Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Hãy cảnh giác với những mưu kế lâu dài thâm hiểm.

 Không thể vạch mặt chỉ tên những quan chức thiếu  trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường như vụ bức tử sông thị vải hay vụ cho thuê đất rừng 50 năm ảnh hường đến an ninh quốc phòng. Những vị "Biết rõ cố làm ngơ" (như vụ vedan) hoặc "đồng lõa hay vì bệnh quan liêu, tắc trách của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng" (như vụ cho thuê đất trồng rừng của Innogreen) mắc phải mưu ma chước quỷ của các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra nghuy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia.
Quý vị có thể đọc thêm bài: " Innogreen đang làm gì trên biên giới VN" đăng ngày 25/11/2010 trên Vietnamnet.vn 
Nếu những gì họ đã làm được trên lãnh thổ Việt nam hôm nay được đặt vào tình thế của cuộc chiến biên giới năm 1979 thì hậu quả sẽ ra sao??? ai giám khẳng định điều đó là không thể???
------------------------------------------------------------------------

Hiểu binh pháp Tôn Tử để làm ăn với thiên hạ

Câu nói "thương trường là chiến trường" quả là rất đúng trên thực tế khi đối tác kinh doanh chưa có được tư duy của văn minh "cùng thắng". Không có cách nào khác, phải "đi guốc trong bụng" đối tác và đưa ra những sách lược ứng phó cao tay hơn.
Tuy có nhiều nét tương đồng khá sâu sắc với văn hóa Trung Hoa, đặc biệt ở các lĩnh vực như tư tưởng, triết học, phong tục tập quán, kiến trúc, chế độ thi cử.v.v... nhưng có lẽ riêng trong kinh doanh người Việt ta lại có những đặc điểm khác biệt. Nói ngắn gọn người Trung Quốc từ lâu đã là những thương nhân sành sỏi, chịu khó, khôn ngoan và biết nhẫn nại chờ thời (Lã Bất Vi là một điển hình lịch sử) còn chúng ta vẫn đang bỡ ngỡ trong quá trình học hỏi thiên hạ để trưởng thành.
Nhiều ý kiến cho rằng tư duy kinh doanh của người Trung Quốc có những đặc điểm rất riêng, điển hình là lối suy nghĩ chiến lược. Các chiến lược cụ thể để xử trí nhiều loại tình huống trong cuộc sống đã được phát triển, cải tiến và nghiên cứu trong hàng nghìn năm và được ghi chép trong nhiều thư tịch mà trong đó binh pháp Tôn Tử là một cuốn cẩm nang vô giá.
Trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các doanh nhân Việt Nam ngoài những kiến thức kinh tế thị trường hiện đại mà chủ yếu bắt nguồn từ phương Tây, thiết nghĩ nên trang bị cho mình các công cụ tư duy đặc thù của phương Đông. Bởi lẽ, như một nhà tư vấn người Hoa đã viết: "nếu một người phương Tây không cố gắng tìm hiểu tâm trí người phương Đông , anh ta sẽ thấy rằng chẳng thể nào phát hiện ra được cái mạng nhện chiến lược phức tạp mà các đối tác châu Á đang chăng ra quanh mình, và rồi sẽ trở thành nạn nhân của họ." (1)
Xin nêu lại một vài trong rất nhiều dẫn chứng đã diễn ra trong cuộc sống:
- Vụ công ty Vedan bức tử dòng sông Thị Vải khi âm thầm xả chất độc hại suốt nhiều năm là một ví dụ cho binh pháp "Giấu trời qua biển" và "Biết rõ cố làm ngơ" nhằm tránh chi phí xử lý môi trường và tăng lợi nhuận một cách gian lận.
Vedan áp dụng binh pháp "giấu trời qua biển" và "biết rõ cố làm ngơ" để tránh chi phí xử lý môi trường.
- Khi các thương lái và công ty nước ngoài đặt mua móng gia súc trâu, bò hay rễ cây công nghiệp thậm chí bằng hành động có tầm cỡ quy mô hơn là xây đập chắn nước ở thượng nguồn các con sông thì đó chính là binh pháp "Rút củi đáy nồi" nhằm triệt phá kinh tế của các nước vùng hạ lưu lân cận.
- Hay gần đây việc một công ty ngoại quốc lại đặc biệt quan tâm tới phát triển trồng rừng ở những khu vực đầu nguồn, biên giới kể cả tại các vùng giáp ranh quân sự mang tính chất an ninh quốc gia làm chúng ta phải giật mình, sửng sốt. Qua những gì mà báo chí tìm hiểu được (2), bằng cách phân tích và so sánh thông thường thì những ai đã tìm hiểu binh pháp Tôn Tử đều đi đến nhận định: đây chính là "liên hoàn kế" nhằm đạt một mục tiêu nhất định.
Vậy liên hoàn kế đó gồm những kế nào?
Trước tiên, nếu chủ đầu tư thực sự của dự án trồng rừng là công ty đã đứng ra xin giấy phép với chính quyền thì trường hợp này có chính danh. Nhưng nếu không phải mà là chủ khác không tiện xuất hiện, thì đây là binh pháp " Mượn dao giết người".
Công luận đặt câu hỏi: Có phải một sự trùng hợp hay không mà tại sao công ty nọ lại thuê toàn những vùng hẻo lánh gần biên giới, vùng xung yếu đầu nguồn và gần các điểm cao quân sự? Nếu không phải là tình cờ thì đây là kết quả của cả một quá trình tìm hiểu, nằm vùng, nghiên cứu công phu hết sức khoa học và tỉ mỉ theo "Kế phản gián" vô cùng lợi hại.
Để có được giấy phép đầu tư vào những vùng đất nhạy cảm và quan yếu như vậy chủ đầu tư chắc phải tốn nhiều công sức và tiền của để vận động hành lang và tranh thủ sự thông cảm, ủng hộ của chính quyền địa phương. Thông thường để đạt được kết quả trong trường hợp này, theo sách Tôn Tử vẫn dạy phải dùng phép "Bỏ hòn đất, cất hòn vàng" và " Mỹ nhân kế ".
Khi đã có giấy phép và sự làm ngơ (do đồng lõa hay vì bệnh quan liêu, tắc trách của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng) thì chủ đầu tư bắt đầu thực hiện những hoạt động không có trong giấy phép như: sử dụng quá diện tích quy định, không sử dụng lao động địa phương, cấm người ngoài qua lại v.v... cùng nhiều hành động biến tướng khác. Đến giai đoạn này binh pháp Tôn Tử "Khách biến thành chủ" đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Khi đã có đủ điều kiện khách quan và chủ quan thì bước tiếp theo là kế "Giấu trời qua bể" để đạt mục tiêu "Mượn đường phạt Quắc" chỉ còn là vấn đề thời gian.
Câu nói "thương trường là chiến trường" quả là rất đúng trên thực tế khi đối tác kinh doanh chưa có được tư duy của văn minh "cùng thắng" (win-win). Khi đó, để không bị "tiêu diệt - xẻ thịt", bảo vệ được bản thân và đạt mục tiêu kinh doanh thì không có cách nào khác là phải "đi guốc trong bụng" đối tác và đưa ra những sách lược ứng phó cao tay hơn.
Biết mình, biết người và còn phải biết người hiểu gì về mình nữa thì sẽ trăm trận trăm thắng.
----

Không có nhận xét nào: