Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Chuyện báo chí thời xưa.


10-10: ngày công lý thọ nạnNguon: http://blog.yahoo.com/_UZCIIZQ35CAUJQS4SCETU5JFXM/articles/751344
Tháng 10 có một ngày, theo tôi, các nhà báo Saigon nên biết và nên nhớ. Đó là "Ngày ký giả đi ăn mày", nhưng tôi thích cụm từ này hơn : Ngày công lý thọ nạn ! Hôm nay 8-10-2008, những ký giả xuống đường vì tự do báo chí năm xưa ấy đã gặp nhau tại trụ sở Hội nhà báo TPHCM để cùng ôn lại chuyện cũ...
.....Sau Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm mọi cách bưng bít dư luận, khủng bố báo chí bằng cách cho áp dụng Luật 007. Theo Luật này, một số báo bị tịch thu, đưa ra tòa xét xử. Một số người bị tù, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ... Như vậy, cả chủ báo và ký giả đều bị đe dọa, chẳng những mất tự do ngôn luận mà đời sống cũng sa sút. Các nghiệp đoàn ký giả ở Sài Gòn phải tập hợp lại để tìm biện pháp cứu nguy báo chí.
Ngày 8-9-1974, Hội chủ báo triệu tập một cuộc họp liên tịch với ba đoàn thể ký giả : Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, Hội ái hữu ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Cuộc họp đã bầu Uy ban đấu tranh đòi tự do báo chí do ông Nguyễn Văn Binh (ba của phóng viên Binh Nguyên), dân biểu đối lập, đại diện báo Đại dân tộc làm chủ tịch. Mục tiêu trước mắt của Ủy ban là chống việc thi hành Luật 007.
Trong một cuộc họp liên tịch giữa ba hội đoàn ký giả, phó chủ tịch Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt Tô Văn phân tích tình hình báo chí dưới áp lực của Luật 007 và báo động rằng Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị đưa ra tòa xử một số báo đã bị tịch thu. Từ ngày áp dụng Luật này đã có 70% người làm báo bị thất nghiệp. Vì vậy "anh em báo chí chúng ta phải đi ăn mày vì Luật 007 của Thiệu".
Cả ba hội đoàn báo chí đều nhất trí phát động đấu tranh dưới hình thức ký giả xuống đường đi ăn mày và bầu các đại diện vào Ban tổ chức
Danh xưng ban đầu là "Ngày báo chí xuống đường đi ăn mày" để tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc trong bộ máy làm báo, từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo , họa sĩ, nhiếp ảnh viên, những người làm công tác trị sự, phát hành báo... gọi chung là "công nhân liên thuộc".
Ban tổ chức "Ngày báo chí đi ăn mày" chọn ngày 10-10-1974 làm ngày xuống đường. Có các cuộc tiếp xúc rộng rãi với Hội chủ báo, Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí, Hội đồng báo chí, v.v... để thông báo quyết định này và tranh thủ sự đồng tình, cùng thống nhất hành động.
Ban tổ chức lo liệu sẵn các "trang bị" đi ăn mày gồm nón lá, bị, gậy... Sự bố trí lực lượng cũng chu đáo : bố trí vòng trong, vòng ngoài để nắm tình hình, bảo toàn lực lượng khi bị khủng bố v.v... Các khẩu hiệu làm sẵn đeo trên ngực, kẻ trên nón lá dòng chữ "10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày".
Ban tổ chức chính thức thông báo với chính quyền Sài Gòn và đăng báo kêu gọi giới làm báo tham gia xuống đường.
Sáng 10-10-1974, một nguồn tin cho biết, chính quyền Sài Gòn sẽ không đàn áp bằng vũ lực, không giải tán nhưng cũng không cho ký giả xuống đường đi ăn mày.
Thực tế cho thấy họ cử các lực lượng chuyên can thiệp và giải tán đám đông, giải tán biểu tình kéo đến thị uy với đầy đủ trang bị : Khiên mây, gậy bịt da cầm tay, mặt nạ chống hơi cay, xe vòi rồng, v.v... Nhiều đội cảnh sát dã chiến vũ trang dữ dằn cũng kéo đến nhưng cũng chỉ để răn đe, thị uy. Cảnh sát áo trắng dày đặc câu tay vào nhau ba lớp vây chặt trước Câu lạc bộ báo chí biểu lộ quyết tâm ngăn chặn cuộc xuống đường. Tiếng tu huýt, tiếng còi hụ của xe cảnh sát đinh tai, chát óc, những tiếng gọi nhau trong máy bộ đàm liên tục... gây một không khí cực kỳ căng thẳng trước giờ hành động. Đó là chưa kể đến chuyện cảnh sát, an ninh đã bao vây câu lạc bộ, canh giữ suốt đêm để sáng sớm triển khai lực lượng.
Khá đông lực lượng an ninh đã triển khai đội hình len lỏi vào địa điểm tập kết, nhưng mọi việc vẫn tiến hành theo kế hoạch. Mọi người, tay cầm gậy trúc, vai mang bị đệm (ăn mày), đầu đội nón lá, áo quần xộc xệch, chỉ khác người ăn mày ở hai điểm : Tất cả đều có khẩu hiệu đấu tranh và đi đứng có hàng ngũ chặt chẽ, có sự chỉ đạo bằng máy phóng thanh cầm tay của ban tổ chức.
Đúng 8 giờ sáng hôm đó, ông Nguyễn Kiên Giang thay mặt Ban tổ chức đọc bản tuyên bố "Báo chí phải đi ăn mày vì Luật 007 của Tổng thống Thiệu". Nhiều tiếng hò reo hưởng ứng vang dội của đoàn người xuống đường.
Sau cuộc thương lượng của Ban tổ chức với viên chỉ huy cảnh sát bất thành, cảnh sát càng siết chặt vòng vây. Nhưng khi lệnh xuất phát đã ban ra, cả khối người tìm mọi cách phá bung hàng rào cảnh sát. Bên ngoài, một lực lượng quần chúng khác có cả lao động, thanh niên, sinh viên, học sinh tràn vào để bắt liên lạc với đoàn người bên trong, xô đẩy quyết liệt với cảnh sát.
Vòng vây cảnh sát tuy câu tay nhau làm ba vòng nhưng vẫn không chịu nổi sức ép mạnh mẽ từ trong bung ra và từ ngoài ép vào. Các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Kiều Mộng Thu, v.v... xé hàng rào cảnh sát để vui vẻ bắt tay với đoàn người từ ngoài tràn vào. Vòng vây cảnh sát bị đứt tung từng mảng, nhưng họ lại bố trí hàng rào khác chặn lại. Trước quảng trường bao quanh Câu lạc bộ báo chí, cảnh sát tổ chức một hàng rào mạnh chặn ngang đường Lê Lợi, nhất quyết không cho đoàn biểu tình đi theo lộ trình định sẵn : xuống chợ Bến Thành, vòng công trường Quách Thị Trang rồi trở về quảng trường trước trụ sở Hạ viện (nay là Nhà hát Thành phố).
Nhưng không hàng rào cảnh sát nào chặn nổi một lực lượng hùng hậu kéo nhau đi trong tiếng hò reo nhưng rất trật tự. Đi đầu đoàn biểu tình là Ban tổ chức với biểu ngữ : "10-10-1974, ngày báo chí đi ăn mày". Cùng với đoàn ký giả đi ăn mày còn có các khẩu hiệu khác : "Yêu cầu Tổng thống Thiệu từ chức". "Tự do ngôn luận, tự do báo chí", "Đả đảo Luật 007", "Luật 007 làm báo chí phải đi ăn mày", v.v...
Cả một biển người như thác lũ tràn về công trường Quách Thị Trang. Cả trăm máy chụp hình, quay phim của phóng viên, nhiếp ảnh trong và ngoài nước làm việc không ngừng. Đồng bào các giới đứng chờ dài theo hai bên đại lộ Lê Lợi đoàn ký giả ăn mày kéo đến để "bố thí" và nhập cuộc luôn. Đoàn người ngày càng dài thêm, đông thêm. Tốp đầu đã đến công trường Quách Thị Trang mà đuôi vẫn còn ở đường Nguyễn Huệ. Thật khó ước lượng được chính xác số người tham gia xuống đường.
Không thể thống kê hết được thành phần các đoàn thể, cá nhân cùng tham gia xuống đường với giới báo chí, tính đến cả vạn người. Chỉ có thể kể một số đoàn thể như : ủy ban bảo vệ văn hóa dân tộc, Phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, các đoàn thể trong công nhân, lao động, trong sinh viên, học sinh, chị em tiểu thương các chợ, đồng bào theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, các đoàn thế Hướng đạo, Hội truyền bá quốc ngữ, giới nhân sĩ trí thức tiến bộ, các nhà giáo, v.v...
Trọn buổi sáng 10-10-1974, đoàn biểu tình thật sự làm chủ con đường Lê Lợi và cuộc xuống đường đúng theo lộ trình đã dự kiến, tập kết trước trụ sở Hạ viện, họp mít tinh hô khẩu hiệu, đốt tượng trưng Luật 007 về báo chí trước sự hò reo của những người cầm bút và đồng bào tham gia.
Một điều rất đáng công phẫn là : khi Ban tổ chức tuyên bố giải tán, kết thúc cuộc biểu tình ở Câu lạc bộ báo chí thì cảnh sát đang ra tay đàn áp, đánh trọng thương nhiều nữ tu do Ni sư Huỳnh Liên hướng dẫn để cùng tham gia với ký giả nhưng bị chúng ngăn chặn ngay từ sáng sớm tại ngã sáu Sài Gòn nên đến muộn. Các nữ tu bị khủng bố đã phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Sài Gòn. Chiều hôm ấy, Ban tổ chức mới cử đại diện vào bệnh viện để thăm viếng, tỏ lòng cảm ơn và tặng quà. Trong số nữ tu này có ba tu sĩ ở Tịnh xá Ngọc Phương.
Cuộc đấu tranh của giới báo chí Sài Gòn chống chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã đạt được mục tiêu, giáng một đòn chí tử vào chủ trương đàn áp báo chí. Nguyễn Văn Thiệu choáng voáng trước đòn đau này. Nhà Trắng ngạc nhiên và lo lắng, không ngờ lại có một cuộc đấu tranh kỳ lạ : Giới báo chí kéo nhau "đi ăn mày" vì tự do báo chí và được cả vạn người dân tham gia ,bất chấp hiểm nguy trước sự đe dọa của cảnh sát hung hãn - điều hiếm có trên hành tinh này.

Không có nhận xét nào: