Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Qua đại diện của mình nhân dân nóng lòng chờ chính phủ trả lời chất vấn.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nhiều chất vấn về bô xít, Vinashin, giá cả
(Dân trí) - Nhiều câu hỏi về bô xít được các đại biểu Quốc hội gửi tới Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường... Trong khi đó, không ít câu hỏi về Vinashin, dự án đường sắt cao tốc được chuyển tới Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông vận tải.
 >> “Mong nhận được câu trả lời sáng tỏ từ Thủ tướng về Vinashin”

Theo tổng hợp của Văn phòng Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ nhận được 21 chất vấn. Các Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi gồm: Bộ trưởng Công thương (37 chất vấn), Bộ trưởng Tài chính (18), Bộ trưởng Y tế (15) và Giao thông vận tải (13).
Nếu xảy ra sự cố bùn đỏ, ai chịu trách nhiệm?
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt vấn  đề về việc, có 15 đoàn thành tra, kiểm tra, kiểm toán Vinashin, nhưng không phát hiện sai phạm và chất vấn Thủ tướng: “Ai làm trưởng các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Vinashin, cần công khai danh tính để Quốc hội biết, xem xét trách nhiệm của những người này”.
Liên quan đến trách nhiệm trong vụ Vinashin, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) chất vấn Thủ tướng về các vấn đề: Ai là người chịu trách nhiệm? Chính phủ xử lý trách nhiệm này như thế nào và các biện pháp chấn chỉnh quản lý nhà nước để đất nước không bị lặp lại những tổn thất như các trường hợp PMU 18, Vinashin và nhiều vụ việc khác?
Đại biểu Đặng Như Lợi chất vấn Bộ trưởng GTVT về Vinashin (Ảnh: Việt Hưng)
Cũng về vấn đề Vinashin, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) gửi tới Bộ trưởng Giao thông vận tải các câu hỏi: “Ngay sau khi Chủ tịch Tập đoàn, Tổng Giám đốc Vinashin bị cách chức, đã có một số cán bộ được bổ nhiệm thay thế. Bộ trưởng có biết trước phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của họ? Bộ trưởng có tham gia giới thiệu họ giữ các chức vụ quan trọng của Vinashin không mà chỉ một tháng sau chính các cán bộ được bổ nhiệm cũng bị cách chức, khởi tố? Trách nhiệm của Bộ trưởng?”
Theo dự kiến, lần lượt các Bộ trưởng Công thương, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trong các ngày 22, 23/11. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời chất vấn trong buổi sáng 24/11.
Chuyển sang vấn đề khai thác bô xít, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội và cử tri có tiếp tục triển khai dự án bô xít Tây Nguyên nữa không? Nếu tiếp tục thực hiện thì hiệu quả kinh tế - quốc phòng - an ninh - môi trường ra sao? Nếu xảy ra sự cố bùn đỏ như Hungary, ai chịu trách nhiệm?
Trước dư luận và trước kiến nghị của trên 2.000 trí thức, lao động, quân nhân, trong đó có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định như thế nào về vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên? - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi Thủ tướng.
Cùng vấn đề này, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) gửi tới Bộ trưởng TN - MT ý kiến của nhà khoa học cho rằng, dừng ngay ta chỉ mất 35 triệu USD, nhưng nếu tiếp tục thì dự án này sẽ chung số phận với Vinashin, mất 4,5 tỷ USD hoặc hơn nữa. “Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về vấn đề này?", bà Dung hỏi
Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cũng mong Bộ trưởng TN - MT giải đáp “băn khoăn” của ông với việc hầu hết các nước khai thác bô xít đều thải bùn theo công nghệ khô và để bùn ở gần bờ biển, chứ không thải bùn ướt và treo bùn trên độ cao vài trăm mét so với mặt biển như ta.
Cơ sở khởi động lại dự án đường sắt cao tốc?
Về dự án đường sắt cao tốc, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi Thủ tướng, vì sao Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi dự án đường sắt cao tốc trong khi tại kỳ họp vừa rồi Quốc hội đã không thông qua dự án này và cũng không hề có nghị quyết giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, triển khai bất cứ một đoạn đường sắt cao tốc nào?
Cơ sở pháp lý, kinh tế, xã hội nào để Bộ GTVT tiếp tục đề xuất khởi động dự án xây dựng đường sắt cao tốc là câu hỏi của đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) dành cho Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.
Như thường lệ, vấn về thiếu điện được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thiệt hại do cắt điện liên miên rất lớn và hỏi Bộ trưởng đã chỉ đạo và xử lý ngành điện như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng chất vấn Bộ trưởng GTVT về đường sắt (Ảnh: Việt Hưng)
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ sở nào để hạn chế cắt điện sinh hoạt của nhân dân trong các năm 2010 - 2011 như Bộ trưởng đã cam kết?”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) nêu vấn đề, giá cả tăng liên tục, không giảm và ngoài giá vàng, giá USD, giá hàng hóa sinh hoạt của nhân dân cũng bị ảnh hưởng nhiều. “Nhân dân đề nghị Chính phủ phải có giải pháp cụ thể kiềm chế sự gia tăng của giá cả để đảm bảo đời sống nhân dân”, đại biểu Hà bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) cũng chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương trong việc quản lý giá và giải pháp để kiểm soát, bình ổn giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu.
Cấn Cường

Không có nhận xét nào: