Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Bài duy nhất về đề tài Đại hội đảng toàn quốc 2011

Phát ngôn&Hành động: Dấu ấn riêng và ý chí chung
Tác giả: Khánh Linh
tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-21
Sự kiện nóng hổi nhất, choán toàn bộ quan tâm của dư luận tuần qua chắc chắn là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nên Phát ngôn & Hành động tuần này xin tập trung điểm lại những phát ngôn ấn tượng của cá nhân các đảng viên tham dự sự kiện lớn này, mà không dám "lạm bàn" về nội dung của Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, hay những Báo cáo tiếp thu, giải trình trong quá trình đại hội, bởi tất cả những báo cáo đó đều là trí tuệ tập thể, khó nhận biết được dấu ấn cá nhân.

Bất ngờ... vì vui

Dễ dàng thấy được sự quan tâm của dư luận khi quan sát cách người dân giở hết báo này đến báo khác tìm thông tin, dù các báo trong nước làm không khác nhau nhiều lắm, đọc báo trong nước chưa thấy đã lại mở thêm cả báo nước ngoài, mong "săn" thêm chút thông tin nóng hổi, kể cả là thông tin... chưa chính thức.

Sự mong chờ thể hiện rõ nét hơn, từ khi các phiên thảo luận về các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng gây bất ngờ với những ý kiến tâm huyết, không ngại nói thẳng, kể cả khi đó là những ý kiến khác hoàn toàn với dự thảo đã được "cấp trên" (tức Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương khóa X) thống nhất trình ra.

Phải nói rõ hơn, đây đều là các văn kiện rất quan trọng, quyết định hướng đi của đất nước không chỉ trong thập kỷ tới như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng; báo cáo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi); báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa X.

Vẫn biết rằng thảo luận tại đoàn thường thẳng thắn hơn rất nhiều so với thảo luận tại hội trường, nhưng việc các đại biểu mang hàm bộ trưởng, thứ trưởng không ngại đặt thẳng vấn đề về sở hữu tư liệu sản xuất, vấn đề được xem là khá "nhạy cảm" tại phiên thảo luận đoàn (vào chiều 12/1) vẫn khiến nhiều người bất ngờ, tất nhiên là bất ngờ vì... vui.

Nhìn lại những ý kiến đóng góp, cũng cảm nhận được sự... cởi mở tăng dần trong các ý kiến phát biểu. Nếu thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh chỉ đặt vấn đề theo kiểu "gián tiếp" khi quan ngại nếu khẳng định chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu thì liệu các nhà đầu tư có an tâm đầu tư, làm ăn ở Việt Nam hay không, thì Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đã tiến hơn hẳn một bước khi thẳng thắn cho rằng việc đặt vấn đề "công hữu tư liệu sản xuất" thể hiện sự mâu thuẫn với định hướng phát triển kinh tế nhiều thành phần trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hay Chúng ta không thể xây dựng một đất nước rải thảm đỏ mời các nhà đầu tư, có hẳn một ngày doanh nhân Việt Nam để tôn vinh các doanh nhân , xem các nhà chiếm hữu tư liệu sản xuất là doanh nhân, rồi một lúc nào đó lại dùng cày, dùng cuốc xóa bỏ nó.



Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tặng hoa Tân Tổng bí thư. Ảnh Hoàng Long

Có thể hiểu tinh thần ý kiến của vị Chủ nhiệm Ủy ban ở những từ khóa như "mâu thuẫn", "không thể", và ông Thuận cũng không ngần ngại, tha thiết đề xuất nên sửa thành "chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là chế độ xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình, do nhân dân làm chủ, có chế độ đa sở hữu, trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất là chủ yếu".
Ý kiến của Thứ trưởng Cao Viết Sinh và Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Thuận là những ý kiến hiếm hoi về chế độ sở hữu tư liệu sản xuất mà báo chí có dịp ghi lại được, bởi một thực tế là báo chí không thể có mặt tại tất cả các phiên thảo luận đoàn, nên có thể dự đoán một cách lạc quan rằng sẽ còn nhiều nữa những ý kiến thẳng thắn trong số 1.377 Đảng viên, đại diện cho 3.6 triệu đảng viên, tiêu biểu cho hơn 86 triệu người dân Việt Nam.

"Lẳng lặng" đồng tình?

Dường như có sự đồng cảm lớn giữa Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Thứ trưởng Cao Viết Sinh của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khi chiều hôm sau (13/1), Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng không ngần ngại nêu câu hỏi trước toàn đại hội "Nếu chúng ta vẫn công hữu, ai dám đầu tư cơ sở hạ tầng? Chúng ta động viên họ đầu tư để làm gì? Để rồi, sau khi thời kỳ qua độ, chúng ta quan niệm "nuôi vỗ béo rồi thịt" thì ai dám làm, ai dám đầu tư. Tôi rất mong các đồng chí thảo luận, làm rõ".

Gây bất ngờ lớn khi không đọc lại phần tham luận báo cáo đã gửi các đại biểu, Bộ trưởng Phúc đã dành những lời tâm huyết cuối cùng (các ĐB đều biết rõ, Bộ trưởng Phúc sẽ không tham gia trung ương khóa tới, nghĩa là sẽ không tiếp tục cương vị tư lệnh ngành Kế hoạch - Đầu tư) để nhắn gửi "mong Đại hội bầu ra Ban chấp hành đoàn kết, thống nhất, giữ vững vị trí lãnh đạo với dân tộc. Hy vọng, các vị còn thời gian chừng nào phục vụ cho TƯ, cho Đảng thì phải phục vụ hết sức, hết mình".

Nếu như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc gây "xôn xao" vì không đọc lại tham luận, thì có 2 Ủy viên trung ương khác dù đọc tham luận vẫn gây chú ý, vì đề cập đến những vấn đề cốt tử. Đó là Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Đỗ Hoài Nam và Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ Vũ Tiến Chiến.

Là Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng nên hiển nhiên tham luận của ông Vũ Tiến Chiến tập trung vào chuyện... chống tham nhũng, với đủ cả thành tựu lẫn những hạn chế, nhưng quan trọng là ông Chiến đã đưa rất thẳng thắn "đề nghị Đại hội trong lựa chọn các ủy viên Trung ương kỳ này, ngoài tiêu chuẩn chung, cần coi trọng tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện "giàu nhanh", "lên chức nhanh".

Tuy đề nghị của ông Vũ Tiến Chiến chưa thể ngay lập tức thành hiện thực, nhưng biết đâu nhiều đại biểu đã "lẳng lặng" đồng tình với ý kiến của ông Chiến. Nhưng dù "quá ủng hộ, quá đồng tình" thì như chính Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Dương Chí Dũng thừa nhận, tìm được người "sạch" thời buổi bây giờ không dễ.

Ấy là chưa kể ý kiến cũng rất tâm huyết của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo trong phiên thảo luận tại đoàn đề nghị "cần phát huy dân chủ trong Đảng nhiều hơn bằng việc tạo điều kiện triển khai chất vấn trong Đảng" đã được Tân TBT Nguyễn Phú Trọng "phản hồi" trong câu trả lời với báo giới ngay sau phiên bế mạc "Tôi tin, sắp tới, theo sự phát triển chung, cần có hình thức chất vấn trong Đảng. Vấn đề là xây dựng quy chế như thế nào tạo điều kiện cho mọi người cùng sinh hoạt một cách dân chủ".

Hay tham luận của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng thẳng thắn đề nghị Đảng phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo "Cầm quyền vì dân và dựa vào dân, cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dân chủ sẽ tạo những nền tảng bền vững để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trường tồn. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì Đảng sẽ mất vai trò cầm quyền và lãnh đạo", hay "nhìn thẳng vào sự thật để thấy một thực tế đau lòng là hiện nay, tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này đang làm một bộ phận nhân dân giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ" là ưu tư rất chân thành của một Đảng viên kỳ cựu, một trí thức, và những chữ "nếu" trong lời đề nghị này có tính cảnh tỉnh mạnh mẽ.

Có phải ai sắp nghỉ cũng "mạnh mẽ"?

Sẽ vẫn có những ý kiến "khắt khe" bình luận rằng, không khí ĐH Đảng vẫn chưa được sôi động như không khí họp Quốc hội, hay các ủy viên trung ương phát biểu mạnh mẽ toàn những người "sắp nghỉ", nhưng không thể phủ nhận những bước tiến dân chủ lớn trong không khí của Đại hội Đảng lần này. Khó có thể so sánh Đại hội Đảng, 5 năm mới diễn ra một lần, chỉ gói gọn trong 1 tuần, bàn toàn những chuyện quốc gia đại sự, trong khi Quốc hội xuân thu nhị kỳ họp tới hơn 1 tháng, bàn đủ mọi vấn đề từ lớn đến nhỏ.

Như chính Tân TBT Nguyễn Phú Trọng, người đã trải qua gần 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đã điều hành Quốc hội khóa XII được dư luận đánh giá là khóa Quốc hội dân chủ nhất, cũng thừa nhận khi trả lời báo giới trong và ngoài nước: "Vừa rồi, chất vấn trong Đảng hơi ít. Tôi đoán có lẽ vì khác với chất vấn bên Quốc hội. Bên Quốc hội thảo luận những vấn đề sôi động hàng ngày, nóng bỏng, thiết thân, liên quan đến đời sống của nhân dân, đến an sinh xã hội, nhiều nội dung bức xúc. Còn ở trung ương là bàn quyết sách lớn, những chủ trương chiến lược, hỏi cũng khó chứ không phải dễ".

Hơn nữa, đúng là đa phần các Ủy viên trung ương có phát biểu mạnh mẽ đều sắp nghỉ, nhưng có phải ai sắp nghỉ cũng "can đảm" phát biểu mạnh mẽ đâu? Nếu không thì phải vài chục UVTƯ sắp nghỉ đều phát biểu thẳng thắn chứ. Chưa kể, trong những ý kiến phát biểu mạnh mẽ tại ĐH lần này, không phải ai cũng là UVTƯ. Các ĐB Cao Viết Sinh, Nguyễn Văn Thuận... không phải là UVTƯ, nhưng đã không ngần ngại nêu chính kiến của mình, dù phiên thảo luận tổ hôm ấy có sự hiện diện của (Nguyên) Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Còn những người theo dõi Quốc hội sẽ nhận thấy, dấu ấn của Quốc hội được tạo ra cũng chủ yếu do một số ĐBQH xuất sắc, không ngại va chạm, dĩ nhiên phải được sự ủng hộ, khuyến khích của người điều hành. Câu chuyện cũng không khác với những thảo luận tại ĐH Đảng XI. Dù có sắp nghỉ hay không, người phát biểu vẫn phải có đủ tâm, đủ tầm, mới đưa ra được những ý kiến xác đáng. Và thực tế là những phát biểu đó được ghi nhận, dẫn đến những thay đổi, thì vẫn là bước tiến lớn, đáng được ghi nhận.

Những người theo dõi kỹ diễn biến của nội dung liên quan đến sở hữu tư liệu sản xuất sẽ cảm nhận rất rõ bước tiến lớn này. Sau những ý kiến tâm huyết của các ĐB tại các phiên thảo luận, báo cáo giải trình tiếp thu do Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang trình bày đã giải thích lại việc Ban chấp hành trung ương khóa X đã chọn phương án như dự thảo (Hội nghị trung ương 14 đã biểu quyết với 55.06% ý kiến nhất trí giữ như Cương lĩnh năm 1991), chứ không chọn phương án 2 "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp" (như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ "tiến bộ").

Những tưởng câu chuyện sẽ dừng ở đó, vì trung ương khóa trước đã chọn thế rồi. Nhưng ngay sau phần trình bày của ông Trương Tấn Sang, ĐB Lê Đức Thúy (Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia) đã bấm nút để tranh luận lại quan điểm này, rằng "Cương lĩnh sẽ là căn cứ để xây dựng pháp luật. Khi xây dựng luật pháp, có theo Cương lĩnh hay không? Không theo thì sai định hướng, mà nếu theo, thì làm sao vừa khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, lại vừa định hướng theo "quan hệ sản xuất công hữu" được?". Ông Thúy tiếp tục đề xuất "phương án 2 chưa phải đã là cụ thể, nhưng cái chưa cụ thể ấy còn mở rộng đường hơn, chứ trói lại giữa những tranh luận, mắc mớ cả trong lẫn ngoài, sẽ làm khó khăn trong khi xây dựng chính sách, làm luật".

Có thể suy đoán rằng, "lửa" của một vài đại biểu thẳng thắn, lại là những người có uy tín chuyên môn, nên đã khiến tinh thần dân chủ của Đại hội được phát huy mạnh mẽ, khi Đại hội lấy phiếu biểu quyết các phương án, đã cho ra kết quả 65.04% đại biểu đồng ý theo phương án 2, khác với dự thảo ban đầu.

Rõ ràng, dù chỉ một vài ĐB chính thức lên tiếng tại diễn đàn thảo luận, chính thức phản biện lại dự thảo, nhưng khi tinh thần dân chủ được phát huy bằng lá phiếu, các ĐB đã thể hiện chính kiến thật sự, khác với chính kiến của Ban chấp hành trung ương khóa trước, khác cả với ý kiến của chính TBT Nguyễn Phú Trọng, khi điều hành phiên thảo luận ngày 18/1 - với cương vị là Chủ tịch Quốc hội.

Nhưng chỉ 1 ngày sau, khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã rất thẳng thắn trả lời báo giới "Về vấn đề "công hữu tư liệu sản xuất", hôm qua, khi thảo luận ở hội trường, tôi đã trình bày ý kiến của mình. Quyền của đại hội, biểu quyết thế nào thì phải chấp hành, đó là ý chí của toàn Đảng, chúng tôi nghiêm túc chấp hành". Ý chí của toàn Đảng chắc chắn đã trở thành ý chí của Tổng bí thư, dù ý chí ấy có khác với ý kiến của cá nhân ông đi chăng nữa.

Các ĐB dự ĐH XI cũng đã thể hiện chính kiến của mình, khi giới thiệu thêm tới 89 người để bầu ủy viên chính thức, 63 người để bầu ủy viên dự khuyết (trong khi Ban chấp hành trung ương khóa X chuẩn bị danh sách 186 người để bầu 175 ủy viên chính thức, và 28 người để bầu ủy viên dự khuyết), dù sau đó có những người xin rút. Như chính TBT Nguyễn Phú Trọng trả lời báo giới, "Theo quan sát của tôi, người đã có 5 khóa dự các ĐH Đảng, chưa khóa nào, việc giới thiệu nhiều như lần này. Mà tất cả đều vào danh sách, sau đó ai xin rút, ai không xin rút rồi mới chốt lại danh sách đại biểu".

Nghĩa là, đề nghị của rất nhiều đảng viên tâm huyết về việc tăng thêm số dự, mở rộng sự lựa chọn cho đại biểu đã thành hiện thực. Cho dù, chưa nhiều ứng viên được giới thiệu tại ĐH trúng cử đi nữa, thì vẫn là bước tiến lớn so với việc ĐH gần như phụ thuộc vào Ban chấp hành trung ương cũ trước đây. Nhất là những người am hiểu nhìn danh sách BCHTƯ khóa mới, sẽ thấy có những người cứ tưởng phải có, nhưng lại vắng mặt.

ĐH Đảng XI đã kết thúc, Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Tổng bí thư mới đã được tin tưởng giao phó trách nhiệm chèo lái đất nước trong 5 năm tới. Và dù tân Tổng Bí thư có nói "Tôi làm cái gì không nghĩ mục đích tạo dấu ấn, không phải để đánh bóng, không phải cốt tỏ ra mình thế nào", thì mọi công dân Việt Nam vẫn chờ đợi ông sẽ khẳng định được dấu ấn như đã tạo được với cương vị là Chủ tịch Quốc hội khóa XII vừa qua.

Không có nhận xét nào: