Người Nhật sẽ biểu tình chống Trung Quốc

Các nhà hoạt động Nhật Bản hôm nay sẽ tiến hành cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, dự kiến có hàng nghìn người tham gia, để phản đối hành động của Bắc Kinh xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
Lãnh sự quán Trung Quốc bị ném bom khói
Chiến tranh thương mại Nhật - Trung

Nhà hoạt động Nhật cầm biểu ngữ "Senkaku là của Nhật Bản, Trung Quốc hãy chấm dứt xâm lược" trong cuộc biểu tình hôm 18/9 tại Tokyo. Ảnh: AFP
Những người biểu tình dự kiến sẽ tụ tập trước đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để bày tỏ sự phản đối "hành động xâm lược" và những cuộc biểu tình chống Nhật của Trung Quốc. Đây được coi là cuộc tuần hành lớn nhất của Nhật kể từ khi nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc đến nay,Huanqiu dẫn nguồn truyền thông Nhật cho hay.
Trước đó, ngày 18/9, một nhóm nhỏ người Nhật cũng tụ tập để phản đối Trung Quốc tại trung tâm Tokyo. Khoảng 50 người tập trung tại lối vào của ga tàu Shibuya, họ cầm cờ, biểu ngữ và tuyên bố chủ quyền của Nhật tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Theo Wall Street Journal, cuộc biểu tình ngày 19/8 không có nhiều người tham gia vì được tổ chức vào ngày thường. Những người biểu tình tỏ ý ủng hộ đảng Dân chủ Tự do của Nhật và yêu cầu đảng cầm quyền, đảng Dân chủ Nhật Bản, và chính phủ phải có những hành động cụ thể để bảo vệ quần đảo.
Cuộc biểu tình hôm nay và cuộc biểu tình ngày 18/9 đều do Ganbare Nippon, một tổ chức dân tộc chủ nghĩa cánh hữu mới thành lập từ năm 2010, lên kế hoạch. Ganbare Nippon cũng từng tổ chức chuyến đi tới đảo Senkaku/Điếu Ngư của 150 người Nhật, trong đó có 8 nghị sĩ quốc hội, hồi tháng 8.
Phe cánh hữu của Nhật có quan điểm cần phải quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại trước tình hình Trung Quốc gia tăng sức ép và những cuộc biểu tình chống Nhật.
Cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Shigeru Ishiba tuần qua lên án Trung Quốc tiến hành cuộc chiến pháp lý, thông tin và tâm lý chống lại Nhật Bản. Cựu thủ tướng Shinzo Abe cùng các thành viên của đảng Dân chủ Tự do, cho rằng Nhật Bản cần "làm rõ quan điểm cứng rắn đối với chính phủ Trung Quốc và không cho phép tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Nhật Bản".
Nhiều người dân Nhật cũng chia sẻ quan điểm cứng rắn này của các chính trị gia. "Nhật Bản quá hiền lành. Nếu Trung Quốc khiêu khích thì chúng ta phải chống lại họ", Emi Yamagata, một nhân viên thiết kế, cho hay.
"Tôi muốn chính phủ Nhật phải mạnh tay hơn. An ninh cần được tăng cường, ví dụ như tăng số tàu tàu duyên xung quanh khu vực quần đảo", Aki Kaneko, một người nội trợ, nói.
Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo thuộc biển Hoa Đông. Nó cách Naha, thành phố chính trong chuỗi đảo Okinawa của Nhật, khoảng 400 km và đảo Đài Loan khoảng 200 km. Đồ họa:Hangthebankers
Tuy nhiên, các nhà dân tộc chủ nghĩa của cánh hữu cũng kêu gọi bình tĩnh và thận trọng, để không làm gia tăng căng thẳng và làm tăng thêm tâm lý chống Nhật.
Căng thẳng Trung - Nhật xung quanh chủ quyền quần đảo không người trên biển Hoa Đông bắt đầu nóng lại từ hồi tháng 4 khi thị trưởng Tokyo, Shintaro Ishihara, một nhà dân tộc chủ nghĩa, công bố kế hoạch mua lại chuỗi đảo cho thủ đô Tokyo. Sau đó, chính phủ Nhật cũng lên kế hoạch quốc hữu hóa chuỗi đảo này.
Tuần trước, chính phủ Nhật Bản chính thức thông qua kế hoạch mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật gây ra nhiều cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc. Tokyo tuyên bố sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại do những người biểu tình quá khích gây ra cho các cơ quan ngoại giao của Nhật ở Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: